TIN TỨC-SỰ KIỆN

Thái Bình: Bài học thành công bước đầu trong xây dựng nông thôn mới từ dồn điền đổi thửa

Ngày đăng: 09 | 04 | 2011

Sau 2 năm kể từ khi tỉnh Thái Bình triển khai xây dựng nông thôn mới, điều thay đổi nhận thấy rõ nhất là trên những cánh đồng ở Thái Bình giờ đây nhiều người dân đã được sản xuất ở những thửa ruộng to hơn, với bờ vùng bờ thửa được quy hoạch rộng rãi, khang trang. Đó chính là kết quả của công tác dồn điền đổi thửa, một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình hiện nay.

*Kinh nghiệm từ xã điểm Tân Phong
 
Nhìn lại công tác dồn điền đổi thửa để xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình thời gian qua, chính là kinh nghiệm thực tế được rút ra từ 14 xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa. Ngoài 8 xã điểm mà tỉnh lựa chọn thuộc 8 huyện, thành phố với nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới thì hầu hết những xã mới triển khai đều phải dựa vào nội lực là chính. Sự thành công cũng như kinh nghiệm thực tế tại xã Tân Phong, huyện Vũ Thư là một ví dụ. Mặc dù xã Tân Phong, huyện Vũ Thư không phải xã được chọn làm điểm trong phong trào xây dựng nông thôn mới, và đến nay sự đầu tư về kinh phí cũng gần như chưa có nhưng lại là địa phương đi đầu về công tác dồn điền đổi thửa với kết quả sau dồn đổi ruộng đất bình quân số thửa trên hộ thấp nhất (1,12 thửa ruộng/ hộ, có những thôn 100% số hộ gia đình chỉ còn 1 thửa). Bờ vùng hiện nay rộng từ 6 – 7m, bờ thửa rộng 2,5m, đúng theo tiêu chí quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Người nông dân vui mừng khi được sản xuất trên những thửa ruộng lớn, họ ví đây như một “cuộc cách mạng" ruộng đất mới. Ông Trần Văn Thanh, xã Tân Phong phấn khởi cho biết: Trước kia do bờ vùng bờ thửa chật hẹp, ông chỉ dám đầu tư máy cày tay loại nhỏ. Nhưng khi xã thực hiện xong dồn điền đổi thửa, ông đã mua chiếc máy cày lồng lớn gần 100 triệu để cày cho nhanh, năng suất. Bây giờ bờ vùng to, đi lại cũng dễ nên sản xuất hiệu quả.
 
Ông Lê Thanh Phơn, Bí thư Đảng bộ xã Tân Phong cho biết: Công tác dồn điền đổi thửa ở Tân Phong mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn chưa đầy 2 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12/2010, nhưng công tác dồn điền đổi thửa của Tân Phong có điểm khác so với nhiều địa phương. Khi đã làm phải thực hiện triệt để và bài học lớn nhất rút ra từ công tác dồn đền đổi thửa đó chính là phải huy động sự đoàn kết toàn dân. Điều đáng trân trọng trong quá trình triển khai công tác dồn điền đổi thửa ở Tân Phong là sự chủ động, không ỷ lại vào hỗ trợ của tỉnh và huyện. Đây chính là kinh nghiệm hay mà nhiều địa phương ở Thái Bình cần tham khảo trong xây dựng nông thôn mới. Để giao ruộng về cho từng hộ nông dân không xảy ra trường hợp tranh chấp gây mất đoàn kết nội bộ, xã Tân Phong đã phải triển khai qua 18 bước. Trong đó, quan trọng nhất đó là bước thống nhất cán bộ, sau đó, tuyên truyền vận động giao nhiệm vụ cụ thể đến từng tổ chức đoàn thể. Đội ngũ đảng viên, cán bộ xã phải là những người tiên phong, sẵn sàng nhận về mình khó khăn, thiệt thòi. Rồi công tác bàn bạc với người dân phải dân chủ. Đến nay, mỗi người dân đều tự nguyện đóng góp 26m2 đất, kinh phí triển khai nông dân góp 30% chia làm 2 năm, mỗi năm đóng 30.000 đồng/sào ruộng. Đó mới chính là kinh nghiệm thực tế theo kiểu Nhà nước hỗ trợ, huy động nội lực từ dân.
 
