TIN TỨC-SỰ KIỆN

Một số thành tựu đạt được của dự án chương trình môi trường trọng điểm và sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học (BCI) giai đoạn 2006-2009

Ngày đăng: 10 | 05 | 2010

Dự án “Chương trình môi trường trọng điểm và Sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng (BCI) là dự án hỗ trợ kỹ thuật, được thực hiện giai đoạn 1, từ năm 2006-2010,

được đồng tài trợ bởi Quỹ Hợp tác xoá đói giảm nghèo (Nhật Bản), Chính phủ Hà Lan và Thuỵ Điển thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Tham gia Chương trình có 6 nước tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), bao gồm (Cămpuchia, Lào, Mianma, Thái Lan, tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc và Việt Nam).

Ở Việt Nam, Dự án BCI được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 1382/TTg-QHQT ngày 07 tháng 9 năm 2006. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện Dự án thí điểm tại 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị theo nhiều pha: pha I từ năm 2006-2010, pha II từ năm 2011-2015. Quỹ Bảo tồn Hoang dã Thế giới (WWF), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Birdlife International là các đối tác cung cấp kỹ thuật.

Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng cơ chế quản lý và phát triển bền vững các hành lang bảo tồn đa dạng sinh học để xoá đói, giảm nghèo ở vùng Trung Trường Sơn thông qua các hoạt động: (i) Hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo; (ii) Hài hoà các cơ chế quản lý đất; (iii) Phục hồi tính liên kết các hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học; (iv) Tăng cường năng lực; và (v) Cung cấp tài chính bền vững.

Đây là Dự án đa mục tiêu và nhiều đối tác tham gia, giai đọan đầu khó đạt được sự đồng thuận của các bên về cơ chế họat động, cơ chế quản lý dự án, kế hoạch họat động, định mức chi tiêu, tổ chức thực hiện dự án, v.v... Mặc dù, Dự án đã được phê duyệt từ tháng 9/2006, tuy nhiên, Dự án chỉ mới chính thức họat động từ tháng 7 năm 2007. Mặt khác, do khủng khoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ Hà Lan đã cắt giảm một phần kinh phí như đã cam kết. Cho đến nay, Dự án mới chỉ nhận được khoảng 38% tổng kinh phí đã được phê duyệt. Vì vậy, một số hoạt động ở Quảng Nam và Quảng Trị chưa được kết thúc. Tuy nhiên, Dự án cũng đã đạt được một số thành tựu quan trọng ở cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Một số thành tựu của Dự án

Ở cấp Trung ương, Dự án hỗ trợ một phần xây dựng Luật Đa dạng sinh học, bao gồm các họat động (i) xây dựng báo cáo chuyên đề làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chương, điều của dự thảo Luật; (ii) Xây dựng nội dung của các chương, điều; và (iii) Phản biện nội dung của dự thảo Luật. Dự án cũng hỗ trợ xây dựng dự thảo Nghị định Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài ra, Ban Quản lý Dự án đã tổ chức 39 lớp tập huấn tại 2 tỉnh tham gia Dự án và một số tỉnh liên quan về các nội dung liên quan của Dự án.
Ở Cấp địa phương, Dự án BCI triển khai tại 50 xã trong 7 huyện của tỉnh Quảng Nam và 21 xã trong 2 huyện của Quảng Trị. Sau hơn 2 năm thực hiện, Dự án BCI đã hỗ trợ 2 tỉnh trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua việc xác định và thành lập các hành lang bảo tồn đa dạng sinh học.

 

Tập huấn cho cán bộ kiểm lâm về kỹ năng làm việc với cộng đồng

BCI bước đầu đã đạt được một số kết quả ấn tượng, được sự hỗ trợ, ủng hộ và tham gia của cả Trung ương và địa phương, đặc biệt là cộng đồng địa phương, nơi thực hiện Dự án, đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương ở 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị. BCI cũng đã giúp nâng cao và chuyển biến nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường của cộng đồng ở các cấp tỉnh, huyện, xã trong khu vực tham gia Dự án.

