ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Đi tìm một vài giá trị nền tảng cho chính sách

Ngày đăng: 23 | 02 | 2010

Cuộc sống của bất cứ người dân nào trong xã hội, cho dù ít hay nhiều, đều chịu ảnh hưởng bởi các chính sách công. Nói một cách đơn giản, chính sách công là sự lựa chọn của nhà nước để giải quyết một vấn đề nào đó trong xã hội thông qua việc ban hành các luật lệ, qui định, quyết định (chẳng hạn như ưu đãi về ngân sách)...

Là một nước đang hội nhập với nhiều thay đổi, Việt Nam đã và đang cố gắng xây dựng hàng loạt các chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, và đối ngoại, chẳng hạn như chính sách công nghiệp hóa, chính sách giáo dục, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, và chính sách thương mại. Sự thành công hay thất bại của những chính sách này tất nhiên là ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của đất nước.

Giới phân tích chính sách có thể liệt kê các giai đoạn trong qui trình làm chính sách một cách khá đơn giản.[1] Tuy nhiên, họ đều biết rằng sự hình thành của một chính sách trong thực tế là một quá trình vô cùng phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như cấu trúc của bộ máy nhà nước, quyền lợi cá nhân, ý thức hệ, và các ảnh hưởng của bối cảnh quốc tế. Nhìn nhận sự phức tạp này để thấy rằng, muốn có được những chính sách tốt, đáp ứng được nguyện vọng của rộng rãi người dân trong xã hội thì cần phải có một nền tảng xây dựng chính sách với những giá trị vượt ra ngoài những lợi ích và tư tưởng thuộc cá nhân hoặc phe nhóm.

Tôn trọng quyền được tham gia

Như một điểm khởi đầu, xã hội là một tập hợp của nhiều quyền lợi và tư tưởng khác nhau. Do đó, bất cứ quyết định chính sách nào không ít thì nhiều cũng tạo ra kẻ được người mất. Ví dụ, chính sách thúc đẩy tự do hóa thương mại ở Việt Nam mặc dù đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và các nhà xuất khẩu nhưng lại gây khó khăn cho các ngành nghề bị nhập khẩu lấn át. Một ví dụ khác, một chính sách môi trường không quá khắt khe sẽ có lợi hơn cho các công ty chế biến nhưng sẽ đưa đến nhiều hệ quả tiêu cực cho các thành phần khác trong xã hội.

Từ điểm khởi đầu trên thì có thể thấy rằng điều kiện tiên quyết cho một chính sách tốt là sự thực thi quyền được tham gia vào quá trình làm chính sách của tất cả các thành phần bị ảnh hưởng. Khi điều kiện này được hiện thực hóa thì sẽ đưa đến hai lợi ích chính sau đây.

Thứ nhất, tính minh bạch sẽ được nâng cao khi các thành phần khác nhau có thể bày tỏ quan điểm của mình, tạo nên một luồng thông tin đa chiều. Sự cọ sát giữa các quan điểm này sẽ phơi bày các ưu điểm và nhược điểm của một chính sách, tạo điều kiện cho những chấn chỉnh cần thiết. Thứ nhì, những bất công do chính sách gây ra sẽ được giảm bớt khi những thành phần bị thiệt có điều kiện để đấu tranh cho quyền lợi của họ. Ví dụ, khi được tham gia vào quá trình xây dựng chính sách thương mại thì tất nhiên là các thành phần bị thiệt do nhập khẩu gây ra sẽ có những đòi hỏi trợ giúp từ chính phủ, chẳng hạn như hỗ trợ tài chính tạm thời để giúp chuyển đổi ngành nghề.

Các nhà phân tích có thể chỉ ra nhiều điểm cần phải làm để thúc đẩy sự thực thi quyền được tham gia vào qui trình làm chính sách, chẳng hạn như thiết lập các diễn đàn đối thoại chính sách và tái cấu trúc hệ thống nhà nước để tránh trường hợp chính sách bị thống trị bởi một thành phần nào đó. Tất nhiên đây là  những điều cần thiết. Riêng trong trường hợp Việt Nam, có thể chỉ thêm một điểm khả thi và có tác dụng rất lớn đó là cần  phát triển của các trung tâm nghiên cứu độc lập để tập trung vào việc thường xuyên thăm dò dư luận về những chính sách đang được thực thi cũng những chính sách đang trong giai đoạn đề xuất và hoạch định.

Kết quả thu thập từ các cuộc thăm dò dư luận này sẽ là một nguồn thông tin sát với thực tế và phản ánh được những ảnh hưởng trực tiếp của chính sách cũng như nguyện vọng của người dân. Ban hành và điều chỉnh chính sách dựa trên nguồn thông tin này sẽ giảm bớt hiện tượng chính sách bị thao túng bởi các nhóm đặc quyền đặc lợi cũng như tránh được những chính sách quá xa rời thực tiễn.