Từ những khó khăn bước đầu, đến nay, tỉnh Thái Bình đã có 14 xã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa và đang trong giai đoạn chỉnh trang đồng ruộng. Trong đó dẫn đầu là huyện Vũ Thư với 5 xã hoàn thành, huyện Kiến Xương 3 xã. Từ thực tế người nông dân có 4 thậm chí đến 5 mảnh ruộng nhỏ ở nhiều xứ đồng khác nhau, hiện nay ở những xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa thì nông dân chỉ còn sở hữu bình quân từ 1,7 đến 1,8 thửa/hộ.
 
* Phấn đấu mỗi hộ còn 1 thửa
 
Theo đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Bí thư Huyện ủy Vũ Thư thì công tác dồn điền đổi thửa là việc khó liên quan đến quyền lợi trực tiếp của nông dân. Quá trình làm điểm ở 5 xã trong huyện lại diễn ra trong thời gian ngắn, khối lượng công việc nhiều, công tác vận động nhân dân tự nguyện góp đất, góp công, góp của đào đắp công trình thủy lợi đòi hỏi phải kiên trì. Trong khi đó, đa số cán bộ thôn mới kiện toàn, do đó việc tiếp quản công việc có lúc còn hạn chế, nhất là khi cân đối diện tích phải điều chỉnh giữa các thôn. Đất đai không đồng đều, cao trũng, xa gần... gây tâm lý so đo hơn thiệt, do đó phải mất nhiều thời gian giải thích, vận động nhân dân.
 
Vì vậy, ngay sau khi Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện triển khai kế hoạch về việc làm điểm đồn điền đổi thửa đất nông nghiệp ngoài đồng ở 5 xã điểm Nguyên Xá, Tự Tân, Vũ Tiến, Vũ Đoài, Tân Phong” vào tháng 10/2010, các xã trên đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư đảng bộ làm trưởng ban. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo sát sao, cùng các xã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp thực tế. Điều quan trọng là sự đoàn kết, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở xã, thôn và sự đồng thuận cao của nhân dân. Công tác tuyên truyền được tiến hành trực tiếp thông qua các cuộc họp thôn để người dân nắm vững bản đồ quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình công cộng, công khai khối lượng phải đào đắp để nhân dân cùng bàn phương án thực hiện.
 
Các xã quyết tâm đạt 3 mục tiêu: Một là phấn đấu sau khi dồn đổi mỗi hộ chỉ còn 1 hoặc nhiều hộ một thửa ( trường hợp đặc biệt không quá 2 thửa) thuận lợi đưa cơ giới hóa , ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; hai là hoàn thiện quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông, mương máng nội đồng, quy vùng sản xuất hàng hóa; ba là tập trung quỹ đất công ích vào khu vực cụ thể đã quy họach thuận lợi quản lý, sử dụng.
 
Về phần đóng góp của nhân dân, đây là khâu khó khăn, cần được sự đồng thuận cao của nhân dân. Các xã đều công khai tổng chi phí, trong đó tỷ lệ % của tập thể lấy từ nguồn nào, tỷ lệ góp của dân bao nhiêu? Tổng diện tích ruộng nhân dân góp làm thủy lợi, giao thông, các công trình công cộng ở 5 xã là 81,6 ha. Trong đó, Vũ Đoài nhân dân góp nhiều nhất 36m2/khẩu, Nguyên Xá 17 m2/sào, Tự Tân 18 m2/sào, Tân Phong 20 m2/sào, Vũ Tiến 16m2/sào. Ngoài ra, nhân dân đóng góp kinh phí theo thực tế đào đắp mương máng.
 
