TIN TỨC-SỰ KIỆN

Cần một khoán 10 nữa cho nông thôn

Ngày đăng: 13 | 04 | 2008

Tháng Tư 2008 là tròn 20 năm Nghị quyết X của Bộ Chính trị Khóa VI đi vào cuộc sống. Để thiết thực kỷ niệm sự kiện trọng đại trong nông nghiệp nông thôn này, ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thời kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết X có cuộc cuộc trò chuyện với nhiều bất ngờ thú vị.

Cần một khoán 10 nữa cho nông thôn

Ông Nguyễn Công Tạn hiện là Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Thành Tây. Tôi nói với ông:

- Ông đúng là một sĩ phu, tiến vi quan, thoái vi sư. Chúc ông nhiều may mắn với ngôi trường do ông sáng lập, như thời kỳ ông làm Bộ trưởng.

- Sao cậu lại nói đó là thời kỳ may mắn?

- Suốt 10 năm ông làm Bộ trưởng Bộ NN - PTNT, cả nước năm nào cũng được mùa; sản lượng lương thực hằng năm sau 10 năm đã từ 16 triệu lên 29-30 triệu tấn và đặc biệt, rất ít bão lũ.

- Đó là vận nước, cái may mắn của một cá nhân không thể thay nổi. Nhưng về làm Bộ trưởng nông nghiệp chưa lâu mà có ngay Nghị quyết X để triển khai thực hiện thì là một sự may mắn lớn lao của đời tôi.

- Về nội dung, sức mạnh to lớn của Nghị quyết thì đã là câu chuyện cũ. Nhưng hẳn là ông có những câu chuyện bí mật lịch sử xung quanh Khoán X?

- Còn nhiều, còn ăm ắp đến nỗi tôi không biết bắt đầu từ đâu. Tôi là người được dự bàn ngay từ đầu, ở T78 TP Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Nhưng trong tôi còn nguyên cảm giác, tôi vẫn không thể ngờ là có thể ra được Nghị quyết X.

Tôi có thể phần nào hiểu được cảm giác ấy. Nó thường có sau mỗi lần chúng ta nỗ lực vượt thắng bản thân, cùng nhau làm những việc phi thường. Và cực kỳ nguy hiểm. Cho đến năm 1988, về mặt lý luận kinh tế tập thể cùng với quốc doanh có nghĩa là CNXH. Chia ruộng, khoán cho hộ nông dân, coi kinh tế hộ là chủ thể SX thì bất cứ lúc nào cũng có thể bị coi là “phá” CNXH. Khi đã bị gán cho tội danh ấy, hôm trước anh làm Bộ trưởng, hôm sau lập tức bị “ngồi chơi xơi nước.”

Tôi hỏi:- Vậy thì tại sao lại “ra” được khoán 10?

- Theo tôi có ba yếu tố rất quan trọng.

Thứ nhất, trong cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 80, nông dân là lớp người chịu nhiều cực khổ nhất. Nông dân là 80% dân số, lại sống trên toàn lãnh thổ của đất nước nên khi nông dân cực khổ, cái cực khổ bị phơi bầy không thể lấy gì mà che đậy được. Anh công nhân cũng cực khổ, nhưng ít nhất mỗi năm còn có một bộ quần áo bảo hộ; gạo thiếu thì có mì, ngô, có hạt bo bo rồi khoai sắn cấp bù. Còn anh cán bộ, các quan chức thì ngành lương thực thực phẩm nhất thiết không dám bỏ đói thì ta biết rồi. Đó là một cuộc khủng hoảng dai dẳng và nguy hiểm, dân đói quá, không có ngoại tệ để mua gạo. Tôi nhớ năm 1987 có bài báo nói 21 người bị chết đói ở Bệnh viện Thanh Hóa, Quốc hội đã chất vấn tôi về trách nhiệm để dân chết đói, có ý kiến đòi bãi chức.

Rất may mắn là ông Ban, người Mường là chủ tịch Thanh Hóa thanh minh hộ, là không có chuyện ấy. Nhưng tôi vẫn đã gặp ông Phạm Hùng bấy giờ là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và nói: “Để yên lòng dân, tôi đồng ý xin từ chức.” Ông Phạm Hùng nói: “Từ chức để yên lòng dân, nhưng anh từ chức rồi mà dân vẫn đói thì bộ trưởng mới lại từ chức à? Báo anh biết, vàng đã vét để mua 440 ngàn tấn gạo là số vàng cuối cùng dành cho lương thực. Từ chức không cứu nổi dân!” Còn ông Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch HĐBT nói: “Không được (từ chức). BCT chịu trách nhiệm chứ không phải đồng chí.”

