Ngày đăng:
26 | 06 | 2018
Ngày 26/6/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội đồng tư vấn giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2018 cho Nguyễn Liên Hương (Ban Môi trường và Phát triển bền vững thuộc Viện) chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế, đề xuất định hướng chính sách quản lý vùng đệm gắn với cải thiện sinh kế cho cộng đồng nghèo vùng đệm khu bảo tồn". Hội đồng do Phó Viện trưởng - TS.Nguyễn Trung Thắng làm chủ tịch.
Mục tiêu của đề tài là Tăng cường bảo vệ các khu bảo tồn thông qua quản lý hiệu quả vùng đệm; Làm rõ cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế về quản lý vùng đệm gắn với cải thiện sinh kế cho cộng đồng nghèo vùng đệm khu bảo tồn.
Đã từ lâu vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, chất lượng của các hệ sinh thái và các cảnh quan, hệ động vật, thực vật giàu có của nhiều vườn quốc gia bị suy thoái do sức ép của nhân dân sinh sống phía ngoài các vườn quốc gia đã được nhiều người quan tâm. Việc xây dựng vùng đệm, tạo thành một vành đai bảo vệ bổ sung cho vườn quốc gia để loại trừ các ảnh hưởng từ phía ngoài đã được đặt ra ở nhiều nước trên thế giới.
Vùng đệm là một thuật ngữ tương đối mới, mặc dù nguyên lý của nó đã được sử dụng trong 1 thời gian dài. Tuy nhiên, quản lý vùng đệm là 1 lĩnh vực được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, gây khó khăn cho việc đưa ra một định nghĩa chung. Hiện nay, khái niệm vùng đệm đã được quy định rất cụ thể trong Luật đa dạng sinh học, Luật bảo vệ và phát triển rừng. Ở nước ta, nhiều vườn quốc gia và các khu bảo tồn đã và đang được xây dựng, nhưng phần lớn các khu vực này lại thường nằm xen với khu dân cư và chịu sức ép hết sức nặng nề từ phía ngoài. Để giải quyết vấn đề này và nhiệm vụ bảo tồn, cần thiết phải có những biện pháp hữu hiệu, đáp ứng những nhu cầu trước mắt của nhân dân địa phương, nhưng đồng thời cũng đáp ứng được những yêu cầu của bảo tồn. Vùng đệm được xây dựng chính là để giải quyết các khó khăn đó, nhằm nâng cao cuộc sống cho các cộng đồng dân cư địa phương, tạo thêm công ăn việc làm cho họ để họ giảm bớt sức ép lên các khu bảo tồn và đồng thời giáo dục, động viên họ tích cực tham gia vào công tác bảo tồn.
Quá trình rà soát những chính sách, đề tài nghiên cứu, dự án trong nước cho thấy những sự quan tâm đầu tư nhất định cho chính sách quản lý, xây dựng, đầu tư chủ yếu là dành cho các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn, tuy nhiên chỉ mang tính chủ trương mà chưa có những chính sách cụ thể hay những mô hình hiệu quả được áp dụng rộng khắp.
Theo chủ nhiệm Nguyễn Liên Hương, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế, đề xuất định hướng chính sách quản lý vùng đệm gắn với cải thiện sinh kế cho cộng đồng nghèo vùng đệm khu bảo tồn” là rất cần thiết và có ý nghĩ thực tiễn trong đảm bảo hài hoà giữa hoạt động bảo tồn và phát triển đời sống, kinh tế xã hội của người dân sống xung quanh khu bảo tồn, giảm đến mức tối thiểu các tác động của người dân lên chất lượng tài nguyên thiên nhiên. Đề tài cũng được Hội đồng thông qua và góp ý chỉnh sửa để đề tài được triển khai và hoàn thiện.
An Bình