HỘI THẢO

John Stuart Mill - nhà tư tưởng của thời đại cải cách

Ngày đăng: 29 | 01 | 2008

John Stuart Mill là nhà triết học và kinh tế người Anh, một nhà tư tưởng lỗi lạc của thời đại cải cách xã hội thế kỷ 19. Ông là một nhân vật chuyển tiếp quan trọng trong kinh tế học. Xét trên một số phương diện, ông thuộc về trường phái cổ điển bao gồm Smith, Malthus và Ricardo, nhưng trên những phương diện khác, ông là vị tiền bối quan trọng của trường phái cận biên bắt đầu nổi lên vào cuối thế kỷ XIX.

Cuộc đời và sự nghiệp

John Stuart Mill sinh ngày 20/5/1806 ở Pentonville, London. Là con trai cả của nhà sử học, kinh tế và triết học James Mill, John được bố dạy học với một chương trình nghiêm khắc. Lên 8 tuổi, cậu đã đọc Các truyện ngụ ngôn Hy Lạp của Aesop, Cuộc viễn chinh (Anabasis) của Xenophon và toàn bộ các tác phẩm của Herodotus. Cậu đã làm quen với các tác phẩm của nhà văn trào phúng Lucian, nhà lịch sử triết học Diogenes Laertius, nhà văn Isocrates và 6 hội thoại của Plato. Ngoài ra, John cũng đọc say sưa nhiều tác phẩm lịch sử bằng tiếng Anh. Cũng ngay từ khi 8 tuổi, cậu đã bắt đầu học tiếng Latin, hình học Euclid, đại số và dạy học cho các em trong gia đình. Lĩnh vực quan tâm chính của cậu là lịch sử, tuy nhiên cậu đã học qua tất cả các tác giả Hi Lạp và La Mã thường được dạy ở trường, năm 10 tuổi, cậu đã đọc được các tác phẩm của Plato và Demosthenes một cách dễ dàng. Năm 12 tuổi, cậu bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng logic Triết học kinh viện đồng thời đọc các luận thuyết logic của Aristote. Trong những năm tiếp theo, cậu bắt đầu học kinh tế chính trị, nghiên cứu các tác phẩm của Adam Smith và David Ricardo. Trên thực tế, cậu bé John chịu ảnh hưởng nhiều của người cha, điều này đã khiến cậu luôn bị mâu thuẫn, cậu đã phải trải qua một tuổi thơ không hạnh phúc vì những ràng buộc tư tưởng và sự phát triển tư duy thiếu tự nhiên.

Từ 5/1820 đến 7/1821, Mill sống ở Pháp, học tiếng Pháp, hóa học, thực vật học và toán học nâng cao. Khi trở về, năm 1821, anh bắt đầu học tâm lý học và luật La Mã. Năm 1828, Mill trở thành trợ lý thanh tra của văn phòng India House. Trong 20 năm, từ 1836 đến 1856, Mill đảm trách mối quan hệ của công ty Đông Ấn với các bang Ấn Độ, và năm 1856, Mill trở thành trưởng văn phòng thanh tra.

Các bài viết của Mill về "Linh hồn của Thời đại" trên tờ Người thanh tra vào những năm 1930-1931 đã mở đầu cho sự nghiệp viết báo nổi tiếng của ông. Năm 1832-1833, ông đóng góp nhiều bài luận cho các tờ Tait's Magazine, The Jurist, và Monthly Repository. Năm 1835, Mill làm biên tập cho tờ The London Review. Tờ báo này sáp nhập với The Westminster năm 1836 và Mill tiếp tục làm biên tập cho đến 1840. Sau 1840, ông xuất bản một số bài báo quan trọng trên The Edinburgh Review. Trong những năm này, Mill cũng đã viết các tác phẩm lớn mang tính hệ thống logic và kinh tế chính trị. Mill đã phần nào chịu ảnh hưởng của nhà triết học thực chứng người Pháp Auguste Comte, nhưng chắc chắn là, cảm hứng chính đã đến từ nhà vật lý học và toán học Isaac Newton. Ông đã nhận thấy rằng, logic mới không đối nghịch một cách đơn giản với logic cũ. Trong một vài năm, ông đã tìm kiếm những giải nghĩa cho sự tương đồng giữa hai logic này nhưng không có kết quả. Cuối cùng, năm 1837, khi đọc Triết học của Khoa học Quy nạp của William Whewell và đọc lại tác phẩm Mở đầu về Nghiên cứu Triết học Tự nhiên của John F.W. Herschel, Mill đã thấy được con đường rõ ràng để thành lập các phương pháp nghiên cứu khoa học và sáp nhập logic mới vào logic cũ như một sự bổ sung. Tác phẩm nổi tiếng Hệ thống Logic, gồm hai tập, được xuất bản năm 1843. Cuốn sách của ông là sự nỗ lực xây dựng một hệ thống logic cho các khoa học nhân văn dựa trên sự giải thích nhân quả, nó bao quát cả lịch sử, tâm lý học, và xã hội học.

