TIN TỨC-SỰ KIỆN

Công nghệ sinh học Việt Nam đang ở đâu? (Bài cuối)

Ngày đăng: 21 | 02 | 2008

Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới và tăng cường tiềm lực về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm công nghệ sinh học (CNSH), nhưng nhìn chung, phát triển CNSH trong nông nghiệp vẫn là lĩnh vực mới mẻ. Câu hỏi đặt ra là, lựa chọn cái gì cho thích ứng với điều kiện hiện nay, cái gì nhập nội, cái gì đưa thẳng từ phòng thí nghiệm xuống đồng ruộng? Trong lúc này, sự liên kết giữa các "nhà" càng cần thiết hơn bao giờ hết...

Bài cuối: Thay đổi cách làm, việc tất yếu

>> Bài 3: Thiếu một "nhạc trưởng" xứng tầm

Đào tạo nhân lực, yếu tố hàng đầu

Để đưa CNSH ứng dụng vào nông nghiệp, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, cách nghĩ duy ý chí, thay vào đó là cái nhìn toàn diện theo một hệ thống đồng bộ. Theo PGS. Nguyễn Ngọc Châu (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), nước ta còn nghèo nên càng phải tìm hướng đi khôn ngoan và phù hợp. Để tạo ra một sản phẩm CNSH đích thực cần có ít nhất 6 nhóm yếu tố, trong đó, yếu tố con người có vai trò quyết định. Do vậy, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của chương trình CNSH thời gian tới là phải gấp rút xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh cả về chất và lượng.

Ông Trần Linh Thước, Trưởng khoa Sinh học (Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Đến năm 2010 chúng ta phải có thêm được 2.000 cán bộ khoa học ngành CNSH, trong đó có khoảng 150 cán bộ đầu ngành; từ năm 2010 - 2020, có đủ cán bộ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phát triển công nghệ, giảng dạy, quản lý và sản xuất kinh doanh về CNSH thì mới có thể “vực” ngành CNSH đi lên”.

Tuy nhiên, trong chiến lược đào tạo phải có sự cân đối giữa đào tạo đội ngũ nhân lực và đội ngũ tinh hoa; cần gắn với đặc điểm và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đội ngũ nhân lực (trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ) rất cần thiết cho việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, tham gia vào quản lý và sản xuất kinh doanh. Đây là lực lượng chính để đưa CNSH từ phòng thí nghiệm vào thực tiễn cuộc sống. Hiện ở nước ta đội ngũ này rất yếu và thiếu. “Đối với việc đào tạo đội ngũ tinh hoa, cần phải tiến hành ở các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu hàng đầu, trong đó việc kết hợp giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và gắn kết giữa trường đại học với viện nghiên cứu là cần thiết và tất yếu. Đào tạo đội ngũ này cần một quá trình đầu tư phát triển có tính chiến lược, lâu dài và tốn kém nên phải được quy hoạch tốt và đầu tư hợp lý”, ông Thước khẳng định.

Một vấn đề không kém phần quan trọng, theo PGS-TS Nông Văn Hải, Phó viện trưởng Viện CNSH (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Nhà nước nên có cơ chế xây dựng, quản lý, đánh giá, nghiệm thu các chương trình - dự án CNSH theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, có chọn lọc cụ thể và chuyên sâu. Ví dụ: CNSH trong giống cây trồng - vật nuôi, giống thủy sản, vắc -xin thế hệ mới, thuốc protein tái tổ hợp... phải được cấp kinh phí đầy đủ, chia làm nhiều giai đoạn liên tục, dứt điểm cho đến khi có sản phẩm cuối cùng. Lực lượng thực hiện phải đa ngành, tránh hiện tượng “bao sân” hay “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong phạm vi một bộ, ngành... như hiện nay.

Xã hội hoá công tác nghiên cứu

Đầu tư CNSH không chỉ là lấy tiền Nhà nước cấp cho các đề tài nghiên cứu mà cần có cách làm theo tư duy mới: Nhà nước chỉ đầu tư cho nghiên cứu CNSH cơ bản và định hướng đào tạo nguồn nhân lực, doanh nghiệp mới là yếu tố thúc đẩy CNSH phát triển bền vững. Chính vì vậy, chúng ta cần tập trung xây dựng và phát huy hiệu quả mạng lưới các phòng thí nghiệm nghiên cứu CNSH và thí nghiệm trọng điểm ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ thuế, tín dụng để khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài cho phát triển CNSH nhằm tạo dựng thị trường CNSH hiện đại, đuổi kịp và tiến bộ hơn so với các nước trong khu vực.

Nhà nước sẽ là “chủ đầu tư” cho các công trình trọng điểm phát triển tiềm lực khoa học công nghệ và CNSH, đồng thời sử dụng những chính sách đặc biệt để hỗ trợ phát triển công nghiệp y - sinh học, đặc biệt là công nghiệp kháng sinh. Xã hội hóa công tác nghiên cứu và ứng dụng CNSH, trong đó đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các tổ chức khoa học công nghệ, góp phần nâng cao nhận thức về CNSH.

