Ngày 15/11/2019, được sự hỗ trợ của Quỹ Hanns Seidel (HSF) của Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn “Đánh giá thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và đề cương Chiến lược giai đoạn 2021-2030”. Mục đích của Hội thảo là nhằm giới thiêu kết quả đánh giá và đề xuất đề cương Chiến lược giai đoạn 2021-2030, đồng thời tham vấn ý kiến của đại biểu để tiếp tục hoàn thiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (CLCSTNMT) là đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ“Điều tra, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và xây dựng Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp và thu được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Ông Axel Neubert, Trưởng đại diện của Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) tại Việt Nam
Ngày 05 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1216/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó đề ra 06 quan điểm; các mục tiêu tổng quát và cụ thể đến 2020; 4 nhóm định hướng các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường và 6 nhóm giải pháp tổng thể.
Từ khi Chiến lược ra đời đến nay, bối cảnh thế giới và trong nước đã có những thay đổi. Trên thế giới, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế tiếp tục là chủ đạo; cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt. Biến đổi khí hậu (BĐKH) tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh hơn dự báo; Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận Pari về BĐKH. Ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi…. Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế được duy trì, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác bảo vệ môi trường đã có một số chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách, pháp luật và hệ thống cơ quan quản lý về BVMT đã từng bước được kiện toàn. Nhận thức về BVMT của các cấp, các ngành, cộng đồng đã có chuyển biến mạnh mẽ. Chính phủ đề ra quan điểm không hy sinh môi trường lấy các mục tiêu tang trưởng kinh tế. Tuy nhiên nhiều mục tiêu đặt ra về BVMT chưa đạt được. Môi trường tiếp tục bị ô nhiễm, suy thoái, điển hình là ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, gây tác động nặng nề tới môi trường và cuộc sống của nhân dân.

Phó Viện trưởng – TS Nguyễn Trung Thắng giới thiệu về đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia
Phó Viện trưởng – TS Nguyễn Trung Thắng đã giới thiệu về đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và đề xuất Đề cương Chiến lược giai đoạn 2021-2030; các chuyên gia bình luận và nhiều ý kiến góp ý, đánh giá của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, các viện trường, chuyên gia và các nhà khoa học. Sau một buổi sáng làm việc nghiêm túc, thảo luận sôi nổi, Hội thảo đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường. Các kết quả đánh giá được chuẩn bị công phu, bám sát với các mục tiêu, nội dung của Chiến lược. Các nhìn nhận, đánh giá sát với thực tế với nhiều số liệu minh chứng. Đề cương Chiến lược cho giai đoạn 2021-2020 tuy mới là những đề xuất ban đầu nhưng cũng đã gợi mở những nội dung, ý tưởng mới cho công tác bảo vệ môi trường cho giai đoạn 10 năm tới. Viện CLCSTNMT cần tập trung nhân lực, thời gian, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia tiếp tục hoàn thiện Báo cáo để xây dựng được một Chiến lược giai đoạn mới đảm bảo khả thi, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:










An Bình