ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Kinh nghiệm quản lý nhà nước về biển của một số nước

Ngày đăng: 12 | 07 | 2010

Để có nguồn nhân lực cao trong quản lý tổng hợp biển, đảo, đội ngũ nhân lực phải được đào tạo một cách bài bản, có khả năng điều tra, nghiên cứu để tìm ra các quy luật tự nhiên, xã hội tại các vùng biển, hải đảo và áp dụng có hiệu quả các kiến thức nắm được vào việc quản lý khai thác bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Từ kinh nghiệm trên thế giới

Mỹ là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng quản lý tổng hợp biển và vùng ven biển. Luật Quản lý Vùng Ven biển (CZMA) được Mỹ thông qua năm 1972 nhằm tăng cường sự tham gia và phối hợp của các bên liên quan trong việc đưa ra các chương trình liên quan đến vùng ven biển và cân bằng giữa các nhóm cạnh tranh về lợi ích ở vùng ven biển.

CZMA cho phép các tiểu bang xây dựng kế hoạch quản lý vùng ven biển, trong số xác định quyền sử dụng tài nguyên đất và nước trong phạm vi vùng ven biển của bang, do vậy mỗi bang có thể điều chỉnh chương trình quản lý vùng ven biển phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của bang mình.

Để thực hiện CZMA, chính phủ liên bang cung cấp hỗ trợ tài chính cho các bang xây dựng và duy trì các chương trình quản lý vùng ven biển. Vụ Quản lý Tài nguyên Vùng Ven biển&Đại dương thuộc Tổng cục Khí quyển&Đại dương Quốc gia Mỹ chịu trách nhiệm đánh giá các chương trình quản lý vùng ven biển của các bang.

Chính phủ khuyến khích công chúng tham gia và góp ý vào quá trình đánh giá này nhằm đảm bảo các bang thực hiện các chương trình một cách hiệu quả nhất. Vụ Quản lý Tài nguyên Vùng Ven biển&Đại dương cũng đã xây dựng và thực hiện một số công cụ đánh giá hiệu quả thực hiện quản lý vùng ven biển như quy hoạch chiến lược, hệ thống đánh giá việc thực hiện CZMA, sáng tạo về hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển.

Là nước có nhiều kinh nghiệm, Mỹ có nhiều các khoá đào tạo về quản lý biển nhất so với các nước khác trên thế giới. Các khoá học như quản lý vùng ven biển, chính sách biển, quản lý tài nguyên biển có thể tìm thấy ở nhiều trường tại Mỹ như Đại học Washington, Đại học Rhode Island, Viện Công nghệ Florida…

Đức là một trong nước đầu tiên xây dựng và thông qua chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp vùng biển vào năm 2006 dựa trên khuyến nghị của EU 2002/413/EG. Chiến lược phân tích thực trạng kinh tế, xã hội, sinh thái, pháp luật về biển và vùng ven biển làm cơ sở cụ thể hoá các bước hỗ trợ quy trình quản lý tổng hợp cũng như việc thực hiện các nguyên tắc quản lý tổng hợp cơ bản.

Đa số các nguyên tắc cơ bản về quản lý tổng hợp đã được thực hiện thông qua các công cụ pháp lý hiện có, song chiến lược đã đẩy mạnh việc sửa đổi các công cụ pháp lý hướng tới hoàn thiện quy trình quản lý tổng hợp thông qua việc thành lập một văn phòng quản lý tổng hợp vùng ven biển.

Ngoài ra, Chính phủ vùng liên bang Đức cũng đã sửa đổi một số công cụ pháp lý trên theo luật chung của EU, lồng ghép đánh giá môi trường chiến lược, khung quản lý tài nguyên nước vào luật và quy chế quốc gia, chiến lược quốc gia.

Hai mô hình được đánh giá khá thành công là mô hình quản lý cửa sông Oder và mô hình quản lý Vịnh Lubeck. Đây là hai mô hình thể hiện tầm quan trọng của việc thu hút sự tham gia của các bên liên quan trong việc giải quyết các vấn đề vùng ven biển.

Mô hình Oder được đánh giá là thành công bởi chương trình nghị sự vùng ven biển với các hoạt động nhằm tăng cường điều phối và trao đổi thông tin trong nội bộ vùng. Trong khi mô hình quản lý tổng hợp vịnh Lubeck lồng ghép các nội dung quản lý tổng hợp vào các biện pháp bảo vệ vùng ven biển với ngân sách thực hiện quy định rõ ràng trong luật và được điều hành ở cấp cao hơn.

Hiện nay quản lý tổng hợp vùng ven biển là nội dung được đưa vào chương trình đào tạo tại nhiều trường đại học ở Đức. Ngoài các khoá đào tạo đại học và sau đại học về quản lý nhà nước và vùng ven biển, các module quản lý tổng hợp vùng ven biển được lồng ghép vào các chương trình đào tạo các khoá học về quản lý môi trường, bảo tồn và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Tại Hà Lan, các nguyên tắc về quản lý tổng hợp biển và vùng ven biển được thực hiện trong hai chính sách đó là chiến lược không gian quốc gia (năm 2005) và chính sách thứ ba về các vùng ven biển (năm 2000).

Theo đó, quản lý tổng hợp vùng ven biển tại Hà Lan dựa trên phương pháp tiếp cận ưu tiên. Vấn đề về an toàn lũ lụt và quản lý xói lở giữ vai trò quyết định và được chính phủ Hà Lan ưu tiên hàng đầu trong khi đó các vấn đề khác như phát triển kinh tế, bảo tồn thiên nhiên, quy hoạch không gian đóng vai trò thứ yếu.

Do vậy phương pháp tiếp cận của quản lý tổng hợp vùng ven biển tại Hà Lan là phương pháp tiếp cận theo các điểm xung yếu tại vùng ven biển. Có tất cả 16 điểm xung yếu được xác định tại Hà Lan.

Đối với mỗi điểm xung yếu đó, chính quyền các tỉnh xây dựng quy hoạch tổng hợp không chỉ nhằm tăng cường bảo vệ bờ biển khỏi lũ mà còn nhằm cải thiện chất lượng môi trường vùng ven biển. Do ưu tiên về an toàn bờ biển, các biện pháp quản lý vùng ven biển khác cũng phải dựa trên cơ sở lồng ghép với các biện pháp an toàn bờ biển.

Tuy không có một chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp vùng ven biển nhưng Hà Lan cho rằng khung thể chế chính sách hiện tại của Hà Lan đã thể hiện được các nguyên tắc quản lý tổng hợp vùng ven bờ theo khuyến nghị của EU. Sự tham gia và tham vấn của các bên liên quan ở mọi cấp bao gồm cả cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ là thành công rất lớn trong quản lý vùng ven biển của Hà Lan.

Về đào tạo nguồn nhân lực, các viện và trường đại học của Hà Lan cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các khoá đào tạo về quản lý tổng hợp vùng ven biển, quản lý và kỹ thuật biển và bờ biển, xây dựng chính sách và quản lý vùng ven biển và cửa sông, có thể kể đến Viện Van Hall, TU Delft. Quản lý tổng hợp vùng ven biển cũng được đưa vào là một module đào tạo trong các khoá về kỹ thuật thủy lực học.

Bài học cho Việt Nam

Trong thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu và quản lý biển đảo đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu và quản lý biển đảo của nước ta còn bộc lộ nhiều bất cập.

Đào tạo nhân lực phục vụ cho biển, đảo hiện nay tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản, khí tượng thủy văn biển, kỹ thuật tàu thủy, kỹ thuật xây dựng trên biển và giao thông vận tải trên biển.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ tham gia đào tạo nguồn nhân lực biển hiện còn thiếu về số lượng và trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Do vậy, nguồn nhân lực phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của chiến lược vươn ra biển mà Đảng và Nhà nước ta đề ra.

