TIN TỨC-SỰ KIỆN

Nghị quyết số 24-NQ/TW - Bước tiến lớn trong hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Ngày đăng: 11 | 08 | 2023

Ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã chủ trì hội thảo chuyên đề Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tham dự có hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ/ngành, các chuyên gia và nhà khoa học; lãnh đạo các đơn vị lĩnh vực môi trường thuộc Bộ; lãnh đạo Sở TN&MT, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng TN&MT tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành ngày 03/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI, đề ra những quyết sách lớn của Đảng trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta.

Nghị quyết đã đề ra 5 quan điểm và các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 hướng đến năm 2050; 4 nhóm nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; và 5 nhóm giải pháp.

Từ khi Nghị quyết ra đời đến nay, bối cảnh thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi lớn. Đại dịch Covid – 19, xung đột giữa Nga và Ukraine đã và đang tác động lớn đến phát triển kinh tế, xã hội. Ba cuộc khủng hoảng toàn cầu là BĐKH, suy thoái tài nguyên, đa dạng sinh học đang tiếp diễn. Trong thập kỷ phục hồi hệ sinh thái (2021 – 2030), Liên Hợp Quốc đang thúc đẩy các nước thực hiện Chương trình nghị sự 2030 để đạt 17 Mục tiêu Phát triển bền vững, Thoả thuận Paris về ứng phó BĐKH, Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal năm 2022...

 

img 2909
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì hội thảo

Hiện nay, các quốc gia đang đàm phán xây dựng Thỏa thuận Toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Cùng với các thành tựu của Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số ứng dụng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nhiều nước đang tích cực thực hiện kinh tế tuần hoàn và cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào 2050. Chính phủ Việt Nam và các đối tác quốc tế cũng đã thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Còn ở trong nước, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chủ trương phát triển nhanh và bền vững tăng trưởng kinh tế, gắn với phát triển công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH.

z4591478893591 dbd235b2feca021d9764dd86d8d005d4
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường trình bày Báo cáo đề dẫn Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Theo Chương trình làm việc của Bộ Chính trị và Ban Bí thư năm 2023, Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT được giao chủ trì chuẩn bị Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW. Riêng trong lĩnh vực môi trường, có 13 chỉ tiêu cần đánh giá kết quả thực hiện. Cùng với các kết quả trong thời gian qua, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến về quan điểm, định hướng và các giải pháp trong việc bảo vệ môi trường từ nay đến năm 2030 và hướng đến năm 2050, nhìn nhận khách quan trong bối cảnh mới và nhiệm vụ mới về vấn đề môi trường toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trình bày Báo cáo đề dẫn Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường cho biết: Giai đoạn 2013 – 2023 đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về BVMT. Hệ thống chính sách pháp luật được xây dựng bám sát yêu cầu thực tiễn các vấn đề phát sinh, xác định đúng vấn đề nút thắt, điểm nghẽn, kẽ hở, khoảng trống của chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ TN&MT, các Bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ mọi nguồn lực để nỗ lực xây dựng, trình ban hành Luật BVMT năm 2014 và 2020.

Về cơ bản, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã có những bước sắp xếp, kiện toàn bảo đảm tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đầu tư cho bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực. Tổng ngân sách sự nghiệp BVMT được tăng dần theo từng năm và luôn được đảm bảo bố trí không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước và cao hơn so với giai đoạn trước (năm 2022 tăng 2,2 lần so với năm 2013).

img 2932 1
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phát biểu tại Hội thảo

Cộng đồng, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường. Các cơ quan quản lý đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn (KCN, CCN, làng nghề, dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lớn,…); triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa.

Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH ) nhận được sự quan tâm từ các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH, CTR công nghiệp, chất thải nguy hại đều tăng so với giai đoạn trước. Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý , Nhà nước đã có nhiều biện pháp kiểm soát, ngăn chặn việc “lợi dụng” chính sách về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để đưa rác thải vào nước ta.

Cùng với chất lượng môi trường từng bước cải thiện, công tác bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên cũng có nhiều bước tiến. Cụ thể là đã chủ động kiểm soát được tác động tiêu cực của các dự án, hoạt động kinh tế tới thiên nhiên, đa dạng sinh học. Số lượng các khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển, các khu bảo tồn có danh hiệu quốc tế, khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế ở nước ta tiếp tục gia tăng. Quy trình kiểm dịch động, thực vật nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa các loài ngoại lai xâm hại.

