ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Thận trọng khi làm “lương hưu nông dân”

Ngày đăng: 25 | 04 | 2011

Ths Phùng Bá Đề - Trưởng khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Lao động Xã hội thẳng thắn đưa ra nhiều phản biện về chính sách lương hưu nông dân nói chung từ mô hình “Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nhân dân” xã Thanh Văn (Thanh Oai, Hà Nội).

Từ việc ra đời “Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nhân dân xã Thanh Văn”, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
- Qua thông tin sơ bộ được biết trên Báo NTNN, tôi thật ngạc nhiên bởi mô hình “bảo hiểm để có lương hưu cho nông dân” thí điểm không thành công giờ lại xuất hiện. Trước đây, nước ta đã có 5 tỉnh triển khai thí điểm bảo hiểm xã hội (BHXH) nông dân, nhưng cuối cùng chỉ có Nghệ An còn tồn tại.
Ông Trần Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thanh Văn trao sổ và lương hưu cho bà con nhân dịp khai trương Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi xã.
 
Tại Nghệ An, lúc đầu quỹ chỉ thu có 10.000 đồng/tháng, sau đó có thời điểm đã tăng lên 30.000 - 50.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, khả năng tồn tại của quỹ đó vẫn không đảm bảo, không đủ để chi. Trước thực trạng ấy, Nhà nước đã quyết định chuyển BHXH nông dân sang hình thức BHXH tự nguyện.
Thực tế, ở đây tôi chưa nghiên cứu kỹ cách thức gây quỹ và điều hành quỹ của xã Thanh Văn nên không biết còn những khoản thu gì, ví dụ như trích từ các khoản chi khác của thôn, của xã là bao nhiêu cũng chưa thể biết được. Nếu chỉ tính riêng nguồn thu từ quỹ, mức đóng thấp như thế là không đảm bảo để chi trả, nguy cơ rủi ro sẽ rất cao.
Trước đây, ông từng nghiên cứu rất kỹ về BHXH nông dân Nghệ An, so sánh với Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nhân dân Thanh Văn thì ông thấy có gì khác biệt?
- Quỹ ở Thanh Văn tôi chưa nghiên cứu cụ thể, nên không thể so sánh ngay được. Còn với BHXH nông dân Nghệ An, trước đây chủ yếu là thu từ nguồn đóng quỹ của mọi người tham gia. Mức thu cũng thấp, người ở tuổi 40 trở lên mới tham gia quỹ nhiều vì họ có con cái đi công tác, nên biếu bố mẹ tiền để đóng quỹ. Người tham gia hưởng lương hưu tối đa cũng chỉ có 100.000 đồng - 150.000 đồng/tháng. Mức đó đã rất thấp mà vẫn có nguy cơ không đảm bảo việc chi trả nên mới sáp nhập vào BHXH tự nguyện.
Theo tôi được biết, đến 31.12.2006 ở Nghệ An có tới gần 87.000 nông dân tham gia. Đến khi chuyển sang BHXH tự nguyện chỉ còn gần 1/3 số người tham gia. Nguyên nhân chính là phí đóng tăng lên, một số người không có khả năng đóng tiếp, nên đã nhận theo chế độ chi trả một lần.
BHXH tự nguyện khác với BHXH nông dân Nghệ An và loại hình bảo hiểm ở Thanh Văn như thế nào?
Ths Phùng Bá Đề - Trưởng khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Lao động Xã hội
- BHXH tự nguyện khác ở chỗ lấy mức lương tối thiểu hàng tháng để tính khoản tiền phải đóng cho mỗi người. Mỗi tháng phải đóng khoảng 6% lương tối thiểu, tương đương khoảng trên 100.000 đồng. Chính vì thế, số người ở Nghệ An trước đây tham gia BHXH nông dân sau khi chuyển đổi sang BHXH tự nguyện đã giảm vì không có điều kiện đóng tiếp.
Quan trọng hơn là BHXH tự nguyện của Nhà nước đã được nghiên cứu rất kỹ. Loại hình này còn tính tới cả việc trượt giá, rủi ro bị vỡ quỹ và cả thời gian 20 - 30 năm sau nếu không đảm bảo sự cân đối quỹ, người ta sẽ tính đến việc cân đối lại.
Trường hợp xấu nhất còn được Nhà nước bảo trợ. Còn BHXH nông dân trước đây thực hiện thí điểm ở 5 tỉnh theo tôi cũng chưa nghiên cứu kỹ những yếu tố rủi ro như trượt giá, vấn đề quản lý quỹ, đầu tư sinh lời như thế nào…
Vì thế, sau đó chỉ có quỹ ở Nghệ An còn tồn tại nhưng cũng đứng trước những rủi ro nên mới sáp nhập vào BHXH tự nguyện. Còn loại hình mới ở Thanh Văn, tôi chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ nên không biết điểm khác như thế nào nhưng có thể nói rằng nếu không có sự bảo trợ thì rất nhiều rủi ro.
 
“Thực tế, lương hưu chỉ có 100.000 đồng/tháng thì hiện nay chẳng có nhiều ý nghĩa đối với cuộc sống. Suy cho cùng, động lực tham gia quỹ là để giải quyết vấn đề tâm lý: Nông dân cũng có lương hưu công bằng với mọi ngành nghề khác. Đây là nhu cầu chính đáng của nông dân.” - Ông Phùng Bá Đề
Như vậy, với loại hình mới ở Thanh Văn cũng theo ông có cần tính đến những vấn đề rủi ro như trượt giá, vỡ quỹ… gây thiệt hại cho người tham gia?
- Chắc chắn là những vấn đề đó phải được nghiên cứu thật kỹ, ngoài yếu tố trượt giá, các vấn đề rủi ro còn phải tính đến vấn đề quản lý quỹ như thế nào. Theo tôi, mức quỹ hiện tại đóng 20.000 đồng, nếu chỉ gửi ngân hàng để sinh lời cho quỹ sẽ chưa đủ để bù trượt giá.
Hiện tại, Quỹ BHXH tự nguyện nếu trượt giá lớn thì Nhà nước sẽ hỗ trợ, còn loại hình ở Thanh Văn khi xảy ra rủi ro, ai sẽ bảo vệ cho người tham gia? Trong khi có rất nhiều yếu tố rủi ro, chỉ riêng trượt giá cũng có thể dẫn tới “vỡ quỹ”. Nếu xảy ra hiện tượng “vỡ quỹ” thì người chịu thiệt hại không ai khác là những nông dân trực tiếp tham gia.
Ở một địa phương như Thanh Văn, tôi không hiểu khi xây dựng loại hình này, người ta dựa vào cơ sở nào để tính tiền đóng quỹ và mức lương tháng và liệu có chuyên gia tư vấn không? Theo tôi, cần có sự tham vấn của chuyên gia trong lĩnh vực này để có khả năng tính toán cân đối quỹ, tính toán cả trượt giá và đưa ra cách quản lý…
Từ thực tế thí điểm không thành ở 5 tỉnh, theo ông mô hình “Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nhân dân xã Thanh Văn” có nên nhân rộng hay không?
- Tôi nghĩ, trong điều kiện ở nước ta hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể về lĩnh vực này nên không thể nhân rộng, bởi nếu tất cả các xã trên toàn quốc đều có loại hình này, nếu xảy ra rủi ro thì thiệt hại sẽ rất lớn. Thực tế, trên thế giới, mô hình BHXH tự nguyện phát triển nhất cũng vẫn được Nhà nước bảo trợ để tránh rủi ro.
Xã hội càng phát triển, mức sống của dân cư ngày càng cao thì nhu cầu được đảm bảo an toàn trước những rủi ro ngày càng lớn, do đó nhu cầu về bảo hiểm có xu hướng ngày càng tăng (cả BHXH và bảo hiểm thương mại). Những đối tượng khó tham gia bảo hiểm nhất hiện vẫn là nông dân, người cao tuổi, người làm nghề tự do...
Sự ra đời loại hình bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết đối với người nông dân. Tuy nhiên, việc ra đời loại hình bảo hiểm như ở Thanh Văn, theo tôi cũng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, nguy cơ đi theo “vết xe đổ” của loại hình thí điểm “lương hưu nông dân” trước đó là rất cao. Còn về người dân, nếu có điều kiện, nên tham gia vào BHXH tự nguyện để vừa có mức lương hưu đủ chi tiêu khi về già và vừa yên tâm hơn khi có rủi ro.
Theo ông, với loại hình bảo hiểm mới xuất hiện ở Thanh Văn, cơ quan nhà nước cần có những biện pháp quản lý như thế nào?
- Nếu xét về mặt kinh doanh, đã tham gia vào kinh doanh loại bảo hiểm tự nguyện thì phải đăng ký theo Luật Doanh nghiệp. Còn “Quỹ bảo hiểm và phúc lợi nhân dân xã Thanh Văn” theo như Báo NTNN phản ánh lại là do UBND xã quản lý và Chủ tịch UBND xã cũng kiêm luôn Chủ tịch HĐQT quỹ.
Vấn đề này theo tôi cũng cần xem lại, liệu có vi phạm những quy định hiện tại về bảo hiểm không. Ngoài ra, việc duy trì quỹ, quản lý quỹ, ai giám sát, giám sát như thế nào… cũng cần có tính toán cụ thể.
Xin cảm ơn ông!
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/40679p1c24/than-trong-khi-lam-luong-huu-nong-dan.htm

 

NỘI DUNG KHÁC

Xuất khẩu thủy sản dự báo cán đích 5,8 tỷ USD

22-4-2011

Nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên thế giới đang tăng mạnh, đặc biệt là thị trường lớn như Mỹ, EU, Canada, Nhật... Đây là cơ hội lớn giúp XK thủy sản VN cán đích 5,8 tỷ USD trong năm 2011.

Nhiều doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi “sập tiệm”

22-4-2011

Nguyên nhân là các công ty đó không trụ được trước tình hình khó khăn về chi phí đầu vào hiện nay.

Xuất khẩu Việt Nam còn nhiều thách thức

22-4-2011

Biến động của tỷ giá, lãi suất cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa… đang là thách thức của xuất khẩu Việt Nam.

Xuất khẩu gạo đảm bảo cho các đơn hàng trong quý hai

22-4-2011

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo tính từ đầu năm đến giữa tháng 4/2011 đạt 2,139 triệu tấn, trị giá 1,020 tỷ USD.

Thu mua, XK điều niên vụ 2011: Cảnh báo DN bán phá giá!

21-4-2011

Cảnh báo này được đưa ra tại Hội nghị thu mua toàn ngành điều VN hôm qua 20/4, trong bối cảnh thị trường mặt hàng điều đang có nhiều diễn biến bất bình thường. Đặc biệt, nguồn điều thô nhập khẩu khoảng 450.000 tấn (chiếm trên 50% lượng điều chế biến của VN hàng năm) đang bị “tắc” do tình hình chiến sự tại châu Phi…

Lợi nhuận của các công ty xuất khẩu thuỷ sản giảm

21-4-2011

Các doanh nghiệp thủy sản và nông dân đã không phát triển nuôi trồng nữa vì giá thức ăn tăng quá cao và lãi suất cho vay cộng với những hạn chế trong các khoản vay.

"Doanh nghiệp nhỏ ngành điều có nguy cơ sụp đổ"

21-4-2011

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chế biến hàng XK Long An cảnh báo, với tình trạng mua cao bán thấp như hiện nay, doanh nghiệp trong ngành điều có nguy cơ sụp đổ.

Việt Nam chi phối giá hạt tiêu thế giới

20-4-2011

Trong khi các Hiệp hội, ngành hàng dù kim ngạch xuất khẩu lớn hay nhỏ vẫn loay hoay tìm chỗ dứng, thì ngành tiêu Việt Nam đã chi phối cả nguồn cung và giá cả thị trường thế giới.

Xuất khẩu cá ngừ sẽ tiếp tục tăng trưởng

20-4-2011

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết: Cá ngừ vẫn là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (đứng thứ 3 sau tôm và cá tra). Từ đầu năm đến nay, khối lượng và giá trị xuất khẩu (XK) cá ngừ đều tăng trưởng cao. Theo dự báo XK cá ngừ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng tới do nhu cầu ở Mỹ, EU, Ixraen và Canađa có nhiều khả năng tiến triển tốt.

Xuất khẩu nông sản có thể đạt 23 tỷ USD

20-4-2011

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng chỉ số dự báo xuất khẩu hàng nông sản. Trong đó, năm 2011, dự kiến xuất khẩu gạo sẽ đạt 3,1-3,5 tỷ USD; thủy sản đạt 5,7-5,8 tỷ USD; cao su đạt hơn 3 tỷ USD; cà phê đạt 2,6 tỷ USD; điều đạt 1,4-1,5 tỷ USD...

Cá tra Việt Nam lại bị chơi xấu

20-4-2011

Thông tin không đúng sự thật tại Chương trình “Pangasius Lie” của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) được phát sóng trên truyền hình Đức cách đây hơn một tháng khiến từ mấy tuần nay, nhu cầu tiêu thụ cá tra tại khu vực Bắc Âu giảm nghiêm trọng.

Xuất khẩu gạo thu về 1,02 tỷ USD

19-4-2011

Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm tới giữa tháng 4/2011, xuất khẩu gạo nước ta đạt 2,139 triệu tấn, trị giá 1,020 tỷ USD.