Về hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo: Dự án BCI đã giúp 2 tỉnh lồng ghép xóa đói, giảm nghèo và bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học theo chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ. Dự án đã thành lập 21 Quỹ phát triển xã (CDF) với nguồn vốn ban đầu là 72 ngàn đôla Mỹ và hỗ trợ cộng đồng cải thiện sinh kế. 1.017 hộ được hưởng lợi trực tiếp từ Dự án. 501 hộ đã nhận 1 ha đất/hộ để trồng rừng sinh kế hướng tới đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên tốt hơn và gia tăng quyền sở hữu đất. 11 cơ sở hạ tầng nhỏ (vườn ươm, hội trường cộng đồng, giếng, đập, v.v...) đã được xây dựng ở các xã. Thu thập số liệu kinh tế xã hội cho 71 xã (làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư xã trong Pha 2). Dự án đã xây dựng các mô hình cải thiện sinh kế như canh tác trên đất dốc, chăn nuôi, v.v…; cải thiện công tác quản lý rừng dựa vào cộng đồng: thiết lập được 25 đội tuần tra thôn bản; cơ chế khai thác hợp pháp cho cộng đồng. Một số nghiên cứu về đánh giá thị trường để hỗ trợ đưa sản phẩm lâm nghiệp đến với cộng đồng, mô hình phát triển rừng bền vững, đánh giá hiệu quả của việc quản lý rừng dựa vào cộng đồng như là một cơ chế để bảo tồn đa dạng sinh học và xóa đói giảm nghèo, v.v…

Những hoạt động thí điểm của Dự án BCI đã làm tăng giá trị của những hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, hình thành cơ sở kỹ thuật và các phương pháp tổng hợp, trực quan sống động để giảm thiểu đói nghèo nhằm phát triển bền vững về môi trường và khả năng hồi phục những tác động của biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia và khu vực.

 

Hoạt đồng trồng rừng sinh kế trong khuôn khổ dự án BCI

Về hài hoà các cơ chế quản lý đất: Dự án đã giúp xây dựng một số cơ chế, chính sách về sử dụng đất bền vững. Hỗ trợ quy hoạch sử dụng đất và giao đất giao rừng. Tập huấn về quy trình và thủ tục cho 95 học viên tại Quảng Trị. Hỗ trợ lập kế hoạch quy hoạch sử dụng đất và giao đất giao rừng tại 3 xã tại Bắc Hướng Hóa. Triển khai hỗ trợ lập kế hoạch quy hoạch vùng nương rẫy cho tất cả các xã thuộc 2 huyện Dự án tại Quảng Trị bao gồm Dakrong và Hướng Hóa. Triển khai lập kế hoạch quản lý và bảo vệ rừng cấp huyện cho 5 huyện.

 

Lập kế hoạch sử dụng đất với sự tham gia của cộng đồng

Về phục hồi tính liên kết các hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học: Đã xác định sơ bộ các hành lang đa dạng sinh học trên bản đồ: 6 hành lang với diện tích 130.000 ha. Hỗ trợ trực tiếp vào hơn 94.460 ha của hành lang, các hoạt động phát triển năng lực trong các khu bảo tồn liền kề và hành lang xanh (36.367 ha). Cùng với sự hoàn thiện các hoạt động làm giàu rừng và phục hồi rừng 982 ha, tổng diện tích nơi cư trú theo cơ chế quản lý và bảo vệ bền vững được ước tính khoảng 4.050ha. Thành lập và đưa vào hoạt động 25 nhóm tuần tra rừng thôn bản. Điều tra lập địa lập bản đồ làm cơ sở cho công tác quy hoạch phục hồi rừng. Các báo cáo đánh giá tác động của Dự án đã tư vấn cho 2 tỉnh điều chỉnh các chính sách bằng cách dừng 7 đề xuất dự án phát triển cơ sở hạ tầng và khai thác khoáng sản có nguy cơ tác động đến đa dạng sinh học trong khu vực Dự án. Phát triển 2 mạng lưới giáo dục bảo tồn tại các khu bảo tồn.

Về tăng cường năng lực: Đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực cho các đối tượng liên quan ở các cấp khác nhau. Khảo sát về nhận thức của cộng đồng về bảo vệ tài nguyên và tiêu thụ động vật hoang dã. Tổ chức 84 khóa học tập huấn khác nhau gồm 1.100 người tham gia. Tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước.

Hoạt động nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên rừng

Về cung cấp tài chính bền vững: Hoàn thiện nghiên cứu “Khai thác tài chính cácbon cho hành lang sinh học ở Trung Trường Sơn” và chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES). Nghiên cứu đánh giá về giá trị kinh tế hiện tại và tiềm năng của các hệ sinh thái tự nhiên. Các lựa chọn tài chính bền vững khác đang được xem xét như phát triển du lịch sinh thái trong khu bảo tồn.

Một số định hướng cho pha 2

Hiện tại, được sự hỗ trợ của Vụ Hợp tác và các đơn vị liên quan, Ban Quản lý Dự án BCI đang phối hợp với ADB để hoàn thiện thủ tục Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án (PPTA) cho pha 2 (2011-2015) với vốn vay 30 triệu đô la Mỹ để tăng cường và hoàn thiện các hành lang bảo tồn đa dạng sinh học ở Trung Trường Sơn nhằm (i) giảm thiểu những rủi ro và khả năng tổn thương đối với người nghèo đặc biệt là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới; và (ii) giảm nghèo, tăng cường hiệu quả bền vững về môi trường và tác động của những đầu tư vào ngành sản xuất ở khu vực thực hiện BCI và hành lang kinh tế GMS.

Duy trì mối liên kết hệ sinh thái xấp xỉ khoảng 500.000 ha được nối liền với hành lang bảo tồn đa dạng sinh học theo một khung pháp lý và điều chỉnh với việc bảo vệ tổng hợp lưu vực và PES ở tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị. Hơn nữa, tiềm năng tích lũy cacbon trong chu kỳ sống của rừng (khoảng 80-100 năm ở rừng nhiệt đới), có thể được thị trường hóa nhằm đảm bảo tín chỉ cacbon và tiền mặt để có thể hướng vào các mức phân cấp thông qua các cơ chế CDF. Việc sử dụng nhãn mác chống phá rừng theo REDD và bán cacbon ra thị trường tự nguyện có thể dẫn đến giá trị thị trường phụ thuộc vào giá cacbon thị trường, sẽ tạo ra khoảng 0,5 tỷ đôla khi giá thị trường khoảng 20 đô la/tấn. Việc sử dụng những nguồn thu nhập tạo ra từ việc bán cacbon cũng có thể tăng cường cho công tác bảo vệ rừng.

Thúc đẩy cơ chế PES bằng việc sử dụng một phần lợi nhuận thủy điện ở khu vực Trung Trường Sơn để bảo vệ thượng nguồn các lưu vực sông do những người dân địa phương duy trì và bảo vệ rừng để bảo đảm an toàn đầu tư cơ sở hạ tầng mà còn bảo vệ môi trường cũng như sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đây cũng là nguồn bổ sung các dòng tiền mặt thay thế và cơ hội để tạo ra nguồn lợi cho cộng đồng địa phương. Các quỹ có  thể được tạo ra thông qua các CDF đã được thí điểm ở dự án BCI.

Nhà máy thủy điện Avương, Quảng Nam  
nơi  cơ chế chia sẻ lợi ích đang được thí điểm

Khả năng phục hồi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu được tăng cường bằng những kế hoạch đầu tư mang tính kỹ thuật và phương pháp thích hợp. Những dự án đầu tư có thể góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu bằng cách tăng cường năng lực cho tỉnh và địa phương, tăng các quỹ đầu tư bổ sung đối với các giải pháp đáp ứng biến đổi khí hậu./.

