TIN TỨC-SỰ KIỆN

SXNN 6 tháng cuối năm: Chuyển từ số lượng sang chất lượng và hiệu quả

Ngày đăng: 11 | 07 | 2011

Mặc dù được dự báo là khó đạt các mục tiêu đề ra do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường, thị trường nhiều biến động, song với những gì đạt được trong 6 tháng đầu năm 2011, một lần nữa cho thấy, sản xuất nông nghiệp vẫn luôn thể hiện được khả năng "bật" của mình trong gian khó, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

 
Mặc dù diễn biến thời tiết bất lợi nhưng năng suất lúa vụ đông xuân 2010-2011 vẫn đạt khá cao.


Giá trị sản xuất tăng
6 tháng đầu năm 2011, ngành Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức như rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc, mưa ít gây hạn hán trên diện rộng, nước mặn xâm nhập sâu tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá cả hàng hóa, vật tư đầu vào tăng… Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất của ngành ước đạt 107.065 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nông nghiệp đạt 77.793,5 tỷ đồng, tăng 3,25%; lâm nghiệp 3.580,4 tỷ đồng, tăng 5,29% và thủy sản đạt 25.691 tỷ đồng, tăng 5,05%; giá trị xuất khẩu ước đạt 12 tỷ USD, tăng 38,7%.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch và Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Trang Hiếu Dũng cho biết, có được kết quả trên là nhờ giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều tăng và việc tiêu thụ đang khá thuận lợi. Ngoài các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiêu thụ một số loại nông sản có khối lượng hàng hóa lớn như lúa gạo, càphê… Đơn cử như việc Chính phủ có quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho bà con nông dân khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch nhằm đảm bảo giữ giá lúa ở mức 5.000 đồng/kg. Kế hoạch thu mua đã đạt được mục đích là giúp giá trên thị trường tăng lên, có lợi cho bà con.
Đóng góp vào thành công này trước hết phải kể tới lĩnh vực trồng trọt. Sản lượng lúa đông xuân năm nay dự kiến đạt 19,74 triệu tấn, tăng 26 vạn tấn so với vụ đông xuân 2010, mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó, vụ lúa đông xuân ở miền Nam đạt 12,54 triệu tấn, tăng 110.000 tấn so với vụ đông xuân 2009.
Chú trọng gia tăng giá trị sản phẩm
Mục tiêu kế hoạch năm 2011 của ngành Nông nghiệp là tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng lên 2,6% (hiện mới đạt 1,9%); ổn định diện tích gieo cấy lúa khoảng 7,37 triệu hecta, sản lượng 41 triệu tấn, vượt 1 triệu tấn so với 2010; đạt mức tăng trưởng GDP 3,5%, giá trị sản xuất tăng 4,5-5% so với năm 2010 trên cơ sở tập trung ưu tiên nguồn lực cho nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực như cá tra, tôm nước lợ, lúa gạo, cao su…
Mặc dù ngành đã đạt được những thành tích ấn tượng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, những khó khăn, thách thức vẫn đang ở phía trước. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, trồng trọt hiện đang gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn hạn hẹp, cộng với lãi suất tăng cao nên các doanh nghiệp, chủ đầu tư đều gặp khó trong việc duy trì sản xuất và thực hiện các dự án. Riêng với việc thực hiện chủ trương sản xuất thêm 1 triệu tấn lúa năm 2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xác định khả năng mở rộng diện tích sản xuất lúa thu đông, thực hiện các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo "làm đâu được đấy", nhất là những nơi đã sản xuất thắng lợi.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngành tập trung chỉ đạo sản xuất lương thực, thực phẩm, tăng cường thâm canh, tăng năng suất các loại cây trồng, phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt cả năm ước đạt 8,5 triệu hecta. Đối với sản xuất lúa gạo, từ nay đến cuối năm chú trọng phát huy lợi thế về trồng lúa ở các vùng đồng bằng.
Trong khi đó, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, dịch bệnh trên đàn gia súc xảy ra trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn đến người chăn nuôi, đồng thời làm mất cân đối cung cầu trên thị trường, cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã tác động đến việc đầu tư sản xuất, nhiều hộ dân không muốn tái đàn.
Mặc dù diễn biến thời tiết bất lợi nhưng năng suất lúa vụ đông xuân 2010-2011 vẫn đạt khá cao.
 
Trước những thách thức này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo, các địa phương nên nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất như tăng cường điều tra, dự báo sâu bệnh trong lĩnh vực trồng trọt, dịch bệnh trong chăn nuôi. Phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hiệu quả ngay từ đầu, không để sâu bệnh, dịch bệnh phát sinh thành dịch lớn, khi nào kiềm chế được dịch bệnh thì mới phục hồi và phát triển sản xuất.
Trong lĩnh vực thủy sản, ông Phát yêu cầu, các địa phương ngoài việc đánh bắt trên biển và nuôi trồng thì cần theo dõi dịch bệnh, hỗ trợ ngư dân đánh bắt hiệu quả. Theo đó, cần hướng dẫn nhân dân xây dựng các tổ, đội ngư dân đoàn kết đánh bắt trên biển. Hiện, Bộ đã trình Chính phủ đề án "Xây dựng lực lượng kiểm ngư Việt Nam" để tới đây triển khai trên thực tế làm cơ sở quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Song song với đó, ngành cũng sẽ chuyển mạnh từ số lượng sang chất lượng và hiệu quả, nghĩa là chú trọng gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao công nghệ cho nông dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay cả nước đang tiến hành xuống giống lúa vụ hè thu 2011. Tuy nhiên, tại miền Bắc, do lúa đông xuân thu hoạch muộn nên tiến độ gieo cấy lúa hè thu cũng bị chậm theo. Đối với khu vực miền Nam, nhờ lúa được giá, lúa đông xuân thu hoạch sớm, thời tiết tương đối thuận lợi, nên tiến độ xuống giống lúa hè thu nhanh hơn khá nhiều so cùng kỳ năm trước. Ước toàn miền Nam xuống giống đến trung tuần tháng 6 đạt gần 1,9 triệu hecta, nhanh hơn cùng kỳ năm trước 10,8%, trong đó các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL đạt gần 1,6 triệu hecta.
Để sản xuất vụ hè thu đạt kết quả tốt, hiện các địa phương vùng ĐBSCL đã tập trung chỉ đạo nông dân thực hiện vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất ít nhất trong 3 tuần tiêu diệt mầm bệnh; xuống giống tập trung theo thời vụ chỉ đạo nhằm tránh né rầy; sử dụng các giống lúa có chất lượng cao,...
Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/7/29120.html

NỘI DUNG KHÁC

Nông dân đề nghị VFA chỉ nên tìm đầu ra cho hạt gạo

30-6-2011

Thời điểm VFA thu mua tạm trữ (15/7-30/8) là cao điểm thu hoạch lúa hè thu, trong khi hợp đồng xuất khẩu đã ký rất hạn chế, chắc chắn giá lúa sẽ đi xuống.

Các nhà nhập khẩu Mỹ phản đối quy tắc an toàn cá tra mới

30-6-2011

Nhà nhập khẩu lo ngại quy chế đề xuất mới sẽ làm giảm nguồn cung cấp cá nhập khẩu, làm giá tăng cao đối với các nhà bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng.

Tái khởi động bảo hiểm nông nghiệp

30-6-2011

Người nông dân kỳ vọng BHNN sẽ giúp họ phần nào giảm bớt gánh nặng rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh.

Cấm nhập thực vật không đăng ký xuất khẩu

30-6-2011

Đến 1.7, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cho dừng nhập các lô hàng vào VN nếu không có đăng ký.

Nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2011: Vượt khó đi lên

30-6-2011

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhìn chung, 6 tháng đầu năm, thời tiết ít thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc đã ảnh hưởng đến việc gieo cấy vụ Đông xuân.

Miền Bắc thu hoạch lúa chậm, miền Nam lúa được giá

30-6-2011

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, do thời tiết bất lợi nên tiến độ thu hoạch lúa Đông Xuân (ĐX) tại miền Bắc chậm hơn nhiều so với cùng kỳ, điều này cũng ảnh hưởng tới việc gieo cấy lúa vụ Hè Thu (HT) ở một số địa phương.

Việt Nam tham gia Hội chợ Chè quốc tế tại Hàn Quốc

30-6-2011

Để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trà nổi tiếng của các công ty Việt Nam đến với người tiêu dùng nước sở tại, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc tham gia trưng bày các ấn phẩm và sản phẩm trà mẫu và các thông tin liên quan tại Hội chợ Chè quốc tế QuangJu 2011 (Gwangju International Tea Fair 2011) vừa diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Kim Dae Jung, Thành phố Quang Ju-Hàn Quốc từ ngày 23 đến 26/06.

Mỹ ra quyết định về thuế chống bán phá giá cá tra của Việt Nam

30-6-2011

Bangladesh được chọn là quốc gia thứ 3 để tính toán biên độ phá giá cá tra Việt Nam.

Còn nhiều bất cập trong việc thực hiện dự án 5 triệu hecta rừng

30-6-2011

Tuy dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng đạt được những kết quả nhất định nhưng theo đánh giá của nhiều cơ quan chức năng, dự án vẫn tồn tại nhiều bất cập, thậm chí nhiều hạng mục không hoàn thành.

Trồng rừng hướng tới nền kinh tế xanh

30-6-2011

Mỗi năm, thế giới phải chi rất nhiều tiền cho công tác trồng và bảo vệ rừng. Vấn đề đặt ra hiện nay đó là làm sao để rừng phải mang lại thật nhiều giá trị kinh tế cho con người, xóa đói nghèo.

Triển vọng lớn cho cây đậu tương

30-6-2011

Những năm gần đây, cây đậu tương đã được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc, tuy nhiên, đầu ra chưa ổn định. Việc một nhà máy chiết xuất tinh dầu đậu tương đầu tiên ở nước ta ra đời đang hứa hẹn tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm cho người nông dân.

Sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế quản lý rừng

29-6-2011

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 34/2011/QÐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QÐ-TTg ngày 14-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ.