TIN TỨC-SỰ KIỆN

Bảo hiểm nông nghiệp: Khó vì chưa thấy vai trò Nhà nước

Ngày đăng: 20 | 02 | 2008

Đợt rét lịch sử khiến hàng vạn con trâu, bò bị chết, hàng trăm ngàn ha lúa màu hư hại. Người nông dân toàn miền Bắc đứng trước nguy cơ mất mùa, trắng tay. Thảm cảnh hôm nay của người nông dân đang phải gánh chịu, cũng là dịp đề nhắc lại vấn đề bảo hiểm cho nông nghiệp. Một cơ chế nếu có sự hợp tác giữa nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước thì nông dân sẽ được bảo vệ qua những biến cố.

Khó từ cả hai phía

Nông dân, một mình khốn đốn trước các thảm họa của thiên tai. (Ảnh: Thông Thiện)

Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp lớn, 60 - 70% dân số sống ở nông thôn, nếu nhìn về diện rộng thì bảo hiểm nông nghiệp có một thị trường rất lớn. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Cho đến nay, có rất ít diện tích cây trồng và vật nuôi được bảo hiểm. Con số điều tra năm 2001 là khoảng từ 0,05 - 0,3% tham gia bảo hiểm và từ đó đến nay, thị trường này vẫn không có sự chuyển biến nào đáng kể.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, Nguyễn Thị Phúc Lâm thừa nhận: "Bảo Việt có một số sản phẩm dành cho nông nghiệp nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ". Ông Hoàng Xuân Điều, Phó Phòng Bảo hiểm xe cơ giới  - Bảo Việt Việt Nam cho biết, hiện nay các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp triển khai không đáng kể. Chỉ có một số dịch vụ dành cho cây công nghiệp như cao su. Các dịch vụ khác không triển khai vì rủi ro lớn, người dân không có khả năng tham gia và việc quản lý rủi ro rất khó khăn.

Ông Điều cũng nhấn mạnh, bên cạnh vấn đề lỗ lãi là chuyện tất yếu của kinh doanh thì vấn đề khó nhất của bảo hiểm nông nghiệp là quản lý rủi ro. Do sản xuất nông nghiệp dàn trải trên diện rộng, quy mô sản xuất manh mún, không theo một quy trình khoa học lại thường xuyên chịu rủi ro từ thiên nhiên, dịch bệnh.

Chưa có cơ chế dài hạn

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT: Các nước phát triển từ lâu đã có chính sách an sinh xã hội, nông dân cũng ít chỉ chiếm 10-15% dân số. Tại Việt Nam, nông dân chiếm tới 60-70%, nguồn lực tài chính lại yếu. Do vậy, chính sách hỗ trợ mới như cái chăn mỏng, kéo đầu này hở đầu kia.

Hơn nữa, chỉ đạo của ta từ trước tới nay vẫn chỉ là ngắn hạn, chỉ quen với những vấn đề cần xử lý ngay còn những vấn đề dài hạn hơn thì chưa có cơ chế để làm. Do vậy, đây là một quá trình, rất cần có thời gian để Nhà nước thay đổi chính sách quản lý, có thêm tích luỹ.

Về các biện pháp hỗ trợ nông dân, Nhà nước không thể làm hết được, nhất là khi đợt rét này không phải gây thiệt hại đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, phải huy động toàn dân tham gia hỗ trợ những vùng bị thiệt hại, nhất là các tổ chức xã hội dân sự, Hội Chữ thập đỏ, cộng đồng... Bản thân người dân phải tự làm chủ cuộc sống của mình và phải có tiềm lực, bỏ thói quen nhận sự ban phát.

Ở đây có 3 câu chuyện cần phải nói: đó là cách thức quản lý còn ngắn hạn, thiếu cái khung về lâu dài; Nhà nước còn thiếu, yếu về lực xuất phát; nông dân thì bị động. Tất cả những cái đó làm cho người nông dân rơi vào tình trạng chung là mỏng manh, dễ bị thương tổn.

Ông Trịnh Thanh Hoan - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm - Bộ Tài chính thừa nhận, hiện nay dịch vụ bảo hiểm hướng đến nông nghiệp rất ít. Chủ yếu là bảo hiểm các dịch vụ liên quan đến nông nghiệp chứ việc bảo hiểm đến tận cây lúa, con trâu... cho người nông dân là không có. Trước đây có Bảo Việt và Groupama của Pháp có làm ở dạng quy mô nhỏ nhưng sau đó thua lỗ nên đến nay không tiếp tục nữa.

Theo ông Hoan, cái khó của triển khai bảo hiểm nông nghiệp là những vùng cần làm nhiều thiên tai lũ lụt thì không làm được. Đơn giản vì DN không đủ sức triển khai và người dân cũng không có điều kiện tham gia. Đối với các công ty bảo hiểm, họ là DN phải kinh doanh có lãi, không thể bắt DN thực hiện các nghiệp vụ không có lãi nếu không có sự bù lỗ. Nhà nước phải có chính sách bù lỗ hay hỗ trợ rõ ràng thì DN mới dám làm.

Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh Bảo hiểm cho rằng, muốn bảo hiểm được một sản phẩm thì nhà bảo hiểm phải quản lý được rủi ro. Đối với vật nuôi, cây trồng, ngoài việc tác động của thời tiết thì phụ thuộc rất nhiều ở người chăn nuôi, trồng trọt. Cụ thể, nuôi trâu bò phải có quy mô và theo các quy trình khoa học, được tiêm phòng. Trong khi đó, nông dân Việt Nam chăn nuôi không theo một quy trình nào cả, thả rông trên núi, không có chuồng trại, không có chế độ cho ăn uống theo định lượng… theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ... thì DN không thể quản lý được.

Như vậy, với cách chăn nuôi và trồng trọt manh mún hiện nay thì DN rõ ràng là không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp. Ngược lại, đã có một số sản phẩm bảo hiểm thì người dân cũng không đủ điều kiện để tham gia. Đấy là chưa nói đến do tính rủi ro cao, quản lý khó nên phí bảo hiểm nông nghiệp thường rất cao mà với mức sống hiện nay của nông dân Việt Nam khó mà kham nổi.  Ông Lộc ví dụ, con trâu trị giá 10 triệu đồng nhưng phí bảo hiểm hàng năm phải đóng là 2 triệu đồng thì người nông dân có thể gánh chịu được không?

Đã là doanh nghiệp thì phải kinh doanh, doanh nghiệp không làm nghĩa vụ xã hội nếu Nhà nước không có chế độ. Muốn làm thì Nhà nước phải có chế độ, phải bù lỗ, cấp phí, miễm giảm..., ông Lộc phân trần.

Vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ dân nghèo

Trên thế giới đã có nhiều mô hình phát triển loại hình bảo hiểm cho nông nghiệp. Các nước châu Âu rất phát triển mô hình này, ở trong khu vực, Philippines cũng triển khai bảo hiểm cho nông nghiệp. Ông Điều cũng cho biết, thực tế, trên thế giới, bảo hiểm nông nghiệp không phải là dịch vụ kinh doanh phát triển. Quốc gia nào muốn triển khai cũng có sự tài trợ rất lớn của nhà nước. Ở Mỹ mức hỗ trợ lên đến 50%,  Philippines cũng áp dụng hình thức hỗ trợ từ nhà nước. Vì vậy, nếu muốn triển khai bảo hiểm nông nghiệp thì nhà nước cần có sự chỉ đạo để hỗ trợ DN thực hiện.

Cần chính sách dài hạn, bảo vệ nông dân qua các biến cố. (Ảnh minh họa chống rét cho mạ: Việt Hùng)

Vụ Bảo hiểm - Bộ Tài chính hiện nay cho biết, các DN như Groupama, Bảo hiểm ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang có những đề án về bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên cung mới dừng ở mức nghiên cứu chưa có thời điểm thực hiện. Ngay tại Vụ Bảo hiểm, Ngân hàng thế giới cũng tài trợ xây dựng một đề án về phát triển bảo hiểm nông nghiệp. Thậm chí trước đây, đã có đề xuất thành lập một công ty bảo hiểm tương hỗ phát triển các loại hình bảo hiểm nông nghiệp nhưng rồi cũng không thành hiện thực.

Ông Hoan cho biết, đến cuối năm, đề án sẽ hoàn thành nhưng sau đó ai sẽ là người tiên phong thực hiện. Đã có ý kiến giao cho Công ty Bảo hiểm NH Nông nghiệp - phát triển nông thôn. Nhưng một mình DN liệu có đủ sức làm. Nước ta có 70% nông dân thì vấn đề bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết. Chúng ta cần một chính sách của Nhà nước để hỗ trợ nông dân và DN chứ một mình DN thì không chịu nổi, người dân vùng khó khăn không đủ sức đóng phí. Trong khi đó, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp trên diện rộng là rất khó khăn.

Nông dân không thể hoàn toàn trông chờ vào Nhà nước, nhưng qua thực tế mỗi lần có biến cố rất nhiều nông dân dễ dàng trở nên trắng tay, trở về với nghèo đói và không ai khác Chính phủ sẽ phải hỗ trợ, ưu tiên những đối tượng chính sách, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống tại những vùng có nhiều thiên tai hoặc dịch bệnh. Trong các biện pháp hỗ trợ, cách làm thông qua các chương trình bảo hiểm vừa bảo vệ được nông dân, vừa phát huy tính chủ động của họ và giảm được chi phí bao cấp từ ngân sách. Theo đó, các DN bảo hiểm sẽ đứng ra bán bảo hiểm, khi xảy ra tổn thất, Chính phủ sẽ đóng góp một phần hoặc toàn bộ chi phí bồi thường cho phần vượt quá trách nhiệm của DN bảo hiểm.

Có nhiều mô hình khác để thực thi bảo hiểm cho nông nghiệp như khuyến khích các mô hình bảo hiểm tương hỗ, dành độc quyền hay ưu tiên cấp giấy phép cho những DN bảo hiểm chuyên cung cấp các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp, bắt buộc nông dân tham gia một số loại hình bảo hiểm bắt buộc... Tuy nhiên, trong bất cứ mô hình nào, thì bảo hiểm nông nghiệp luôn cần vai trò hỗ trợ của Nhà nước, như vai trò một nhà bảo hiểm cuối cùng để bảo vệ người dân trước mọi thảm họa. Ở Việt Nam, một đất nước nông nghiệp luôn gánh chịu nhiều thảm họa, nông dân rất cần có được những phương thức bảo vệ như bảo hiểm. Nhưng đáng tiếc, đến nay, vai trò của Nhà nước trong những việc thế này vẫn chưa thấy xuất hiện.

Khẳng định bảo hiểm nông nghiệp là cần thiết và Nhà nước cũng muốn thúc đẩy triển khai nhưng rất khó. DN một mình làm không nổi, nông dân khó khăn khi tham gia. Muốn thực hiện phải có quyết tâm cao từ phía Nhà nước, ông Hoan nói.

NỘI DUNG KHÁC

Gà chết khắp miền Bắc, dân vẫn ăn vô tư

20-2-2008

Ngày 19/2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng khẩn cấp báo động các địa phương trong cả nước về một đợt dịch cúm gia cầm mới có thể bùng phát vào tháng 3. Gia cầm đang chết rải rác ở các tỉnh phía Bắc, còn người dân vẫn vô tư ăn thịt.

Chương trình công tác năm 2008 của Bộ NN&PTNT

18-2-2008

Văn bản số 195/CTr-BNN-VP ngày 22 tháng 1 năm 2008 về Chương trình công tác năm 2008 của Bộ NN&PTNT.

Độ mở cửa thương mại VN thuộc hàng cao nhất thế giới

18-2-2008

Trong một bài viết đăng trên tạp chí The Banker (của Anh) mới đây, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại VN Ajay Chhibber cho hay, độ mở cửa của thương mại VN lên tới 150%. Đây chính là chìa khóa dẫn tới thành công về tăng trưởng trong hơn một thập kỷ qua.

Làng nghề góp phần cải thiện đời sống nông dân

18-2-2008

Làng lụa Vạn Phúc những ngày giáp Tết rộn ràng trong tiếng máy dệt và rực rỡ với những cửa hàng bán lụa đầy sắc màu, tấp nập người bán mua. Người ta nói hiện là thời điểm “hưng thịnh” của làng nghề này, khi nhà nhà dệt lụa, người người bán lụa.

"Khoa học kỹ thuật là then chốt"

18-2-2008

Cụm từ trên mấy chục năm trước là một câu cửa miệng của giới lãnh đạo. Rồi nó rơi vào lãng quên cùng với những ảo tưởng về kinh tế kế hoạch triệt để với ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, "cân đối tới cấp huyện"... Và "vụ giá-lương-tiền" là sự cố "sập cầu" hoàn toàn buộc ta phải đổi mới theo hướng kinh tế thị trường.

Phải may cho nông dân chiếc áo bảo vệ

18-2-2008

Trước cảnh khốn đốn của người nghèo trong cơn giá rét, giáo sư - Viện sĩ Đào Thế Tuấn - Chủ tịch Hội Phát triển nông thôn (Nguyên viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp VN) - cho rằng chúng ta phải "may vá” lại cho người nghèo những chiếc áo bảo hộ mà quá trình đô thị hóa đã làm rách.

Khóc... trâu

18-2-2008

"Đau nhiều lắm vớ! Mình mong mãi, trước Tết một tháng, nó mới đẻ con nghé này, bây giờ con mẹ chết rồi, con nghé cũng không sống nổi được đâu. Trời sao mà làm cái rét lâu thế!".

Triển vọng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến 2010

15-2-2008

Để nhìn lại thành tựu 20 năm đổi mới vừa qua và nửa chặng đường của kế hoạch 5 năm (2006 -2010), cũng như thấy được kế hoạch và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010, Tạp chí Kinh tế và Dự báo – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức biên soạn cuốn sách “Triển vọng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến 2010” với mong muốn mang đến những thông tin tổng hợp về triển vọng và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 của Việt Nam nói chung và các ngành, lĩnh vực nói riêng.

Báo cáo tiến độ Hợp phần trung ương, dự án Hỗ trợ Chương trình PTNNNT giai đoạn 2007-2012

15-2-2008

AGROINFO – Ngày 14/2/2008, tại phòng họp Viện CS&CL PTNNNT đã diễn ra cuộc họp Ban chỉ đạo Hợp phần trung ương – Dự án “Hỗ trợ Chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2007 -2012” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch phối hợp với Bộ NN & PTNT triển khai. Nội dung của phiên họp này nhằm báo cáo tiến độ thực hiện hợp phần trung ương và thông qua kế hoạch tài chính cho năm 2008. Chủ tọa phiên họp là ông Bùi Bá Bổng – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và ông Peter Lysholt Hansen – Đại sứ Đan Mạch.

Vài ý kiến về việc thực hiện nghị định 115 ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa

15-2-2008

Nghị định 115 ra đời được xem là động lực mạnh mẽ thúc đẩy lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) của đất nước phát triển. Tuy nhiên, tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất còn yếu kém, lạc hậu; đội ngũ cán bộ KH&CN còn ít… nên việc thực hiện Nghị định còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan hữu quan.

Một số biện pháp thúc đẩy phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi

14-2-2008

Ngày 18 tháng 01 năm 2008, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chủ trì cuộc họp bàn về một số biện pháp thúc đẩy phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Nông nghiệp Việt Nam

22-2-2008

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cùng phối hợp với Trung tâm Thông tin, Thư Viện và Nghiên cứu Khoa học - Văn phòng Quốc hội và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức buổi tọa đàm để trình bày kết quả nghiên cứu và trao đổi với các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực lập pháp và các nhà hoạch định chính sách.