TIN TỨC-SỰ KIỆN

Công nghiệp hóa với vấn đề tam nông

Ngày đăng: 11 | 04 | 2008

Kỷ niệm 20 năm Nghị quyết X một cách thiết thực nhất là học hỏi, làm sống lại và phát huy tinh thần dũng cảm, đặt quyền lợi của dân của nước cao hơn bản thân mình, lấy thực tiễn kiểm chứng lý luận và nếu cần thì đổi mới lý luận.

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn đã mở đầu như vậy trong cuộc trò chuyện với PV NNVN về những trăn trở suy nghĩ xung quanh số phận nông thôn và người nông dân trong quá trình CNH.

PV: Thưa ông Đặng Kim Sơn, sau 20 năm đổi mới, đời sống nông dân về căn bản đang ở một mức sống, một chất lượng sống hơn hẳn chính mình; nhưng cũng chưa bao giờ nông thôn gặp những vấn nạn như bây giờ: Chênh lệch mức sống giữa nông thôn với thành thị, giữa nông dân với nhau ngày càng gay gắt.

Trong khi SX nông nghiệp vẫn chịu mọi rủi ro như lệ thường thì họ lại chịu ràng buộc bởi những cam kết WTO rồi nông dân bị mất đất để trở thành thất nghiệp với một mớ tiền đền bù đã không đáng kể lại còn bị tình trạng lạm phát như một quy luật của phát triển CNH “lấy bớt”.

- Tất cả các nước phát triển đều mất 300 năm để CNH, trong khi chúng ta đề ra nhiệm vụ chỉ CNH trong 20 năm. Mức độ gay gắt của 300 năm phải dồn nén lại trong có 20 năm, căng thẳng là khó tránh.

PV: Các nước CNH phát triển chỉ phải gánh trên vai có 2 câu chuyện: Về kinh tế, đi từ nông nghiệp đến công nghiệp và về mặt xã hội là chuyện giữa nông thôn và đô thị. Việt Nam cũng phải qua con đường tất yếu ấy để CNH nhưng chúng ta phải giải quyết thêm 2 câu chuyện nữa: Từ nền kinh tế kế hoạch sang thị trường và ngay khi “vào chợ” thì lập tức gặp quy định nghiệt ngã của toàn cầu hoá. Chúng ta bị cam kết bỏ hỗ trợ XK, trong khi ngay cả bây giờ các nước phát triển cũng không bị những cam kết bất công ấy.

-Có thể hình dung con đường 300 năm qua của các nước phát triển như sau: Nền công nghiệp đều “được” bóc lột nông dân, bần cùng hoá nông dân, phá trụi rừng và phá nát nông thôn. Sau khi đã CNH, HĐH họ mới quay trở lại để trả nợ cho nông dân cái món nợ 300 năm chồng chất. Đó là công cuộc bảo hộ nông phẩm (nông dân Mỹ, Nhật Bản bán 1 USD 1 củ khoai lang, 6 USD một cân gạo nhưng cấm nhập khẩu chúng bằng hàng rào phi thuế quan hoặc bị áp dụng luật chống phá giá mà nông dân Nam bộ hiện đang bị khốn đốn.)

Đó còn là địa vị siêu công dân của nông dân. Mỗi lá phiếu của cử tri là nông dân bằng 3 phiếu của thị dân nếu bầu Thượng viện, bằng 6 phiếu thị dân nếu là Hạ viện. Vậy là sau 300 năm bị đè nén bóc lột, nông dân các nước phát triển trở thành siêu quyền lực và họ cạnh tranh “bình đẳng” với nông dân của chúng ta.

Đằng khác, các nước CNH sau 300 năm mới quay trở lại trả món nợ môi trường bị họ phá tan trong quá khứ. Nước sông Thames vốn nổi tiếng trong xanh và thơ mộng trong các tiểu thuyết thời Phục hưng đã trở nên xanh rớt như một thứ dầu, một nhà báo Anh dùng nó để thay mực viết bức thư tố cáo công nghiệp, đòi bảo vệ dòng sông. Lịch sử bảo vệ môi trường đã bắt đầu như thế. Nhưng đó là món nợ Kyoto hay còn gọi là món nợ lỗ thủng tầng ozon rất khó trả, nên họ lại ép các nước đi sau không được huỷ hoại môi trường cứ như họ là những đấng thánh thần.

Một câu chuyện nữa về lao động của các nước đi sau. Nhờ chất lượng sống cao hơn, tỉ lệ sơ sinh tuy thấp nhưng tỉ lệ tử vong lại rất thấp nên dân số vẫn tăng khá nhanh. Tình trạng dư thừa lao động là một gánh nặng ghê gớm cho đất nước. Bởi vì CNH lần này đi liền với HĐH nên chất lượng lao động đòi hỏi rất cao. Nó khác hẳn với công cuộc đại công trường thủ công mấy thế kỷ trước không đòi hỏi tay nghề hoặc chỉ đào tạo đơn giản.

PV: Đúng là câu chuyện trâu chậm uống nước đục. Thật khó hình dung lộ trình 300 năm tới của chúng ta lại CNH thành công với một cái giá phải trả đắt đến thế, xót xa đến thế đối với nông dân và nông thôn? Chẳng lẽ chúng ta không có thuận lợi nào, không có con đường tránh giá đắt của lịch sử?

- Có chứ. Nếu không có những thuận lợi, làm sao mà chúng ta có thể đi nhanh như tốc độ vừa qua? Ngày xưa các nước CNH phải gây chiến tranh để chiếm thị phần, ngày nay không thế. Cứ có hàng hoá, cứ tuân thủ WTO là vô tư bán hàng. Ngày xưa, vốn đầu tư ban đầu là vô cùng hiếm hoi; phần lớn chúng đều được tích luỹ qua mấy ngàn năm phong kiến, qua các cuộc chiến tranh, đào vàng, tìm kiếm khoáng sản đầy máu và nước mắt. Bây giờ một năm ta hút đầu tư đến 20 tỉ USD, 40 năm trước Hàn Quốc có mơ cũng không thể có. Thuận lợi thứ hai cũng rất căn bản là tiến bộ của KHCN. Sau những thiết bị “bãi rác” hồi đầu, bây giờ công nghệ của chúng ta bình thông với thế giới. Đặc biệt là công nghệ sinh học và thông tin. Trình độ CNTT của Việt Nam tiến nhanh như vũ bão, từ con số không trở thành khoảng 50 quốc gia mạnh.

PV: Thưa tiến sĩ, người xưa có câu chua chát lắm: “Bè tôi, gỗ chú nó!” Cái ông Honda “Tôi yêu Việt Nam” bán cái Supe Deam 2.100 USD trong khi cái Deam Thái bán “miễn thuế” qua biên giới là 700 USD (1998). Bây giờ mỗi lần thấy ông ấy “Tôi yêu Việt Nam” trên TV tôi cứ gai hết cả người. Trong khi anh chị em ruột của tôi ở quê vẫn cứ chuyển dịch lòng vòng qua một sào đất mỗi năm, tết về cho một vài trăm chỉ là bớt một bữa nhậu để ba hoa chích choè cùng bạn bè thì đã mừng như hai lần được mùa. Ông làm một chức quan nhỏ, nhưng lại là cơ quan Viện nghiên cứu chính sách, nơi ông tiếp tôi là Trung tâm tư vấn chính sách Nông nghiệp, xin hãy mau chóng góp phần cùng cả nước có chiến lược để sớm kéo gần lại nhau mức chênh lệch giữa nông thôn và đô thị. Nhưng xin hỏi thật, đã có cao kiến gì không, hay còn đang nghiên cứu?

- Cao kiến thì không dám nói và như ông vừa nhận xét, mình chỉ là cơ quan cấp vụ của một bộ ngành, cũng chưa thể nói lớn đến như thế. Nhưng mà có. Bây giờ tôi còn bận tiếp một ông Tây vì có hẹn trước, xin hẹn ông ngày mai.

!!

"Muốn CNH thành công, chúng ta phải gắn công nghiệp với nông nghiệp, gắn đô thị với nông thôn. Câu chuyện tưởng cũ nhưng không hề cũ. Phải kéo công nghiệp (CN) về nông thôn (NT) và miền núi, phải đưa đô thị (ĐT) về nông thôn (NT) chứ không phải ngược lại". TS Đặng Kim Sơn tiếp tục cuộc đối thoại về chủ đề "khoán 10" nào cho nông thôn...

Trở lại câu chuyện, chúng tôi nhanh đi đến nhất trí về vấn đề sống còn của nhiệm vụ rút ngắn chênh lệch giàu nghèo và gắn kết giữa đô thị và nông thôn. Nhiều biến cố căng thẳng trên thế giới vài chục năm trở lại đây thực chất là vấn đề giàu nghèo, được biến hoá dưới hình thức tôn giáo và sắc tộc. Những cánh rừng bị tàn phá, khí thải đến mức độc hại làm biến đổi khí hậu, khiến nhiều vùng đất trên hành tinh bị sa mạc hoá cũng là trách nhiệm của cách CNH “bằng mọi giá.” Vì vậy, không một nhà hoạch định chính sách nào lại bất chấp những bài học xương máu của lịch sử phát triển các nước đi trước.

- Nhưng CNH có quy luật nghiệt ngã và khách quan của nó. Nếu không tuân thủ quy luật, rồi có thể chúng ta lại sa vào duy ý chí lần nữa? Cho nên, ngay cả Đặng Tiểu Bình - Giải Nobel về kinh tế cũng phải nói “Phải có người giàu trước rồi đến lượt người sau chứ không thể tất cả cùng giàu một lúc!” Còn một nhà quản lý của chúng ta thì nói “Không chịu trả giá mà đòi CNH thì là câu chuyện không tưởng!” Xin cho biết ý kiến của ông về vấn đề này?

- Vấn đề là trả giá đến mức nào. Hiện thế giới có khoảng 30 - 40 nước đã phát triển và 90% trong số ấy trước đây đã đi theo con đường cũ. Cố nhiên, không kể các nước dầu mỏ có đời sống khá cao nhưng thật khó nói đó là nền kinh tế phát triển.

- Vâng, trong khi cái giá phải trả vào lúc cạn kiệt dầu mỏ đã sờ sờ ra đấy!

- Trong vài chục nước ấy, cả một vùng Mỹ Latin mênh mông không có nước nào, Nam Á cũng không có. Mà Brazil, Argentina đất đai vô cùng trù phú, cũng lắm mỏ dầu; Ấn Độ thì dân cư đông đúc, nền văn hoá lẫy lừng. Nghĩa là, để CNH, HĐH một quốc gia là vô cùng khó. Rất nhiều quốc gia kém phát triển sau khi thoát nghèo (dưới 900 USD/người) lên đến 4 – 5.000 USD là chững lại, là đuối sức.

- Khó, khó thật nhưng chúng ta không thể không tiến lên. Ý kiến của ông?

- Muốn CNH thành công, chúng ta phải gắn công nghiệp với nông nghiệp, gắn đô thị với nông thôn. Câu chuyện tưởng cũ nhưng không hề cũ. Phải kéo công nghiệp (CN) về nông thôn (NT) và miền núi, phải đưa đô thị (ĐT) về nông thôn (NT) chứ không phải ngược lại. Quan hệ CN – NN, ĐT – NT là một phạm trù mà nếu giải quyết thoả đáng, nó sẽ là động lực to lớn đẩy chúng ta, nếu ngược lại, nó sẽ là một quả bom thật khó lường.

- Liên minh công nông là điều Đảng và Nhà nước coi là một cương lĩnh chính trị. Nó đã tỏ ra hữu hiệu trong đấu tranh giành chính quyền, trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Trong thời bình, chúng ta vẫn muốn nó phát huy sức mạnh của khối liên minh công nông; nhưng có lẽ mỗi người đều chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, của đơn vị mình nên quan hệ trở nên lỏng lẻo nếu không nói là chỉ nhằm trục lợi. Để cho khỏi hiểu nhầm, chúng ta thống nhất khái niệm liên minh công nông nói với nhau ở đây là liên minh kinh tế. Nhưng xin nói rõ hơn, chứ tôi thì cứ xin dứt khoát nghi ngờ. Doanh nghiệp nước ngoài thì chúng ta có câu chuyện Honda “tôi yêu Việt Nam”, còn trong nước, thì 2 ngày hôm nay NNVN có bài nói về vụ Dự án Hoa hồng của Cty Nhân Văn hứa hẹn với HTX Đoàn Thượng ở Gia Lộc Hải Dương sẽ mang lại giá trị 500 triệu đồng/ ha. Dự án phá sản, HTX vẫn còn nợ ngân hàng 7,6 tỉ đồng; còn Cty Nhân Văn – vâng, cái tên thật nhân văn, thì…mất hút!

NNVN cũng vừa có loạt bài "Nông dân mất đất - Câu chuyện đã đến hồi gây cấn" mà hẳn ông có đọc. Bờ xôi ruộng mật bị lấy làm khu công nghiệp, nhà đầu tư chọn lấy những nông dân trẻ khoẻ nhất, quy tụ họ từ nông thôn khắp nơi về, bất chấp họ sẽ lấy ai và ở đâu, trả lương thấp ép làm tăng giờ cũng không dám đình công vì Chủ tịch Công đoàn không tổ chức, đình công là phạm luật; còn chính các chủ hộ tầm trung niên sẽ rơi vào thất nghiệp. Nông dân thất nghiệp thì đô thị hoá bằng cách nào?

- Câu chuyện quả là khó, quyết tâm và điều hành phải từ cấp vĩ mô. Ở đây, tôi xin chỉ đưa ra mô hình gắn kết hữu hiệu để cùng tham khảo chung. Liên minh kinh tế gắn kết xã hội là một liên minh vì quyền lợi chung, chứ không phải làm từ thiện. Năm 1950, ông Tưởng Giới Thạch dẫn 2 triệu quan binh thất trận ra Đài Loan. Người Mỹ đã nói với ông ta, mà có lẽ chả cứ người Mỹ nói ông ta cũng tự hiểu rằng mình o bế tư sản và đại chủ là sai lầm, đã thất bại trước ông Mao Trạch Đông với thế trận công nông.

Bài học thất bại đã khiến ông tỉnh ngộ, bèn làm cuộc cải cách điền địa, mua ruộng của điền chủ, để họ dùng tiền bán đất đầu tư vào nhà máy, công xưởng “bóc lột máy móc, lợi ích bằng mấy bóc lột người. ”Đất ấy chia cho nông dân cùng các chính sách ưu đãi nông hộ tuyệt đối đã giúp tiểu nông phát triển.

Đằng khác, Đài Bắc bỏ tiền ra làm giao thông dọc ngang bán đảo, làm đường sắt xuyên quốc gia. Một mặt, họ ưu đãi thuế hoặc tín dụng; mặt khác mời các nhà đầu tư phải về nông thôn mà đầu tư. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn trở thành vệ tinh của doanh nghiệp, nhà máy lớn. Nhưng quá trình nhà đàm phán mua đất của nông dân thì theo thị trường. Anh muốn mua chỗ bờ xôi ruộng mật? Liệu có đủ sức chịu giá đất đắt gấp chục, nhiều chục lần chỗ gò đồi cằn cỗi?

Nhờ chính sách cứng rắn này cho nên ở Đài Loan không có thành phố quá lớn, trong khi rất nhiều các thị trấn, thành phố cỡ nhỏ và vừa. Thành phố Đài Bắc rất phát triển nhưng sau hơn mười năm CNH, dân số chỉ tăng 28%; không bị sức ép tăng dân số di cư, không có nạn kẹt tắc đường thiếu điện, thiếu nhà ở. Không đánh mất văn hóa nông thôn truyền thống, môi trường đồng quê thơ mộng. Đài Loan một mặt cung cấp văn minh, mang từ đô thị về nông thôn, đưa thu nhập nông thôn bằng mức thành thị, tính giá điện ở đô thị với nông thôn bằng nhau. Câu chuyện “liên kết công nông" còn ở chỗ có ưu đãi cho công nghiệp bán hàng cho nông dân. Các nhà máy của Đông Bắc Á nói chung đặc biệt coi trọng thị trường nông dân: Làm ra xe máy, quạt, nồi cơm điện trước hết ưu tiên bán cho nội địa; đến khi nông dân của họ dùng ô tô, máy điều hoà thì họ mang bán xe máy và quạt máy ra nước ngoài. Đó có lẽ là hình ảnh bất khả xuyên tạc về mối liên minh công nông. Nó khác hẳn lịch sử tư bản chủ nghĩa là bần cùng hoá nông dân để họ trở thành nhân công rẻ mạt của mình như mấy trăm năm trước!

- Thưa ông Đặng Kim Sơn, có lẽ ông cần viết cho NNVN một bài về chủ đề: Cần chủ động dứt khoát vận dụng cơ chế thị trường, mặt khác, cần hiểu cho đúng tinh thần của nó. Chứ, trên thực tế, rất nhiều ông chủ quan niệm về cơ chế thị trường y như thời tích luỹ tiền tư bản đã có trong các sách mà nhân loại viết ra để phê phán nó. Thật nguy hiểm. Còn bây giờ, xin ông giải toả giúp tôi nốt chỗ nghi ngờ còn lại: Khi nông dân trở thành các “tiểu điền chủ” họ sẽ loay hoay thế nào trên mảnh đất của mình; hoặc thậm chí là đã vỡ nợ mà trở nên mất đất?

- Cần cải cách hệ thống giáo dục phổ thông, tổ chức dạy nghề cho lao động. Không được phép nghĩ rằng CNH thì bỏ quên nông dân, bài học ấy Đài Loan không thể nào quên nổi. Chính quyền khuyến khích nông dân tự nguyện vào HTX hoặc nông hội. Cố nhiên nhà nước không bao cấp trả lương cho chủ tịch hội hay ban quản lý HTX. Nông dân, xã viên bầu ban quản lý của mình. Khoảng 7-80% VTNN của Đài Loan là do các nông hội và HTX nắm; người quản lý lo toan bình ổn giá đầu vào, đầu ra để làm lợi cho những ai bầu cử nên mình như giữ chính cái ghế của mình.

- Chứ không bị quan liêu hoá như chúng ta? Xin cảm ơn ông về những bài học thật thú vị. Chúng tôi xin ghi lại, để qua diễn đàn này, tất cả chúng ta cùng tham khảo và trao đổi, nếu cần.

NỘI DUNG KHÁC

Phải xác định rõ chức năng của nông nghiệp, nông thôn

9-4-2008

AGROINFO - Phát triển nông thôn bắt đầu từ đâu? Phát triển như thế nào? Trả lời câu hỏi đó không dễ. TS Vũ Trọng Bình - GĐ TT Phát triển Nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, người có nhiều năm nghiên cứu về về đề Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân đã đưa ra những ý kiến rất đang quan tâm về vấn đề này...

Trung Quốc sản xuất vắc-xin cúm gia cầm dùng cho người

9-4-2008

Sau hơn hai năm nghiên cứu và thử nghiệm, Trung Quốc đã cho phép tiến hành sản xuất đại trà vắc-xin cúm gia cầm dùng cho người.

Kinh tế toàn cầu trước nguy cơ suy giảm

9-4-2008

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Strauss Kahn vừa tuyên bố, trong năm nay, nền kinh tế toàn cầu có những dấu hiệu suy giảm lớn. Nhiều khả năng IMF sẽ giảm mức dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới xuống còn 3,7%, thay vì 4,1% trước đó.

Xoá nợ đọng phí thuỷ lợi cho DN trong hai năm

9-4-2008

Các khoản nợ đọng thuỷ lợi phí và lỗ do nguyên nhân khách quan phát sinh trước ngày 31/12/2007 của DN sẽ được xem xét xoá nợ. Thông tư hướng dẫn thi hành NĐ 154/2007/NĐ-CP của Chính phủ về miễn giảm thuỷ lợi phí, do Bộ Tài chính vừa ký ban hành, nêu rõ.

Hội thảo "Các thực hành nông nghiệp tốt"

21-7-2008

Chương trình hợp tác Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (CARD) là sáng kiến của Chính phủ Australia nhằm giúp đỡ chính phủ Việt Nam thực hiện Chiến lược tổng thể về xoá đói giảm nghèo. Chương trình tập trung vào "tăng cường năng suất và tính cạnh tranh của các hộ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ và các doanh nghiệp nông thôn"

Xung quanh vấn đề đất nông nghiệp trong phát triển công nghiệp

8-4-2008

Đất đai là một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp nông thôn của Việt Nam hiện nay. Đã có rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau khi nhìn nhận, đánh giá vấn đề này. BBT Website Ipsard xin đăng ý kiến cá nhân của TS. Lê Đức Thịnh, Viện Chính sách và Chiến lược PTNN-NT (IPSARD) và hi vọng bài viết sẽ cung cấp cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và quý bạn đọc những thông tin mới, bổ ích. Rất mong sẽ có thêm nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, khoa học về vấn đề này.

"Lúa siêu cao sản" của Trung Quốc sẽ cho sản lượng 13,5 tấn một ha

8-4-2008

"Công trình đợt ba lai giống lúa siêu cao sản" đang thực hiện của Trung Quốc đã thu được tiến triển đột phá, mục tiêu nâng sản lượng lên tới 13,5 tấn một ha có hy vọng thực hiện trong năm nay.

Thử xem xét lại lịch sử thế giới từ mô hình tổng hợp Umesao-North-Weber

18-4-2008

Hội thảo thường kỳ của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS

Đánh giá một năm gia nhập WTO

11-4-2008

Seminar thường kỳ của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS.

Trung Quốc điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu phân bón, vật tư NN

7-4-2008

Ngày 2/4 vừa qua Uỷ ban quy định chính sách thuế quan Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố, được sự phê chuẩn của Quốc vụ viện, từ ngày 1/4/2008 quy định thuế quan tạm thời xuất khẩu một số loại phân bón hoá học là 30%.

Đánh thuế xuất khẩu gạo - Tại sao không?

7-4-2008

AGROINFO - Khủng hoảng lương thực trên thế giới và ở trong nước, thiên tai đe doạ tới an ninh lương thực quốc gia đã làm giá lúa gạo cao, càng gây áp lực lên lạm phát. Đó là lý do Chính phủ đã thắt chặt việc xuất khẩu gạo thông qua hạn ngạch. Ông Jonathan Pincus, chuyên viên kinh tế cao cấp của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đã có ý kiến cho rằng Chính phủ nên đánh thuế xuất khẩu gạo để điều tiết giá gạo trong nước; vừa thu được thuế vừa có hiệu quả hơn so với hạn ngạch.

Tìm định nghĩa, tìm cơ chế

4-4-2008

Tại Hội thảo "Góp ý xây dựng đề án trình Hội nghị TƯ7 (khóa X) về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế" do Ban Tuyên giáo TƯ cùng Bộ KH&CN tổ chức, phần lớn ý kiến đều cho rằng muốn "xây dựng đội ngũ trí thức", trước hết phải bắt đầu từ "định nghĩa trí thức"...