TIN TỨC-SỰ KIỆN

Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: Khó, nhưng phải làm bằng được!

Ngày đăng: 21 | 03 | 2011

Việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) sẽ được tổ chức thí điểm từ 1/7. Tuy nhiên, có quá nhiều việc cần làm từ nay đến thời điểm đó. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng chia sẻ với NVNN xung quanh vấn đề này.

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng
Không thể “đánh đồng” bảo hiểm lúa ở Nghệ An với lúa ở Đồng Tháp
Thưa Thứ trưởng, Thủ tướng đã ký quyết định 315 về BHNN, trong đó Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính sẽ là hai cơ quan chủ trì. Về phía Bộ NN-PTNT đã có sự chuẩn bị thế nào?
 
Trước hết, tôi xin khẳng định rằng, đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Trong quyết định này, Bộ NN-PTNT được giao thực hiện các việc sau đây. Thứ nhất là ban hành những quy định về thiên tai nào, dịch bệnh nào cần được bảo hiểm, bởi thiên tai, dịch bệnh là một khái niệm rất chung. Nếu bất cứ thiên tai nào, dịch bệnh nào cũng được bảo hiểm thì e rằng không triển khai được.
 
Thứ hai là ban hành cho được các tiêu chí về quy mô chăn nuôi, trồng trọt thế nào thì được bảo hiểm, vì không thể sản phẩm đó làm kiểu gì cũng bảo hiểm được. Thứ ba là quy trình công nghệ gì cho chăn nuôi, trồng trọt được bảo hiểm. Đây là 3 phần việc mà Bộ NN sẽ phải thực hiện độc lập.
 
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT sẽ cùng phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành quy trình thủ tục hành chính, kể cả thu bảo hiểm và chi trả bảo hiểm. Bởi vì nếu quy mô nào thì thu kiểu gì và chi kiểu gì, hay thiên tai dịch bệnh nào thì cách thu và chi ra sao, đảm bảo đơn giản nhất, “ít cửa” nhất cho nông dân.
 
Sau khi có quyết định của Thủ tướng, Bộ NN-PTNT đã chủ động triển khai đến các đơn vị liên quan, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cục, vụ chuyên ngành. Có những việc, Bộ NN có thể làm việc độc lập, như quy mô chăn nuôi tập trung, khu biệt vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh… Tuy nhiên, có những việc phải phối hợp với các Bộ, ngành khác. Tôi nói ví dụ: Phân loại thiên tai thì phải thống nhất với Bộ TN-MT, dịch bệnh có thể phối hợp với Bộ Y tế…
 
Chúng tôi cho rằng, để soạn thảo những thông tư hướng dẫn thực hiện thì cần hết sức cụ thể. Chẳng hạn như trong việc bảo hiểm cho sản xuất lúa, không thể “đánh đồng” lúa ở ĐBSH và ĐBSCL, hay như chăn nuôi thì không thể so sánh Nghệ An với vùng sản xuất thực phẩm hàng hóa ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh được… Nếu “cào bằng” như vậy, BHNN sẽ rất khó thu và rất khó chi. Đây là việc hết sức phức tạp và công phu mà Bộ NN đang phải làm.
 
Phải cụ thể mới tránh được thất bại
 
Được biết, trước đây chúng ta đã từng thí điểm là BHNN nhưng thất bại. Như vậy, để tránh “vết xe đổ” đó, chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để BHNN thực sự đi vào cuộc sống, thưa Thứ trưởng?
 
Cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã làm thí điểm rồi, ở những nơi mà chúng ta chọn trước đây cũng là những vùng trọng điểm đấy. Tôi cho là bài học thất bại đó là rất tốt cho chúng ta khi làm thí điểm lần này.
"Cần kéo nhiều thành phần kinh tế tham gia đóng BHNN cho nông dân, hoặc thành lập quỹ BHNN" - Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng.
 
 
Để tránh được thất bại như trước, như tôi đã nói, việc rất quan trọng là phải soạn thảo thông tư rất chi tiết. Tôi ví dụ cây lúa thôi, nói thì đơn giản, nhưng cây lúa có tính hàng hóa cao như Đồng Tháp hay Long An thì có thể xây dựng mức bảo hiểm khác, vì đấy là vùng trọng điểm để xây dựng hàng hóa cho XK. Còn các vùng như Thái Bình, tiếng là vựa lúa của miền Bắc, nhưng XK không nhiều, thì lại phải có mức bảo hiểm khác… Hay như khu vực các hộ nghèo, Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, thì ở vùng cận nghèo, ngoài 80% hỗ trợ từ Nhà nước, thì 20% còn lại ai sẽ nộp, hoặc các khu vực khác Nhà nước hỗ trợ 60%, thì nông dân đóng bao nhiêu phần trăm nữa, và DN thu mua nông sản có đóng góp không, hoặc đóng góp thế nào… Đấy, tôi cho rằng việc này phải cực kỳ chi tiết để tránh thất bại như trước đây.
 
Một vấn đề nữa, tôi cho rằng, cần kéo nhiều thành phần kinh tế tham gia đóng BHNN cho nông dân, hoặc thành lập quỹ BHNN. Tôi giả sử như vựa lúa ĐBSCL. Nếu mỗi kg gạo XK, DN thu mua chỉ cần đóng 10 đồng, mức XK như năm nay khoảng 6,8 triệu tấn, thì đã có 68 tỷ trong quỹ BHNN. Thêm nữa, mỗi nông hộ sản xuất quy mô lớn đóng thêm 5 đồng/kg gạo, thì tổng quỹ này mỗi năm cũng có trên 100 tỷ rồi. Tiền đấy chứ đâu. Tôi cho rằng, quan trọng là cách thức huy động thôi.
 
Vậy thưa Thứ trưởng, ông có lưu ý gì với 21 tỉnh được chọn thí điểm triển khai BHNN lần này?
 
Trong 21 tỉnh thì có 1tỉnh được làm 2 việc, nên thực ra chỉ còn 20 tỉnh thôi. Tôi cho rằng việc quan trọng nhất là lựa được vùng bảo hiểm. Tôi nói ví dụ như tỉnh Nghệ An chọn bảo hiểm cho cây lúa thì không thể chọn những huyện vùng cao như Quỳ Hợp, Quế Phong… được, mà phải chọn các huyện như Hương Nguyên. Nói như vậy để thấy rằng, cần chọn những nơi có vùng sản xuất hàng hóa tập trung trước, từ đó mới rút được những bài học kinh nghiệm để tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
 
Trước hay sau, tôi vẫn cho rằng, các địa phương cần chọn vùng bảo hiểm sao cho phù hợp nhất với mô hình thí điểm BHNN.
 
Nhà nước và nông dân cùng có trách nhiệm
 
Thưa Thứ trưởng, ông đã đi nhiều nước và được tham quan nhiều mô hình BHNN thành công của họ. Vậy Thứ trưởng có thể chia sẻ kinh nghiệm của họ thế nào và chúng ta có thể học tập họ những gì?
 
Có thể nói là BHNN không phải quốc gia nào cũng làm đâu. Nhưng theo tôi được biết, một số nước thành công được mo hình này đều tuân thủ theo một nguyên tắc: Trước hết, phải hình thành quỹ bảo hiểm và lựa chọn cho được cây trồng, vật nuôi bảo hiểm, xác định rõ mục tiêu để bảo hiểm. Ví dụ như bảo hiểm cho cây lúa ở ĐBSCL với mục tiêu là tiến tới XK sản lượng và quy mô lớn, hay bảo hiểm cây lúa ở Thái Bình là hướng tới mục tiêu an ninh lương thực và ổn định đời sống nhân dân là chính.
 
Thứ nữa là nguồn để bảo hiểm, họ hình thành từ 3 nguồn chính: Nhiều nhất là từ DN nuôi trồng, tiêu thụ nông sản, sau đó đến nông dân. Người nông dân thì dù thế nào cũng phải nộp, vì quyền lợi và trách nhiệm của chính họ. Thứ ba là Nhà nước. Vai trò của Nhà nước không thể thiếu trong bất cứ quỹ BHNN của bất cứ quốc gia nào.
 
Như vậy, công việc xây dựng “lý thuyết” cho BHNN còn quá nhiều. Theo ông thì liệu chúng ta có thể hoàn thành trước 30/6 để bắt đầu triển khai thực hiện thí diểm từ 1/7?
 
Chính phủ cho phép 1/7 triển khai, thì đương nhiên, việc xây dựng “khung”, cơ chế cho BHNN kiểu gì cũng phải xong trước 30/6, không còn cách nào khác, các Bộ, ngành phải phối hợp cùng với các địa phương, đặc biệt là các địa phương, phải lựa chọn xong vùng thí điểm.
Người dân hiện nay đang rất mong chờ chủ trương BHNN đi vào cuộc sống. Vậy theo ông, bà con cần chuẩn bị những gì, đặc biệt là những hộ kinh doanh và sản xuất lớn trong nông nghiệp?
 
Bà con thì không phải tất cả đều phấn khởi đâu. Có những đối tượng thì họ rất phấn khởi, ví dụ như người nghèo. Tuy nhiên, có đối tượng cũng chưa hiểu họ phải làm gì và đóng góp những gì về BHNN. Như vậy, khâu tuyên truyền là cực kỳ quan trọng. Đây thực sự là trách nhiệm của Nhà nước với dân, nhưng ngược lại, dân cũng phải có trách nhiệm với Nhà nước, kể cả với chính mình khi tham gia BHNN.
 
