HỘI THẢO

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Sao nỡ lòng đá "bát cơm" của người nghèo như thế!

Ngày đăng: 24 | 01 | 2008

"...Tôi ước tính Hà Nội có khoảng vài trăm ngàn người bán hàng rong, nhân con số đó với 64 tỉnh thành thì ước tính cả nước có khoảng gần 1 triệu lao động kiểu này. Mỗi gánh hàng rong bán khoảng 200 nghìn tiền hàng/1 ngày. Lấy con số 200 nghìn nhân khoảng 1 triệu lao động thì sẽ được gần 200 tỷ/1 ngày, và vài chục nghìn tỷ/1 năm... Họ là một thành phần kinh thế lớn trong hệ thống kinh tế quốc gia...", ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế khẳng định.

>> Cấm hàng rong: Người dân sẽ tự biết mưu sinh

Phóng viên (PV): Ngày 19.1.2008, qui định cấm bán hàng rong của UBND thành phố Hà Nội bắt đầu có hiệu lực? Là một chuyên gia về kinh tế, tài chính, ông có nhận xét gì về quy định này?

Bùi Kiến Thành (BKT): Theo tôi, quyết định này có vấn đề. Bởi những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, hàng rong là một thành phần quan trọng trong hệ thống kinh tế. Bán hàng rong gồm nhiều mặt hàng nhưng quan trọng nhất là mặt hàng nông sản đem từ các vùng ngoại vi thành phố về. Mỗi buổi sáng, các nhà “sản xuất” phải thức dậy từ 2-3 giờ đêm để cắt hoa, thu hoạch rau quả rồi thồ lên xe chở vào các chợ đầu mối của thành phố. Những người bạn hàng rong nhỏ lẻ sẽ nhập hàng từ các đầu mối lớn này và tỏa đi buôn bán khắp thành phố.

Tôi ước tính Hà Nội có khoảng vài trăm ngàn người bán hàng rong, nhân con số đó với 64 tỉnh thành thì ước tính cả nước có khoảng gần 1 triệu lao động kiểu này. Mỗi gánh hàng rong bán khoảng 200 nghìn tiền hàng/1 ngày. Lấy con số 200 nghìn nhân khoảng 1 triệu lao động thì sẽ được gần 200 tỷ/1 ngày, và vài chục nghìn tỷ/1 năm. Cứ cho là Hà Nội chỉ có vài chục nghìn người đi thì doanh thu từ các gánh hàng rong đem lại cũng lên tới vài tỷ/1 ngày. Nhà nước liệu có tạo công ăn việc làm cho 200 nghìn lao động này? Cộng hết số công nhân quanh khu vực Hà Nội cũng không đạt nổi con số này. Bản thân họ cũng tự xoay xở kinh doanh bằng vốn tự có. Như vậy bán hàng rong sử dụng một lực lượng lao động rất lớn mà nhà nước không cần phải đầu tư gì. Họ là một thành phần kinh thế lớn trong hệ thống kinh tế quốc gia.

Nông thôn là hậu phương kinh tế của thành phố. Bây giờ xóa bỏ hàng rong thì một bộ phận nông thôn sẽ không có thu nhập. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế tiêu thụ chứ không chỉ sản xuất riêng. Những lĩnh vực cần đầu tư lớn như giao thông, công nghiệp… vốn quay vòng rất chậm và mất nhiều thời gian. Vốn đầu tư cho gánh hàng rong là quay vòng mỗi ngày với tốc độ nhanh và mạnh. Các bạn gánh hàng rong sẽ lại tiếp tục tiêu thụ và tiêu thụ này sẽ kích cầu, không chỉ ở thành phố mà ngay chính khu vực nông thôn nơi họ gửi tiền về cho gia đình. Gánh hàng rong nuôi cả một gia đình 4 -5 người, con cái họ được đến trường và bản thân họ cũng có tích lũy dành cho những lúc ốm đau, bệnh tật.

Thứ hai, gánh hàng rong thực chất là hệ thống phân phối hàng hóa đến tận nhà. Đây là một đặc điểm độc đáo mà không phải nền kinh tế nào cũng có được. Bên Mỹ họ gọi là Home Delivery System. Hệ thống này không dễ tổ chức và không có một NN nào có đủ khả năng để đứng ra tổ chức trên một quy mô rộng và hiệu quả. Làm sao mà có thể huy động hàng triệu người lao động làm việc này? Tôi lấy ví dụ về lợi ích hệ thống phân phối tận nhà này đem lại: Nếu không có những người bán hàng rong này thì bạn sẽ phải đi vào các siêu thị mua hàng. Chi phí cơ hội phải bỏ ra sẽ càng lớn. Mà trong nhịp độ cạnh tranh gấp gáp như hiện nay, cái giá của chi phí cơ hội sẽ ngày càng đắt đỏ. Nhờ các lao động hàng rong, người tiêu dùng được đưa hàng đến tận nhà, giá cả rẻ hơn ngoài siêu thị lại tiết kiệm được nhiều chi phí cơ hội về thời gian, xăng xe, đi lại… Rõ ràng, hệ thống giao hàng tại nhà qua các bạn bán hàng rong đem lại rất nhiều hiệu quả. Mặt khác, GPD của quốc gia cũng tăng lên đáng kể qua các bạn bán hàng rong.

Nhìn ở một góc độ khác, gánh hàng rong còn là vườn ươm cho các nhà kinh doanh tương lai. Có những cô bé, cậu bé được trải nghiệm thực tế kinh doanh khi chưa tròn 10 tuổi. Từ đây, họ học phương thức kinh doanh, học các mối quan hệ trong thị trường... Người giàu nhất Đông Dương trước năm 1945 là một doanh nhân chợ Lớn (TP HCM). Ông ta trở thành tỷ phú nhờ những tiếng rao đậu phộng rang trên khắp các con hẻm. Một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, ông vua dầu lửa JOHN DAVISON ROCKEFELLER bắt đầu bằng đẩy một gánh hàng rong rau cải. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak trước khi trở thành CEO giỏi nhất đã là một cậu bé đi bán kem, bánh kẹo, trái cây và hàng tạp hoá trên khắp các đường phố Seoul. Còn biết bao nhiêu doanh nhân, chính khách, nhà khoa học tài năng nữa đả trưởng thành từ môi trường đó. Nói như vậy để thấy rằng, tính giáo dục và văn hoá của hoạt động bán hàng rong là rất cao. Chúng ta phải nhận biết như thế để phát huy những cái tốt đẹp của nó chứ không thể hạ thấp rồi xoá bỏ hoàn toàn như vậy.

Sau cùng, giá cả hàng hóa bán tại những gánh hàng rong luôn thấp hơn hàng hóa trong chợ hoặc siêu thị. Việt Nam hiện đang đứng trước thực trạng giá sinh hoạt tăng cao với chỉ số CPI lên tới 12,6% Nếu bây giờ dẹp hết gánh hàng rong thì sẽ thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.

PV: Cũng có nhiều người e ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm của các gánh hàng rong, thưa ông?

BKT: Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nhưng đó là việc NN phải lo và phải giáo dục nhân dân làm sao đáp ứng được yêu cầu đó. Việc này không phải là lỗi ở các gánh hàng rong. Chúng ta nên phân biệt rõ hai vấn đề: Một việc NN cần phải làm là vấn đề an toàn thực phẩm. Một việc nhân dân làm rất tốt là phân phối bán hàng. NN phải suy nghĩ thế nào để tạo điều kiện cho người dân làm ăn và đem lại lợi ích cho số đông.

Còn về an toàn thực phẩm, NN phải tuyên truyền, giáo dục nhân dân biết phân biệt độc tố như thế nào? Người cung cấp thực phẩm phải có nghĩa vụ công khai thông tin ra sao? NN cũng phải có nghĩa vụ kiểm tra bằng những quy định, chế tài chặt chẽ.

