TIN TỨC-SỰ KIỆN

Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đến ngày 01/10/2023

Ngày đăng: 04 | 08 | 2023

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản gồm 13 chương, 132 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đề xuất những quy định cụ thể về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; khu vực khoáng sản và quản lý khoáng sản ở khu vực dữ trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia…

4 8 23 1

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản (được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011), đến nay đã có nhiều vấn đề bất cập, hạn chế.

Thứ nhất, địa chất là ngành khoa học kỹ thuật tổng hợp, khoa học về trái đất, khi điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, không chỉ phát hiện khoáng sản mà còn điều tra, đánh giá toàn diện cấu trúc địa chất, điều kiện địa chất. Theo đó, đã làm rõ thông tin, dữ liệu địa chất như: di sản và công viên địa chất; các cấu trúc địa chất thuận lợi để lưu trữ nước, CO2, chôn lấp chất thải độc hại; về tai biến địa chất và cảnh báo thiên tai; địa chất công trình,... phục vụ các ngành: Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp, Du lịch,... quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản chưa quy định đầy đủ nội dung điều tra cơ bản địa chất như đã nêu trên; chưa quy định nội dung quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW đã nêu.

Thứ hai, sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện gồm một số vấn đề như:

1) Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công …;

2) Khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm khi khai thác khoáng sản chính;

3) Vấn đề kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản theo từng giấy phép khai thác khoáng sản;

4) Vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản;

5) Vấn đề cải cách thủ tục hành chính như quy định thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cát, sỏi lòng sông không còn phù hợp;

 6) Quy định về khu vực cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia không phù hợp với thực tiễn;

7) Quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ nhằm bảo đảm khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, theo mô hình "kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn";

8) Quy định thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản quy mô rất nhỏ (đá chẻ, đất sét) chưa hợp lý như phản ánh của cử tri và đại biểu Quốc hội, bảo đảm công khai, minh bạch.

Thứ ba, 13 năm qua, nhiều Luật liên quan đến địa chất, khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như: Bộ luật Dân sự (2015), Luật Đất đai (2013), Luật Xây dựng (2014, 2020), Luật Đấu giá tài sản (2016), Luật quản lý, sử dụng tài sản công (2017), Luật Bảo vệ môi trường (2020), Luật Đầu tư (2020), Luật Doanh nghiệp (2020), Luật Quy hoạch (2017), Luật Ngân sách nhà nước (2015), Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Thủy lợi (2017), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Đa dạng sinh học (2018). Tuy nhiên, Luật Khoáng sản chưa được sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Do đó, cần xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản mới nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản gồm 13 chương, 132 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đề xuất những quy định cụ thể về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; khu vực khoáng sản và quản lý khoáng sản ở khu vực dữ trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia…

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được công bố và lấy ý kiến của nhân dân đến ngày 01 tháng 10 năm 2023.

Xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

 

Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường

NỘI DUNG KHÁC

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

4-8-2023

Ngày 3 tháng 8 năm 2023, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an đã có buổi làm việc liên quan đến một số nội dung trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì buổi làm việc.

Công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa và đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện

8-8-2023

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định số 2064/QĐ-BTNMT về việc “Công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện” tại các lưu vực sông trên cả nước.

Hội thảo tập huấn về “Giáo dục phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020”

8-8-2023

Ngày 8/8/2023, tại Ninh Bình,Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Tổ chức Hanns Seidel Foundation - Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Hội thảo tập huấn về “Giáo dục phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020”. Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần phổ biến, thực hiện quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, nội dung của chương trình giáo dục đã được số hóa thành các bài giảng trực tuyến định dạng SCORM (Sharable Content Object Reference Model) dành cho đối tượng học sinh tiểu học. Hội thảo do Viện trưởng, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ chủ trì với sự tham gia các đại biểu đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, Phòng Giáo dục và Đào tạo, và các thầy cô giáo trên địa bàn 8 huyện của tỉnh Ninh Bình, các chuyên gia, các nhà khoa học.

Hội thảo khu vực miền Bắc về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

9-8-2023

Thực hiện Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, thực hiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết số 24-NQ/TW).

Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp thứ 3 về chuyển đổi số

10-8-2023

Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 (DTI 2022) vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp thứ 3 trong tổng số 17 Bộ, ngành.

Nghị quyết số 24-NQ/TW - Bước tiến lớn trong hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

11-8-2023

Ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã chủ trì hội thảo chuyên đề Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tham dự có hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ/ngành, các chuyên gia và nhà khoa học; lãnh đạo các đơn vị lĩnh vực môi trường thuộc Bộ; lãnh đạo Sở TN&MT, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng TN&MT tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành ngày 03/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI, đề ra những quyết sách lớn của Đảng trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta.

Phát triển Đồng Tháp tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

14-8-2023

Thủ tướng yêu cầu xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái và nông dân văn minh, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bao trùm, bền vững. Chiều 13/8, tại thành phố Cao Lãnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp nhằm đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh thời gian qua; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Cần thêm nhiều ý tưởng sáng tạo mới trong ứng phó biến đổi khí hậu

14-8-2023

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh điều này tại cuộc tiếp ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Astra Zeneca, sáng 14/8.  Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng đánh giá cao và gửi lời cảm ơn Astra Zeneca đã có những sự hỗ trợ quý giá, kịp thời đối với Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh trên toàn thế giới. Cám ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, ông Nitin Kapoor đã báo cáo về một số chương trình, dự án hợp tác đang triển khai tại Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thuốc của bệnh nhân, phát triển hệ thống y tế bền vững, cải thiện sức khoẻ cộng đồng, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc, sinh phẩm.

Tổng kết Nghị quyết số 24/NQ-TW: Tiếp tục cập nhật các nhiệm vụ cụ thể về quản lý tài nguyên

14-8-2023

Sáng 14/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì Hội thảo chuyên đề tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trong lĩnh vực quản lý tài nguyên theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự hội thảo có Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ TN&MT; đại diện Lãnh đạo Sở TN&MT của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các lãnh đạo, chuyên viên các chi cục, phòng chuyên môn lĩnh vực quản lý tài nguyên.Báo cáo tại hội thảo, ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Trong 10 năm qua, ngành TN&MT đã tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý tài nguyên đề ra tại Nghị quyết 24-NQ/TW, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hội thảo tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW tại khu vực phía Nam

15-8-2023

Sáng 14/8, tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Thành ủy TP.HCM và Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) tổ chức Hội thảo tham vấn khu vực miền Nam về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết 24-NQ/TW). Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế; 19 tỉnh, thành khu vực miền Nam; các Viện nghiên cứu, các chuyên gia và nhà khoa học. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường, thành viên chính Ban soạn thảo, Tổ biên tập Xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24/NQ-TW và định hướng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng tham dự và trình bày báo cáo tại Hội thảo.

Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường

15-8-2023

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thông tin tới các đại biểu Quốc hội về việc sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, qua giám sát tại địa phương vẫn có nhiều văn bản nợ đọng, trong đó có việc hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với Luật Bảo vệ môi trường. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin những nội dung giao cho Bộ hướng dẫn đối với Luật Bảo vệ môi trường. Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất

17-8-2023

Ngày 16 tháng 8 năm 2023, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã chủ trì buổi làm việc với Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai và một số đơn vị trực thuộc Bộ về việc xây dựng nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất. Báo cáo tại buổi làm việc, ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5897/VPCP-NN ngày 2/8/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất, Cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, quy định của pháp luật có liên quan, rà soát tình hình thực hiện giao dịch quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến nay… Qua đó đã phân tích các hạn chế để đề xuất nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất.