Không có quy hoạch sẽ trả giá đắt
TS. Bình cho rằng: Ta phải xác định được 20 năm tới và xa hơn nữa, đất nước chúng ta dự kiến sẽ như thế nào? Từ đó ta xác định chức năng của nông nghiệp – nông thôn 20 năm tới là gì trong bối cảnh chung đó của đất nước. Nếu như 20 năm sau chức năng của nông thôn Việt Nam là nơi sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bảo tồn tài nguyên lãnh thổ, sinh thái, du lịch, làm dịch vụ cho thành thị… thì chúng ta phải có chiến lược, chính sách để định hướng cho sự phát triển ở tầm quốc gia và lãnh thổ. Phát triển nông thôn mang đậm nét đặc trưng vùng miền, do đó việc xác định chức năng nông thôn cho từng vùng miền cũng cần được quan tâm để có chính sách phù hợp. Đối với nông nghiệp, nếu chúng ta xác định xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sinh thái, chất lượng thì mọi chiến lược và chính sách phải khuyến khích hướng phát triển đó.
Cách đây 20 năm, khi còn khó khăn với nông nghiệp ta chỉ xác định sản xuất đủ số lượng, nhưng 20 năm tới, nông nghiệp không chỉ quan tâm đến năng suất để có đủ số lượng mà cả chất lượng, sinh thái môi trường, tính đặc trưng sản phẩm theo lãnh thổ (dạng sản phẩm chỉ dẫn địa lí), văn hóa, du lịch. Ngay cả khái niệm an ninh lương thực cũng không chỉ có ngũ cốc mà bao gồm cả thực phẩm như thịt, trứng, sữa... Ngoài ra, chức năng của nông nghiệp còn phải tham gia vào bảo tồn lãnh thổ và bảo đảm nông nghiệp bền vững. Xác định được như thế ta mới xây dựng được chiến lược, chính sách cho nông nghiêp – nông thôn. Nó khác hoàn toàn với chuyện ta tìm những khó khăn trong phát triển nông nghiệp – nông thôn để tháo gỡ, “chữa cháy” như hiện nay.
Nói như vậy chúng ta cần làm rõ chức năng về nông nghiệp nông thôn từng vùng để có chính sách phù hợp?Đúng vậy. Khi đã xác định được chức năng của nông nghiệp – nông thôn cả nước, thì phải xác định chức năng của từng vùng. Trên cơ sở đó quy hoạch, hỗ trợ, giúp đỡ các vùng thực hiện chức năng đó. Ví dụ xác định chức năng của vùng miền núi phía là vùng sinh thái, lâm nghiệp, bảo tồn tài nguyên, giữ nguồn nước và giữ gìn bản sắc dân tộc, văn hóa và không phải là vùng sản xuất lương thực, thực phẩm là chính. Từ đó nhà nước sẽ có chính sách hạn chế phát triển cây ngô, sắn. Nhà nước sẽ đánh thuế nặng DN nào lên buôn ngô, lấy cái tiền đó tái tạo tài nguyên cho vùng nếu DN chịu được. Khi đó cây ngô sẽ mất lợi thế cạnh tranh, không phải khuyên, cấm DN mua, họ cũng không đến và cây ngô sẽ hạn chế phát triển và có thể vùng này sẽ sống được nhờ lâm nghiệp, du lịch sinh thái, thuế tài nguyên, công nghiệp chế biến lâm sản. Hiện nay do chưa xác định được chức năng của vùng miền núi phía Bắc nên không có chiến lược cụ thể, đất đai ngày một xói mòn, hiện nay đã trả giá rồi như lũ tăng, hạn chế công suất thủy điện, suy thoái tài nguyên…. Nếu không chặn lại, chúng ta trả giá còn đắt hơn nhiều.
Trên thực tế thì chúng ta vẫn quy hoạch, vẫn định hướng phát triển vùng và tạo ra được nhiều vùng cây hàng hoá?Phát triển nông nghiệp – nông thôn là phải theo lãnh thổ, quản lý theo lãnh thổ là chính. Nhưng hiện nay ta lại phát triển theo ngành và địa giới hành chính là chính. Qui hoạch của chúng ta, hầu như không có bản đồ lãnh thổ chi tiết, và không có chính sách tổng thể lâu dài theo qui hoạch. Mặt khác chúng ta qui hoạch theo ngành hàng, hầu như không qui hoạch theo lãnh thổ, manh tính tổng thể của cả đô thị, nông nghiệp, nông thôn… trên vùng lãnh thổ đó. Do đó có chuyện nhiều ngành cùng qui hoạch trên một vùng lãnh thổ nhất định.
Vì vậy, trong 1 vùng, ví dụ Tây Nguyên có đặc điểm tương đối giống nhau nhưng chính sách hỗ trợ, ưu tiên, quan điểm định hướng của mỗi tỉnh ở vùng này lại khác nhau…. Điều này đã tạo nên sự phân tán trong sản xuất, phân tán chính sách hỗ trợ… không có sản xuất tập trung lớn với chất lượng đồng đều. Mà lẽ ra, xác định được chức năng của vùng này là cà phê và hồ tiêu chẳng hạn thì phải tập trung chính sách cho nó. Chính sách đó cho toàn vùng chứ không phải mỗi tỉnh làm một khác... Khi đã xác định chức năng vùng, có qui hoạch theo lãnh thổ, thì phải nâng tầm nó lên mang tính chất pháp lí cao để người dân an tâm đầu tư. Chính sách từ hỗ trợ, khuyến nông, nghiên cứu khoa học… cho vùng đó cũng phải theo định hướng qui hoạch. Lẽ tất nhiên, qui hoạch phải trên cơ sở cân đối cung cầu thị trường và sức cạnh tranh, tầm quan trọng đối với sinh kế người dân.
Phát triển nông thôn phải gắn với đô thị, công nghiệpPhát triển nông thôn bắt đầu từ đâu? Phát triển như thế nào? Rất nhiều nhà quản lý và nhà nghiên cứu không trả lời được câu hỏi này? Quan điểm của ông về phát triển nông thôn thì sao?
Phát triển nông thôn phải gắn với đô thị. Chúng ta phải quy hoạch mạng lưới đô thị, đặc biệt là đô thị cấp II, thị trấn thị tứ tại các vùng nông thôn. Nó sẽ là hạt nhân, điểm tựa của các vùng nông thôn kết nối ra bên ngoài. Chính mạng lưới thị tứ, thị trấn, đô thị cấp II là hạt nhân để biến những vùng nông thôn thành những nơi cung cấp dịch vụ cuộc sống mà đô thị không thể có. Thử nhìn vào viễn cảnh trong 20 năm nữa, đất nước ta có 50% dân số sống ở đô thị, những dịch vụ cuộc sống ở nông thôn sẽ giá trị như thế nào?
Phát triển nông thôn gắn với công nghiệp. Nhà nước phải xác định trên cơ sở thế mạnh của từng vùng nông thôn từ đó ưu tiên tối đa về chính sách để các vùng đó phát triển. Ví dụ vùng nông thôn Tiên Lữ (Hưng Yên) có nhãn lồng, nhà nước chỉ ưu tiên phát triển cây nhãn bằng chính sách thuế, tín dụng, kỹ thuật… thôi. Nếu dân ở đây làm cây khác, xây dựng nhà máy chế biến khác nhà nước sẽ đánh thuế cao hơn. Từ đó sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh của nhãn trên thị trường, tạo ra xu thế sản xuất tập trung...
Bấy lâu nay quy hoạch của ta theo kiểu “tạp phí lù”, và nó đang phá nát nông thôn. Ông có nghĩ rằng vấn đề quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn cần nhìn từ một góc độ khác?
Quy hoạch nông thôn không thể tách khỏi đô thị, không thể tách khỏi công nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất, và nó phải được pháp lý hoá trên cơ sở dựa vào đánh giá nhu cầu của thị trường thế giới, lợi thế của sản phẩm đó so với sản phẩm khác ở cùng một khu vực. Quy hoạch đó phải ổn định 20 năm trở lên để DN, nông dân an tâm đầu tư không sợ rủi ro. Không thể để ông chủ tịch huyện, tỉnh thay đổi quy hoạch được mà phải Thủ tướng mới có quyền thay đổi. Mọi chính sách của Chính phủ phải tập trung theo qui hoạch từ nghiên cứu, hỗ trợ, kêu gọi đầu tư, tín dụng, thuế... . Hiện nay các tác nhân không tính đến lâu dài mà tính lợi nhuận thời điểm vì nó không biết đầu tư có ổn định không.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông nghiệp Việt Nam