Ngày đăng:
23 | 04 | 2019
Ngày 23/4/2019, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Ủy ban Kinh tế Xã hội khu vực Châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) và Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) tổ chức Hội thảo đào tạo “Tài khoản đại dương”. Hội thảo đào tạo do PGS.TS - Viện trưởng Nguyễn Thế Chinh chủ trì diễn ra trong 2 ngày (23-24/4/2019) nhằm trao đổi, thảo luận về việc xác định phạm vi nghiên cứu; rà soát các hoạt động liên quan; thảo luận về các ưu tiên đối với các sản phẩm dữ liệu liên quan đến chính sách sẽ được xây dựng trong khuôn khổ nghiên cứu thí điểm; cung cấp các kiến thức cơ bản về tài khoản đại dương và xây dựng kế hoạch làm việc ngắn hạn để phát triển các sản phẩm đầu ra của nghiên cứu thí điểm. Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan nghiên cứu, quản lý liên quan đến lĩnh vực kinh tế - môi trường.
Đại dương là nguồn sinh kế và dinh dưỡng quan trọng đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những hệ sinh thái biển và ven biển lành mạnh góp phần phát triển toàn diện; điều hòa khí hậu cũng như cải thiện đời sống người dân, hướng tới một tương lai bền vững. Tuy nhiên, việc quản lý thông tin liên quan đại dương còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các dữ liệu về đại dương thường bị phân mảnh, do nhiều tổ chức khác nhau sắp xếp và rất khó tích hợp. Do đó, rất khó có thể ước tính được số liệu chính xác về tổng đóng góp của nghề cá cho nền kinh tế cũng như sản lượng bền vững tối đa.
Hạch toán Đại dương là một khung thống kê được đề xuất để sắp xếp dữ liệu và số liệu thống kê có liên quan, dựa trên những nguyên tắc và tiêu chuẩn của Hệ thống Hạch toán Kinh tế Môi trường (SEEA). SEEA cung cấp những tiêu chuẩn để xây dựng dữ liệu vật lý về môi trường và liên kết nó với dữ liệu tiền tệ trong Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA). Nó có thể được áp dụng không chỉ cho dữ liệu về trữ lượng cá, mà còn cho các nguồn gây ô nhiễm trên đất liền và giá trị của những dịch vụ hệ sinh thái như dịch vụ bảo vệ và giải trí ven biển. Sắp xếp hài hoà số liệu thống kê kinh tế và môi trường giúp tìm hiểu giá trị thực của đại dương đối với nền kinh tế và xây dựng các chính sách đảm bảo nắm bắt được giá trị của vốn tự nhiên.
Hệ thống tài khoản quốc gia đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1993 nhằm phân tích các chỉ tiêu khác nhau của môi trường xung quanh và tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo thông tin sinh thái, kinh tế cần thiết cho việc thực hiện các chính sách sinh thái ở mức độ quốc gia và so sánh quốc tế.
Hạch toán hệ sinh thái rất cần thiết với những quốc gia có tốc độ tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có như Việt Nam. Nó cho phép đánh giá được tính bền vững của quá trình phát triển kinh tế có tính đến tác động và hậu quả về môi trường sinh thái.
Trong năm 2019, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với ESCAP thực hiện nghiên cứu thí điểm về Tài khoản Đại dương Quốc gia nhằm tích hợp thông tin từ các lĩnh vực khoa học, khung chính sách và thể chế cho việc theo dõi tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDG14, cũng như góp phần cải thiện các chính sách liên ngành nhằm tối ưu hóa việc sử dụng bền vững đại dương trong khi giảm thiểu nguy cơ suy giảm hệ sinh thái và thiên tai.







An Bình