ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Cho thuê mặt biển, không khéo đẩy người dân khỏi "ao nhà"

Ngày đăng: 11 | 08 | 2010

AGROINFO - Liên quan đến chuyện cho thuê mặt biển, ông Nguyễn Chu Hồi - Phó Tổng cục trưởng - Tổng cục Biển và Hải đảo VN bày tỏ những băn khoăn, lo lắng xung quanh vấn đề này.

Nên có những nghiên cứu đánh giá cẩn trọng khi cho thuê mặt biển (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Ý tưởng giao quyền sử dụng mặt nước cho người nuôi trồng và khai thác thuỷ sản xuất phát từ QĐ123 của Chính phủ năm 2006 với đối tượng là ngư dân, phạm vi giải quyết mới chỉ dừng ở ngành thuỷ sản. Sau quyết định đó, ngành thủy sản đã cho tiến hành thử ở một số địa phương như Quảng Ninh, Bình Thuận, Kiên Giang…

Kết quả triển khai thế nào ông?

Ngay khi ban hành QĐ này, nhiều ngành đã cho rằng rất khó khả thi vì một vùng biển không phải là đối tượng sử dụng của riêng ngành thuỷ sản, và cũng không phải chỉ có ngư dân là người hưởng lợi mà bản chất của hệ thống tài nguyên biển- ven biển này là đối tượng sử dụng của nhiều ngành (đa ngành), các ngành và người hưởng dụng khác nhau sẽ cùng khai thác du lịch, bảo tồn, thuỷ sản, giao thông đường biển,…Mặt biển, hải đảo hay nói rộng ra là không gian biển, đó là những hệ thống tài nguyên chia sẻ, nhiều ngành khai thác mà chỉ giao cho một ngành, một đối tượng sử dụng là khó khả thi.

Thấy "lủng củng" như thế sao không dừng lại mà vẫn triển khai?

Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không giao mặt biển và hải đảo. Vấn đề là phải nghĩ ra những phương thức khác, xác định đúng các đối tượng (tổ chức, cá nhân) nào được hưởng lợi, được thuê? Giao như thế nào? Trên thực tế, các hệ thống tài nguyên biển như vậy đang được sử dụng đa ngành, nhưng lại chỉ được quản lý theo ngành (kiểu đơn ngành) khiến mâu thuẫn lợi ích nảy sinh và tăng cường, hiệu quả sử dụng chung rất thấp, lại phải gánh chịu các hậu quả môi trường lâu dài, khó lường.

Trách nhiệm quản lý của nhà nước là làm sao giảm mâu thuẫn lợi ích trong khi vẫn duy trì được phương thức sử dụng đa ngành và đạt được mục tiêu hài hoà giữa các ngành mới khó. Thực tế đã có một số địa phương khi giao mặt biển cho một ngành thì hiện tượng khai thác triệt để đã nẩy sinh, khai thác gấp với suy nghĩ “múc thật nhanh kẻo mai kia nghị quyết thay đổi lại đem giao cho ngành khác là mất cơ hội”.

Vậy muốn giao mặt biển được "thuận buồm xuôi gió" theo ông phải thế nào?

Muốn giao và cho thuê, trước hết phải tiến hành phân vùng chức năng vùng biển, ven biển, hải đảo để xác định các mảng không gian, giúp định hướng cho quy hoạch khai thác và sử dụng biển, hải đảo trên phạm vi toàn quốc và cho từng vùng biển. Trên đất liền đã có quy hoạch sử dụng đất thì dưới biển cũng phải có quy hoạch sử dụng biển, hải đảo. Trong đó tính toán phương án sử dụng tối ưu, bao nhiêu diện tích giao cho ngành thuỷ sản, cho du lịch, cho giao thông,…và đương nhiên tất cả phải bố trí sao cho không ảnh hưởng đến môi trường và tài nguyên dùng lâu dài.

Trên cơ sở “quỹ” không gian biển được xác định như vậy thì mới tiến hành phân bổ và giao cho các ngành, các địa phương diện tích cụ thể (gồm mặt nước biển, khối nước biển, bề mặt đáy biển và lòng đất dưới đáy biển). Các ngành, địa phương thực thi các chính sách khuyến khích của ngành trong phạm vi không gian được phân bổ. Có thế thì việc sử dụng biển đảo mới thành công, bài bản và căn cơ.

Theo ông việc giao và khai thác mặt biển ở nước ta hiện nay có gì bất ổn không?

Với những thông tin tôi nắm được thì hiện hiệu quả khai thác, sử dụng một “đơn vị biển” của ta so với thế giới mới chỉ bằng 1/130, quá thấp. Chúng ta vẫn đang có thói quen khai thác những thứ thô sơ, chứ chưa nghĩ đến việc khai thác các giá trị dịch vụ của biển để có của ăn, của để. Điều vừa nói cũng có nghĩa là quy hoạch sử dụng biển, hải đảo phải đi trước một bước để sử dụng biển đạt mục tiêu: đa ngành, đa mục đích, đa lợi ích.

Hiện tỉnh Quảng Ninh đã cho thuê mặt biển rất nhiều. Đơn cử như huyện Vân Đồn có tới 19 dự án trong đó có một số dự án có yếu tố nước ngoài thuê để nuôi trồng thuỷ sản. Dự án cái ít thì vài ha, nhiều cả vài trăm ha. Ông thấy vấn đề đó thế nào?

Đúng là bây giờ thông qua anh, tôi mới có thông tin cụ thể về việc cho thuê biển ở Vân Đồn. Việc đó là tỉnh họ tự làm vì tới thời điểm hiện giờ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cấp quốc gia cho thuê mặt biển, nên có lẽ tỉnh làm thử. Tổng cục Biển và Hải đảo đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và học hỏi cả kinh nghiệm quốc tế để soạn thảo Luật Tài nguyên và Môi trường biển, trong đó có đề cập đến việc cấp phép và thu hồi giấy phép sử dụng và khai thác biển, hải đảo, thảo luận việc cho thuê thì phí thế nào, thuế ra sao, thẩm quyền?...

Như thế Quảng Ninh đã "vượt rào"?

Chắc là Quảng Ninh cho thuê mặt nước theo kiểu Luật Đất đai. Việc cho thuê này hết sức tự do, không dựa trên căn cứ, tiêu chí cụ thể. Không ai đánh giá được sự thất thoát về tài nguyên cũng như môi trường...

Có nghĩa là cho thuê như thế hại có thể nhiều hơn lợi?

Tôi nói thế này để anh hiểu. Chỉ số tính bền vững của một vùng biển/một hệ thống tài nguyên biển phải dựa trên nhiều yếu tố như hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường mới ra được. Về nguyên tắc, việc khai thác, sử dụng, phát triển kinh tế bao giờ cũng gây tổn thương đến môi trường, chỉ ít hay nhiều mà thôi. Thế thì, nếu quá ưu tiên phát triển, tham vọng phát triển bằng mọi giá thì môi trường phải hỏng, mà nó lại là nền tảng của sự tồn vong của chính chúng ta, “đời cha ăn mặn thì đời con khát nước” thôi. Chưa biết là các dự án đó có thực hiện đánh giá tác động môi trường không? Họ lấy phương pháp, số liệu nào để khẳng định là không gây tổn hại cho môi trường? Ai kiểm soát?

Cuối cùng tôi chỉ muốn nói: biển còn là câu chuyện dài dài, câu chuyện không của riêng ai, một công việc đại sự của cả dân tộc, nó đòi hỏi trách nhiệm và ý thức của toàn xã hội, từ lãnh đạo nhà nước đến người dân. Đừng để, một kẻ chặt mấy cây gỗ rừng có thể bị xử tù, còn đang tâm phá tan lòng biển lại không ai thấy! (ông Nguyễn Chu Hồi).

Theo tôi, dường như những dự án này giống như quyết định đầu tư chứ không phải cấp giấy phép sử dụng mặt biển. Nhưng giờ có nói về việc cho thuê này có khi địa phương lại “cãi” rằng không có luật thì tạm làm thử, vậy thôi.

Yếu tố xã hội, dân sinh ở những vùng biển đã cho thuê theo ông có bị ảnh hưởng?

Tất nhiên. Những vùng này là ngư trường nhiều đời đánh bắt của ngư dân địa phương, cho thuê mặt biển khác nào đẩy người dân rời khỏi sân vườn, ao nhà khi chưa chuyển nghề được cho họ. Họ sẽ sống ra sao? Bây giờ giá cho thuê mặt biển có thể rẻ mạt nhưng mai kia nó quý như trên đất liền ắt sẽ nảy sinh mâu thuẫn lớn giữa dân bản địa và người thuê.

Nói tóm lại ông có ủng hộ việc cho thuê mặt nước biển không?

Bây giờ tôi thấy việc cho thuê mặt biển dường như chỉ có một chiều. Thích cho ai thuê thì được, thuần tuý vì mục đích kinh tế, còn chưa thấy được hết những vấn đề xã hội, môi trường, rồi biển còn nhạy cảm nữa chứ. Chúng ta đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc này rồi.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Khánh (Theo Báo NNVN)

NỘI DUNG KHÁC

Cảnh báo hành vi lừa đảo trong giao dịch thương mại

10-8-2010

AGROINFO - Tin từ Bộ Công Thương ngày 9.8 cho biết, gần đây một số Cty của VN có hạn ngạch nhập khẩu (NK) đường đã liên hệ trực tiếp với một số doanh nghiệp (DN) tại Thái Lan, ký hợp đồng NK đường. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Thương vụ VN tại Thái Lan đã phát hiện bộ hồ sơ giả và kịp thời phối hợp điều tra với các cơ quan hữu quan của phía Thái Lan, có công văn trả lời cảnh báo DN ngăn chặn tổn thất đáng tiếc xảy ra.

