Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực để triển khai các mục tiêu phát triển bền vững về môi trường, trong đó tập trung vào mục tiêu SDG 12 (Đảm bảo các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững), SDG 14 (Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển) và SDG 15 (Bảo vệ các hệ sinh thái, quản lý bền vững rừng, chống sa mạc hóa, ngăn suy thoái đất và mất đa dạng sinh học).

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - TS. Nguyễn Trung Thắng khai mạc Hội thảo
Năm 2012, Liên Hợp quốc đã khởi động xây dựng một tập hợp các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 trên toàn cầu. Đến năm 2015, Liên Hợp quốc đã kêu gọi tất cả các nước, trong đó có Việt Nam thực hiện “Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững, trong đó, vấn đề tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu tiếp tục là các ưu tiên. Để bắt đầu thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững, ngày 10/05/2017, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định 622/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu và 115 mục tiêu cụ thể. Kế hoạch hành động quốc gia đã thể hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ đối với từng bộ ngành, từng địa phương cụ thể. Cụ thể, đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 17 mục tiêu cụ thể với 66 nhóm nhiệm vụ thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là bộ quản lý đa ngành với 9 lĩnh vực bao gồm: đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường, biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ và thông tin địa lý, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, viễn thám. Kế hoạch hành động thực hiện các SDG Việt Nam đến năm 2030 của ngành Tài nguyên và Môi trường có 6 mục tiêu cụ thể bao gồm: (1) Tiếp tục phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, góp phần đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh cho mọi người ở mọi lứa tuổi; (2) Quản lý tổng hợp, khai thác bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước; (3) Quản lý tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản theo hướng khai thác hợp lý, bền vững và sử dụng hiệu quả; (4) Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; (5) Bảo tồn và sử dụng bền vũng biển, hải đảo và đại dương; (6) Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Thắng cho rằng, trong việc thực hiện Quyết định 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã cố gắng cụ thể hóa 17 mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao trong các lĩnh vực của Bộ và Viện cũng đã chỉ ra các nhiệm vụ giao cụ thể cho từng đơn vị thực hiện. Trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), hiện có 3 nước được hỗ trợ là Việt Nam, Mông Cổ và Phi-líp-pin. Trong đó, Việt Nam được hỗ trợ xây dựng các hướng dẫn giám sát, đánh giá và thực hiện thống kê các chỉ tiêu đưa ra trong kế hoạch để qua đó đảm bảo giám sát, đánh giá các mục tiêu đã đề ra.
Sau khi lắng nghe phần trình bày của TS. Nguyễn Phong, các đại biểu tại Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận, trao đổi đối với các phương pháp thống kê, tính toán 10 chỉ tiêu ưu tiên của ngành tài nguyên và môi trường như: tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom xử lý; nồng độ các chất trong không khí; tỷ lệ chất thải đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường;…

TS. Nguyễn Phong - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường trình bày phương pháp tính toán chỉ tiêu ưu tiên
Kết thúc Hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia tư vấn và đại biểu tham dự đối với các chỉ tiêu thống kê ngành tài nguyên và môi trường góp phần giám sát, triển khai Kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến 2030 của ngành tài nguyên và môi trường.




Ngọc Anh