Thứ hai là các nhà lãnh đạo đất nước ta thường am hiểu nông dân nông thôn hơn các lĩnh vực khác, nên thực trạng cực khổ của nông dân kéo dài đã câu thúc nhà lãnh đạo suy nghĩ và tìm cách tháo gỡ. Do đó, sau Đại hội VI, ngay sau khi sắp xếp nhân sự xong, lãnh đạo bắt tay ngay vào tháo gỡ cái cực khổ cho nông dân.

Thứ ba là vai trò lịch sử của ông Nguyễn Văn Linh, ông Võ Chí Công là rất quyết định. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói trên TV về các khuyết tật của HTX, rồi kết luận, đại ý: Chỉ có 5% đất đai đã đem lại hơn một nửa thu nhập cho nông hộ, cứu đời sống của nông dân; sao không biến 5% thành 100%? Có trí tuệ, từ thực tiễn rút ra thành lý luận đã đành; nhưng còn phải dũng cảm lắm mới nói được như thế. Quyết sách của Nghị quyết X là vĩ mô chính trị, đụng đến hàng chục triệu hộ nông dân, đến vấn đề cơ bản của đất nước, của hệ thống lý luận; nó có thể lên, có thể đổ vỡ.

Cố nhiên chúng ta có kinh nghiệm của Chỉ thị 100/BBT. Họp bàn để ra được Chỉ thị 100 lâu hơn nhiều, khó khăn hơn nhiều khi ra Khoán 10. Để tránh cụm từ “khoán hộ” từng gieo họa cho ông Kim Ngọc và rất nhiều cấp ủy, chúng ta đã nói “Khoán đến nhóm và người lao động” để dung hòa giữa các trường phái lý luận.

Lại còn thòng một câu để nhấn mạnh: Khoán 5 khâu hay 3 khâu là tùy điều kiện mỗi nơi nhưng tuyệt đối không được khoán trắng. Nhưng sự nhân nhượng với lý luận, sự khéo léo thỏa hiệp “vừa đi vừa vịn” đã nhanh chóng bộc lộ những hạn chế của nó. Chỉ thị 100 sau 7 năm thực hiện đã như mũi tên đi hết tầm, nông dân có chăm sóc đất đai tốt hơn, nhưng vẫn sợ rồi bị lấy ra nên không dốc toàn bộ sức lực; lại có câu “bung ra” và nhiều kế hoạch (KH I, KH II, KHIII) hỗ trợ, người ta lại bỏ đất đai để chạy chợ buôn bán lòng vòng. Vì vậy mà năng suất và sản lượng lương thực lại sụt giảm, thậm chí còn sụt giảm nhiều hơn trước khi có Chỉ thị.

Vì vậy, có thể nói khi chúng ta dứt khoát hơn đối với kinh tế hộ cũng có thể lên, có thể đổ vỡ. Cho nên, Bộ Nông nghiệp vẫn run, vẫn ngại. Cho nên ông Võ Chí Công đã nói: “Để tôi chủ trì triển khai Nghị quyết!” Ông Võ Chí Công từng làm Trưởng ban Nông nghiệp TW (như một siêu bộ- VC) cũng chính là người chủ trì triển khai Chỉ thị 100. Còn cố vấn Phạm Văn Đồng thì nói: “Phải triển khai Nghị quyết X như là một ngày hội của nông dân!”

Có một đặc điểm mang nhiều ý nghĩa: Nghị quyết X có nội dung rất ngắn, chỉ ngắn như một mệnh lệnh. Lại không có các văn bản nào của Chính phủ thể chế hóa, cứ thế thực hiện, từ Đảng đến thẳng dân. Vậy mà cả nước lập tức thực hiện, không ai chống lại. Ở miền Nam còn có nơi bỏ luôn HTX, ruộng của ai góp vào lại trả cho chủ cũ.

!!

Nông thôn cần một hệ thống tư duy

Chỉ sau 10 tháng triển khai khoán 10, cả nước đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo (tôi không nhớ chính xác, nhưng đã dư thừa gạo và XK một lượng lớn.) Sang năm 1989 chúng ta bỏ luôn chế độ sổ gạo. TCty Lương thực phản đối, nhiều Thứ trưởng phản đối; có ông khuyên tôi: “Hãy cẩn thận, nhỡ mất mùa đói kém thì sao?”. Tôi nói chả sao, thiếu gạo thì mang tiền sang Thái Lan, một tuần sau là gạo đã cập bến. Lại có đơn kiện tôi rằng “ông này phá tan hết cả”. Thế rồi, ngay cả khi bỏ sổ gạo mà CBCNV vẫn rất phấn khởi, thóc gạo vẫn tiếp tục dư thừa rồi, có người ở ngành lương thực vẫn còn nhờ một cán bộ cấp cao (tôi không muốn nói tên vì sau đó ông đã bị bãi nhiệm do một việc khác) nói cần duy trì sổ gạo. Tôi đã nói: “Bây giờ bố tôi sống lại bảo tôi làm, tôi cũng chịu. Tôi hãi nó lắm rồi!”

Sau chế độ tem phiếu, Đảng và Nhà nước giao cho Bộ Nông nghiệp – Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ NN-PTNT) dự thảo ngay Luật Đất đai, xác định rõ “đất đai là hàng hoá và có giá” với 5 quyền cơ bản. Nhiều anh nói tôi thân Trung Quốc, học TQ để ra Luật Đất đai là nhầm. Suốt từ năm 1978 đến hồi ấy, chúng ta có thông tin gì từ bên đó đâu. Mà Luật Đất đai Trung Quốc không có quyền chuyển nhượng và thừa kế, luật của ta tiến bộ hơn bên họ nhiều.

- Có được Luật Đất đai 1993 là cực kỳ quan trọng, nó tái khẳng định và bằng luật hẳn hoi là hộ nông dân được tự chủ kinh tế, chứ không còn là hộ xã viên.

- Nhờ kinh tế hộ, nền kinh tế của chúng ta bật lên, có sức mạnh của quy luật hỗ trợ, như cây lúa ngoài nước-phân-cần-giống còn có ánh sáng và khí trời. Bây giờ là lúc chúng ta cần tư duy hệ thống. Do SX nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào trời, là kỹ thuật không chính xác, không định lượng được (trừ SX trong nhà kính với công nghệ cao), không thể dựa vào lao động làm thuê. Ngay ở các nước thị trường tự do, lao động làm thuê chỉ là những cánh tay cơ bắp nối dài, cái đầu vẫn là chủ hộ…

- Xin lỗi ngắt lời ông. Như thế, ngay cả lao động của xã viên trên ruộng HTX dù chúng ta đã cấp cho nó rất nhiều tính từ, phẩm chất làm chủ nhưng thực chất, như ta vẫn thấy cảm giác làm thuê - dẫu là làm thuê cho một ông chủ tốt là tập thể?

- Tôi nghĩ rằng, một luận điểm vận vào đâu cũng đúng thì mới là khoa học. Chủ nghĩa tư bản cũng có những vấn đề của nó, không phải đúng cả, cũng không sai cả. Vì cùng là thị trường tự do và phát triển như nhau mà 17 triệu dân Hà Lan xuất khẩu 17 tỷ USD nông sản thực phẩm (4 triệu USD/ha) trong khi Nhật Bản, có phải do bao cấp quá mà trở thành nền nông nghiệp tiểu nông và già nua. Y như ta vậy. Lưu ý là người Nhật rất giỏi nông nghiệp, ta cũng giỏi nhưng khó nói là hơn họ. Nhưng kết cục là giống nhau ở chỗ tiểu nông, manh mún, chỉ những người già nua mới ở quê làm ruộng còn người trẻ, kể cả nam lẫn nữ, đều kéo nhau ra tất thành phố hoặc các khu công nghiệp.

- Trong khi, nền tảng cơ bản của SX hàng hoá nông sản là ruộng đất tập trung, cơ giới hoá để tăng năng suất lao động và hiệu quả? Nhưng luật hạn điền, hạn thời gian giao và giá đất nông nghiệp quá rẻ, quê tôi (Thái Bình) người đi kinh tế mới bán có 300.000đ một sào Bắc bộ; rẻ đến mức không muốn bán. Vâng, Luật Đất đai như bộ quần áo may sẵn, trong khi cơ thể sản xuất nông nghiệp đã to lớn mạnh mẽ hơn thời điểm nó ra đời.