"Nhìn chung, thông qua việc triển khai nhiều công cụ, biện pháp quản lý  đồng bộ, công tác BVMT trong 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực" - ông Nguyễn Hưng Thịnh khẳng định.

Theo khảo sát của PAPI, sau 6 năm, mức độ hài lòng của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường đã được cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 2016, môi trường là vấn đề người dân lo lắng thứ 2 thì đến năm 2021 ở mức thứ 10. Các chỉ số về bảo vệ môi trường đã đóng góp quan trọng đưa chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam ở vị trí 51/165 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng 37 bậc so với năm 2016.

Chia sẻ rõ hơn về một số chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực môi trường, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã trình bày về thực trạng, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa hướng tới phát triển bền vững. Ông Lê Văn Hữu, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã trình bày về chủ trương, giải pháp về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thời gian tới. Cùng với các kết quả đạt được, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý về môi trường cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn hại, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW.

img 2943
PGS.TS Trương Mạnh Tiến góp ý tại Hội thảo

Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Hữu Nghị đã có bài trình bày về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học cùng đại diện một số Sở TN&MT địa phương đã cho ý kiến về tình hình triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW, bám sát việc thực hiện các chỉ tiêu về môi trường và đề xuất quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới.

anh 2
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chỉ đạo Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT tổng hợp, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW. Thứ trưởng cũng yêu cầu Vụ Môi trường chủ trì phân 13 chỉ tiêu môi trương thành 13 chuyên đề chuyên sâu, đề nghị các đơn vị môi trường thuộc Bộ và các Bộ, ngành liên quan tiến hành đánh giá cụ thể theo đề cương. Việc đánh giá cần đưa ra luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn, chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, cùng với giải pháp tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu trong thời gian tới.

Theo Kế hoạch, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục tổ chức 2 hội thảo chuyên đề tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và biến đổi khí hậu. Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đã tổ chức hội thảo tham vấn cấp Vùng cho khu vực miền Bắc và sắp tới là 2 hội thảo khu vực miền Trung - Tây Nguyên, khu vực miền Nam.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

NỘI DUNG KHÁC

Phát triển Đồng Tháp tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

14-8-2023

Thủ tướng yêu cầu xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái và nông dân văn minh, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bao trùm, bền vững. Chiều 13/8, tại thành phố Cao Lãnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp nhằm đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh thời gian qua; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Cần thêm nhiều ý tưởng sáng tạo mới trong ứng phó biến đổi khí hậu

14-8-2023

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh điều này tại cuộc tiếp ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Astra Zeneca, sáng 14/8.  Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng đánh giá cao và gửi lời cảm ơn Astra Zeneca đã có những sự hỗ trợ quý giá, kịp thời đối với Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh trên toàn thế giới. Cám ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, ông Nitin Kapoor đã báo cáo về một số chương trình, dự án hợp tác đang triển khai tại Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thuốc của bệnh nhân, phát triển hệ thống y tế bền vững, cải thiện sức khoẻ cộng đồng, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc, sinh phẩm.

Tổng kết Nghị quyết số 24/NQ-TW: Tiếp tục cập nhật các nhiệm vụ cụ thể về quản lý tài nguyên

14-8-2023

Sáng 14/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì Hội thảo chuyên đề tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trong lĩnh vực quản lý tài nguyên theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự hội thảo có Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ TN&MT; đại diện Lãnh đạo Sở TN&MT của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các lãnh đạo, chuyên viên các chi cục, phòng chuyên môn lĩnh vực quản lý tài nguyên.Báo cáo tại hội thảo, ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Trong 10 năm qua, ngành TN&MT đã tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý tài nguyên đề ra tại Nghị quyết 24-NQ/TW, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hội thảo tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW tại khu vực phía Nam

15-8-2023

Sáng 14/8, tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Thành ủy TP.HCM và Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) tổ chức Hội thảo tham vấn khu vực miền Nam về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết 24-NQ/TW). Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế; 19 tỉnh, thành khu vực miền Nam; các Viện nghiên cứu, các chuyên gia và nhà khoa học. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường, thành viên chính Ban soạn thảo, Tổ biên tập Xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24/NQ-TW và định hướng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng tham dự và trình bày báo cáo tại Hội thảo.

Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường

15-8-2023

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thông tin tới các đại biểu Quốc hội về việc sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, qua giám sát tại địa phương vẫn có nhiều văn bản nợ đọng, trong đó có việc hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với Luật Bảo vệ môi trường. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin những nội dung giao cho Bộ hướng dẫn đối với Luật Bảo vệ môi trường. Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất

17-8-2023

Ngày 16 tháng 8 năm 2023, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã chủ trì buổi làm việc với Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai và một số đơn vị trực thuộc Bộ về việc xây dựng nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất. Báo cáo tại buổi làm việc, ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5897/VPCP-NN ngày 2/8/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất, Cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, quy định của pháp luật có liên quan, rà soát tình hình thực hiện giao dịch quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến nay… Qua đó đã phân tích các hạn chế để đề xuất nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất.

Lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về giá đất

17-8-2023

Sáng 17/8, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã chủ trì buổi làm việc với các Bộ ngành, chuyên gia về việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP về giá đất. Tham dự có đại diện một số Bộ ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học và một số hiệp hội…Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP về giá đất để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thị trường bất động sản, vướng mắc của địa phương trong định giá đất.

Hội thảo tham vấn khu vực miền Trung – Tây Nguyên tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24 NQ/TW

18-8-2023

Ngày 17/8, tại TP.Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Thành uỷ Đà Nẵng và Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) tổ chức Hội thảo tham vấn khu vực miền Trung và Tây Nguyên về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết 24-NQ/TW). Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Bùi Nhật Quang; Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, 16 tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên, các chuyên gia và nhà khoa học.

Tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về BVMT tại các tỉnh phía Bắc

21-8-2023

Vừa qua, Bộ TN&MT phối hợp cùng UBND TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị giao ban Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực phía Bắc. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì. Tham gia Hội nghị có đại diện Lãnh đạo và đơn vị chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, môi trường nước ta nói chung và khu vực phía Bắc nói riêng hiện vẫn đang chịu áp lực lớn từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội: chú trọng phát triển kinh tế, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ trở nên nghiêm trọng, cùng với các thách thức truyền thống và phi truyền thống khác sẽ còn tác động mạnh đến sự phát triển của nước ta trong những năm tới.

Chiến lược địa chất, khoáng sản: Lồng ghép với nội dung thích ứng biến đổi khí hậu

22-8-2023

Trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lồng ghép nội dung về Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng với các nội dung về phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thể chế các quan điểm, định hướng được nêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW vào nội dung Chiến lược.Theo quy định của Luật Khoáng sản 2010, việc lập chiến lược khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc và căn cứ sau đây: Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng; Bảo đảm nhu cầu về khoáng sản phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội; khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản, chống lãng phí; Nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng khoáng sản trong nước và khả năng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội; Kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã thực hiện; tiền đề và dấu hiệu địa chất liên quan đến khoáng sản.

Việt Nam - Canada: Nâng tầm hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

23-8-2023

Ngày 22/8, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã có buổi tiếp và làm việc với ông Shawn Steil, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam nhằm trao đổi về những chương trình hợp tác mà hai bên cùng quan tâm trong thời gian tới trong đó có hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thực chất, phù hợp với nhu cầu, lợi ích của mỗi nước. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh vui mừng cho biết, năm 2023 là năm Việt Nam và Canada kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều thành tựu hợp tác quan trọng giữa hai nước. Trong đó, Canada và Bộ TN&MT đã xây dựng quan hệ đối tác hiệu quả trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, nhất là các vấn đề ô nhiễm công nghiệp và quản trị môi trường.

Nghiên cứu lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất

23-8-2023

Bộ TN&MT đang chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất nhằm tránh tình trạng mua bán nhà trên giấy, hoạt động lừa đảo, thông tin sai sự thật. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân yêu cầu, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai cần nghiên cứu đề xuất Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo không phát sinh thủ tục và không tăng chi phí xã hội. Đồng thời, khẩn trương xây dựng các phương án thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần đánh giá ưu điểm và nhược điểm của các phương pháp, đề xuất lựa chọn phương án của Bộ và kiến nghị hoàn thiện chính sách trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý khi tổ chức triển khai thực hiện.