Nhiều ngành đào tạo liên quan tới môi trường biển, sinh thái biển, địa chất, địa vật lý và khoáng sản biển, quản lý biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển, luật biển và đặc biệt là ngành hải dương học chưa có các chương trình riêng.

Năm 2010, "Nghiên cứu hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo từ nay đến 2015, tầm nhìn 2020" là một trong hai đề tài nghiên cứu được Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam tiến hành.

Đề tài này thuộc chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo giai đoạn 2010-2015. Cũng trong năm nay, Tổng cục sẽ xây dựng dự án chi tiết về đào tạo bồi dưỡng cán bộ thuộc đề án tăng cường năng lực cho hệ thông quản lý biển và hải đảo đến 2015, tầm nhìn 2020 - Đề án đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để có nguồn nhân lực cao trong quản lý tổng hợp biển, đảo, đội ngũ này phải được đào tạo một cách bài bản, có khả năng điều tra, nghiên cứu để tìm ra các quy luật tự nhiên, xã hội tại các vùng biển, hải đảo và áp dụng có hiệu quả các kiến thức nắm được vào việc quản lý khai thác bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, tổ chức phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai trên biển, hoạch định các chính sách, phân vùng quy hoạch phát triển bền vững các vùng biển, đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên biển.

Năm 2009, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam đã tổ chức đoàn kiểm tra khảo sát nắm tình hình tổ chức, biên chế và việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước tổng hợp về biển, đảo tại bảy tỉnh, thành phố ven biển.

Tổng cục cũng đã có Công văn đề nghị UBND, sở tài nguyên&môi trường 28 tỉnh, thành phố ven biển xem xét, đề xuất phương án kiện toàn tổ chức ở địa phương theo hướng thành lập các chi cục quản lý biển và hải đảo.

Đến nay, đã có 21 tỉnh, thành phố thành lập phòng quản lý biển, đảo, trong đó có một số nơi thành lập phòng ghép với chức năng quản lý lĩnh vực khác. Nhiều tỉnh, thành phố đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên&Môi trường sớm làm việc với Bộ Nội vụ ra văn bản hướng dẫn thành lập chi cục quản lý biển, hải đảo.

Theo Th.S Đặng Xuân Phương- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam, từ nay đến năm 2020, việc hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về biển của Việt Nam sẽ qua hai giai đoạn cơ bản sau:

Giai đoạn 2010-2015 là giai đoạn hình thành và bước đầu thực thi cơ chế quản lý tổng hợp về biển trên cơ sở phát huy vai trò của ngành tài nguyên và môi trường với tư cách cơ quan hành chính nhà nước được chính phủ giao chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển.

Giai đoạn này có đặc trưng là quá trình củng cố bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp về biển thuộc ngành tài nguyên và môi trường, đồng thời, làm rõ vị trí, vai trò và phân công, phân cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống quản lý nhà nước về biển.

Hình thành khung pháp luật và cơ bản xây dựng xong các công cụ quản lý tổng hợp về biển. Thí điểm mô hình quản lý tổng hợp vùng ven biển tại một số tỉnh ven biển ở ba vùng Bắc- Trung- Nam; Giai đoạn 2015-2010 là giai đoạn nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi cơ chế quản lý nhà nước tổng hợp về biển trên phạm vi toàn quốc.

Hệ thống pháp luật và các công cụ quy hoạch, kế hoạch quản lý của các ngành cơ bản đã được sửa đổi phù hợp với khung pháp luật quản lý tổng hợp về biển, nhân rộng mô hình quản lý tổng hợp về biển, bảo đảm tính minh bạch, đánh giá được hiệu quả chiến lược phát triển bền vững về biển.


(Theo Vfej.vn)

NỘI DUNG KHÁC

Nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường của chủ thể khai thác khoáng sản

27-7-2010

Hiện nay, hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam diễn ra với quy mô và tốc độ ngày càng lớn, nhanh, đồng nghĩa với trữ lượng khoáng sản của nước ta ngày càng cạn kiệt và mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra càng thêm trầm trọng.