Các xã chọn ngày huyện phát động ra quân làm thủy lợi vào cuối tháng 11/2010 khởi động chiến dịch làm thủy lợi, vừa đào đắp thủ công, vừa thuê máy xúc nạo vét các kênh mương chính bảo đảm thời vụ và chất lượng công trình. Tiêu biểu như: Tự Tân tu bổ, đắp 53 bờ vùng, 235 bờ thửa, tổng khối lượng đào đắp 106.530 m3. Tân Phong mỗi thôn thuê một máy xúc, lúc cao điểm có 13 máy xúc cùng hoạt động, đến 19/12/2010, toàn bộ bờ lô, bờ vùng của xã làm xong, còn lại phát động các thôn tổ chức đào đắp thủ công (giá đào đắp như nhau), tổng khối lượng đào đắp là 154.000 m3...
 
Khâu giao ruộng ngoài thực địa cũng mất nhiều thời gian và phức tạp nhất. Đến cuối tháng 1/2011, có 41/42 thôn của 5 xã đã giao xong đất. Bình quân số thửa từ 3,39 thửa/hộ sau dồn đổi giảm xuống còn 1,49 thửa/hộ. Thửa có diện tích nhỏ nhất 360 m2, lớn nhất 5.400m2. Tự Tân giảm từ 3,77 thửa/hộ xuống 1,86 thửa/hộ. Mỗi xã có cách làm khác nhau, song điểm chung nhất đó là phát huy dân chủ, tổ chức bốc thăm theo nhóm hộ. Nhân dân tự đăng ký nhận ruộng trũng, ruộng xa, chân tre do có tỷ lệ cấp bù hợp lý. Những hộ neo đơn, hoàn cảnh đặc biệt có 1 hoặc 2 khẩu được giao ruộng ghép với con cháu trong họ.
 
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả trên, việc dồn điền đổi thửa ở Vũ Thư vẫn còn một số tồn tại: Bình quân số thửa/hộ còn cao so quy định, tỷ lệ hộ 2 thửa còn cao. Một số bờ vùng, bờ thửa và kênh mương chưa đáp ứng yêu cầu về hình thức, kết cấu. Các xã làm điểm thành công trong điều kiện kinh phí đặc biệt khó khăn. Mỗi xã mới được huyện hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng, hiện các xã đều nợ kinh phí thuê máy xúc nạo vét đào đắp kênh mương (Tân Phong nợ trên 2,5 tỷ đồng, Vũ Đoài 1,2 tỷ đồng, Nguyên Xá gần 1 tỷ đồng, Tự Tân gần 2 tỷ đồng... Do nguồn thu ngân sách tại chỗ khó khăn, các xã trên có chung đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí hoặc có cơ chế đổi đất lấy công trình để giúp các xã thanh toán công nợ.
 
Thành công bước đầu trong công tác dồn điền đổi thửa để xây dựng nông thôn mới của 5 xã chỉ đạo điểm ở huyện Vũ Thư là bài học kinh nghiệm thực tế để tỉnh Thái Bình tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác này trong toàn tỉnh, phấn đấu trong năm nay có 50% số xã hoàn thành và tiến tới sẽ hoàn thành toàn bộ kế hoạch dồn điền đổi thửa trong năm 2012./.
 
 
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
 

NỘI DUNG KHÁC

Phát triển cao su vùng miền núi Nghệ An: Dự án chưa vào lòng dân!

8-4-2011

Như NNVN nhiều lần thông tin, tỉnh Nghệ An có chủ trương đẩy mạnh phát triển cao su lên các vùng miền núi, chủ lực là huyện Anh Sơn, Thanh Chương… Tuy nhiên trên thực tế, việc phát triển cao su các vùng miền núi xứ Nghệ đang gặp khó.

Bộ trưởng Cao Đức Phát làm việc tại tỉnh TT-Huế

8-4-2011

Chiều ngày 7/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc tại tỉnh TT-Huế. Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt lãnh đạo tỉnh báo cáo về tình hình nông nghiệp và kết quả thực hiện xây dựng Chương trình nông thôn mới của tỉnh với Bộ trưởng.