- Quy luật khách quan là phải thay đổi, phải sửa luật nếu một điều luật nào đó cản trở sự phát triển. Với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Dự luật đất đai đầu những năm 1990, tôi nhận thấy tính chất tiểu nông của Luật Đất đai 1993. Ngoài hạn điền, còn cả điều về quyền thừa kế. Bố mẹ - chủ hộ, được giao 1 mẫu ruộng, còn là một mảnh to. Thế hệ tiếp theo, có 5 người con thừa kế ngang nhau, vậy là thửa ruộng to đã biến thành 5 mảnh nhỏ; nếu thừa kế bình đẳng, vô hình chung chúng ta khuyến khích sự manh mún, là đi ngược lại quy luật SX hàng hoá. Bây giờ không như 20 năm về trước, khi Khoán 10 ra đời, cũng khác hẳn khi Luật Đất đai ra đời. Hồi ấy chúng ta chỉ cần dân no, dân đủ ăn, nay thì nông dân cần SX hàng hoá để làm giàu. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước đã có quá nhiều chính sách với thiện ý hỗ trợ nông dân: Trợ giá giống mới, giá cước vận chuyển phân bón, dự án tạo việc làm, dự án khuyến nông và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi…Cũng y hệt như ngày xưa chúng ta tìm trăm phương ngàn kế để cải tiến quản lý HTX, rất vất vả nhưng hiệu quả vẫn không được như ý muốn.

- Khi trao đổi với những chuyên gia có trách nhiệm về hoạch định chính sách nông nghiệp, tôi thấy những hạn chế của Luật Đất đai nhanh chóng được nhất trí nhưng có ý kiến vẫn lưu ý về lẽ công bằng, về sự chênh lệch giàu nghèo ngay tại nông thôn. Làm thế nào để SX hàng hoá vẫn phát triển mà lòng tốt của xã hội vẫn được tôn trọng?

- Bố tôi có 4 anh em trai, ba ông làm ăn tốt, ông bác suốt ngày chỉ rượu và suốt đời nghèo. Bao nhiêu biện pháp và thiện tâm giúp đỡ nhưng vẫn nghèo, tố chất kém quá, không lên được. Nếu quy định ba ông khá phải theo một ông nghèo thì cũng lại là một bất công.

- Vâng, người nông dân nghèo vẫn phải là mối quan tâm chung của toàn xã hội, nhưng như ông nói, chúng ta cần một hệ thống tư duy chứ không phải chỉ là một vài giải pháp riêng lẻ. Ông có thấy rằng đã đến lúc chúng ta cần một khoán 10 nữa cho nông thôn?

- Đúng như vậy. Con người lớn đến đâu thì áo quần phải rộng ra đến đó, không thể gò bó.

- Thưa ông, ông có nói rằng, tại Hội trường T 78 TP Hồ Chí Minh, nơi họp để ra Nghị quyết X BCT đã có rất nhiều người phát biểu nhưng các ý kiến lại rất dễ nhất trí. Vì sao như vậy, như ông nói, nó có thể thúc đẩy tiến lên, cũng có thể gây ra đổ vỡ?

- Tôi cho rằng tình thế khó khăn nó câu thúc tư duy. Mặt khác, thời cơ cũng chín muồi. Các giai đoạn “tập dượt” khoán hộ của Vĩnh Phú, “khoán chui” của Hải Phòng tuy bị phê phán nhưng nó còn đấy như một cách làm, như một đối chứng; rồi những hạn chế của Chỉ thị 100 nó cho thấy không thể nhân nhượng nửa vời.

- Dẫu sao thì tôi cũng có cảm giác rằng, vấn đề thì ai cũng biết là phải, là đúng, là có lợi cho nền kinh tế trước hết là kinh tế nông thôn, nhưng nỗi ám ảnh sợ sai, sợ trách nhiệm khiến tất cả im lặng. Cho đến khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lên tiếng?

- Cho nên, một lần nữa tôi khẳng định, vai trò lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, của Chủ tịch nước Võ Chí Công là rất quyết định đối với Nghị quyết X.

Tôi đã cảm ơn ông Nguyễn Công Tạn và nói lời tạm biệt, kịp giữ lại câu hỏi cuối cùng, rằng liệu vấn đề đã chín muồi chưa để đất nước có những đột phá để đi lên; như những năm tháng chúng ta sôi nổi đi lên từ Nghị quyết X? Có lẽ đó là câu hỏi chung, là câu tự hỏi của không riêng một ai nếu người đó quan tâm đến nông dân và nông thôn.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

NỘI DUNG KHÁC

"Hy vọng của bà con nông dân vùng núi ngày càng nhiều hơn"

11-4-2008

Bà con nông dân thôn A Lật đã làm giàu do trồng mơ tây những năm qua hiện lại tăng thêm một nghề mới là "du lịch nông thôn". Ông nông dân Lưu Khởi Quý rất vui và nói, bà con đã hưởng mọi chính sách mang lại lợi ích cho nông dân của Đảng, sau này, hy vọng của bà con nông dân vùng núi sẽ ngày càng nhiều hơn.