Theo TS. Trịnh Khắc Quang, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và PTNT), mục tiêu của Bộ là sẽ nâng cao mức đóng góp của CNSH đối với sự tăng trưởng của nông nghiệp trong giai đoạn 2006 – 2010 lên 50%; với giống cây trồng – vật nuôi, phấn đấu đưa các giống được chọn tạo bằng CNSH vào phục vụ sản xuất là 50%. Chính vì thế, trong Chương trình trọng điểm về CNSH phục vụ sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ gien, công nghệ vi sinh. Trên cơ sở đó tạo ra giống cây trồng – vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích nghi với các điều kiện sản xuất... Bên cạnh đó, Bộ cũng đi sâu vào nghiên cứu chế tạo các chế phẩm vi sinh vật mới bảo vệ, chăm sóc vật nuôi và tạo ra các chế phẩm sinh học như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển bền vững. Tuy nhiên, cái khó nhất là phải kết hợp giữa nghiên cứu với sản xuất thử nghiệm và chuyển giao kết quả vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đó chính là biện pháp thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học CNSH.

Các “nhà” cần gần nhau hơn

Hiện, cơ chế giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều vướng mắc do các sản phẩm khi nghiên cứu ra không có tính ổn định, lạc hậu so với thị trường, hiệu quả thấp... nên các doanh nghiệp không dám mạo hiểm đầu tư vào. TS. Lê Văn Tri, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Fitohoocmon (Đống Đa - Hà Nội) cho rằng, nền CNSH nước ta chưa ra đâu vào đâu, nếu tách riêng CNSH hiện đại và CNSH phổ thông sẽ rất khó cho CNSH hiện đại. Bởi vì với CNSH phổ thông như nuôi cấy mô, nhân giống, phân bón sinh học, lên men... chỉ cần Nhà nước huých nhẹ là có thể phát triển được vì chúng ta đã có nền tảng. Nhưng đối với CNSH hiện đại, mặc dù đã có nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai ứng dụng trong sản xuất. Rõ ràng sự tiếp nhận các đề tài này để ứng dụng trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tính chất thương mại hoá đề tài nghiên cứu còn thấp. ở nước ta, có quá ít doanh nghiệp dám mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực CNSH. Đương nhiên là phải có sự liên kết giữa các nhà, nhưng cái khó là giữa các “nhà” chưa có tiếng nói chung cả về quyền lợi cũng như trách nhiệm. Chúng ta có quá ít nhà nghiên cứu khoa học vừa hiểu biết sinh học lại vừa hiểu cả về doanh nghiệp.

Còn theo GS -TS Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, Nhà nước nên giao nhiệm vụ cụ thể và đầu tư đủ tầm để có thể đi từ nghiên cứu cơ bản đến sản xuất bằng được các sản phẩm mà lâu nay vẫn phải nhập khẩu. Đối với các đề tài ứng dụng, Nhà nước chỉ nên cho vay kinh phí, nếu hoàn thành nhiệm vụ thì coi như đầu tư, nếu không thì phải xuất toán 100%. Các nhà khoa học cần tập trung lực lượng tiến thẳng vào CNSH hiện đại như di truyền, tế bào, enzym - protein, vi sinh vật - lên men, sinh học môi trường. “Nhưng muốn làm được những điều đó, trước hết phải lo đào tạo nhanh đội ngũ trẻ và giỏi về CNSH. Nên chấm dứt tình hình lãng phí tiền bạc mà không thu được hiệu quả cụ thể gì như nhiều năm qua”, ông Dũng bức xúc.

Ông Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chung ý kiến với TS. Lê Văn Tri, trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại cần tạo được sự hài hòa, khai thác tối đa lợi thế tài nguyên sinh vật, không ngừng nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm sinh học với phát triển bền vững, bảo vệ và phát triển tài nguyên sinh vật, bảo vệ môi trường sống. Muốn làm được như vậy, phải huy động các nguồn lực của xã hội, nhất là của các doanh nghiệp để phát triển CNSH. CNSH phải trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật dựa trên công nghệ cao, trong đó ưu tiên quy mô vừa và nhỏ, song cái chính là công nghệ phải tiên tiến, phát triển quy mô lớn một cách hợp lý.

(Theo Kinh tế Nông thôn)

NỘI DUNG KHÁC

Bảo hiểm nông nghiệp: Khó vì chưa thấy vai trò Nhà nước

20-2-2008

Đợt rét lịch sử khiến hàng vạn con trâu, bò bị chết, hàng trăm ngàn ha lúa màu hư hại. Người nông dân toàn miền Bắc đứng trước nguy cơ mất mùa, trắng tay. Thảm cảnh hôm nay của người nông dân đang phải gánh chịu, cũng là dịp đề nhắc lại vấn đề bảo hiểm cho nông nghiệp. Một cơ chế nếu có sự hợp tác giữa nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước thì nông dân sẽ được bảo vệ qua những biến cố.

Gà chết khắp miền Bắc, dân vẫn ăn vô tư

20-2-2008

Ngày 19/2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng khẩn cấp báo động các địa phương trong cả nước về một đợt dịch cúm gia cầm mới có thể bùng phát vào tháng 3. Gia cầm đang chết rải rác ở các tỉnh phía Bắc, còn người dân vẫn vô tư ăn thịt.

Chương trình công tác năm 2008 của Bộ NN&PTNT

18-2-2008

Văn bản số 195/CTr-BNN-VP ngày 22 tháng 1 năm 2008 về Chương trình công tác năm 2008 của Bộ NN&PTNT.

Độ mở cửa thương mại VN thuộc hàng cao nhất thế giới

18-2-2008

Trong một bài viết đăng trên tạp chí The Banker (của Anh) mới đây, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại VN Ajay Chhibber cho hay, độ mở cửa của thương mại VN lên tới 150%. Đây chính là chìa khóa dẫn tới thành công về tăng trưởng trong hơn một thập kỷ qua.

Làng nghề góp phần cải thiện đời sống nông dân

18-2-2008

Làng lụa Vạn Phúc những ngày giáp Tết rộn ràng trong tiếng máy dệt và rực rỡ với những cửa hàng bán lụa đầy sắc màu, tấp nập người bán mua. Người ta nói hiện là thời điểm “hưng thịnh” của làng nghề này, khi nhà nhà dệt lụa, người người bán lụa.

"Khoa học kỹ thuật là then chốt"

18-2-2008

Cụm từ trên mấy chục năm trước là một câu cửa miệng của giới lãnh đạo. Rồi nó rơi vào lãng quên cùng với những ảo tưởng về kinh tế kế hoạch triệt để với ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, "cân đối tới cấp huyện"... Và "vụ giá-lương-tiền" là sự cố "sập cầu" hoàn toàn buộc ta phải đổi mới theo hướng kinh tế thị trường.

Phải may cho nông dân chiếc áo bảo vệ

18-2-2008

Trước cảnh khốn đốn của người nghèo trong cơn giá rét, giáo sư - Viện sĩ Đào Thế Tuấn - Chủ tịch Hội Phát triển nông thôn (Nguyên viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp VN) - cho rằng chúng ta phải "may vá” lại cho người nghèo những chiếc áo bảo hộ mà quá trình đô thị hóa đã làm rách.

Khóc... trâu

18-2-2008

"Đau nhiều lắm vớ! Mình mong mãi, trước Tết một tháng, nó mới đẻ con nghé này, bây giờ con mẹ chết rồi, con nghé cũng không sống nổi được đâu. Trời sao mà làm cái rét lâu thế!".

Triển vọng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến 2010

15-2-2008

Để nhìn lại thành tựu 20 năm đổi mới vừa qua và nửa chặng đường của kế hoạch 5 năm (2006 -2010), cũng như thấy được kế hoạch và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010, Tạp chí Kinh tế và Dự báo – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức biên soạn cuốn sách “Triển vọng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến 2010” với mong muốn mang đến những thông tin tổng hợp về triển vọng và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 của Việt Nam nói chung và các ngành, lĩnh vực nói riêng.

Báo cáo tiến độ Hợp phần trung ương, dự án Hỗ trợ Chương trình PTNNNT giai đoạn 2007-2012

15-2-2008

AGROINFO – Ngày 14/2/2008, tại phòng họp Viện CS&CL PTNNNT đã diễn ra cuộc họp Ban chỉ đạo Hợp phần trung ương – Dự án “Hỗ trợ Chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2007 -2012” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch phối hợp với Bộ NN & PTNT triển khai. Nội dung của phiên họp này nhằm báo cáo tiến độ thực hiện hợp phần trung ương và thông qua kế hoạch tài chính cho năm 2008. Chủ tọa phiên họp là ông Bùi Bá Bổng – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và ông Peter Lysholt Hansen – Đại sứ Đan Mạch.

Vài ý kiến về việc thực hiện nghị định 115 ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa

15-2-2008

Nghị định 115 ra đời được xem là động lực mạnh mẽ thúc đẩy lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) của đất nước phát triển. Tuy nhiên, tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất còn yếu kém, lạc hậu; đội ngũ cán bộ KH&CN còn ít… nên việc thực hiện Nghị định còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan hữu quan.

Một số biện pháp thúc đẩy phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi

14-2-2008

Ngày 18 tháng 01 năm 2008, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chủ trì cuộc họp bàn về một số biện pháp thúc đẩy phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi.