ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Từ vụ Vedan: nhìn nhận những khuyết tật của hệ thống pháp lý

Ngày đăng: 24 | 08 | 2010

Thời hiệu khởi kiện trong vụ Vedan đã gần hết. Dùng dằng mãi cho đến nay, người nông dân mòn mỏi chờ thiện chí của doanh nghiệp để tìm một lối ra đơn giản, ít tốn kém và thỏa đáng cho cuộc đôi co thông qua thương lượng.

Nhưng bây giờ hầu như họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài theo đuổi mục tiêu được bồi thường thiệt hại bằng con đường pháp đình.

Thực ra diễn biến này không nằm ngoài dự kiến và do đó, không làm ai bất ngờ. Điều gây trăn trở là để thực hiện hành trình đòi công lý được dự báo là rất cam go này, đặc biệt đòi hỏi khả năng theo đuổi dài hơi, trong khi người nông dân - nguyên đơn lại không có điều kiện chuẩn bị hành trang pháp lý cần thiết cho mình, như sự mong muốn của tất cả những ai yêu chuộng công lý, lẽ phải.

Chắc chắn không nên để người nông dân có bất kỳ ảo tưởng nào về khả năng tiến hành một vụ kiện mang tính tập thể, vì lợi ích chung của những người bị thiệt hại. Luật hiện hành không ghi nhận loại kiện này, mà chỉ thừa nhận quyền kiện cáo theo luật chung về trách nhiệm dân sự: ai mất gì, thì phải nhân danh chính mình mà đòi lại. Giả sử tất cả nguyên đơn trong vụ Vedan đều ủy quyền cho một tổ chức nào đó, Hội Nông dân chẳng hạn, đứng đơn kiện thay mình, thì cũng không thể có một vụ kiện duy nhất: có bao nhiêu nguyên đơn, thì vẫn phải có chừng đó vụ kiện và người được ủy quyền phải đại diện cho từng nguyên đơn một, trong từng vụ. Chi phí xã hội cao do có nhiều vụ kiện cùng tính chất được lặp đi lặp lại một cách máy móc là không tránh khỏi.

Cũng theo luật chung, mỗi nguyên đơn phải chứng minh thiệt hại của riêng mình để được bồi thường trực tiếp, độc lập với yêu cầu bồi thường của nguyên đơn khác. Nhà chức trách công đã cam kết ủng hộ người bị thiệt hại trong việc thiết lập căn cứ pháp lý khách quan cho yêu cầu bồi thường của họ. Nhưng hứa, thậm chí thật lòng muốn giữ đúng lời hứa, là một chuyện, thực hiện lại là chuyện khác. Trong khi đó, việc điều tra, giám định để xác định mối liên hệ nguyên nhân - hệ quả giữa hành vi xả chất thải và thiệt hại được ghi nhận là công tác kỹ thuật không hề đơn giản và rất tốn kém.

Vụ Vedan làm bộc lộ những khuyết tật của hệ thống pháp lý đang vận hành, những khuyết tật khiến cho hệ thống dường như trở nên bất lực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân bị người khác xâm hại. Về lâu dài, cần suy nghĩ một cách nghiêm túc và có trách nhiệm nhằm tìm kiếm giải pháp cải cách sâu rộng, để xã hội không phải bó tay trước những chuyện bất hợp lý và bất công rành rành như thế diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. Cần có những công cụ pháp lý mà người bị thiệt hại có thể sử dụng để đòi lại cho mình những gì đã mất một cách có hiệu quả và nhất là với chi phí chấp nhận được.

Cụ thể, luật có thể thừa nhận cho những người có lợi ích bị xâm hại có tính chất giống nhau, như các nông dân trong vụ Vedan, quyền thành lập một tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân để bảo vệ các lợi ích chung đặc thù của các thành viên. Tổ chức này tồn tại chỉ với sứ mạng đó và giải tán sau khi các thành viên đạt được mục tiêu chung. Luật có thể cho phép tổ chức ấy thu hội phí, thậm chí thu nhận sự ủng hộ vật chất ngoài xã hội để tạo nguồn quỹ phục vụ cho các hoạt động của nó.

Mặt khác, cần giải quyết vấn đề nghĩa vụ chứng minh theo hướng đặt nặng trách nhiệm của người gây thiệt hại hơn là trách nhiệm của người bị thiệt hại trong trường hợp tương quan giữa các bên về thế mạnh thu nhập có sự chênh lệch rõ ràng theo hướng bất lợi cho người bị thiệt hại, như trong vụ Vedan.

Ví dụ, luật có thể quy định rằng một khi trong khu vực một doanh nghiệp đang hoạt động có hiện tượng xuống cấp của môi trường sống và hiện tượng này xảy ra cùng một lúc với sự xuất hiện của chất này, chất nọ do nhà máy của doanh nghiệp thải ra, thì mối liên hệ nhân quả giữa hai sự kiện đương nhiên được xác lập. Khi đó, chính doanh nghiệp phải chứng minh cho được rằng các chất thải ấy không phải là tác nhân hủy hoại môi truờng; nếu chứng minh không xong, thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm pháp lý theo sự suy đoán của luật pháp và phải bồi thường thiệt hại cho những người dân sinh sống trong vùng, theo các bản kê khai được thẩm định.

