HỘI THẢO

"Nếu có trách nhiệm thì ngồi ghế nào cũng nóng cả"

Ngày đăng: 29 | 01 | 2008

"Những việc làm trong năm qua chưa đủ tầm để chứng tỏ Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã vào cuộc một cách đúng mức. Một số vụ việc liên quan rõ ràng đến tham nhũng nhưng khi kết luận, mình vẫn né tránh từ "tham nhũng", Tổng TTCP Trần Văn Truyền thẳng thắn thừa nhận khi trò chuyện với VietNamNet.

Ít nhất phải làm được một số cuộc "ra trò"

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Có trách nhiệm thì ghế nào cũng nóng.

- Trong các cuộc trả lời phỏng vấn từ khi đảm nhận chức Tổng TTCP, "tham nhũng" dường như là từ được ông nói đến nhiều nhất. Ông có cảm thấy mình bị ám ảnh bởi từ đó hay thực tế công việc tạo nên điều này?

Thực ra tham nhũng và chống tham nhũng đang là vấn đề rất thời sự. Đảng và Nhà nước coi đây là quốc nạn, ảnh hưởng đến sự phát triển, đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Vì thế, ai có trách nhiệm cũng đều phải suy nghĩ, tâm huyết về việc này.

Với tôi, việc này trở thành như một vấn đề máu thịt, tức là mình luôn phải trăn trở, suy nghĩ. Mình làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến cái chung, làm người dân thất vọng rằng thanh tra chống tham nhũng bằng lời nói chứ không phải bằng việc làm.

Kết thúc năm 2007, tôi cũng kiểm điểm lại hơn một năm qua đã làm được việc gì. Chúng ta đã làm được một số việc, nhưng theo tôi vẫn chưa đủ tầm, chưa đủ để chứng tỏ TTCP đã vào cuộc một cách đúng mức. Đủ tầm là phải quán xuyến tình hình chặt chẽ hơn, phát hiện kịp thời hơn chỗ nào làm không tốt và khi vào cuộc, ít nhất phải làm một số cuộc ra trò.

Vừa qua cũng đã làm công tác thanh tra, kiểm tra các địa phương nhưng chưa được nhiều, với những nơi làm chưa tốt cũng chưa có sự phê phán đúng mức. Lẽ ra phải kiểm điểm trách nhiệm nhưng đằng này, mỗi cuộc thanh tra về thì anh cũng có nêu mấy mặt tốt, mấy mặt thiếu sót. Thế thôi.

Làm như vậy thì chưa thúc đẩy được trách nhiệm của các tổ chức. Có những vụ liên quan đến tham nhũng rất rõ, nhưng khi kết luận mình cứ nói sai nọ sai kia mà né tránh từ tham nhũng.

Có ý kiến cho rằng khi chưa công khai minh bạch tài sản thì chống tham nhũng sẽ rất nan giải, là người trong cuộc, ông nghĩ gì về vấn đề này?

Dù có công khai minh bạch tài sản thì cũng chỉ là một biện pháp chứ không phải là tất cả. Kiểm soát thu nhập mới là gốc. Có những loại tài sản anh công khai nhưng tài sản ngầm thì không, thế thì làm sao gọi là kiểm soát được và không đúng bản chất. Có người có 5 - 7 cái nhà, 5 - 7 miếng đất nhưng người khác đứng tên hết thì mắc gì người ta phải kê khai?

Có những con đường thu nhập không chính thức, bất chính thì làm gì để kiểm soát thu nhập? Phải kiểm soát thu nhập của cả xã hội rồi mới gắn thu nhập của cán bộ, chứ tách cán bộ ra thì họ còn biết bao mối quan hệ trong xã hội, quan hệ nổi quan hệ chìm, nếu chỉ kiểm soát cái nổi thì cũng coi như không kiểm soát.

Nhưng dù sao tôi thấy việc này cũng cần phải làm. Làm từ từ rồi bổ sung, chấn chỉnh qua thực tiễn, không nôn nóng. Chuyện chống tham nhũng theo tôi là còn dài dài. Hình như dư luận xã hội cũng như báo chí có lúc hơi sốt ruột, tôi thì nói là phải có ý thức tự giác. Có tự giác thì dù kỷ luật thấp nhưng vẫn thấy rất đau, nếu không thì kỷ luật cách mấy cũng bằng thừa. Muốn có tự giác cũng không thể một sớm một chiều. Nhiều nước họ đã làm như thế này: Đi đâu họ cũng nói, chỗ nào cũng nói, thậm chí giáo dục để cả trẻ em thấy việc này là xấu, như thế mới có sự tự giác được.

"Có người mang đến tôi cả trăm ngàn đôla..."

Nhiều người nói ghế của Tổng TTCP là một chiếc ghế "nóng". Đến thời điểm này, ông có cảm thấy "nóng" nữa không?

"Mấy tháng đầu sang TTCP, tôi cảm thấy hụt hẫng hẳn. Tình hình ở đây đang căng thẳng, phức tạp, có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến uy tín. Thậm chí, có ý kiến cho rằng nên bỏ quách cơ quan TTCP này đi.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã động viên tôi: “Ông sang đó ráng làm cho tốt để cho Đảng của mình tốt, dân của mình được nhờ”.

Tôi nghĩ hiện nay, trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nếu làm có trách nhiệm thì chỗ nào cũng nóng cả, bởi đất nước đang phát triển với tốc độ nhanh. Nhân dân cũng đang còn rất nhiều điều mong mỏi ở Đảng và Nhà nước.

Điện thoại của ông luôn mở. Vậy trong lúc tiến hành các cuộc thanh tra, chắc ông nhận được rất nhiều cuộc gọi?

Vâng, sau mấy chục năm công tác, có lẽ vị trí Tổng TTCP được nhiều người quan tâm nhất. Thậm chí, có khi nửa đêm cũng có người gọi, phản hồi thông tin hoặc nhắn tin đến mức bà xã tôi phải hỏi ai mà quan tâm nhắn tin lúc này, bật dậy coi thì hóa ra người ta nhắn chuyện khiếu kiện. Rồi cả những cuộc gọi đe dọa, xin xỏ nữa.

Ông có nhận được lời đề nghị hối lộ nào không?

Từ khi về đây đến giờ, nhận một lời đề nghị hối lộ thì không có nhưng người ta mang tiền đến cho thì ít nhất tôi cũng đã 3 - 4 lần trả lại tiền, số tiền cũng rất lớn. Trả lại ở đây là vì người ta không đặt yêu cầu gì với mình hết, không phải đặt vấn đề xử lý theo pháp luật. Ví dụ, người ta đến nhà nói có chút quà cho anh và khi mở ra thì tôi thấy số tiền người ta mang đến rất lớn, thậm chí có lúc cả trăm ngàn đôla. Tôi nói ngay, trong quan hệ anh em bạn bè, tôi không có lý do gì mà nhận tiền của anh chị thế này. Vì vậy, nếu thực sự tình nghĩa thì anh chị mang về.

Rồi cũng có người trong lúc đang thanh tra thì mang quà đến, không trực tiếp đưa tôi mà để dưới gầm bàn, khi dọn dẹp mình thấy thì buộc phải mời đến cảnh cáo.

Có lần ông nói với báo chí là phải trông coi cả vợ con?

Tôi đã từng nói rồi, làm thanh tra phải biết tự giữ mình. Giữ mình không phải là "đóng khung", "đóng hộp" lại không quan hệ với ai. Giữ ở đây là phải tỉnh táo, biết được mối quan hệ nào là bình thường, tình nghĩa, mối quan hệ nào là không bình thường và thậm chí là gây ra nguy hiểm, phức tạp, nhất là sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành cũng như của mình.

Cho nên tôi luôn luôn nói với vợ, con, quà biếu gì, ở đâu, không có ý kiến của tôi là kiên quyết không được nhận. Bà xã tôi nếu có người lạ đến nhà, bà không biết hoặc bà ấy hỏi tôi mà tôi chưa có ý kiến thì bà ấy cũng không tiếp. Con cái cũng vậy, phải nhắc nhở. Thấy con có biểu hiện gì đó không bình thường thì phải kiểm tra ngay.

2008: "Phúc tra" tất cả các vụ thanh tra

Quay trở lại với vấn đề chống tham nhũng, những bất cập mà chúng ta cần quan tâm khắc phục là gì, thưa ông?

Hai cuộc thanh tra khiến tôi mệt nhất: Vietnam Airlines và Ngân hàng Nhà nước.

"Cuộc thanh tra Tổng Công ty Hàng không kéo dài, áp lực rất lớn. Tôi phải chỉ đạo anh em rất chặt chẽ, tận tâm tận lực nhưng đồng thời phải nghe ngóng dư luận, phải chỉ đạo đối thoại, đối chứng với nhiều loại thông tin để đi đến được một kết luận chính xác, khách quan.

Cuộc thanh tra ở Ngân hàng Nhà nước cũng rất căng, đến mức làm mình mất ăn mất ngủ. Lĩnh vực này nhạy cảm, đụng chạm tới rất nhiều người. Nhiều lúc mình cảm thấy nếu dấn nữa thì mình nhất định phải đương đầu, mà nếu không dấn cho đến nơi đến chốn thì xem như mình bỏ cuộc giữa chừng".

Trong hội nghị tổng kết năm của ngành thanh tra, tôi phát biểu như thế này: Có hai vấn đề lớn cần quan tâm. Thứ nhất là thiếu trách nhiệm dẫn đến quan liêu, có những việc xảy ra ngay trong đơn vị, trong địa phương, ngay chỗ mình đứng mà anh mặc nhiên không biết, như việc xây dựng các khu công nghiệp nhưng để đất hoang hóa, dân không có đất sản xuất thì rõ ràng nằm ngay trước mắt mấy vị lãnh đạo. Bây giờ qua kiểm tra mới thấy, rõ là quan liêu. Có những việc dân khiếu kiện hàng năm trời, anh tiếp dân hàng trăm lần rồi nhưng hỏi cụ thể đất của người ta như thế nào anh không biết, thì là thiếu trách nhiệm, quan liêu chứ còn gì.

Thứ hai là kỷ cương không nghiêm, nói một đằng làm một nẻo. Có địa phương xin Thủ tướng làm khu công nghiệp 200 ha nhưng ở dưới quy hoạch 700ha, 900ha, thậm chí 1.000 ha. Hoặc có những việc Thủ tướng kết luận 3 năm nay rồi, nay quay lại chưa thấy thi hành. Đó là điều không chấp nhận được. Tôi đang đề nghị xử lý trách nhiệm, chứ không thể để cấp trên nói cấp dưới không nghe.

Có phải chính vì thế, TTCP đặt ra một nhiệm vụ trọng tâm năm 2008 là công tác hậu thanh tra?

Tôi nghĩ bây giờ thanh tra phải làm ít mà hiệu quả nhiều, làm cho trúng, làm một việc tác động đến nhiều việc. Thứ hai, đừng phí công làm mà gẩy ra đó, làm đến đâu phải xong đến đó, phải làm việc mà tôi gọi là "phúc tra". Phúc tra tất cả những vụ thanh tra, kết luận rồi thì xem họ có thực hiện không.

Từ ngày làm Tổng TTCP, ông thấy mình được gì, mất gì nhiều nhất?

(Cười). Cái được lớn nhất tôi cho rằng bước đầu củng cố được toàn ngành, nhất là TTCP có sự phấn chấn vững vàng hơn. Cá nhân tôi cũng tự thấy được anh em tin tưởng, tôn trọng, những chỉ đạo, kết luận của tôi có thể nói là chính xác và xử lý các mối quan hệ trong quá trình này được hài hòa. Tôi thấy rất hạnh phúc.

Nhưng tổn thất cũng có nhiều, có lẽ rõ nhất là về mặt tình cảm. Mình quan sát thấy những đổi thay, ngày xưa anh em gặp mình thì tay bắt mặt mừng, bây giờ tuy anh em không nói gì nhưng có khi thấy không được vui, có phần giữ kẽ hơn, thậm chí nghĩ sâu xa thì chắc cũng phải trả giá, nếu trong cuộc nào đó, mức độ tín nhiệm trong dân thì tăng lên nhưng trong nội bộ thì có phần sứt mẻ. Cái đó tôi nghĩ mình phải chấp nhận thôi bởi nói cho cùng mình làm vì sự nghiệp của Đảng, của nhân dân.

Tôi từng nói với anh em là tôi cũng chẳng thích gì ngồi đây mà đấu, mà cãi với anh em, tôi cũng muốn nói thế nào để mấy anh mấy chị vui chứ đâu thích đương đầu mãi. Nhưng công việc là công việc, đúng phải nói đúng, sai phải nói sai, cứ dung hòa nửa đúng, nửa sai rồi vui với nhau thì không được.

NỘI DUNG KHÁC

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Triết lý kinh tế của hàng rong

28-1-2008

Nếu lệnh cấm bán hàng rong của Hà Nội không bị tạm hoãn thì không biết Tết này hàng vạn người dân sẽ ăn Tết ra sao? Những ngày Tết đã đến rất gần. Cơ hội thay đổi nghề nghiệp của những người bán hàng rong thì thật khó khăn. Và chẳng ai có thể thay đổi nghề nghiệp của mình trong một thời gian ngắn như vậy.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Sao nỡ lòng đá "bát cơm" của người nghèo như thế!

24-1-2008

"...Tôi ước tính Hà Nội có khoảng vài trăm ngàn người bán hàng rong, nhân con số đó với 64 tỉnh thành thì ước tính cả nước có khoảng gần 1 triệu lao động kiểu này. Mỗi gánh hàng rong bán khoảng 200 nghìn tiền hàng/1 ngày. Lấy con số 200 nghìn nhân khoảng 1 triệu lao động thì sẽ được gần 200 tỷ/1 ngày, và vài chục nghìn tỷ/1 năm... Họ là một thành phần kinh thế lớn trong hệ thống kinh tế quốc gia...", ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế khẳng định.

Hồi ký Võ Chí Công về cải cách trong nông nghiệp

23-1-2008

Tôi nghĩ vì sao cũng người thanh niên trong hợp tác xã miền Bắc ở miền Nam đánh giặc chịu đựng gian khổ hy sinh lại hăng hái và hết sức tích cực, còn làm ăn trong hợp tác xã thì lại tiêu cực đến thế? Có lẽ đánh giặc cứu nước là động lực nên có tinh thần tích cực, còn trong lao động sản xuất phải chăng chưa tạo ra được động lực.

Công chức ra đi rồi sẽ trở về

22-1-2008

Tình trạng công chức nhà nước chuyển ra làm việc cho khu vực tư nhân là một qui luật của cuộc sống. Nhưng rồi sẽ đến lúc chất xám từ khu vực tư chảy ngược về khu vực công. GS.TS Phạm Hồng Thái, trưởng khoa nhà nước và pháp luật (Học viện Hành chính), nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

Lý thuyết về lợi thế so sánh

22-1-2008

Lý thuyết về những lợi thế so sánh đã được David Ricardo (1772-1823) nêu ra. Lý thuyết này xác định những cái lợi của thương mại bằng cách chứng minh rằng trao đổi, với những sự chuyên môn hóa mà nó tạo nên,đem lại lợi ích cho tất cả những người cùng trao đổi với nhau. Mỗi nền kinh tế địa phương ắt sẽ có lợi trong việc chuyên môn hóa trong một hay một số khu vực có một lợi thế so sánh cho dù đó là nguồn nhân công dồi dào hay rẻ tiền, hay là tài nguyên khoáng sản và các tiềm năng về năng lượng: than đá, dầu mỏ, …