Quá trình nghiên cứu kinh tế chính trị của Mill được chính bản thân ông chia thành ba giai đoạn. Năm 1844, ông xuất bản tác phẩm Bàn về những vấn đề phức tạp của Kinh tế Chính trị, một số bài luận trong đó là những lời giải cho các bài toán chuyên môn rắc rối, như sự phân chia lợi ích của thương mại quốc tế, ảnh hưởng của tiêu dùng đối với sản xuất, việc định nghĩa lao động năng suất và không năng suất, các mối liên hệ chính xác giữa lợi nhuận và tiền công. Ở đây, Mill tỏ ra là một người kế tục xuất sắc David Ricardo, đưa ra những nhận định chính xác hơn và rút ra những hệ quả sâu sắc hơn. Trong giai đoạn thứ hai, tính độc lập và sáng tạo trở nên rõ ràng hơn trong tác phẩm Những Nguyên lý của Kinh tế Chính trị, xuất bản năm 1848. Cũng vào thời gian đó, Mill đang ủng hộ việc xây dựng hình thức sở hữu nông dân, một giải pháp cho sự nghèo đói và bất ổn ở Ireland. Mill tin rằng, vấn đề xã hội cũng quan trọng như vấn đề chính trị. Ông không thừa nhận chế độ sở hữu, ông đã phân tách các vấn đề của sản xuất và phân phối. Mill cũng không chấp nhận một hình thức phân phối mà thường xuyên đẩy các tầng lớp lao động vào một cuộc sống khốn khó, thậm chí là đói kém.

Trong suốt bảy năm sau khi lập gia đình, Mill bị cuốn vào công việc của công ty Đông Ấn, và đây là thời kỳ mà ông xuất bản ít tác phẩm nhất. Năm 1858, công ty bị giải thể, Mill được mời vào một ghế trong hội đồng mới nhưng ông đã từ chối và về nghỉ với số tiền hưu 1500 bảng. Sau khi vợ mất, ông dành phần lớn quãng đời còn lại ở Saint-Véran, gần Avignon, Pháp.

Các tác phẩm nổi tiếng như Bàn về Tự doNhững suy nghĩ về cải cách Nghị viện đều được xuất bản năm 1859. Trong tác phẩm Những xem xét về Chính thể Đại nghị (1861), ông đã hệ thống hóa các quan điểm được trình bày trong nhiều bài báo và tiểu luận. Thuyết vị lợi của Mill là một cố gắng để trả lời những quan điểm chống lại lý thuyết đạo đức của ông và cũng để loại bỏ những sự hiểu sai về nó.

Mill đã không bao giờ từ bỏ niềm vui lao động cũng như sự nhiệt tình quan tâm đến các vấn đề của xã hội con người. Các bài luận trong Luận án (1875) tập bốn của ông nói về tài sản, về đất đai, về lao động, về các vấn đề siêu hình học và tâm lý học, chúng được viết cho tờ Fortnightly Review trong giai đoạn sự nghiệp nghị trường ngắn ngủi của ông. Năm 1867, Mill là một trong những người sáng lập tổ chức giành quyền bầu cử đầu tiên của phụ nữ, năm 1869, ông xuất bản tác phẩm Sự Khuất phục của Phụ nữ (viết năm 1861), một tuyên ngôn kinh điển về quyền bầu cử của phụ nữ. Hoạt động xã hội cuối cùng của ông liên quan đến sự ra đời của Tổ chức Cải cách Sở hữu Đất đai. Cuốn Tự thuậtBa bài luận về Tôn giáo được xuất bản sau khi ông mất. Mill đã qua đời ở Avignon ngày 8/5/1873. Một tượng đồng đúc chân dung ông được dựng lên trên đường đê sông Thames ở London.

Giá trị tư tưởng và tầm ảnh hưởng

Mill cố gắng tìm ra con đường dung hòa giữa Smith và Malthus. Smith nhìn nhận xã hội trở nên giàu có hơn nhờ vào tự do buôn bán, đổi mới kỹ thuật, phân công lao động và đầu tư tư bản. Tuy nhiên, Malthus lại nhìn nhận tăng trưởng kinh tế bị giới hạn bởi sức ép của con người lên một nguồn lực cố định. Mill cho rằng cả hai nguồn lực này cùng hoạt động một lúc. Thay vì dự đoán kết quả cuối cùng từ những lực lượng mâu thuẫn này, Mill đưa ra một số kịch bản cho tương lai:

- Kịch bản thứ nhất hơi giống với Malthus – đó là dân số tăng nhanh hơn tư bản và công nghệ có thể làm tăng sản lượng. Trong trường hợp này, kểt quả sẽ là tiền công thấp hơn và lợi nhuận cao hơn. Mức sống của người công nhân bình thường buộc phải giảm xuống.

- Kịch bản thứ hai gần với phân tích của Smith – đó là tích lũy tư bản tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số. Ở đây tiền công thực tế tăng, do vậy làm cho người công nhân trung bình trở nên giàu có hơn.

- Trong kịch bản thứ ba, tư bản và dân số tăng cùng tỷ lệ nhưng công nghệ ổn định một cách không tương đối. Vì cung và cầu về lao động tăng cùng một tỷ lệ nên sẽ không có thay đổi trong mức tiền công thực tế. Nhưng vì công nghệ không tiến bộ, nên đất đai kém màu mỡ hơn sẽ được sử dụng để đảm bảo lương thực cho số dân đang tăng lên. Điều này làm tăng chi phí sản xuất. Khi giá lương thực và địa tô tăng, lợi nhuận sẽ phải giảm xuống. Về cơ bản, đây là kết cục theo Ricardo.

- Thứ tư, Mill lưu ý rằng tiến bộ công nghệ có thể tiến triển nhanh hơn tốc độ tăng của tư bản và dân số. Điều này làm cho việc canh tác dễ dàng hơn, giảm tiền công và địa tô. Kết quả là lợi nhuận tăng lên và nền kinh tế trở nên thịnh vượng hơn.

Mill cho rằng kịch bản thứ 3 có khả năng xảy ra nhất trong số tất cả các khả năng có thể xảy ra trong tương lai. Sống vào giữa cuộc Cách mạng Công nghiệp, và không thấy được những tiến bộ công nghệ lâu dài và đồng bộ, nên Mill tin rằng tiến bộ kỹ thuật một lúc nào đó sẽ kết thúc. Khi điều này xảy ra, tích lũy tư bản và tăng trưởng kinh tế cũng kết thúc, giống như Ricardo đã dự đoán.

Mill đưa lý thuyết cổ điển đến sự hoàn thiện theo những con đường khác. Một vấn đề chưa trả lời được trong lý thuyết lợi thế so sánh là phần thu được từ thương mại quốc tế sẽ được chia như thế nào giữa các nước. Mill giải thích rằng hầu hết phần thu được từ thương mại sẽ thuộc về nước có cầu thấp hơn và có độ co giãn về cầu lớn hơn. Nếu cầu là co giãn thì một sự thay đổi về giá sẽ tạo ra sự thay đổi về lượng hàng được tiêu dùng. Tuy nhiên nếu cầu không co giãn, người tiêu dùng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do biến động giá. Ví dụ, nếu nước Mỹ có ít nhu cầu về ô tô Nhật hơn và có thể dễ dàng sống mà không cần ô tô Nhật, trong khi đó người Nhật lại rất thích đồ ăn Mỹ, như vậy lợi ích thương mại sẽ thuộc về Mỹ. Nước Mỹ sẽ bán lương thực cho Nhật với giá cao và mua ô tô của Nhật với giá rẻ. Tuy nhiên nếu người Mỹ ưa chuộng ô tô của Nhật và không thể mua được ở nơi khác, trong khi đó người Nhật lại tìm ra nguồn lương thực khác, khi đó hầu hết lợi ích thu được từ thương mại sẽ thuộc về Nhật. Trong trường hợp này, cầu cao và không co giãn về ô tô ở Mỹ khiến người Mỹ trả giá cao cho ô tô Nhật và cầu thấp, không co giãn ở Nhật khiến người Nhật mua được lương thực Mỹ với giá rẻ.

Những đóng góp to lớn nhất của Mill vào kinh tế học không phải là sự mở rộng phân tích kinh tế học cổ điển, mà là những lối tư duy mới của ông. Ông là nhà kinh tế đầu tiên nói về cung và cầu dưới dạng biểu bảng hay những mối quan hệ. Mill nhận ra rằng lượng hàng hóa thay đổi tùy theo giá cả. Khi giá cả tăng các hãng sẽ bán lượng hàng lớn hơn ra thị trường và khi giá cả giảm, người tiêu dùng sẽ mua lượng hàng hóa nhiều hơn.

