Ngày đăng:
01 | 11 | 2018
Ngày 1/11/2018, tại Hà Nội, Sáng kiến Môi trường cho Phát triển (Thụy Điển) và Viện Kinh tế môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) tổ chức Hội nghị Đối thoại chính sách “Sử dụng công cụ kinh tế để quản lý không khí, nước, chất thải và tài nguyên biển: bài học kinh nghiệm và các bước tiếp theo”. Viện trưởng ISPONRE - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đồng chủ trì Hội nghị. Với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường phối hợp nhằm triển khai các hoạt động thực tiễn trong tương lai, Hội thảo thu hút được nhiều sự quan tâm của các đại biểu trong và ngoài nước.

Viện trưởng ISPONRE - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đồng chủ trì Hội nghị
Với tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 6,47% từ năm 2000 đến năm 2017, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới. Tuy nhiên, phát triển kinh tế nhanh cũng gây ra những áp lực lên môi trường như ô nhiễm nguồn nước, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm tại khu công nghiệp và làng nghề, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, rác thải đô thị, khai thác tài nguyên biển không hợp lý...
Nhận thức được những thách thức và áp lực của phát triển kinh tế lên môi trường, Chính phủ Việt Nam đã từng bước thực thi nhiều chính sách bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Các chủ trương, chính sách và pháp luật có liên quan gần đây nhất bao gồm Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2014 và mới đây là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Đặc biệt, thời gian qua, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” với mục tiêu hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy, cách thức tiến hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng và điều kiện thực tiễn của Việt Nam về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần tạo ra những động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.


Đối thoại chính sách “Sử dụng công cụ kinh tế để quản lý không khí, nước, chất thải và tài nguyên biển: bài học kinh nghiệm và các bước tiếp theo” được tổ chức trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Chương trình nghị sự Phát triển sau năm 2015, các đại biểu tập trung thảo luận: làm rõ các công cụ kinh tế và cơ chế tài chính trong quản lý môi trường xét trong bối cảnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam; xác định các bất cập và các rào cản thể chế kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên biển, đề xuất các hoạt động hợp tác quốc tế để tăng cường quản lý tài nguyên biển và hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh lam; xác định lộ trình áp dụng các công cụ kinh tế và cơ chế tài chính để quản lý không khí, nước, chất thải và tài nguyên biển, bao gồm xác định tiềm năng đối tác và hợp tác giữa các sáng kiến liên quan phù hợp với thực tiễn vận hành nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Một số hình ảnh tại buổi Đối thoại chính sách:








An Bình