Dân trồng cà phê ở Đắk Lắk đang gặp khó khăn vì khô hạn kéo dài

8-4-2011

Hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk, nắng nóng kéo dài làm cho mực nước hầu hết các sông, suối, hồ, đập trên địa bàn giảm nhanh, nhất là hàng loạt hồ, đập, sông, suối nhỏ đều khô kiệt nước nên diện tích cà phê bị khô hạn ngày một tăng lên. Chỉ riêng tại huyện Krông Búk, một trong những vùng trọng điểm cà phê của tỉnh đến nay đã có khoảng 3.912 ha cà phê thiếu nước tưới trong cả 2 đợt (thiếu nước tưới đợt 1 trên 1.223 ha và đợt 2 gần 3.690 ha). Diện tích cà phê bị khô hạn tập trung đều ở 7 xã: Pơng Đrang, Chư Kpô, Cư Né, Cư Pơng, Ea Sin, Ea Ngai, Tân Lập.

Kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thuỷ sản: Chuẩn bị triển khai trên diện rộng

8-4-2011

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thuỷ sản (Cục QLCLNLTS) - Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cho biết đã kết thúc việc kiểm soát thí điểm chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thuỷ sản tại một số địa phương (Thanh Hoá, Tiền Giang). Trong tổng số 1.273 cơ sở kiểm tra, vẫn còn khoảng 30% không đạt yêu cầu.

Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp FDI khi tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU

8-4-2011

Sáng 7/4, tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức Hội thảo "Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam- EU".

Dạy nghề cho hội viên nông dân: Còn nhiều khó khăn

8-4-2011

Dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) ở Hà Nội là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, trong đó có Hội Nông dân (ND). Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo nhiều việc làm mới, góp phần nâng cao thu nhập cho ND, song việc dạy nghề cho ND ở Hà Nội còn quá nhiều khó khăn.

"Công ty rau làng" lãi 500 - 700 triệu đồng/vụ

8-4-2011

Sau khi cầm tấm bằng Trung cấp Nông nghiệp trong tay, anh Tăng Xuân Trường về quê hương (thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, Hải Dương) lập nghiệp với nghề truyền thống trồng rau, củ quả.

Làm đất cho vụ lúa hè thu ĐBSCL

8-4-2011

Có một thời gian dài việc cày ải không được thực hiện liên tục hoặc chỉ có ở một vài địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thay vào đó là việc xới đất, trục 1 đến 2 tác rồi xuống giống.

Một lệnh cấm - Kẻ cười, người mếu!

8-4-2011

Một tháng nay, kể từ khi lệnh cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc và các sản phẩm từ gia súc ở Quảng Nam được ban bố, người chăn nuôi xứ Quảng có hai nửa vui - buồn…

Thoát nghèo bằng "vốn tiếp sức"

8-4-2011

Sau hơn 3 tháng Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” do Cty cổ phần GreenFeed Việt Nam phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Long An triển khai tại hai huyện Châu Thành và Tân Trụ đã giúp nhiều hộ dân nghèo nơi đây thoát nghèo.

Phát triển kinh tế , xóa đói giảm nghèo bền vững cho các dân tộc thiểu số Tây Nguyên

8-4-2011

TS. Bùi Minh Đạo, Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định, một số vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển dân tộc ở Tây Nguyên, là tình trạng thiếu đất sản xuất vẫn đang tồn tại khá phổ biến ở nhiều buôn làng dân tộc tại chỗ .

Xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai: Doanh nghiệp cần tích cực vào cuộc

8-4-2011

Điều kiện sản xuất và đời sống của nông dân ở khu vực nông thôn Lào Cai còn rất nhiều khó khăn, rủi ro; sản xuất nông nghiệp chịu tác động rất lớn của dịch hại, thiên tai … Để giúp cho nông thôn phát triển và đời sống nông dân không ngừng nâng cao thì cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của doanh nghiệp.