TIN TỨC-SỰ KIỆN

Vài ý kiến về việc thực hiện nghị định 115 ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa

Ngày đăng: 15 | 02 | 2008

Nghị định 115 ra đời được xem là động lực mạnh mẽ thúc đẩy lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) của đất nước phát triển. Tuy nhiên, tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất còn yếu kém, lạc hậu; đội ngũ cán bộ KH&CN còn ít… nên việc thực hiện Nghị định còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan hữu quan.

Thực trạng

Ngày 5.9.2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập. Đây là một Nghị định hết sức quan trọng, được các nhà hoạch định chính sách KH&CN ví như “khoán 10” trong khoa học, là “khâu đột phá” để đưa nền KH&CN nước nhà thoát khỏi sự trì trệ của cơ chế bao cấp. Sau hơn 20 năm đổi mới, nhiều cơ chế, chính sách mới đã được Nhà nước ban hành và đưa vào áp dụng thành công trong thực tiễn cuộc sống, làm thay đổi diện mạo nền kinh tế - xã hội đất nước. Song cũng phải thấy rằng, trong lĩnh vực KH&CN, mức đầu tư còn quá khiêm tốn. Bên cạnh đó, việc đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển lại được triển khai còn chậm, vì thế khi Nghị định 115 ra đời, nhiều người hy vọng rằng đây sẽ là “cú huých”, là “bước đột phá” làm biến đổi mạnh mẽ nền KH&CN của đất nước. Tuy nhiên, thực tế sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị định, kết quả mà chúng ta đạt được vẫn còn quá khiêm tốn. Theo báo cáo của Bộ KH&CN, tính đến thời điểm tháng 7.2007, cả nước mới chỉ có 20% số tổ chức KH&CN có đề án đã được phê duyệt, 30% đã trình đề án và chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt, còn lại 50% đang xây dựng đề án hoặc xin chuyển đổi theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ (quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập). Đặc biệt, tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mới chỉ có duy nhất tỉnh Hậu Giang (tỉnh mới thành lập) là có đề án và đã được UBND tỉnh phê duyệt, 12 tỉnh còn lại thì mới chỉ có đề án chờ duyệt hoặc xin chuyển đổi theo Nghị định 43. Chúng tôi cơ bản nhất trí với những đánh giá của Bộ KH&CN tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị định 115 (được tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 7.2007) về nguyên nhân của sự yếu kém, chậm trễ trên. Nhưng xét từ khía cạnh địa phương, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, xin có thêm một vài ý kiến để giúp nhận diện chính xác hơn các khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải:

Một là, các tổ chức KH&CN ở các địa phương còn đang ở điểm xuất phát thấp, chưa hội tụ đủ các yếu tố để chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự trang trải kinh phí. Khác với các viện, trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành và thành phố lớn, hầu hết ở các đơn vị nghiên cứu thuộc các tỉnh vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất còn yếu kém, lạc hậu; thậm chí, một số đơn vị còn chưa có trụ sở làm việc, đội ngũ cán bộ KH&CN còn ít, trình độ hạn chế.

Hai là, hoạt động của các tổ chức KH&CN ở các địa phương trong những năm vừa qua, đa số đều không mang tính chất nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ như các viện, trường mà chủ yếu chỉ là tư vấn, hỗ trợ, xây dựng các mô hình trình diễn… trong đó đối tượng phục vụ chủ yếu là người nông dân ở vùng nông thôn. Vì thế, lợi nhuận thu được từ hoạt động tư vấn, hỗ trợ đó rất thấp (thậm chí còn phải bù lỗ), khả năng tự cân đối, tự trang trải kinh phí hoạt động là rất khó khăn. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các Trung tâm ứng dụng Tiến bộ KH&CN (TTưDTBKH&CN) thuộc các Sở KH&CN ở khu vực ĐBSCL (trừ 2 tỉnh Tiền Giang và Long An) đều hoạt động như một trung tâm khuyến nông - khuyến ngư. Vừa qua, khi xây dựng đề án chuyển đổi theo Nghị định 115 để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đa số các TTưDTBKH&CN của các Sở KH&CN trong khu vực ĐBSCL mới chỉ đảm bảo nguồn thu từ 20 đến 30% kinh phí hoạt động hàng năm.

Ba là, thị trường công nghệ ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa chưa có, nhu cầu về công nghệ rất hạn hẹp. Hai đối tượng phục vụ chủ yếu của các TTưDTBKH&CN cấp tỉnh là nông dân và doanh nghiệp. Trong đó, nông dân ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa đa phần có trình độ văn hoá thấp, địa bàn đi lại khó khăn nên khả năng tiếp thu các tiến bộ KH&CN còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, thu nhập của nông dân ở nông thôn còn rất thấp nên việc đầu tư mua sắm phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ KH&CN… phục vụ quá trình sản xuất của bà con là rất khó khăn. Còn đối với các doanh nghiệp thì hầu hết là quy mô nhỏ bé, tiềm lực yếu. Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp ít quan tâm tới nghiên cứu khoa học mà chủ yếu là họ mua máy móc, công nghệ đã có sẵn trên thị trường (đặc biệt là máy móc của nước ngoài). Trong khi đó, các tổ chức KH&CN cấp tỉnh tiềm lực còn rất yếu, chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Thực tế ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, các tổ chức này cũng chưa có công nghệ gì tiên tiến để bán hoặc chuyển giao cho doanh nghiệp.

Bốn là, lộ trình thực hiện Nghị định 115 theo chúng tôi là quá ngắn, do đó các địa phương sẽ không có đủ thời gian để chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, nhân lực, tài lực để đáp ứng theo lộ trình đó. Nghị định 115 ban hành tháng 9.2005 nhưng đến tháng 6.2006 mới có Thông tư hướng dẫn thực hiện (Thông tư số 12/TTLT/BKHCN-BTC-BNV của liên bộ KH&CN, Tài chính, Nội vụ). Theo quy định của Thông tư thì đến ngày 15.12.2006 là thời hạn cuối cùng để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án, nếu không có đề án hoặc đề án không được phê duyệt thì các tổ chức KH&CN phải xây dựng phương án sáp nhập hoặc giải thể trong năm 2007. Đối với những tổ chức có đề án được duyệt thì Nhà nước sẽ cấp kinh phí hoạt động thường xuyên đến hết năm 2009. Như vậy, thời gian tính từ thời điểm có Thông tư hướng dẫn đến khi kết thúc lộ trình chuyển đổi (hơn 3 năm) là quá ngắn đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực KH&CN ở một số tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Năm là, việc chuyển đổi theo Nghị định 115 triển khai chậm còn do chúng ta còn thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể (hoặc chậm hướng dẫn), gây khó khăn, lúng túng cho các đơn vị trong quá trình thự hiện. Đặc biệt, vấn đề khấu hao tài sản, ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN, chế độ, chính sách đối với cán bộ khi tinh giảm biên chế… đã tạo nên tâm lý băn khoăn, do dự cho các tổ chức KH&CN khi thực hiện Nghị định.

Một số kiến nghị

Từ thực tế đang tồn tại ở một số địa phương (nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa), để thực hiện tốt Nghị định 115, chúng tôi xin có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, xuất phát từ trình độ, khả năng và sự không đồng đều của các vùng, miền, sự chênh lệch giữa các thành phố lớn và các tỉnh lẻ… trong chỉ đạo thực hiện Nghị định 115, chúng ta không nên cào bằng để cùng đồng loạt chuyển đổi mà nên phân thành 2 nhóm: Nhóm 1 (bao gồm các tổ chức KH&CN trong các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu trực thuộc các bộ, ngành ở trung ương và thành phố lớn) đã được đầu tư tương đối tốt về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực thì tiến hành chuyển đổi trước và hình thức hoạt động hợp lý có lẽ là tạo thuận lợi để họ chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định 80/2007/NĐ-CP. Nhóm 2 (bao gồm các TTưDTBKH&CN của các tỉnh vùng sâu, vùng xa… tiềm lực KH&CN còn yếu kém) thì nên tiến hành chuyển đổi chậm một bước và cần phải kéo dài thời gian chuyển đổi nhằm tạo điều kiện để củng cố, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN tại chỗ. Trong thời gian này, cơ chế hoạt động của các trung tâm đó vẫn như một đơn vị dịch vụ công ích.

Thứ hai, cần sớm hoàn thiện các thể chế, chính sách để phục vụ việc chuyển đổi có hiệu quả. Đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa, chúng ta nên có chính sách ưu đãi đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, thu hút và trọng dụng cán bộ để có nhiều người có tài, có tâm trở về phục vụ quê hương, góp phần đẩy nhanh việc nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống, tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH&CN theo tinh thần Nghị định 115 là yêu cầu tất yếu của cuộc sống và xã hội, song để sự đổi mới có hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn của các tỉnh vùng sâu, vùng xa thì rất cần sự quan tâm, đầu tư thích đáng của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và đặc biệt là sự nỗ lực và quyết tâm của các nhà khoa học.

(Theo Tạp chí Hoạt động khoa học)

NỘI DUNG KHÁC

Một số biện pháp thúc đẩy phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi

14-2-2008

Ngày 18 tháng 01 năm 2008, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chủ trì cuộc họp bàn về một số biện pháp thúc đẩy phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Nông nghiệp Việt Nam

22-2-2008

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cùng phối hợp với Trung tâm Thông tin, Thư Viện và Nghiên cứu Khoa học - Văn phòng Quốc hội và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức buổi tọa đàm để trình bày kết quả nghiên cứu và trao đổi với các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực lập pháp và các nhà hoạch định chính sách.

Duyệt thư Gmail trong Outlook Express

14-2-2008

Thật phiền toái khi bạn phải mở hàng loạt những trình duyệt Internet để kiểm tra thư trong các hòm thư của mình, hết hòm thư của công ty rồi thư trong Gmail rồi Yahoo,... Nhưng giờ đây, bạn sẽ không còn phải lo lắng khi có thể duyệt tất cả thư trong các hòm thư khác nhau của mình thông qua chỉ một trình duyệt thư Outlook Express…

Công nghệ sinh học Việt Nam đang ở đâu? (tiếp)

14-2-2008

Theo Chương tình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp, đến năm 2020, diện tích trồng các giống mới tạo ra bằng CNSH sẽ chiếm trên 70% diện tích cây trồng; trên 70% nhu cầu về giống cây sạch bệnh được cung cấp từ công nghệ vi nhân giống; 80% diện tích trồng rau, cây ăn quả sử dụng phân bón và thuốc BVTV sinh học đáp ứng được cơ bản nhu cầu vắcxin cho vật nuôi... Nhưng xem ra mục tiêu sẽ khó thành công do thiếu nhân lực, vốn đầu tư thấp, chưa có chính sách cụ thể...

Triển vọng nông nghiệp Trung Quốc năm 2008

14-2-2008

Nền tảng để phát triển nông nghiệp vững chắc, nông dân giàu nước mạnh, nông thôn ổn định xã hội an toàn. Để bảo đảm cho ngành nông nghiệp phát triển ổn định, lần này chính sách khuyến nông xây dựng nông thôn vững mạnh trong Hội nghị công tác nông thôn của Trung ương, không chỉ có bước tiến về chiều sâu và chiều rộng, mà còn nhấn mạnh phải “coi trọng sản xuất các sản phẩm trong “Làn thức ăn”, bảo đảm các sản phẩm trong “Làn thức ăn” được sản xuất ổn định, giá cả và thị trường ổn định”.

Nông nghiệp Trung Quốc năm 2008

14-2-2008

Nền tảng để phát triển nông nghiệp vững chắc, nông dân giàu nước mạnh, nông thôn ổn định xã hội an toàn. Để bảo đảm cho ngành nông nghiệp phát triển ổn định, lần này chính sách khuyến nông xây dựng nông thôn vững mạnh trong Hội nghị công tác nông thôn của Trung ương, không chỉ có bước tiến về chiều sâu và chiều rộng, mà còn nhấn mạnh phải “coi trọng sản xuất các sản phẩm trong “Làn thức ăn”, bảo đảm các sản phẩm trong “Làn thức ăn” được sản xuất ổn định, giá cả và thị trường ổn định”.

Chủ tịch nước phát động Tết trồng cây

13-2-2008

Sáng 12/2, tại tỉnh Thái Bình, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát động Tết trồng cây Xuân Mậu Tý 2008 và trồng cây tại khu rừng phòng hộ ven biển tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Cán bộ Viện CS & CLPTNNNT gặp mặt đầu xuân

13-2-2008

AGROINFO - Sáng ngày mồng 6 Tết Mậu Tý (12/02/2008), toàn thể cán bộ và lãnh đạo Viện CS & CLPTNNNT đã có buổi gặp gỡ đầu xuân đầy ý nghĩa. Thay mặt lãnh đạo Viện, TS. Đặng Kim Sơn đã gửi tới các cán bộ đang công tác tại Viện cùng gia đình lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Cũng tại buổi gặp mặt, TS. Đặng Kim Sơn chúc cho toàn thể cán bộ trong Viện bước sang năm mới với nhiều thành công mới, hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác đề ra, xây dựng Viện trở thành cơ quan tham mưu hàng đầu cho Bộ, Ngành.

Hội thảo "Nông thôn - Nông dân - Nông nghiệp Tây Nguyên"

15-2-2008

Bài trình bày của nhà văn Nguyên Ngọc tại hội thảo thường kỳ của Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS)

Hội thảo "Bảo hộ giống cây trồng theo công ước UPOV"

18-2-2008

Nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về bảo hộ giống cây trồng theo công ước UPOV, kinh nghiệm bảo hộ giống cây trồng của một số quốc gia thành viên UPOV và thực trạng, giải pháp phát triển hệ thống bảo hộ giống cây trồng Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản và cơ quan UPOV tổ chức buổi hội thảo "Bảo hộ giống cây trồng theo công ước UPOV".

Trung Quốc tổ chức nhiều hoạt động phong phú đón Tết

12-2-2008

Các nơi Trung Quốc đang vui đón Tết Nguyên đán, ngày Tết cổ truyền quan trọng nhất của Trung Quốc. Trong dịp này, các nơi Trung Quốc đã tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn văn nghệ chào mừng năm mới, để nhân dân vui đón Tết trong bầu không khí tốt lành và bình yên.

Nguyên liệu, “nỗi khổ” của thức ăn chăn nuôi

12-2-2008

Việc phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu các nguyên liệu quan trọng đã khiến người chăn nuôi, người tiêu dùng phải gánh chịu "cơn bão" tăng giá thực phẩm. Các chuyên gia chăn nuôi, cơ quan quản lý đều khẳng định nền nông nghiệp nước ta có lợi thế rất lớn trong việc chủ động được những nuyên liệu cơ bản để sản xuất thức ăn chăn nuôi tinh, công nghiệp nhưng vấn đề đặt ra là bao giờ tiềm năng này mới trở thành hiện thực?!