Mill cũng là người đầu tiên xây dựng khái niệm chi phí cơ hội. Mọi hành động của con người đều liên quan đến sự từ bỏ cơ hội hay kỹ năng làm một việc gì đó khác. Chi phí cơ hội của bất kỳ hành động nào cũng bao gồm chi phí tài chính và phi tài chính. Quyết định đi học cua một người nào đó sẽ đòi hỏi phải chi tiêu cho học phí, sách vở và những thứ khác. Có những chi phí cơ hội liên quan vì có những thứ hàng hóa khác người đó không thể mua vì đã mua dịch vụ giáo dục, cơ hội tiêu dùng đó mất đi. Nhưng có những chi phí khác nữa, khi đi học người đó không kiếm được tiền. Do vậy, người đó đã từ bỏ thu nhập mà đáng lẽ có thể kiếm được nếu không đi học. Tổng chi phí cơ hội của việc đi học bao gồm cả tiền bỏ ra để đi học và tiền công bị mất do việc đi học.

Cuối cùng, Mill thảo luận về giới hạn của những hạn chế của xã hội và Nhà nước đối với tự do cá nhân. Mill lập luận rằng Nhà nước và xã hội chỉ có quyền hạn chế tự do cá nhân đến mức độ không để cá nhân này làm hại đến cá nhân khác. Trái với Smith, người ủng hộ thị trường tự do vì nó tối đa hóa đời sống vật chất, đối với Mill, thị trường tự do là tốt đẹp vì nó cho phép mỗi cá nhân được phát triển tối đa. Ông cũng ủng hộ sự bình đẳng cho phụ nữ trên nền tảng của sự phát triển tự do cá nhân. Bằng cách để phụ nữ cạnh tranh với nam giới trong công việc và các vị trí khác, xã hội có thể được lợi do có những con người ưu việt nhất trong mọi vị trí.

Công trình của Mill bao gồm rất nhiều mảng khác nhau: lý thuyết, chính sách, kinh tế học lao động, thương mại quốc tế và lý thuyết chính trị.

Nguồn:

[1]. www.tiasang.com.vn (Tạp chí Tia sáng), 200 năm ngày sinh John Stuart Mill.

[2]. Steven Pressman, 50 nhà kinh tế tiêu biểu, NXB Lao động, 2003 (trang 106 - 113)

NỘI DUNG KHÁC

"Nếu có trách nhiệm thì ngồi ghế nào cũng nóng cả"

29-1-2008

"Những việc làm trong năm qua chưa đủ tầm để chứng tỏ Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã vào cuộc một cách đúng mức. Một số vụ việc liên quan rõ ràng đến tham nhũng nhưng khi kết luận, mình vẫn né tránh từ "tham nhũng", Tổng TTCP Trần Văn Truyền thẳng thắn thừa nhận khi trò chuyện với VietNamNet.

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Triết lý kinh tế của hàng rong

28-1-2008

Nếu lệnh cấm bán hàng rong của Hà Nội không bị tạm hoãn thì không biết Tết này hàng vạn người dân sẽ ăn Tết ra sao? Những ngày Tết đã đến rất gần. Cơ hội thay đổi nghề nghiệp của những người bán hàng rong thì thật khó khăn. Và chẳng ai có thể thay đổi nghề nghiệp của mình trong một thời gian ngắn như vậy.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Sao nỡ lòng đá "bát cơm" của người nghèo như thế!

24-1-2008

"...Tôi ước tính Hà Nội có khoảng vài trăm ngàn người bán hàng rong, nhân con số đó với 64 tỉnh thành thì ước tính cả nước có khoảng gần 1 triệu lao động kiểu này. Mỗi gánh hàng rong bán khoảng 200 nghìn tiền hàng/1 ngày. Lấy con số 200 nghìn nhân khoảng 1 triệu lao động thì sẽ được gần 200 tỷ/1 ngày, và vài chục nghìn tỷ/1 năm... Họ là một thành phần kinh thế lớn trong hệ thống kinh tế quốc gia...", ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế khẳng định.

Hồi ký Võ Chí Công về cải cách trong nông nghiệp

23-1-2008

Tôi nghĩ vì sao cũng người thanh niên trong hợp tác xã miền Bắc ở miền Nam đánh giặc chịu đựng gian khổ hy sinh lại hăng hái và hết sức tích cực, còn làm ăn trong hợp tác xã thì lại tiêu cực đến thế? Có lẽ đánh giặc cứu nước là động lực nên có tinh thần tích cực, còn trong lao động sản xuất phải chăng chưa tạo ra được động lực.