Ngoài ra, các địa phương phải tổ chức lại sản xuất ngay, hoặc ngay những nông dân phải nhóm lại với nhau để tổ chức sản xuất, để làm sao, khi BHNN được triển khai, thì sẽ phát huy tốt nhất hiệu quả.
 
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
 
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
 

NỘI DUNG KHÁC

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Việt Nam đang trên đà cải thiện: Mức độ cải thiện môi trường kinh doanh của 63 tỉnh, thành đã có nhiều tiến bộ

21-3-2011

Điều này được ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra khi thay mặt Nhóm nghiên cứu trình bày kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010 (PCI 2010), cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2010 từ kết quả điều tra PCI.

Đẩy mạnh các giải pháp để phát triển chăn nuôi

21-3-2011

Những ngày qua, dịch bệnh trong chăn nuôi đã và đang phát triển nhanh trên cả nước. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn tiếp diễn đã và đang trở thành thách thức không nhỏ đối với ngành chăn nuôi. Hiện nhiều biện pháp để khống chế dịch bệnh, phát triển chăn nuôi đang được triển khai mạnh mẽ.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Nhiều chuyển biến tích cực

21-3-2011

Việc ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/6/2010 về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 đã tạo cho nhiều địa phương một động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh hơn nữa quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội. Sau một thời gian triển khai, đến nay nhiều địa phương đã hình thành được một số cách làm hay, vận dụng cơ chế hợp lí trong phát triển sản xuất.

Làm ruộng thời xăng dầu tăng giá: Máy cày bỏ xó, trâu bò “lên ngôi”

18-3-2011

Những ngày này trên những cánh đồng mía, sắn ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên) vắng bóng những chiếc máy cày, thay vào đó là cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau.

Bảo hiểm nông nghiệp: Khó đạt “mốc” đề ra

18-3-2011

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013 sẽ được triển khai từ 1/7 tới đây. Nhưng theo ý kiến nhiều chuyên gia, “mốc thời gian” này có thể sẽ khó đạt khi công việc vẫn còn bề bộn.

Nông dân nuôi bò sữa…lên tay

18-3-2011

Đã qua 5 năm triển khai dự án “Nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho các trang trại quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam” do chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại ba tỉnh thành gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc và Sơn La. Đến nay có thể khẳng định, trình độ tay nghề của các nông hộ chăn nuôi bò sữa đã đạt được những thành quả trên cả mong đợi, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Quỹ Crawford vinh danh 7 nhà nông học Việt Nam

18-3-2011

Quỹ Crawford (một tổ chức phi chính phủ của Austrlia) ngày 17/3 đã trao giải thưởng cho 7 nhà nông học này vì những đóng góp to lớn của họ trong việc phát triển nông nghiệp, lâm sản, thủy sản.

Hiệp hội lương thực lại hạ giá sàn gạo xuất khẩu

18-3-2011

Do ảnh hưởng từ sự giảm giá của thị trường gạo thế giới, liên tục từ cuối tháng Hai tới nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hai lần giảm giá sàn gạo xuất khẩu. Giá gạo 5% tấm đang từ 520 USD/tấn nay giảm xuống còn 480 USD/tấn; gạo 25% tấm từ 490 USD/tấn nay xuống còn 460 USD/tấn.

Chủ động phòng, chống rét và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi

18-3-2011

Những ngày vừa qua, không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ gây mưa rào, trời rét đậm, rét hại. Trước tình hình này, các địa phương chịu ảnh hưởng đã chủ động phòng, chống rét và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

Làng nghề lao đao trong “bão giá”

17-3-2011

Trong bối cảnh “bão giá”, các làng nghề ở Hà Nội đang chịu ảnh hưởng không hề nhỏ. Các làng nghề đang có nguy cơ mai một bởi cách làm ăn nhỏ lẻ, thương hiệu bị mất dần.

Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2010: Doanh nghiệp vẫn kêu “bị làm khó”

17-3-2011

Môi trường kinh doanh của các địa phương năm 2010 không cải thiện được nhiều so với năm 2009. Các doanh nghiệp (DN) vẫn đang phải chịu nhiều gánh nặng về các chi phí không chính thức, môi trường pháp lý không minh bạch, cơ sở hạ tầng còn yếu kém...

Phấn đấu 100% hộ dân xã điểm nông thôn mới tăng thu nhập

17-3-2011

Ngày 16/03, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ TƯ Chương trình MTQG xây dựng NTM chủ trì hội nghị sơ kết Chương trình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân tại 11 xã thí điểm NTM.