Nhìn xa trông rộng

Trong bối cảnh phát triển của Việt Nam hiện nay, khi khá nhiều vấn đề vẫn còn trong tình trạng "tranh sáng tranh tối", thì tầm nhìn chính sách càng trở nên vô cùng quan trọng. Thiếu một tầm nhìn thì chính sách có thể trở thành một công cụ để trục lợi bởi các phe nhóm có thế lực. Do đó, một chính sách được cho là ích nước lợi dân thì không những nó phải có tác động tích cực rộng rãi đến nhiều người dân mà còn phải cân nhắc đến những ảnh hưởng lâu dài trong xã hội. Lơ là yếu tố này thì hậu quả sẽ là khôn lường.

Như một ví dụ, nếu như một chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà chỉ chú trọng đến việc gia tăng dòng vốn chảy vào để lập thành tích tăng trưởng kinh tế thì cơ cấu đầu tư của dòng vốn này sẽ thiên mạnh về những lĩnh vực "ăn xổi ở thì" như bất động sản và các hoạt động sản xuất kém thân thiện với môi trường. Và hệ quả tất yếu trong tương lai sẽ bất ổn kinh tế và ô nhiễm môi sinh.

Thêm một ví dụ khác, nếu như một chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu mà chỉ dựa vào nhân công giá rẻ thì thành phần được lợi chỉ là nhóm nhỏ (các doanh nghiệp xuất khẩu cùng một số đối tượng có quyền lợi liên quan) trong khi thành phần thua thiệt lại là lớp lớp các công nhân với sức tàn lực kiệt do đồng lương quá eo hẹp. Đây cũng là mầm mống tạo ra những bất công trong xã hội mà đến khi nhận ra thì khoảng cách giữa kẻ được người mất đã trở nên quá xa.

Do đó, bất kỳ một chính sách nào được cho là tốt cho sự phát triển của đất nước thì nó cần phải thể hiện được tính nhìn xa trông rộng của nhà nước. Nhất quán được như vậy thì mới có thể thận trọng không theo đuổi những mục tiêu chính sách thiên về số lượng thay vì chất lượng.

Đa chiều và dung hòa

Xây dựng và điều chỉnh chính sách một cách hợp lý là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự hiểu biết cặn kẽ về thực tế. Tuy nhiên, thực tế là cái không dễ nắm bắt, đôi lúc nhìn vậy mà không phải vậy, và biến đổi tùy theo hoàn cảnh xã hội. Thêm nữa, nếu người ta nhìn một hiện tượng qua một lăng kính đã định sẵn thì "thực tế" sẽ bị uốn nắn theo lăng kính đó. Và như thế thì cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề sẽ không đúng mục tiêu.

Do đó, muốn tiếp cận với thực tế thì cần phải có tầm nhìn đa chiều để hiểu rõ vấn đề một cách bao hàm toàn diện.  Ví dụ, muốn hiểu rõ tình trạng bất cập của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam thì phải nhìn từ các góc độ như lịch sử, kinh tế, và chính trị. Qua đó, góc nhìn kinh tế có thể lý giải rằng lương bổng của giảng viên chưa tạo được một động cơ tích cực để họ dốc toàn tâm toàn lực với nghề trong khi góc nhìn chính trị thì có thể cho rằng do các trường đại học vẫn còn chịu nhiều ràng buộc về giáo trình cũng như cung cách quản lý nên các sáng tạo bị kiềm hãm. Khi tổng hợp các góc nhìn này lại thì sự hiểu biết về thực tế của tình trạng bất cập sẽ được nâng cao, tạo điều kiện cho việc đưa ra những giải pháp thích hợp.

Trong khi tầm nhìn đa chiều rất quan trọng cho việc tiếp cận thực tế của vấn đề thì thái độ dung hòa lại là đặc biệt cần thiết cho quá trình tìm kiếm một phương thức giải quyết vấn đề một cách đúng đắn. Dung hòa là cần thiết bởi vì không có bất cứ một mô hình, tư tưởng, hay học thuyết nào là đúng tuyệt đối hoặc sai tuyệt đối cả. Khéo dung hòa và biết áp dụng cho từng hoàn cảnh thì mới có thể sử dụng công cụ kiến thức một cách hữu hiệu nhằm giải quyết vấn đề theo hướng phục vụ cho lợi ích thiết thực của con người.

Theo đây, xin giới thiệu một lời khuyên rất thiết thực từ hơn 2.500 năm trước của bậc đại giác ngộ đã vượt lên trên  tất cả những định kiến để nhìn đời bằng tuệ nhãn:

... [Chớ có tin vì nghe báo cáo; chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.

Nhưng... khi nào tự mình biết như sau: "Các pháp này là thiện; các pháp này là không đáng chê; các pháp này không bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc", thời... hãy tự đạt đến và an trú![2]

Tự đạt đến và an trú trong các pháp theo tinh thần bài viết này là chỉ tin tưởng, ủng hộ, và thực thi  những chính sách đem lại lợi ích rộng rãi cho người dân một cách thực tế có thể kiểm nghiệm được.  Đó cũng là mục tiêu chung và tối hậu của tất cả những giá trị góp phần tạo nên một nền tảng vững vàng cho chính sách.

[1] Có năm giai đoạn trong qui trình làm chính sách: (1) đưa ra vấn đề cần giải quyết, (2) đề xuất các giải pháp khác nhau nhằm giải quyết vấn đề, (3) chọn lựa một giải pháp/chính sách, (4) thực thi chính sách đã được chọn, và (5) đánh giá chính sách.

[2] Đây là trích đoạn lời thuyết của đức Phật trong Kinh Kalama, có thể xem ở đây: <http://www.thuvienhoasen.org/kinhkalama.htm>

 

Trần Lê Anh

NỘI DUNG KHÁC

Bốn xu hướng của thập kỷ mới

23-2-2010

Hãy tạm biệt và quên đi thập kỷ của những số 0 (2000, 2001... ), với cảm giác tài sản đã nhẹ bẫng sau cơn suy thoái kinh tế. Một thập kỷ mới đã bắt đầu. Một sự khởi đầu mới với bốn xu hướng nổi trội.

Thế giới sắp chứng kiến cuộc xung đột tài nguyên mới?

25-2-2010

Cuộc xung đột tài nguyên tiếp theo có thể chính là cuộc ganh đua khoáng sản và các nguyên tố đất hiếm cần thiết để phục vụ cho nền kinh tế xanh, khi Trung Quốc, nước cung cấp phần lớn các khoáng sản này, đang cân nhắc hạn chế xuất khẩu.

Khiếu kiện về đất đai - thực trạng, nguyên nhân và giải pháp

7-3-2010

Khiếu kiện về đất đai là một khái niệm dùng để chỉ việc khiếu nại, tố cáo(KN,TC) của các cá nhân hoặc tổ chức (trong trường hợp khiếu nại) nhằm hướng tới lợi ích của họ trong lĩnh vực đất đai. Thực trạng KN về đất đai ở nước ta hiện nay thường thể hiện ở các nội dung chủ yếu sau :

"Kinh tế học bền vững"- Một tư duy kinh tế mới định hướng cho phát triển bền vững trong thế kỷ 21

15-4-2010

Kinh tế học bền vững đang trong quá trình phát triển, nó được phát triển từ Kinh tế học và Khoa học của sự phát triển bền vững (đặc biệt Kinh tế sinh thái và Kinh tế môi trường thế hệ mới)

Hoàn thiện chế độ pháp lý về sở hữu bất động sản trong khung cảnh hội nhập

6-5-2010

Yêu cầu số một đối với dự án cải cách pháp luật dân sự, về phần liên quan đến quyền sở hữu, là phải minh định vị trí trung tâm của quyền sử dụng đất trong chế độ pháp lý về sở hữu tư nhân, đặc biệt là trong chế độ pháp lý về sở hữu tư nhân đối với bất động sản.

Thị trường các bon: giá 1 tấn CO2 sẽ tăng mạnh trong tương lai

9-5-2010

Một trong những cơ chế thực hiện việc cắt giảm khí nhà kính hiệu quả nhất là thị trường các bon. Thời gian qua, thị trường này hoạt động khá sôi động, đã có những đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung nhằm chống lại sự nóng lên của trái đất.

Lời nguyền tài nguyên hay hệ quả của nền quản trị kém?

25-5-2010

Điểm chung giữa các nhà lý thuyết về lời nguyền tài nguyên là một nền quản trị kém đóng vai trò là một nhân tố quan trọng để giải thích lời nguyền tài nguyên.

Lời nguyền tài nguyên liệu có tránh được?

27-5-2010

Lời nguyền tài nguyên là có thật, thế nhưng nó không phải là tất yếu của một nước có tài nguyên, mà phụ thuộc vào mỗi quốc gia làm gì để tránh bẫy tài nguyên này.

Việt Nam với lời nguyền tài nguyên

7-6-2010

Phụ thuộc khá nhiều vào lợi nhuận từ các nguồn tài nguyên, Việt Nam có nguy cơ mắc phải lời nguyền tài nguyên hay căn bệnh Hà Lan nếu không có các biện pháp quản lý vĩ mô tốt.

Hạn chế trong quy định hiện hành về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

7-6-2010

Trong thời gian qua, hàng loạt các vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được phát hiện với mức độ nghiêm trọng ở nhiều tỉnh, thành khác nhau trong cả nước, thể hiện tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp.

Triển khai thực hiện chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường

10-6-2010

Kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường là chủ trương lớn được Bộ TNMT tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai trong năm 2010 và trong những  năm tới trên 2 hướng chủ đạo:

Nghiên cứu tóm tắt về Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

10-6-2010

Bồi thường thiệt  hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường được pháp luật ghi nhận lần đầu tiên tại Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) năm 1993, theo đó "tổ chức, cá nhân gây tổn hại môi trường do hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của  pháp luật".