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2010
Huỳnh Thị Mai
Ban Quản lý Dự án BCI Việt Nam

NỘI DUNG KHÁC

Họp tham vấn cách tiếp cận phân định phạm vi điều chỉnh pháp luật về tài nguyên và môi trường

13-5-2010

Trong khuôn khổ Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn phân định phạm vi điều chỉnh pháp luật và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường”,

Một với một là hai

14-5-2010

Nhằm hỗ trợ việc tra cứu và khai thác tài liệu Thư viện, Văn phòng Viện đã biên soạn “Danh mục sách tháng 4 năm 2010”.

Tổ chức Giải Tennis ISPONRE mở rộng lần thứ II

16-5-2010

Ngày 16 tháng 5 năm 2010 tại Khu Liên hợp thể thao Thị trấn Phùng, Huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức Giải Tennis mở rộng lần thứ 2.

Khảo sát về xây dựng dự án CDM tại Singapore.

18-5-2010

Trong khuôn khổ hỗ trợ của quỹ Hanns Seidel, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức một đoàn học tập, trao đổi học tập kinh nghiệm xây dựng dự án về cơ chế phát triển sạch (CDM) tại Singapore từ ngày 10 – 13/5/2010.

Họp với Ngân hàng Thế giới về xây dựng báo cáo phát triển Việt Nam 2010

18-5-2010

Sáng ngày 18/5/2010, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã có buổi làm việc với đại diện của Ngân hàng Thế giới về xây dựng báo cáo phát triển Việt Nam năm 2010. Tham dự cuộc họp có TS. Nguyễn Văn Tài - Viện trưởng, ông Jan BojÖ, chuyên gia phụ trách môi trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương và ông Boubacar Bocoum, chuyên gia chính sách của Ngân hàng Thế giới.

Hội thảo Nghiên cứu, thử nghiệm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

20-5-2010

Sáng ngày 19 tháng 5 năm 2010, tại Hội trường Viện đã diễn ra hội thảo “Nghiên cứu, thử nghiệm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường”. Các chuyên gia đến từ AHEAD Consulting & Training Company và đông đảo cán bộ Viện đã đến tham dự. PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng đã chủ trì hội thảo.

Khóa đào tạo chuyên gia đánh giá chất lượng nội bộ

20-5-2010

Sau cuộc hội thảo về nghiên cứu, thử nghiệm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, chiều ngày 19 tháng 5 năm 2010, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã phối hợp với AHEAD Consulting & Training Company tổ chức khóa học “Đào tạo chuyên gia đánh giá chất lượng nội bộ”. Đông đảo cán bộ Viện đã tham gia khóa học hữu ích này.

Hội thảo tham vấn Quy trình kiểm toán chất thải cho ngành công nghiệp Việt Nam

20-5-2010

Trong khuôn khổ dự án Áp dụng thử nghiệm kiểm toán chất thải trong quản lý môi trường ngành công nghiệp Việt Nam, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức hội thảo tham vấn “Quy trình kiểm toán chất thải cho ngành công nghiệp Việt Nam”.

Hội thảo tham vấn Đề cương chi tiết Chiến lược ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011-2020

20-5-2010

Sáng ngày 21 tháng 5 năm 2010, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức hội thảo tham vấn nhằm thu thập ý kiến đóng góp cho Đề cương chi tiết Chiến lược phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011-2020.

Tài liệu về chủ đề Đa dạng sinh học

21-5-2010

Nhân Ngày quốc tế về Đa dạng sinh học 22/5/2010, Văn phòng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường xin trân trọng giới thiệu một số tài liệu tại Thư viện về chủ đề này.

Hãy hành động ngay để bảo vệ đa dạng sinh học trước khi quá muộn

21-5-2010

Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, với nhiều kiểu rừng, đầm lầy, sông suối, rạn san hô... tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới.

Cuốn sách đầu tiên về An ninh môi trường tại Việt Nam

24-5-2010

Mục tiêu của cuốn sách nhằm cung cấp cho người đọc những khái niệm mới và kiến thức hữu ích về vấn đề sống còn của môi trường trong sự phát triển bền vững.