Không đảm bảo vệ sịnh an toàn thực phẩm không phải lỗi của người bán rong

PV: Có ý kiến so sánh, cấm hàng rong cũng như cấm "cỏ dại", “nhổ”đến đâu “cỏ” sẽ lại mọc đến đấy. Bởi lẽ, gánh hàng rong là “bát cơm” sinh tồn duy nhất của những người này?

BKT: Người Việt Nam vốn rất thông minh và linh họat. Phẩm chất này đã được thể hiện bằng lối đánh “du kích” thoắt ẩn, thoắt hiện trong các cuộc chiến tranh. Tôi hình dung quá trình “dẹp” những người bán hàng rong cũng sẽ diễn ra như vậy. Bắt họ kiểu này thì họ tránh kiểu khác vì đó là cuộc sống, là sự sinh tồn của cả gia đình chứ không đơn giản. Không bán hàng rong thì họ không còn phương tiện nào để duy trì cuộc sống. Như vậy họ sẽ nghĩ hàng trăm “mưu cách” đối phó. Nếu NN làm không khéo thì sẽ tạo nên bức xúc cho hàng triệu lao động. Đó là một nguy cơ trực tiếp dẫn đến những bất ổn xã hội. NN phải tạo điều kiện cho nhân dân làm việc. Nay NN lại có những chính sách gây xáo trộn đời sống của nhân dân thì việc họ phản ứng là điều dễ hiểu.

PV: Lý do để cơ quan quản lý đưa ra quyết định này là sự lộn xộn của các gánh hàng rong sẽ gây mất mỹ quan đô thị. Ông có nghĩ đó là một lý do hợp lý?

BKT: Chúng ta không nên nghĩ vấn đề này là ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố. Gánh hàng rong còn là vấn đề văn hóa và lịch sử. Không có những người phụ nữ tảo tần thì sẽ không có các ông tiến sĩ thành danh. Khi xưa, những ông trạng nguyên được in bảng vàng cũng là do có vợ tảo tần “quanh năm buôn bán ở mom sông.” Không nên quên văn hóa Việt Nam là văn hóa lam lũ, nhọc nhằn của những người phụ nữ sống trên gánh hàng rong đó. Ngay trong thời điểm hiện tại, gánh hàng rong cũng là phương tiện duy nhất nuôi dưỡng bao nhân tài của tương lai. Tôi đã đọc báo và rất xúc động có những phụ nữ bán hàng rong nuôi 2-3 người con học đại học.

PV: Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi trả lời báo chí đã khẳng định: "Dứt khoát cấm hàng rong ở những đường phố chính và hàng rong chỉ được phép mua bán trong các ngõ phố không tên". Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?

BKT: Những giải pháp chung chung đó sẽ không hiệu quả. NN không thể xua đuổi những người bán hàng rong qua những nơi không có khách hàng. Mua bán là phải có người mua - người bán. Mà đã đi bán thì phải ở chỗ đông người, ở chốn vắng người thì làm sao mà bán hàng được? Như vậy là không hợp lý và không hợp kinh tế. NN nên tạo điều kiện như thế nào để họ thuận lợi làm ăn chứ không thể đơn giản là mệnh lệnh duy ý chí như vậy.

Trước khi ra một quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống hàng triệu người thì phải hỏi ý dân - những người liên quan trực tiếp đến chính sách đó. Ví dụ: Bây giờ anh chị có ý kiến gì? Muốn làm việc này tốt hơn thì anh chị có sáng kiến gì không? Đó cũng là biểu hiện tôn trọng người dân của nhà nước. Mình không thể ngồi trong phòng khép kín hoặc trên ô tô đóng cửa để quyết định dẹp cái này, cái kia? Mình phải suy nghĩ tình cảnh của người lao động

Ở một số quốc gia, việc ra quyết định kiểu đó sẽ rất khó làm vì dân sẽ phản ứng nhanh và rất mạnh. Hàng trăm nghìn người phản đối thì khó có chính phủ nào tồn tại được. Vấn đề chúng ta đang đề cập là hàng trăm nghìn lao động, đằng sau họ còn là gia đình nên con số có thể lên tới hàng triệu người. Khi mà làm trái với hàng triệu dân như thế thì quả là có tội. Sự tác động của một quyết định dù là nhỏ nhưng rất ghê gớm. Không có một ông Tổng thống hay đại biểu quốc hội nào dám tạo một quyết định tác động đến hàng triệu người dân như vậy.

PV: Ông có liên hệ nào với quy định cấm bán hàng rong của UBNDTP HN với quy định cấm lưu hành xe ba gác đang gặp nhiều bất cập khi triển khai?

BKT: Qui định cấm bán hàng rong phần nào gặp điểm chung với qui định cấm xe ba gác. Những người đưa ra quyết định cần có những điều tra, phân tích, đánh giá chín chắn rồi hãy ban hành. Cấm phương tiện sinh sống của người ta thì phải nghĩ ra phương thức khác cho họ mưu sinh. Tôi cứ chạnh lòng khi nghĩ về những người lao động này. Gánh hàng rong cũng như xe ba gác giống như bát cơm đặt trên miệng người ta. Làm sao nỡ lòng đá bát cơm của người ta đi như thế được. Như vậy tàn nhẫn quá!

PV: Những chính sách kiểu này phản ánh thực tế gì, thưa ông?

BKT: Những người làm chính sách kiểu này có phần nào xa dân. Họ không thấy được tình cảnh người dân. Nhiều cán bộ đã trưởng thành từ dân, nhân dân nuôi mình. Bây giờ ngồi ô tô quên số người đi bộ là không nên!

Tôi nghĩ, quốc gia nào muốn phát triển, thịnh vượng thì cũng phải đặt vấn đề dân lên trước. "Dân vi quý", làm sao tạo điều kiện cho người dân phát triển đi lên, đó là nhiệm vụ của lãnh đạo. Đó là điều quan trọng nhất.

PV: Ông có lời giải nào cho bài toán tiếp tục phát huy những tích cực của kinh tế hàng rong nhưng vẫn bảo tồn nét văn hóa mỹ quan đô thị?

BKT: Theo tôi, chúng ta phải nhận thức đây là một họat động kinh tế đem lại nhiều lợi ích cho người dân chứ không đơn thuần là vấn đề mỹ quan. Các nhà làm chính sách phải có những biện pháp phù hợp để giải quyết bài toán khó này chứ không thể dẹp hẳn miếng cơm manh áo của một thành phần kinh tế lớn như vậy. Mình không thể quên được lịch sử nếu không có những người bán hàng rong thì làm sao có được thông tin trong nội thành để cung cấp cho chiến khu. Chính những người bán hàng rong là chiến sĩ đem súng vào trong thành chiến đấu. Ngày nay, chính họ là những chiến sĩ kinh tế âm thầm mỗi ngày mỗi ngày thức khuya dạy sớm để nuôi hàng triệu người trong nội thành. Nếu họ biến mất hoàn toàn thì tình hình kinh tế - xã hội sẽ như thế nào? Vấn đề sẽ không đơn giản đâu!

PV: Hàng ngày, gia đình ông có mua đồ từ những gánh hàng rong?

BKT: Tôi đã học được rất nhiều bài học từ những gánh hàng rong. Nhà tôi ở Đặng Dung, gần chợ Châu Long. Hàng ngày tôi vẫn thường đi bộ ra đó mua hàng và hỏi chuyện những bà, những chị bán hàng rong. Qua cách sống dè sẻn, tính toán hợp lý khi chi tiêu của họ, tôi học cách giải quyết bài toán tiêu dùng trong thời giá cả đắt đỏ. Qua những câu chuyện về luống rau, ruộng hoa, cách chăm bón, thu hoạch... họ dạy tôi đức tình kiên trì, cần cù, chịu khó...

Các bạn bán hàng rong có một bản lĩnh rất cao. Họ không bao giờ chấp nhận ngồi nhà mà phải lao ra kinh doanh để nuôi sống bản thân Cái này rất khác biệt so với nước Mỹ, nơi hàng trăm nghìn nghìn người cuối tháng đi lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp. Người lao động VN không có trợ cấp nhưng khi thất nghiệp thì phải cố gắng kiếm việc dù có phải lội bộ vài chục km để kiếm sống. Đó là những chiến sĩ kinh tế thật sự đáng trân trọng!

NỘI DUNG KHÁC

Hồi ký Võ Chí Công về cải cách trong nông nghiệp

23-1-2008

Tôi nghĩ vì sao cũng người thanh niên trong hợp tác xã miền Bắc ở miền Nam đánh giặc chịu đựng gian khổ hy sinh lại hăng hái và hết sức tích cực, còn làm ăn trong hợp tác xã thì lại tiêu cực đến thế? Có lẽ đánh giặc cứu nước là động lực nên có tinh thần tích cực, còn trong lao động sản xuất phải chăng chưa tạo ra được động lực.

Công chức ra đi rồi sẽ trở về

22-1-2008

Tình trạng công chức nhà nước chuyển ra làm việc cho khu vực tư nhân là một qui luật của cuộc sống. Nhưng rồi sẽ đến lúc chất xám từ khu vực tư chảy ngược về khu vực công. GS.TS Phạm Hồng Thái, trưởng khoa nhà nước và pháp luật (Học viện Hành chính), nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

Lý thuyết về lợi thế so sánh

22-1-2008

Lý thuyết về những lợi thế so sánh đã được David Ricardo (1772-1823) nêu ra. Lý thuyết này xác định những cái lợi của thương mại bằng cách chứng minh rằng trao đổi, với những sự chuyên môn hóa mà nó tạo nên,đem lại lợi ích cho tất cả những người cùng trao đổi với nhau. Mỗi nền kinh tế địa phương ắt sẽ có lợi trong việc chuyên môn hóa trong một hay một số khu vực có một lợi thế so sánh cho dù đó là nguồn nhân công dồi dào hay rẻ tiền, hay là tài nguyên khoáng sản và các tiềm năng về năng lượng: than đá, dầu mỏ, …

"Máy chém" cho chính sách có hại

17-1-2008

Với sự kiện một số địa phương hoãn lệnh cấm xe ba gác, xe công nông, sau Nghị định 32 bị coi là xây dựng vội vàng, kế hoạch cấm bán hàng rong tại Hà Nội gây nhiều băn khoăn; thông tin Bộ Tư pháp chuẩn bị rà soát hệ thống pháp luật trong hai năm 2009, 2010 đem hy vọng cho người dân về việc loại bỏ những quy định pháp luật không có lợi, góp phần làm công tác xây dựng văn bản khoa học hơn. Tuy nhiên, tiêu chí thẩm định văn bản pháp luật là vấn đề đang gây tranh luận.

Tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh xuất phát từ đâu và bắt đầu như thế nào?

16-1-2008

Người lát viên gạch đầu tiên để xây lên ngôi nhà ĐỔI MỚI đó chính là Trường Chinh. Ông đã vượt lên những hạn chế của sức khỏe và tuổi già, dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Từ quản lý kiểm soát sang quản lý để phát triển

15-1-2008

Sau một năm nhận diện lại mình, năm 2008 này, Việt Nam sẽ phải gỡ những nút thắt nào cho hội nhập? Thay đổi từ tư duy quản lý nhằm xác lập trật tự sang quản lý để thúc đẩy phát triển như thế nào để gỡ các nút thắt cho tăng trưởng. "Ông WTO" Trương Đình Tuyển và TS Trần Đình Thiên tiếp tục trao đổi với độc giả VietNamNet.