Công chức ra đi rồi sẽ trở về

22-1-2008

Tình trạng công chức nhà nước chuyển ra làm việc cho khu vực tư nhân là một qui luật của cuộc sống. Nhưng rồi sẽ đến lúc chất xám từ khu vực tư chảy ngược về khu vực công. GS.TS Phạm Hồng Thái, trưởng khoa nhà nước và pháp luật (Học viện Hành chính), nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

Lý thuyết về lợi thế so sánh

22-1-2008

Lý thuyết về những lợi thế so sánh đã được David Ricardo (1772-1823) nêu ra. Lý thuyết này xác định những cái lợi của thương mại bằng cách chứng minh rằng trao đổi, với những sự chuyên môn hóa mà nó tạo nên,đem lại lợi ích cho tất cả những người cùng trao đổi với nhau. Mỗi nền kinh tế địa phương ắt sẽ có lợi trong việc chuyên môn hóa trong một hay một số khu vực có một lợi thế so sánh cho dù đó là nguồn nhân công dồi dào hay rẻ tiền, hay là tài nguyên khoáng sản và các tiềm năng về năng lượng: than đá, dầu mỏ, …

"Máy chém" cho chính sách có hại

17-1-2008

Với sự kiện một số địa phương hoãn lệnh cấm xe ba gác, xe công nông, sau Nghị định 32 bị coi là xây dựng vội vàng, kế hoạch cấm bán hàng rong tại Hà Nội gây nhiều băn khoăn; thông tin Bộ Tư pháp chuẩn bị rà soát hệ thống pháp luật trong hai năm 2009, 2010 đem hy vọng cho người dân về việc loại bỏ những quy định pháp luật không có lợi, góp phần làm công tác xây dựng văn bản khoa học hơn. Tuy nhiên, tiêu chí thẩm định văn bản pháp luật là vấn đề đang gây tranh luận.

Tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh xuất phát từ đâu và bắt đầu như thế nào?

16-1-2008

Người lát viên gạch đầu tiên để xây lên ngôi nhà ĐỔI MỚI đó chính là Trường Chinh. Ông đã vượt lên những hạn chế của sức khỏe và tuổi già, dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Từ quản lý kiểm soát sang quản lý để phát triển

15-1-2008

Sau một năm nhận diện lại mình, năm 2008 này, Việt Nam sẽ phải gỡ những nút thắt nào cho hội nhập? Thay đổi từ tư duy quản lý nhằm xác lập trật tự sang quản lý để thúc đẩy phát triển như thế nào để gỡ các nút thắt cho tăng trưởng. "Ông WTO" Trương Đình Tuyển và TS Trần Đình Thiên tiếp tục trao đổi với độc giả VietNamNet.

Milton Friedman: Nhà kinh tế thời đại & Giáo chủ của môn kinh tế tiền tệ

15-1-2008

Kinh tế gia vĩ đại Milton Friedman đã từ trần vào tháng 11/2006. Có thể nói, không có một nhà kinh tế học nào khác kể từ thời của Keynes định hình lại cách nghĩ về kinh tế học như Milton Friedman. Bằng phạm vi của những chủ đề và tầm quan trọng trong những ý tưởng của ông, Friedman không những đã đặt nền tảng cho kinh tế học đương thời mà ông còn xây dựng nó trở nên vững chắc. Bài viết sau đây của Paul Krugman về chân dung Friedman đề cập rất nhiều đến quá trình vận động của các quan điểm kinh tế, nhìn nhận hành vi thị trường và cách mà FED đối phó với lạm phát.

“Cải cách thể chế phải đi từ lợi ích người dân”

10-1-2008

Hội thảo “Cải cách thể chế và vai trò của cơ quan lập pháp” tại Lâm Đồng từ ngày 9 – 10 có nhiều ý kiến của các học giả, đại biểu QH nhìn nhận thẳng thắn những bất cập trong cải cách thể chế tại VN.

Trường Chinh - Tổng Bí thư của đổi mới

9-1-2008

Ba lần làm Tổng Bí thư Đảng, từng đứng ra nhận kỷ luật trước Đảng vì chỉ đạo cải cách ruộng đất, Tổng Bí thư Trường Chinh trong ký ức của nhiều người vẫn được coi là nhà lãnh đạo "hết sức cứng" như nhận xét của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhưng chính ông lại là chủ biên của Đổi Mới, người đã "chú ý nghe từ nhiều phía, và đặc biệt là đã coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình".