ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Cơ chế quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen

Ngày đăng: 08 | 11 | 2010

Đề xuất cơ chế quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS) từ nguồn gen phù hợp với điều kiện Việt Nam là mục tiêu chính của Đề tài KHCN cấp Bộ Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất cơ chế quản lý hoạt động tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen ở Việt Nam được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện trong các năm 2009-2010.

Chuyên đề cơ chế ABS đã được sự hỗ trợ của TS. Nguyễn Ngọc Sinh và các thành viên của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, kế thừa những kết quả nghiên cứu về ABS trong quá trình tư vấn xây dựng dự thảo Luật Đa dạng sinh học từ năm 2005-2007.

Luật Đa dạng sinh học được ban hành đã quy định các vấn đề có tính nguyên tắc về ABS. Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học” hướng dẫn cụ thể hơn về các vấn đề ABS. Một số nội dung liên quan đến ABS cũng được Nghị định của Chính phủ số 69/2010/NĐ-CP ngày 21/6/2010 “về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen” đề cập tới.

Đặc biệt gần đây, tại phiên họp lần thứ 14 năm 2010 của Tổ công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (AWGNCE) đã thông qua Hiệp định khung về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích có được từ việc sử dụng nguồn gen và đa dạng sinh học giữa các nước ASEAN.

Đồng thời, liên quan đến thực thi Công ước về Đa dạng sinh học, sau gần 20 năm nỗ lực, các quốc gia thành viên Công ước đã nhất trí với dự thảo Hiệp định quốc tế về tiếp cận nguồn gen của Trái đất. Sự kiện quan trọng này diễn ra ngày 1/4/2010 tại thành phố Cali Colombia trong phiên họp của Hội nghị Liên hợp quốc. Hiệp định có thể chính thức được thông qua tại phiên họp các nước thành viên Công ước về Đa dạng sinh học lần thứ 10 (COP10), sẽ diễn ra tại Nagoya, Nhật Bản vào tháng 10/2010.

Các sự kiện trên cho thấy tính cấp thiết phải xây dựng các đề xuất về cơ chế, chính sách quản lý hoạt động về ABS phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhưng cũng phải thích ứng với các quy định của quốc tế.

Cơ chế về ABS được đề xuất với mục tiêu nhằm (i) Tạo khung pháp lý cần thiết để tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn gen phù hợp với pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế; (ii) Bảo đảm từng bước chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen cho các bên tham gia; và (iii) Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định liên quan.

Cơ chế ABS được đề xuất theo các nguyên tắc: (i) Tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với luật pháp quốc tế và thông lệ chung; (ii) Bảo đảm tính thống nhất quản lý; (iii) Tôn trọng lợi ích các bên tham gia; (iv) Bảo đảm tính khả thi; và (v) Linh hoạt với các điều kiện đa dạng trong phạm vi cho phép.

Cơ chế về ABS được đề xuất với 8 nội dung chính sau:

1. Quyền sở hữu và quản lý nguồn gen

Nguồn gen là tài sản quốc gia. Nhà nước là người thay mặt toàn dân sở hữu và quản lý nguồn gen. Nhà nước có toàn quyền tổ chức hoạt động ABS thu được từ nguồn gen, phục vụ quyền lợi quốc gia. Đề tài đề xuất một số quyền sở hữu và quản lý nguồn gen liên quan đến lĩnh vực tiếp cận nguồn gen: (i) Khuyến khích và hạn chế tiếp cận nguồn gen; (ii) Cấp phép hoặc huỷ bỏ giấp phép tiếp cận nguồn gen; (iii) Hướng dẫn ABS; và (iv) Giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan.

2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen

Nguồn gen thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thay mặt toàn dân giao quyền quản lý nguồn gen cho tổ chức, cá nhân cụ thể theo các quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen có thể là chính quyền cơ sở, ban quản lý các khu bảo tồn, vườn quốc gia, hộ gia đình hoặc cá nhân có quyền và nghĩa vụ sử dụng, trao đổi, chuyển giao, cung cấp, giám sát, kiểm tra nguồn gen do mình quản lý cho các đối tượng được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy.

3. Trình tự, thủ tục tiếp cận nguồn gen

Trình tự, thủ tục tiếp cận nguồn gen và việc cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen có thể chia thành 7 bước chính: (i) Nộp đơn đăng ký; (ii) Xem xét chấp nhận đơn đăng ký; (iii) Thỏa thuận với tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen; (iv) Nộp hồ sơ xin cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen; (v) Duyệt cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen; (vi) Tổ chức thực hiện theo giấy phép được cấp; và (vii) Giám sát, kiểm tra việc tiếp cận nguồn gen theo giấy phép.

4. Thỏa thuận về ABS

Thỏa thuận về tiếp cận nguồn gen là một trong những văn bản quan trọng nhất để cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen. Đồng thời, thỏa thuận là tài liệu có tính pháp lý, tính lịch sử để các bên thực hiện việc tiếp cận nguồn gen, đặc biệt là việc chia sẻ lợi ích thu được từ nguồn gen được tiếp cận. Các lợi ích này bao gồm lợi ích tiền tệ, lợi ích phi tiền tệ, lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.

Việc thỏa thuận có thể dẫn tới các văn bản thỏa thuận không hoàn toàn giống nhau, mà có thể bao gồm các loại thỏa thuận song phương (giữa hai bên) hoặc đa phương (từ ba bên trở lên).

5. Giấy phép tiếp cận nguồn gen

Giấy phép tiếp cận nguồn gen là văn bản quan trọng nhất của Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp cận nguồn gen thực hiện các hoạt động liên quan. Giấy phép là cơ sở pháp lý quy định các nội dung liên quan mà tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép phải tuân thủ.

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp cận nguồn gen cần mô tả chi tiết các hoạt động tiếp cận, nêu rõ các công việc cần làm, số lượng mẫu vật cần điều tra, thu thập, nội dung các việc thử nghiệm, các hoạt động liên quan đến công nghệ và thương mại, dự kiến các sản phẩm thương mại nếu có.

6. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp phép tiếp cận nguồn gen

Tổ chức, cá nhân được cấp phép tiếp cận nguồn gen có các quyền lợi thực hiện việc tiếp cận nguồn gen với tất cả các loại hình hoạt động đã được phép; sử dụng kết quả và hưởng lợi từ việc tiếp cận nguồn gen. Tổ chức, cá nhân được cấp phép tiếp cận nguồn gen phải có cá nghĩa vụ giữ gìn bí mật thông tin; sử dụng và chuyển giao thông tin; chia sẻ lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen theo đúng thỏa thuận cho các bên liên quan.

7. Chia sẻ lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen

Lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen được chia sẻ cho các bên có liên quan thông qua các hình thức: (i) Chia sẻ kết quả nghiên cứu; (ii) Hợp tác nghiên cứu và phát triển; (iii) Chuyển giao công nghệ; (iv) Đào tạo, nâng cao năng lực; (v) Đóng góp phát triển kinh tế; (vi) Các hình thức chia sẻ trực tiếp bằng tiền hoặc hiện vật; và (vii) Quyền sở hữu trí tuệ.

Tổng lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen chia sẻ cho các bên có liên quan được xác định thông qua quá trình cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen và văn bản thỏa thuận giữa các bên, nhưng không thấp hơn 30% tổng lợi ích thu được quy đổi thành tiền.

8. Đăng ký bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen

Thủ tục, cơ chế đăng ký bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen cần phải phù hợp với thủ tục, cơ chế đăng ký bản quyền đối với giống cây trồng quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.

Tóm lại, để việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích được thực hiện thuận lợi, cần tiến hành một số hoạt động sau đây: (i) Nghiên cứu ban hành các mẫu giấy phép và các văn bản thỏa thuận về ABS; (ii) Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường về việc hướng dẫn tiến hành thỏa thuận về ABS và ký kết văn bản thỏa thuận; (iii) Hỗ trợ nghiên cứu thường xuyên việc chia sẻ lợi ích thu được từ nguồn gen, thủ tục xin phép tiếp cận nguồn gen và đăng ký bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen. Đây là các vấn đề còn nhiều bất cập, cần nghiên cứu, học hỏi, rút kinh nghiệm để hoàn thiện; (iv) Nghiên cứu thành lập một văn phòng đầu mối về ABS tại cấp Bộ và cấp tỉnh để triển khai hiệu quả các hoạt động về ABS; (v) Nghiên cứu ban hành Nghị định của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích thu được từ nguồn gen./.


Ths. Huỳnh Thị Mai

Ban Quản lý Tài nguyên và Đa dạng sinh học

 

NỘI DUNG KHÁC

Đề xuất ý tưởng xây dựng Luật Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cho Việt Nam

20-3-2011

Tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức cho phát triển và đang trở nên khan hiếm, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu

Thành lập Khu bảo tồn rùa Hồ Gươm: Tại sao không?