Một số mô hình quản lý chiến lược nguồn nhân lực

10-8-2010

Xây dựng mô hình quản lý chiến lược nguồn nhân lực đòi hòi doanh nghiệp phải xây dựng các mục tiêu, chiến lược và chính sách nhân lực phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình.

Tổng quan về xu hướng, hiện trạng Chính sách/Chiến lược biển một số nước trên thế giới và vấn đề đặt ra trong công tác sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển tại nước ta.

20-8-2010

Khi loài người bước vào thế kỉ 21, thực tế cho thấy rằng các chính sách, chiến lược về quản lý tổng hợp biển, ngày càng trở nên cần thiết để bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, đảm bảo phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển.

Từ vụ Vedan: nhìn nhận những khuyết tật của hệ thống pháp lý

24-8-2010

Thời hiệu khởi kiện trong vụ Vedan đã gần hết. Dùng dằng mãi cho đến nay, người nông dân mòn mỏi chờ thiện chí của doanh nghiệp để tìm một lối ra đơn giản, ít tốn kém và thỏa đáng cho cuộc đôi co thông qua thương lượng.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam

15-9-2010

Hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa X) đã công bố và đang tổ chức lấy ý kiến góp ý

Vướng mắc về pháp luật liên quan đến giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai

14-10-2010

Thực trạng giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai đã và đang là vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế đất nước, ổn định xã hội. Các nội dung khiếu kiện về đất đai hiện nay chiếm đa số trong tổng số khiếu kiện chung.

Xây dựng lực lượng think tanks để phát triển

19-10-2010

Think tanks không phải là sở hữu riêng của các chính khách. Think tanks là hiện tượng phổ biến của "xã hội công dân". Trong những xã hội có một nền văn hóa dân chủ phát triển cao, các nhóm lợi ích hùng mạnh sẽ không thể triệt hạ các nhóm yếu hơn bằng những trò đê hạ.

Think tanks và sự hưng vong của quốc gia

24-10-2010

Một dân tộc không có lực lượng tư duy chiến lược chuyên nghiệp, hoặc có nhưng què quặt, thì dẫu có độc lập đi nữa, cũng sẽ rơi vào trạng thái nô lệ mới: nô lệ về trí tuệ, dẫu có mở cửa đi nữa, thì cũng rơi vào trạng thái cô lập mới: cô lập về trí tuệ.

Biết dựa vào giới nghiên cứu để chế ngự nhóm lợi ích

24-10-2010

Phải cho lùi vào dĩ vãng cái thời mà nhà lãnh đạo "gần dân", "sâu sát với dân" chỉ đơn giản bằng cách thỉnh thoảng đến nhà những người nghèo tặng quà, thăm dân vùng lũ..., mà là dựa trên nghiên cứu của những think tanks lấy quyền lợi nhân dân làm mục tiêu, chế ngự các "nhóm lợi ích".

Cơ chế quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen

8-11-2010

Đề xuất cơ chế quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS) từ nguồn gen phù hợp với điều kiện Việt Nam là mục tiêu chính của Đề tài KHCN cấp Bộ Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất cơ chế quản lý hoạt động tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen ở Việt Nam được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện trong các năm 2009-2010.

Đề xuất ý tưởng xây dựng Luật Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cho Việt Nam

20-3-2011

Tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức cho phát triển và đang trở nên khan hiếm, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu

Thành lập Khu bảo tồn rùa Hồ Gươm: Tại sao không?

27-3-2011

Thời gian gần đây, rùa Hồ gươm được báo chí trong nước, quốc tế và người dân đặc biệt quan tâm. Các cơ quan chức năng của chính quyền Hà Nội cũng đã vào cuộc quyết liệt và nỗ lực tìm kiếm các giải pháp chữa trị, bảo vệ rùa.