"Máy chém" cho chính sách có hại

17-1-2008

Với sự kiện một số địa phương hoãn lệnh cấm xe ba gác, xe công nông, sau Nghị định 32 bị coi là xây dựng vội vàng, kế hoạch cấm bán hàng rong tại Hà Nội gây nhiều băn khoăn; thông tin Bộ Tư pháp chuẩn bị rà soát hệ thống pháp luật trong hai năm 2009, 2010 đem hy vọng cho người dân về việc loại bỏ những quy định pháp luật không có lợi, góp phần làm công tác xây dựng văn bản khoa học hơn. Tuy nhiên, tiêu chí thẩm định văn bản pháp luật là vấn đề đang gây tranh luận.

Tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh xuất phát từ đâu và bắt đầu như thế nào?

16-1-2008

Người lát viên gạch đầu tiên để xây lên ngôi nhà ĐỔI MỚI đó chính là Trường Chinh. Ông đã vượt lên những hạn chế của sức khỏe và tuổi già, dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Từ quản lý kiểm soát sang quản lý để phát triển

15-1-2008

Sau một năm nhận diện lại mình, năm 2008 này, Việt Nam sẽ phải gỡ những nút thắt nào cho hội nhập? Thay đổi từ tư duy quản lý nhằm xác lập trật tự sang quản lý để thúc đẩy phát triển như thế nào để gỡ các nút thắt cho tăng trưởng. "Ông WTO" Trương Đình Tuyển và TS Trần Đình Thiên tiếp tục trao đổi với độc giả VietNamNet.

Milton Friedman: Nhà kinh tế thời đại & Giáo chủ của môn kinh tế tiền tệ

15-1-2008

Kinh tế gia vĩ đại Milton Friedman đã từ trần vào tháng 11/2006. Có thể nói, không có một nhà kinh tế học nào khác kể từ thời của Keynes định hình lại cách nghĩ về kinh tế học như Milton Friedman. Bằng phạm vi của những chủ đề và tầm quan trọng trong những ý tưởng của ông, Friedman không những đã đặt nền tảng cho kinh tế học đương thời mà ông còn xây dựng nó trở nên vững chắc. Bài viết sau đây của Paul Krugman về chân dung Friedman đề cập rất nhiều đến quá trình vận động của các quan điểm kinh tế, nhìn nhận hành vi thị trường và cách mà FED đối phó với lạm phát.

“Cải cách thể chế phải đi từ lợi ích người dân”

10-1-2008

Hội thảo “Cải cách thể chế và vai trò của cơ quan lập pháp” tại Lâm Đồng từ ngày 9 – 10 có nhiều ý kiến của các học giả, đại biểu QH nhìn nhận thẳng thắn những bất cập trong cải cách thể chế tại VN.

Trường Chinh - Tổng Bí thư của đổi mới

9-1-2008

Ba lần làm Tổng Bí thư Đảng, từng đứng ra nhận kỷ luật trước Đảng vì chỉ đạo cải cách ruộng đất, Tổng Bí thư Trường Chinh trong ký ức của nhiều người vẫn được coi là nhà lãnh đạo "hết sức cứng" như nhận xét của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhưng chính ông lại là chủ biên của Đổi Mới, người đã "chú ý nghe từ nhiều phía, và đặc biệt là đã coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình".

Nông nghiệp "trụ" được trước WTO, song không vững

8-1-2008

Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng nhận xét năm qua, nông nghiệp đã phát triển, cạnh tranh tốt khi Việt Nam gia nhập WTO. Thủ tướng yêu cầu, Bộ NN-PTNT cần tiếp tục rà soát, tính toán để biến thời cơ thuận lợi thành lực lượng sản xuất, sản phẩm và lợi thế cạnh tranh.