27-3-2011

Thời gian gần đây, rùa Hồ gươm được báo chí trong nước, quốc tế và người dân đặc biệt quan tâm. Các cơ quan chức năng của chính quyền Hà Nội cũng đã vào cuộc quyết liệt và nỗ lực tìm kiếm các giải pháp chữa trị, bảo vệ rùa.

Phương thức phân loại và tính giá nước, hướng tới quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước mặt hạ lưu Đập thuỷ điện Hoà Bình

28-3-2011

Dựa trên quan điểm kinh tế, để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhất thiết phải có những hình thức phân loại và tính giá phù hợp. Đối với tài nguyên nước cũng vậy, chúng ta muốn quản lý hiệu quả và sử dụng hợp lý, cần phải có sự phân loại và tính toán giá trị của mỗi loại, đó là cơ sở cho việc tính phí và thuế sử dụng nước.

Giới thiệu về an ninh sinh thái

2-4-2011

Khái niệm phát triển bền vững hiện đang được chấp nhận rộng rãi trong các cộng đồng cho rằng: phát triển bền vững có nghĩa là “đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không hy sinh các nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Tuy nhiên, câu hỏi nảy sinh từ đây là liệu khái niệm này với ý nghĩa đề cập tới các vấn đề về sự công bằng, phân phối và sử dụng các tài nguyên giữa các thế hệ liệu có thể chỉ đề cập tới các loại hàng hóa hay không? và như thế liệu đã đủ để định nghĩa cho một mô hình phát triển hay chưa?

Một số vấn đề về thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái

13-4-2011

Xuyên suốt trong tiến trình lịch sử nhân loại, mặc dù con người đã luôn phải đối mặt và ứng phó với nhiều tác động tiêu cực của các hiện tượng khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên hiện nay, biến đổi khí hậu đang làm cho các hiện tượng khí hậu và thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp

Ảnh hưởng của REDD lên thị trường các-bon

5-7-2011

Báo cáo REDD và nỗ lực hạn chế tốc độ nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C của Greenpeace mới đây đã kết luận rằng việc đưa các giải pháp bảo vệ rừng vào thị trường cacbon thế giới có thể khiến giá cacbon giảm tới 75%, làm trung hòa các nỗ lực giải quyết hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Để chiến lược biển không còn nằm trên giấy

11-7-2011

"Làm gì để chiến lược Biển không chỉ nằm trên giấy" là chủ đề cuộc bàn tròn giữa nhà báo Huỳnh Phan và hai vị khách mời, PGS.TS Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Về chiến lược kinh tế biển của Việt Nam

13-7-2011

Đã đến lúc cần có những đột phá mới trong tư duy và chiến lược phát triển kinh tế biển. Phải chuyển nhanh từ phương thức “mò cua bắt ốc” sang phương thức kết hợp: khai thác mặt tiền (biển – lợi thế địa chiến lược) + tự do hóa (thể chế vượt trước). Đây là công thức thành công của nhiều quốc gia đi trước trong nỗ lực phát triển kinh tế biển để trở thành cường quốc biển.

Không thể né tránh mãi vấn đề đất đai

16-7-2011

Theo một nhà báo nhiều năm lăn lộn ở Cần Thơ, “trong khi chúng ta tỏ ra thận trọng với việc tích tụ ruộng đất bởi mối lo điều này sẽ khiến nhiều người ít có cơ hội bị mất đất, thiếu việc làm thì lại quên mất rằng, chính việc thu hồi nhiều khu đất màu mỡ để làm sân golf, khu công nghiệp đang đẩy một bộ phận nông dân trở về con đường nghèo khổ”.

Chính sách, pháp luật về quản lý biển của Canada, Trung Quốc, Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam

28-7-2011

Trên cơ sở kinh nghiệm của Canada, Trung Quốc, Nhật Bản trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về quản lý biển, có thể đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam trong xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý biển.

Tài nguyên, môi trường biển: Vấn đề và một số giải pháp

2-8-2011

Vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều khu vực, quốc gia đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia. Mục đích của bài viết này nhằm tìm hiểu thực trạng các vấn đề tài nguyên, môi trường biển đang đối mặt hiện nay và tổng kết một số hướng giải pháp cụ thể đang được áp dụng tại nhiều nước nhằm hướng đến quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Về vấn đề thích ứng với nước biển dâng do biến đổi khí hậu

10-8-2011

Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng với nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu (BĐKH), mực nước biển sẽ dâng cao dần trong thế kỉ 21. Mực nước biển dâng cao đã và đang là một thách thức rất lớn đối với nhiều hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt trong đời sống xã hội của con người trên qui mô toàn cầu.