Bảo hiểm nông nghiệp: Giải pháp từ 3 phía

11-4-2008

Mặc dù bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) vẫn là khái niệm xa vời với đại đa số nông dân, và thực tế còn rất nhiều khó khăn trong việc triển khai, phổ biến loại hình này đến từng cá thể, nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được nếu có sự thống nhất giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.

Công nghiệp hóa với vấn đề tam nông

11-4-2008

Kỷ niệm 20 năm Nghị quyết X một cách thiết thực nhất là học hỏi, làm sống lại và phát huy tinh thần dũng cảm, đặt quyền lợi của dân của nước cao hơn bản thân mình, lấy thực tiễn kiểm chứng lý luận và nếu cần thì đổi mới lý luận.

Phải xác định rõ chức năng của nông nghiệp, nông thôn

9-4-2008

AGROINFO - Phát triển nông thôn bắt đầu từ đâu? Phát triển như thế nào? Trả lời câu hỏi đó không dễ. TS Vũ Trọng Bình - GĐ TT Phát triển Nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, người có nhiều năm nghiên cứu về về đề Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân đã đưa ra những ý kiến rất đang quan tâm về vấn đề này...

Trung Quốc sản xuất vắc-xin cúm gia cầm dùng cho người

9-4-2008

Sau hơn hai năm nghiên cứu và thử nghiệm, Trung Quốc đã cho phép tiến hành sản xuất đại trà vắc-xin cúm gia cầm dùng cho người.

Kinh tế toàn cầu trước nguy cơ suy giảm

9-4-2008

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Strauss Kahn vừa tuyên bố, trong năm nay, nền kinh tế toàn cầu có những dấu hiệu suy giảm lớn. Nhiều khả năng IMF sẽ giảm mức dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới xuống còn 3,7%, thay vì 4,1% trước đó.

Xoá nợ đọng phí thuỷ lợi cho DN trong hai năm

9-4-2008

Các khoản nợ đọng thuỷ lợi phí và lỗ do nguyên nhân khách quan phát sinh trước ngày 31/12/2007 của DN sẽ được xem xét xoá nợ. Thông tư hướng dẫn thi hành NĐ 154/2007/NĐ-CP của Chính phủ về miễn giảm thuỷ lợi phí, do Bộ Tài chính vừa ký ban hành, nêu rõ.

Hội thảo "Các thực hành nông nghiệp tốt"

21-7-2008

Chương trình hợp tác Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (CARD) là sáng kiến của Chính phủ Australia nhằm giúp đỡ chính phủ Việt Nam thực hiện Chiến lược tổng thể về xoá đói giảm nghèo. Chương trình tập trung vào "tăng cường năng suất và tính cạnh tranh của các hộ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ và các doanh nghiệp nông thôn"

Xung quanh vấn đề đất nông nghiệp trong phát triển công nghiệp

8-4-2008

Đất đai là một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp nông thôn của Việt Nam hiện nay. Đã có rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau khi nhìn nhận, đánh giá vấn đề này. BBT Website Ipsard xin đăng ý kiến cá nhân của TS. Lê Đức Thịnh, Viện Chính sách và Chiến lược PTNN-NT (IPSARD) và hi vọng bài viết sẽ cung cấp cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và quý bạn đọc những thông tin mới, bổ ích. Rất mong sẽ có thêm nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, khoa học về vấn đề này.

"Lúa siêu cao sản" của Trung Quốc sẽ cho sản lượng 13,5 tấn một ha

8-4-2008

"Công trình đợt ba lai giống lúa siêu cao sản" đang thực hiện của Trung Quốc đã thu được tiến triển đột phá, mục tiêu nâng sản lượng lên tới 13,5 tấn một ha có hy vọng thực hiện trong năm nay.

Thử xem xét lại lịch sử thế giới từ mô hình tổng hợp Umesao-North-Weber

18-4-2008

Hội thảo thường kỳ của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS

Đánh giá một năm gia nhập WTO

11-4-2008

Seminar thường kỳ của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS.