TIN TỨC-SỰ KIỆN

Nền kinh tế mắc kẹt với lãi suất cao

Ngày đăng: 06 | 04 | 2011

Trong cuộc giao ban xuất khẩu sáng 5.4 của bộ Công thương, các doanh nghiệp đồng loạt than thiếu vốn, khó vay. Có thể nói, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát đã đẩy lãi suất tăng cao, gây khó khăn bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế.

Trong đó, ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu – đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên vay vốn, cũng than khó.
Doanh nghiệp mất thị trường
Theo ông Nguyễn Thái Học, chủ tịch hiệp hội Điều Việt Nam, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hạt điều năm nay vào khoảng 25.000 tỉ đồng, trong đó dự kiến vay khoảng 20.000 tỉ đồng. Nhưng quý 1 chỉ mới giải quyết được 10% tổng nhu cầu, chủ yếu là vốn tự có của doanh nghiệp. “Từ tháng 4 – 6 tới, chúng tôi cần vay khoảng 12.000 tỉ đồng nhưng khó quá, không chỉ vì lãi cao mà tiếp cận vốn cũng quá khó”, ông Học nói.
Nhiều ngân hàng đến tận nơi mời các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào vay, nhưng các doanh nghiệp này cho biết họ cố tự xoay xở chứ không muốn vay nân hàng vì lãi suất quá cao.
 
Phó chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến đồ gỗ TP.HCM Trần Quốc Mạnh cũng phản ánh có doanh nghiệp gỗ tại TP.HCM vì thiếu vốn mua nguyên liệu nên đành nuối tiếc nhìn đơn hàng của mình rơi vào tay một đối thủ khác tại Malaysia.
Ông Đỗ Hoài Nam, chủ tịch hiệp hội Hồ tiêu, kiêm phó chủ tịch hiệp hội Càphê cũng phản ánh, vì thiếu vốn nên các công ty xuất khẩu càphê của ta khi thu mua càphê trong dân phải “chạy sau” các công ty có vốn nước ngoài. Đến khi mua được hàng để xuất thì... thị trường rớt giá.
Chính sách khó thực thi
Có thể nói, Chính phủ, ngân hàng Nhà nước cũng thấy được những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ và đã có chính sách ưu tiên cho vay sản xuất, xuất khẩu – những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng không dễ dàng chút nào.
Khẳng định đã “nghe rất nhiều về chính sách ưu tiên vốn của ngân hàng cho khu vực sản xuất” song, phó chủ tịch hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng bức xúc: “Khó khăn này không phải tạo ra bởi các chính sách mà là vì thực hiện không đến đâu. Và thực tế các doanh nghiệp thuỷ sản đang đứng thứ hạng bét trong tiếp cận vốn, dù chúng tôi sẵn sàng chấp nhận vay lãi cao”.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Mạnh cho rằng tình trạng khó tiếp cận vốn mà mất cơ hội thị trường không chỉ rơi vào những trường hợp không đáp ứng điều kiện vay như không có tài sản thế chấp, nợ quá hạn chưa trả hết, tình hình tài chính thiếu minh bạch… Cũng có nhiều doanh nghiệp ngành gỗ mặc dù đáp ứng đầy đủ tiêu chí nhưng vẫn khó vay vì ngân hàng viện lý do bị khống chế tăng trưởng tín dụng.
Không ai dễ tiếp cận vốn
Giám đốc một doanh nghiệp thuộc top 20 doanh nghiệp xuất khẩu điều cho rằng, nhóm doanh nghiệp lớn với tình hình tài chính minh bạch, làm ăn có lời vẫn được ngân hàng mời gọi vay vốn. Thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cũng cho biết: “Nhiều doanh nghiệp nói khó vay nhưng tôi điều hành tổ xuất khẩu gạo, tôi chứng kiến nhiều ngân hàng đến tận nơi mời các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào vay”.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp dạng này, lãi suất trở thành rào cản. “Chúng tôi cố tự xoay xở lấy vốn kinh doanh chứ không muốn vay ngân hàng vì lãi suất quá cao”, vị giám đốc kể trên nói. Ai chấp nhận vay vốn lãi suất cao? Lãnh đạo các ngân hàng từng nhiều lần lên tiếng: “Lãi suất cao là những khoản cho vay rủi ro cao”.
Như vậy, giảm lãi suất đang là mong muốn thật sự của cả doanh nghiệp, ngân hàng, và Nhà nước. Thế nhưng trên thực tế, lãi suất vẫn đang… bị kẹt ở mức cao chót vót do chính sách tiền tệ thắt chặt.
Với trần huy động là 14%, ngân hàng sẽ buộc phải cho vay ở mức 17,5 – 18% mới tồn tại được. Quy định trần lãi suất huy động là đã bao gồm các khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức. Nhưng ngân hàng vẫn có những cách thức linh động đẩy lãi suất huy động thực cao hơn, đồng nghĩa với lãi suất cho vay cũng cao hơn.
Dĩ nhiên, việc “đua lãi suất” thường xuất phát từ những ngân hàng nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản, nhưng ngân hàng lớn không thể ngoài cuộc nếu không muốn tiền bị rút khỏi ngân hàng mình. Và lãi suất không thể giảm xuống nhanh trừ khi lạm phát đã bị kiềm chế, ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng.
Nếu phải sử dụng trần lãi suất thì trần cho vay phù hợp hơn
Nếu phải sử dụng một công cụ trần lãi suất nào đó để hạn chế rủi ro tín dụng trong điều kiện hiện nay thì trần lãi suất cho vay có lẽ sẽ là công cụ phù hợp hơn. Trong môi trường lạm phát cao và bất ổn, khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay thông thường sẽ được các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy cao hơn. Lãi suất cho vay do vậy sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí ở mức bất hợp lý khi thị trường thiếu thanh khoản và gây rủi ro hệ thống khi chỉ có những hoạt động kinh doanh rủi ro cao, lợi nhuận lớn mới có khả năng sử dụng những nguồn vốn giá cao này.
Trong khi đó, việc quy định trần lãi suất cho vay ở mức hợp lý, nếu được thực hiện nghiêm, sẽ giúp hạn chế bớt phần nào rủi ro này. Ngoài ra, việc quy định trần lãi suất huy động 14% còn đang gây bất lợi cho người gửi tiền “nghèo”. Trong khi người giàu, với các khoản tiền gửi lớn, có sức mạnh đàm phán với các NHTM để hưởng lãi suất thoả thuận cao thì người gửi tiền “nghèo” – vốn đã thiếu các công cụ phòng chống lạm phát – lại không có được khả năng này.
TS PHẠM THẾ ANH
 
AGROINFO – Theo Báo Sài Gòn Tiếp thị

NỘI DUNG KHÁC

Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO

6-4-2011

Sáng 5/4, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo “Báo cáo tác động của hội nhập đối với nền kinh tế sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO”.

Cảnh giác "đất nền" nông nghiệp

5-4-2011

NNVN số ra ngày 1/4 đã phản ánh việc giá đất nông nghiệp lên cơn sốt vì nhiều người tìm mua đầu tư sản xuất. Một nguyên nhân nữa góp phần tạo nên cơn sốt là nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được "cò" quy hoạch thành đất ở để rao bán. Nhiều người dân nhập cư tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đã bị mất trắng cả trăm triệu đồng vì bị dụ mua phải những nền đất ruộng.

Ngư dân lao đao vì giá xăng dầu

5-4-2011

Mặc dù thời tiết đang thuận lợi cho việc đánh bắt song nhiều tàu cá ở các địa phương khu vực miền Trung vẫn nằm bờ. Nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng cao khiến bà con không đủ chi phí cho mỗi chuyến ra khơi.

Nông dân nghèo vì không đất sản xuất

5-4-2011

Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp, nhưng không ít nông dân không có đất sản xuất bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Làm ăn kiểu mới: Nông dân lãi lớn

4-4-2011

Là “vựa lúa” của cả nước, thế nhưng ít có nông dân nào ở ĐBSCL cầm trong tay hàng chục, hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ lúa. Vậy mà hàng trăm nông dân trong mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đầu tiên ở An Giang đã có được niềm vui đó.

Liên kết giúp nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi

4-4-2011

Nhằm giúp nông dân các huyện ngoại thành phát triển sản xuất hàng hoá nông sản theo vùng, đạt chất lượng cao và thuận lợi trong khâu tiêu thụ, Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường thực hiện mối liên kết giữa cơ quan quản lý, người sản xuất và doanh nghiệp trong quá trình cho nông dân vay vốn từ Quỹ Khuyến nông thành phố.

“Càn quét” tôm hùm nhí: Ra biển nhặt “vàng”?

4-4-2011

100% hộ ngư dân trong Thôn Đông tranh nhau từng mét mặt nước để đặt bẫy bắt tôm. Hộ ít tiền thì chỉ cần mua ít cái neo, vài chục cái bẫy gỗ hoặc ít lưới chà làm bẫy là có thể thu tiền triệu mỗi ngày.

Miền Trung: Nguy cơ mất 100.000 tấn lúa

4-4-2011

“Chưa năm nào vụ đông xuân tại các tỉnh miền Trung lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay, lúa đang trổ thì gặp rét đậm kéo dài”- ông Nguyễn Văn Hạ - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung cho biết.

Vẫn còn hơn 200.000 tấn muối tồn kho

4-4-2011

Bộ NN&PTNT cho biết, lượng muối tồn trong dân và một số doanh nghiệp sản xuất vào khoảng 202.844 tấn. Trong đó, miền Bắc còn tồn 21.744 tấn, miền Trung 26.017 tấn, đồng bằng sông Cửu Long 155.083 tấn.

Cho nhập 250.000 tấn đường: Nhà máy đường lo

4-4-2011

Bộ Công Thương vừa cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu 250.000 tấn đường trong năm 2011, trong đó, 50.000 tấn sẽ được nhập sau ngày 15.4.

Chặn đường cá da trơn Việt Nam: Giới bảo hộ catfish Mỹ bị "gậy ông đập lưng ông"

4-4-2011

Cuối tháng 2/2011, trên nguyên tắc, Bộ Nông nghiệp Mỹ phải ra quyết định về chương trình kiểm tra phẩm chất loại cá da trơn bán trên thị trường Mỹ, mà cụ thể là loại cá được chính thức gọi là catfish. Chương trình này được đề ra nhằm đáp ứng đòi hỏi của giới nuôi catfish tại Mỹ, muốn mượn tay luật lệ, để chặn đường cá tra và ba sa nhập khẩu từ Việt Nam, vốn cạnh tranh dữ dội với catfish tại Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết là công việc chuẩn bị chưa hoàn chỉnh và cần phải có thêm 6 tháng nữa để xem xét thấu đáo hơn.

Thái Lan có kế hoạch giảm lượng gạo xuất khẩu

4-4-2011

Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã bắt đầu thực hiện chương trình khuyến khích nông dân mỗi năm trồng lúa hai vụ, thay cho ba vụ như lâu nay, trong bối cảnh các nhà xuất khẩu và xay xát gạo của xứ chùa Vàng đều cho rằng giảm xuất khẩu gạo sẽ giúp hỗ trợ giá mặt hàng này đang sụt giảm trên thị trường thế giới.