Ngày đăng:
26 | 06 | 2018
Ngày 26/6/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội đồng tư vấn giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2018 cho ThS. Vũ Thị Thanh Nga (Ban Môi trường và Phát triển bền vững thuộc Viện) chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng về tài nguyên và môi trường trong bộ chỉ số Đổi mới Sáng tạo toàn cầu (GII) và đề xuất giải pháp cung cấp thông tin, số liệu chính thống, kịp thời về tài nguyên và môi trường trong Bộ chỉ số GII". Hội đồng do Phó Viện trưởng - TS.Nguyễn Trung Thắng làm chủ tịch.
Mục tiêu của đề tài là Nghiên cứulàm rõ và đánh giá phương pháp, nguồn số liệu của các chỉ số xếp hạng bền vững sinh thái trong bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) theo yêu cầu của Nghị định 19/2016/NĐ-CP; Đề xuất giải pháp đánh giá và các nguồn thông tin, số liệu chính thống, kịp thời của Việt Nam nhằm hỗ trợ tính toán các chỉ số xếp hạng bền vững sinh thái trong bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).
Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (Tiếng Anh: Global Innovation Index) được đưa ra năm 2007 bởi Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization viết tắt là WIPO, thuộc Liên Hiệp Quốc), kết hợp với một số công ty lớn và tổ chức phi lợi nhuận khác. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu ghi nhận vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo như là một động lực cho tăng trưởng kinh tế và phúc lợi. Chỉ số này nhằm mục đích nắm bắt các khía cạnh đa chiều của đổi mới, sáng tạo và có thể dùng cho cả các nền kinh tế phát triển lẫn đang phát triển. Điều này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp hướng đến một phân tích toàn diện hơn về động lực và kết quả đổi mới, sáng tạo. Ở Việt Nam, đã có khá nhiều nghiên cứu về cường độ sử dụng năng lượng và xây dựng các bộ chỉ số, chỉ tiêu để đánh giá những vấn đề môi trường cụ thể đã được thực hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng các nguồn số liệu về chất lượng môi trường bị hạn chế, hơn nữa, các nghiên cứu thường tập trung cho cấp tỉnh. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã khá cũ, trong khi các chỉ số trong GII đều sử dụng các số liệu được cập nhật hằng năm. Đặc biệt, chỉ số EPI có tính linh hoạt rất cao, đã có những thay đổi nhiều trong khung cấu trúc cũng như chỉ tiêu đánh giá với phương pháp đánh giá mới nên không còn sử dụng được các thông tin đã nghiên cứu trước.
Theo chủ nhiệm, việc đề xuất đề tài “Nghiên cứu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng về tài nguyên và môi trường trong bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và đề xuất giải pháp cung cấp thông tin, số liệu chính thống, kịp thời về tài nguyên và môi trường trong Bộ chỉ số GII” là rất cần thiết, làm căn cứ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết 19. Đề tài cũng được Hội đồng thông qua và góp ý chỉnh sửa để đề tài được triển khai và hoàn thiện.
An Bình