Đưa hàng Việt về nông thôn: Doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà

10-8-2010

AGROINFO - Theo thống kê, nước ta có 6.000 xã, 9.000 chợ và 550.000 điểm bán lẻ, đặc biệt là có tới 70% dân số sống ở nông thôn, nhưng mức tiêu dùng chỉ chiếm 27% doanh số bán lẻ của cả nước. Khu vực nông thôn lâu nay vẫn được coi là thị trường rộng lớn, song đáng tiếc là các doanh nghiệp trong nước vẫn xem nhẹ, khiến thị trường này trở thành nơi chiếm lĩnh của hàng Trung Quốc

VFA khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên không vội vàng bán gạo

9-8-2010

AGROINFO - Ngày 6-8, tại Hội nghị giao ban về xuất khẩu gạo tháng 7 và kế hoạch xuất khẩu tháng 8, đánh giá tình hình tiêu thụ và mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên tiếp tục mua gạo tạm trữ theo kế hoạch và không vội vàng bán gạo với số lượng lớn ra lúc này.

Tín dụng cho xuất khẩu: Ngân hàng ưu đãi - Doanh nghiệp vẫn ngại

9-8-2010

AGROINFO - Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2010 là 25% trong khi 6 tháng đầu năm chỉ đạt 10,52%. Đây là áp lực lớn cho các ngân hàng thương mại, khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong hai quý cuối năm được dự báo sẽ không tăng trưởng mạnh như năm ngoái. Để giải tỏa áp lực, các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh tín dụng cho xuất khẩu.

Doanh nghiệp xuất khẩu mất cơ hội vì thiếu vốn?

4-8-2010

AGROINFO - Tại hội nghị giao ban xuất khẩu sáu tháng đầu năm của Bộ Công Thương với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp phía Nam, nhiều doanh nghiệp cho rằng vì không đủ vốn nên đã bỏ qua cơ hội mua nguyên liệu giá rẻ và có thể sẽ mất cơ hội có được mức lợi nhuận cao nhờ giá xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh.

Doanh nghiệp vẫn còn "lơ mơ" về tự vệ thương mại

4-8-2010

AGROINFO - Khảo sát của VCCI cho thấy, chỉ trên 66% doanh nghiệp hiểu các nội dung cơ bản của các hiệp định trong khuôn khổ WTO. Trong khi đó, chưa đầy 35% doanh nghiệp hiểu các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam liên quan đến ngành và lĩnh vực của chính mình.

Hội nghị quốc tế Chè Việt Nam 2010: Cơ hội giao thương và phát triển ngành chè

28-7-2010

AGROINFO – Vừa qua, Hiệp hội Chè Việt Nam đã tổ chức họp báo giới thiệu về Hội nghị quốc tế Chè Việt Nam 2010 lần thứ 2 (2nd vietnam Tea Outlook 2010), sẽ diễn ra từ ngày 29 – 30/7/2010 tại Hà Nội.

Mô hình cho hàng nông sản Việt tạo thương hiệu

28-7-2010

AGROINFO - Mặc dù các mặt hàng nông sản của nước ta có tiềm năng lớn, chất lượng tốt nhưng không phải nhà sản xuất địa phương nào cũng có thể đưa hàng của mình vào tiêu thụ tại các siêu thị, nhất là các nhà sản xuất vừa và nhỏ. Vì thế để hàng nông sản từng bước thuận lợi vào được siêu thị cần phải có sự bắt tay chặt chẽ giữa các siêu thị và nhà cung cấp.

Chứng nhận về ATVSTP chỉ có giá trị 3 năm

12-7-2010

AGROINFO – Đây là một trong những quy định mới trong Luật An toàn thực phẩm được Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố ngày 8-7.

Gốm Phù Lãng, cần một hướng đi đúng và trúng

6-7-2010

AGROINFO – Từ lâu, gốm Phù Lãng đã nổi tiếng, không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều thị trường nước ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia… Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, làng nghề này vẫn chưa thành lập được một tổ chức ngành, nghề cho riêng mình, thiếu một tiếng nói chung cho cả làng nghề.

Nỗi buồn làng nghề truyền thống

1-7-2010

AGROINFO - Tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 20 làng nghề truyền thống. Trong đó, chỉ có 60% làng nghề hoạt động hiệu quả, số còn lại đa phần trong tình trạng dần “mất tích”.

Sau khủng hoảng kinh tế thấy rõ hơn vai trò của làng nghề.

1-7-2010

AGROINFO - Xét trên nhiều bình diện, làng nghề truyền thống ở nước ta luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội – đặc biệt là trong đời sống của cư dân nông nghiệp.