Phải tích tụ ruộng đất
Là một người đã nhiều năm gắn bó với nông nghiệp và nông dân An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch UBND tỉnh này thẳng thắn nói “Về ĐBSCL, đố ai tìm thấy một hộ nông dân nào có một cái…nhà kho. Chính vì thế, nông dân thường bán luôn lúa tươi ngay khi vừa mới thu hoạch xong. Nông dân ĐBSCL đã quen với sản xuất lúa hàng hoá. Nhưng do ruộng đất ít, nên sản lượng lúa mỗi hộ làm ra, chẳng đáng để họ phải đầu tư phơi sấy, chế biến, bảo quản…, để đợi lúc được giá thì mới bán. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chưa có sự tích tụ đất đai”.
TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN-PTNT II, phân tích “Để phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, phải thực hiện theo 4 quy trình: CNH, HĐH nông nghiệp; đô thị hoá nông thôn, kiểm soát dân số; bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường nhân văn. Theo đó, chúng ta cần phải xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại có tính chất đa chức năng. Và để làm được điều này, không thể không cho nông dân tích tụ ruộng đất. Quá trình tích tụ ruộng đất này không bao giờ đến mức vượt quá tầm kiểm soát, vì đặc điểm của sản xuất nông nghiệp là muốn làm thành công, thì ông chủ trang trại phải đích thân tổ chức sản xuất trên ruộng đất của mình, nên họ chỉ tích tụ ruộng đất đến mức phù hợp với khả năng của họ".
Ông Khải nói thêm "Lâu nay, chúng ta cứ lo ngại quá trình tích tụ ruộng đất sẽ khiến cho nhiều nông dân bị mất đất, không có việc làm. Trong khi đó, chính việc thu hồi đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp, sân gôn …, ở nhiều vùng nông thôn, đã khiến cho nhiều nông dân trở nên thất nghiệp”.
Cứ cho là đến năm 2020, đất nước ta cơ bản là một nước công nghiệp, thì đến khi ấy, nông nghiệp, nông thôn và nông dân sẽ ra sao? Nếu tiếp tục phát triển theo xu hướng hiện nay, e rằng sẽ dẫn đến một kịch bản xấu về nông thôn và nông dân: không ai muốn đầu tư vào nông nghiệp; nông thôn là nơi không ai muốn ở; các thế hệ tương lai bỏ rơi nông thôn; văn hoá làng bị tàn phá. Còn lâu nay, nông dân Việt Nam đang có hay phải chịu nhiều cái “nhất”: cống hiến nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất, được giúp đỡ ít nhất, bị tước đoạt nhiều nhất, bị đè nén nhiều nhất, phải cam chịu nhiều nhất, thích nghi giỏi nhất, biết tha thứ nhất …(GS Tương Lai) |
GS Đào Công Tiễn cho rằng “Nhà nước cần phải trao đầy đủ quyền sử dụng đất cho nông dân đang sở hữu ruộng đất. Đất đai phải trở thành một sản phẩm trao đổi trên thị trường, hoàn toàn tuân theo quy luật của thị trường”. Còn theo ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, để giải quyết vấn đề “tam nông” hiện nay, không thể né tránh vấn đề đất đai. Ông Hoàng nói “Cần phải thị trường hoá đất đai. Người nông dân phải có quyền quyết định trong việc có bán đất của mình cho một dự án nào đó hay không”.Chính sách chưa đi vào đồng ruộng
Một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trong “tam nông” hiện nay là chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Theo TS Nguyễn Văn Ngãi (ĐH Nông Lâm TP HCM), các chính sách vĩ mô đều có ảnh hưởng lớn, trực tiếp hoặc gián tiếp tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chẳng hạn, chính sách thắt chặt tín dụng, giảm cho vay tiền, khiến các ngân hàng phải nâng lãi suất cho vay lên cao, làm cho sản xuất của nông dân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Nhiều chính sách bảo hộ các ngành phi nông nghiệp cũng đang gây tác hại ít nhiều đến SXNN. Theo nghiên cứu mới đây của một tổ chức quốc tế, được thực hiện ở nhiều nước đang phát triển, bảo hộ công nghiệp và chính sách tỷ giá hối đoái làm thiệt hại ngành nông nghiệp gấp 3 lần chính sách cho nông nghiệp.
Trong khi đó, có một thực tế đáng buồn là những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở ta còn quá ít, quá thiếu. Đã thế, nhiều chính sách…khó đi vào đời sống. Ông Nguyễn Minh Nhị cho biết “Có nhiều nghị quyết, chủ trương của TƯ, của Chính phủ, ban hành đã hơn 10 năm nay mà đến giờ vẫn chưa đi vào được đời sống nông dân”.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Nguyễn Minh Nhị, là do lâu nay, hai lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục đã trở thành nơi để… thí điểm các chính sách Nhà nước. Nhiều chính sách vẫn thể hiện ý chí của một số người mà không xuất phát từ thực tế cuộc sống. Còn theo TS Vũ Trọng Khải “Những chính sách của chúng ta chưa bao giờ dựa trên một đề tài nghiên cứu khoa học nghiêm túc”.
Thanh Sơn - Nông nghiệp Việt Nam