Ngày đăng:
27 | 06 | 2018
Ngày 27/6/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội đồng tư vấn giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2018 cho KS. Nguyễn Văn Cường (Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên & môi trường) chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu khả năng ứng dụng mô hình cân bằng tổng thể trong nghiên cứu, phân tích chính sách giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam” theo quyết định số 199/QĐ-VCLCS ngày 15 tháng 6 năm 2018. Đây là đề tài nằm trong danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở thực hiện năm 2018 và 2019 được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt theo quyết định số 240-QĐ/BTNMT ngày 23 tháng 01 năm 2018. Hội đồng do Phó Viện trưởng - TS.Mai Thanh Dung làm chủ tịch.
Các mô hình cân bằng tổng thể có thể tính toán (CGE) là một loại mô hình kinh tế sử dụng dữ liệu kinh tế thực tế cùng với cấu trúc cân bằng tổng quát trừu tượng để mô phỏng cách nền kinh tế có thể phản ứng với những thay đổi về chính sách, công nghệ hoặc các yếu tố bên ngoài khác Suomalainen (2006). Mô hình CGE được xây dựng từ những năm 1960 (Johansen, 1960), và từ những năm 1980, CGE trở thành công cụ hàng đầu trong phân tích chính sách đa ngành. CGE là một công cụ mạnh mẽ trong phân tích các tác động của chính sách tới tổng thể nền kinh tế, trong đó có các chính sách về môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Ở Việt Nam, mô hình CGE cũng đã được triển khai nghiên cứu ở một số hoạt động kinh tế. Trước năm 2000, các ứng dụng mô hình CGE chủ yếu trong lĩnh vực phân tích tác động kinh tế của các chính sách về thuế tới nên kinh tế.


Các thành viên Hội đồng góp ý cho đề tài
Nghiên cứu cơ sở lý thuyết và thực tiễn trong ứng dụng mô hình cân bằng tổng thể vào phân tích chính sách giảm phát thải khí nhà kính là hướng đi mới mẻ và nhiều tiềm năng nhất là đối với bối cảnh Việt Nam hiện nay. Mục tiêu của đề tài là xác định được cơ sở lý thuyết và thực tiễn xây dựng mô hình cân bằng tổng thể phù hợp điều kiện Việt Nam; Đề xuất được khung mô hình cân bằng tổng thể phục vụ hoạt động phân tích, đánh giá chính sách giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Tên đề tài, phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu được Hội đồng đánh giá là phù hợp, tuy nhiên cần bổ sung thêm phần tổng quan kinh nghiệm, làm rõ thêm về các mô hình đang được áp dụng, phần xây dựng khung mô hình cần phải lược bớt để phù hợp hơn với đề tài cơ sở. Đề tài được Hội đồng thông qua và cung cấp nhiều hướng triển khai hay và hữu ích trong quá trình thực hiện đề tài.
An Bình