TS Nguyễn Ngọc Điện
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

NỘI DUNG KHÁC

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam

15-9-2010

Hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa X) đã công bố và đang tổ chức lấy ý kiến góp ý

Vướng mắc về pháp luật liên quan đến giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai

14-10-2010

Thực trạng giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai đã và đang là vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế đất nước, ổn định xã hội. Các nội dung khiếu kiện về đất đai hiện nay chiếm đa số trong tổng số khiếu kiện chung.

Xây dựng lực lượng think tanks để phát triển

19-10-2010

Think tanks không phải là sở hữu riêng của các chính khách. Think tanks là hiện tượng phổ biến của "xã hội công dân". Trong những xã hội có một nền văn hóa dân chủ phát triển cao, các nhóm lợi ích hùng mạnh sẽ không thể triệt hạ các nhóm yếu hơn bằng những trò đê hạ.

Think tanks và sự hưng vong của quốc gia

24-10-2010

Một dân tộc không có lực lượng tư duy chiến lược chuyên nghiệp, hoặc có nhưng què quặt, thì dẫu có độc lập đi nữa, cũng sẽ rơi vào trạng thái nô lệ mới: nô lệ về trí tuệ, dẫu có mở cửa đi nữa, thì cũng rơi vào trạng thái cô lập mới: cô lập về trí tuệ.

Biết dựa vào giới nghiên cứu để chế ngự nhóm lợi ích

24-10-2010

Phải cho lùi vào dĩ vãng cái thời mà nhà lãnh đạo "gần dân", "sâu sát với dân" chỉ đơn giản bằng cách thỉnh thoảng đến nhà những người nghèo tặng quà, thăm dân vùng lũ..., mà là dựa trên nghiên cứu của những think tanks lấy quyền lợi nhân dân làm mục tiêu, chế ngự các "nhóm lợi ích".

Cơ chế quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen

8-11-2010

Đề xuất cơ chế quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS) từ nguồn gen phù hợp với điều kiện Việt Nam là mục tiêu chính của Đề tài KHCN cấp Bộ Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất cơ chế quản lý hoạt động tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen ở Việt Nam được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện trong các năm 2009-2010.

Đề xuất ý tưởng xây dựng Luật Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cho Việt Nam

20-3-2011

Tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức cho phát triển và đang trở nên khan hiếm, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu

Thành lập Khu bảo tồn rùa Hồ Gươm: Tại sao không?

27-3-2011

Thời gian gần đây, rùa Hồ gươm được báo chí trong nước, quốc tế và người dân đặc biệt quan tâm. Các cơ quan chức năng của chính quyền Hà Nội cũng đã vào cuộc quyết liệt và nỗ lực tìm kiếm các giải pháp chữa trị, bảo vệ rùa.

Phương thức phân loại và tính giá nước, hướng tới quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước mặt hạ lưu Đập thuỷ điện Hoà Bình

28-3-2011

Dựa trên quan điểm kinh tế, để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhất thiết phải có những hình thức phân loại và tính giá phù hợp. Đối với tài nguyên nước cũng vậy, chúng ta muốn quản lý hiệu quả và sử dụng hợp lý, cần phải có sự phân loại và tính toán giá trị của mỗi loại, đó là cơ sở cho việc tính phí và thuế sử dụng nước.

Giới thiệu về an ninh sinh thái

2-4-2011

Khái niệm phát triển bền vững hiện đang được chấp nhận rộng rãi trong các cộng đồng cho rằng: phát triển bền vững có nghĩa là “đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không hy sinh các nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Tuy nhiên, câu hỏi nảy sinh từ đây là liệu khái niệm này với ý nghĩa đề cập tới các vấn đề về sự công bằng, phân phối và sử dụng các tài nguyên giữa các thế hệ liệu có thể chỉ đề cập tới các loại hàng hóa hay không? và như thế liệu đã đủ để định nghĩa cho một mô hình phát triển hay chưa?

Một số vấn đề về thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái

13-4-2011

Xuyên suốt trong tiến trình lịch sử nhân loại, mặc dù con người đã luôn phải đối mặt và ứng phó với nhiều tác động tiêu cực của các hiện tượng khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên hiện nay, biến đổi khí hậu đang làm cho các hiện tượng khí hậu và thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp

Ảnh hưởng của REDD lên thị trường các-bon

5-7-2011

Báo cáo REDD và nỗ lực hạn chế tốc độ nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C của Greenpeace mới đây đã kết luận rằng việc đưa các giải pháp bảo vệ rừng vào thị trường cacbon thế giới có thể khiến giá cacbon giảm tới 75%, làm trung hòa các nỗ lực giải quyết hiện tượng nóng lên toàn cầu.