Ngày đăng:
24 | 02 | 2017
Ngày 23 tháng 2 năm 2017, tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, đã diễn ra Seminar khoa học Quản lý nước trong thời kỳ Anthropocene do PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì . Buổi seminar có sự tham dự của các cán bộ nghiên cứu của Viện.
Sau phát biểu khai mạc của Viện Trưởng Nguyễn Thế Chinh, Tiến sỹ Simon Benedikter, Chuyên gia Tài nguyên nước đã giới thiệu khái niệm và quan điểm về thời kỳ Anthropocene (hay được gọi là Kỷ Nhân sinh). Theo đó, thời kỳ Anthropocene đánh dấu những hoạt động của loài người bắt đầu có ảnh hưởng đến khí hậu, hệ sinh thái đặc biệt là tác động đến tài nguyên nước của Trái đất từ giữa thế kỷ 20. Thời kỳ Anthropocene là thời kỳ của công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, gia tăng dân số nhanh đã khiến nhu cầu về năng lượng, nhu cầu về nước, nhu cầu về lương thực gia tăng nhanh chóng. Nhiều dòng chảy bề mặt bị thay đổi, suy thoái chất lượng nước, suy giảm số lượng nước. Trên các lưu vực sông trên toàn thế giới, do nhu cầu năng lượng tăng cao khiến các đập thủy điện được xây dựng với tốc độ nhanh chóng với quy mô từ nhỏ đến lớn trên cả dòng chính và dòng nhánh. Vấn đề an ninh nguồn nước, khai thác quá mức nước dưới đất, tranh chấp giữa các ngành, các đối tượng sử dụng nước, sự chuyển đổi từ cung cấp nước theo nhu cầu sang cung cấp nước có hạn chế.

Đây cũng là thời kỳ các hoạt động của con người làm gia tăng phát thải khí nhà kính, suy thoái rừng, nhiệt độ trái đất tăng, ô nhiễm đại dương, hiện tượng axit hóa đại dương, ô nhiễm nguồn nước, suy giảm hệ sinh thái, khai thác thủy hải sản hủy diệt và tận thu,… Hiện tượng biến đổi khí hậu đã và đang tác động rõ nét tới tài nguyên nước trên trái đất như: thay đổi lượng mưa trung bình hàng năm trên toàn cầu, thay đổi không gian, các cảnh quan về nước, gia tăng các thảm họa do nước gây ra như lũ lụt, hạn hán.
Đứng trước các thách thức nêu trên, Tiến sỹ Simon Benedikter cũng đưa ra mô hình quản lý nước mới giữa Quản lý tổng hợp tài nguyên nước (IWRM) – Tiếp cận dựa trên hệ sinh thái (EbA) – và Quản lý Thích ứng (AM). Tiến sỹ cũng trình bày cụ thể về Quản trị nước, tổng quan các yếu tố và khái niệm của quản trị nước, cơ chế trong quản trị nước và cách tiếp cận trong quản trị nước thích ứng.
Sau bài trình bày của Tiến sỹ Simon Benedikter, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh cùng các cán bộ nghiên cứu tham dự đã trao đổi về Mối tương quan giữa Nước – Lương thực – Năng lượng (Water – Food – Energy Nexus) trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Mối tương quan là cách tiếp cận mới trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước gắn liền với các tài nguyên phục vụ cho hoạt động sống của loài người được đánh giá phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Ban Khoáng sản và Tài nguyên nước