Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội từ thị trường carbon tự nguyện trong nước và quốc tế có giá trị khoảng 0,7 - 1,4 nghìn tỷ USD. Việc thiếu vắng các quy định quản lý tín chỉ các-bon tại Việt Nam đã đẩy dòng vốn trong nước đến các thị trường khu vực như Singapore, Thái Lan, Hồng Kông và Malaysia.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) qua báo cáo của các doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế tín chỉ các-bon và dữ liệu công bố bởi các cơ chế tín chỉ các-bon, đến nay, Việt Nam đã có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo các cơ chế tín chỉ các-bon. Trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp hơn 40,2 triệu tín chỉ các-bon và trao đổi trên thị trường các-bon thế giới.
Hầu hết lượng tín chỉ các-bon của Việt Nam bán trên thị trường quốc tế đến từ lĩnh vực lâm nghiệp, thông qua các thỏa thuận trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon với các tổ chức, định chế tài chính quốc tế. Thực tế, nguồn cung tín chỉ các-bon có thể đến từ bất kỳ hoạt động nào giúp giảm phát thải các-bon. Tính đến tháng 11/2022, hơn 7 triệu tín chỉ theo Tiêu chuẩn vàng (GS) được tạo ra từ các dự án khí sinh học, thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, 2,4 triệu tín chỉ theo Tiêu chuẩn các-bon được thẩm định (VCS) thuộc loại hình dự án nhu cầu năng lượng, công nghiệp năng lượng.
Đây là minh chứng cho định hướng đúng đắn của Nhà nước về các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam, với 5 ngành đóng góp chính: Năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, các quy trình công nghiệp và chất thải.
Hiện nay, Chính phủ đã có đề án xây dựng 1 triệu ha lúa chuyên canh giảm phát thải KNK tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành cùng các địa phương thu hồi tín chỉ các-bon. Đây là gợi ý cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư tạo tín chỉ các-bon trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Có rất nhiều dự án có thể thấy ngay về lợi ích giảm phát thải, chẳng hạn như năng lượng tái tạo thay thế cho nhiệt điện, xe điện thay xe động cơ đốt trong, hay lĩnh vực xử lý rác thải.
Ảnh: Thanh Miền
Trong lĩnh vực bất động sản, để có công trình đạt các-bon vận hành bằng “0”, các giải pháp ưu tiên là nâng cao hiệu suất năng lượng cho các tòa nhà, chuyển đổi nguồn năng dụng năng lượng của tòa nhà bằng năng lượng tái tạo tại chỗ hoặc từ bên ngoài. Đi sâu vào trung hòa lượng các-bon hàm chứa bên trong, công trình phải sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường và cần giải pháp thay thế cho lượng các-bon hàm chứa còn lại. Theo ông Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, mục tiêu giảm thiểu phát thải KNK của Bộ Xây dựng là 74,3 triệu tấn CO2tđ, đến từ quy trình công nghiệp, tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng và vận hành tòa nhà. Các doanh nghiệp, các tòa nhà thương mại phát thải lớn cùng nằm trong danh sách cơ sở bị kiểm soát việc phát thải KNK. Vì thế, các doanh nghiệp phải chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu mới, nỗ lực phát thải ròng bằng “0”. Nếu mức phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép, doanh nghiệp có thể chọn giải pháp thay thế qua việc trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường. Nếu thừa, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn thu từ bán tín chỉ hoặc hạn ngạch phát thải.
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề hiện nay là trong nước chưa có đơn vị đứng ra phát hành tín chỉ các-bon đủ tiêu chuẩn quốc tế. Việc thuê các tổ chức thẩm định từ nước ngoài làm phát sinh thêm chi phí và không hiệu quả về mặt kinh tế.
Với loại hình tín chỉ các-bon từ rừng được coi là mang lại lợi ích lớn nhất hiện nay, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhiều tỉnh thành sở hữu diện tích rừng lớn muốn tham gia chuyển nhượng tín chỉ các-bon. Song vấn đề là giá bán bao nhiêu thì hợp lý? Nếu Việt Nam bán và chuyển nhượng hết thì có thể tương lai sẽ phải mua lại với giá đắt hơn. Hiện nay, cơ quan quản lý đang xây dựng các khung pháp lý để địa phương, chủ rừng có thể chủ động xây dựng dự án, đàm phán chuyển nhượng tín chỉ các-bon. Nếu có đối tác muốn mua tín chỉ các-bon rừng của từ hai tỉnh trở lên thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trực tiếp ký, nếu một tỉnh thì chủ tịch tỉnh có thể ký, và nếu mua của chủ rừng thì chủ rừng ký trực tiếp. Số tiền bán được sẽ chuyển về Quỹ Bảo vệ phát triển rừng Việt Nam để phân phối.
Theo baotainguyenmoitruong.vn