Milton Friedman: Nhà kinh tế thời đại & Giáo chủ của môn kinh tế tiền tệ

15-1-2008

Kinh tế gia vĩ đại Milton Friedman đã từ trần vào tháng 11/2006. Có thể nói, không có một nhà kinh tế học nào khác kể từ thời của Keynes định hình lại cách nghĩ về kinh tế học như Milton Friedman. Bằng phạm vi của những chủ đề và tầm quan trọng trong những ý tưởng của ông, Friedman không những đã đặt nền tảng cho kinh tế học đương thời mà ông còn xây dựng nó trở nên vững chắc. Bài viết sau đây của Paul Krugman về chân dung Friedman đề cập rất nhiều đến quá trình vận động của các quan điểm kinh tế, nhìn nhận hành vi thị trường và cách mà FED đối phó với lạm phát.

“Cải cách thể chế phải đi từ lợi ích người dân”

10-1-2008

Hội thảo “Cải cách thể chế và vai trò của cơ quan lập pháp” tại Lâm Đồng từ ngày 9 – 10 có nhiều ý kiến của các học giả, đại biểu QH nhìn nhận thẳng thắn những bất cập trong cải cách thể chế tại VN.

Trường Chinh - Tổng Bí thư của đổi mới

9-1-2008

Ba lần làm Tổng Bí thư Đảng, từng đứng ra nhận kỷ luật trước Đảng vì chỉ đạo cải cách ruộng đất, Tổng Bí thư Trường Chinh trong ký ức của nhiều người vẫn được coi là nhà lãnh đạo "hết sức cứng" như nhận xét của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhưng chính ông lại là chủ biên của Đổi Mới, người đã "chú ý nghe từ nhiều phía, và đặc biệt là đã coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình".

Nông nghiệp "trụ" được trước WTO, song không vững

8-1-2008

Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng nhận xét năm qua, nông nghiệp đã phát triển, cạnh tranh tốt khi Việt Nam gia nhập WTO. Thủ tướng yêu cầu, Bộ NN-PTNT cần tiếp tục rà soát, tính toán để biến thời cơ thuận lợi thành lực lượng sản xuất, sản phẩm và lợi thế cạnh tranh.

Edmund S. Phelps - nhà kinh tế của các nhà kinh tế

8-1-2008

Không có người thất nghiệp, giá cả ổn định và tăng trưởng kinh tế cao là mục đích trọng tâm của chính sách kinh tế. Nhưng những người ra chính sách luôn phải đối mặt với sự xung đột: Làm sao để cân bằng giữa lạm phát và thất nghiệp? Làm sao để cân bằng giữa tiêu phí hiện nay và tích lũy sau này? Edmund S. Phelps đã đưa ra kiến thức về sự cân bằng trong 2 lĩnh vực trên. Ông đã nêu ra không chỉ công thức về tích lũy vốn mà còn cả về cách cân bằng giữa lạm phát thất nghiệp là vấn đề cơ bản để phân phối phúc lợi qua các thời kỳ. Phân tích của Phelps có tầm sâu sắc trong lý thuyết kinh tế cũng như chính sách kinh tế vĩ mô.

Một năm sau khi vào WTO: "Hội chứng" bất ngờ và ngạc nhiên!

4-1-2008

...Chúng ta đừng nghĩ chỉ vào WTO là chỉ có buôn bán mà còn cần nâng cao giáo dục, nghiên cứu. Chúng ta cần cố gắng gấp bội về giáo dục - đào tạo, cần cung cấp và tạo điều kiện cho nước ngoài vào mở trường đại học ở VN. Hội nhập rồi, đất nước cần những công dân có năng lực phát hiện, có sáng tạo chứ không phải những con người gọi dạ bảo vâng. …