Ngày 24/10/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường họp Hội đồng xét duyệt thuyết minh nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát, rà soát và đề xuất điều chỉnh Lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam đến 2030 của ngành TNMT”. Nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá các SDGs về tài nguyên và môi trường, trong đó tài nguyên bao gồm tài nguyên đất, nước, khoáng sản, biển-hải đảo; môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) từ đó, đề xuất điều chỉnh Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến 2030 của ngành tài nguyên và môi trường phù hợp với bối cảnh mới hiện nay, đồng thời đưa ra Dự thảo Quyết định của Bộ trưởng về phê duyệt về Kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến 2030 của ngành tài nguyên và môi trường. Tham dự buổi họp có Viện trưởng, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Chủ tịch Hội đồng; Phó Viện trưởng, TS Nguyễn Trung Thắng – Phó Chủ tịch Hội đồng cùng các thành viên Hội đồng và nhóm thực hiện nhiệm vụ.
Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được Liên hợp quốc đề ra và các quốc gia thành viên cam kết thực hiện đến năm 2030 để hướng tới sự phát triển bền vững, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên toàn thế giới và tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng. Thực hiện SDGs là trách nhiệm quốc gia và của toàn xã hội.
Nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu mục tiêu phát triển bền vững, nhóm Liên cơ quan và chuyên gia nghiên cứu chỉ tiêu về mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã được thành lập nhằm đánh giá mức độ phù hợp và cập nhập các thông số, chỉ tiêu phù hợp với tình hình thực tiễn của các quốc gia. Trong những năm qua, các chỉ thị SDG 2030 toàn cầu vẫn liên tục được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh thực tiễn trên toàn thế giới. Trong đó, 14 chỉ tiêu đã được đề xuất thay thế, 08 chỉ tiêu được đề xuất sửa đổi, 07 chỉ tiêu được đề xuất bổ sung và 06 chỉ tiêu được đề xuất xóa. Trong đó, có 05 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường.
Hiện nay, Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên đã và đang tham gia tích cực trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV). Với phương pháp tiếp cận toàn diện, cân bằng và tích hợp các khía cạnh phát triển bền vững đối với các chiến lược phát triển, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ) với 17 mục tiêu chung với 115 mục tiêu cụ thể và thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu PTBV, trong đó đặc biệt nhấn mạnh là Bộ chỉ tiêu thống kê PTBV của Việt Nam. Để cụ thể hóa các nội dung, các mục tiêu, nhiệm vụ được phân công cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13 tháng 12 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Quyết định 3756/QĐ-BTNMT về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 của ngành tài nguyên và môi trường với mục tiêu tổng quát “Thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến 2030 của ngành tài nguyên và môi trường được quy định tại Quyết định số 622/QĐ-TTg; hướng tới ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; quản lý bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Ngày 22/01/2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT Quy định về Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam.

Theo Quyết định 3756/QĐ-BTNMT ngày 13 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 của ngành tài nguyên và môi trường, Kế hoạch hành động đã đề ra 17 mục tiêu phân thành 6 nhóm lĩnh vực đi kèm với 40 chỉ tiêu cụ thể để giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu. Lộ trình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu SDGs ngành tài nguyên và môi trường được quy định theo các mốc thời gian thực hiện SDGs quốc gia cũng như của LHQ là năm 2020, 2025 và 2030. Kế hoạch hành động được đánh giá theo định kỳ hàng năm; sơ kết giữa kỳ vào năm 2020, 2025; đánh giá cuối kỳ năm 2030 và đề xuất sửa đổi, bổ sung, cập nhật các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch hành động theo các giai đoạn cho phù hợp.
Thực tế hiện nay, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình của các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2030 được ban hành đã điều chỉnh, cập nhật một số mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững. Các chiến lược và kế hoạch trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã được cập nhật, ban hành cho giai đoạn 2021-2030. Mặt khác, dịch COVID-19 đã có những tác động nhất định và dài hạn đến việc thực hiện các mục tiêu. Bối cảnh mới với nhiều thay đổi, đổi mới sáng tạo và các tiến bộ của khoa học và công nghệ đã có những tác động tới việc thực hiện các mục tiêu SDGs và do vậy cần có các chỉ tiêu phù hợp. Thực tế, trong thời gian qua, qua các báo cáo đánh giá hàng năm tình hình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của ngành tài nguyên và môi trường, một số chỉ tiêu đặt ra quá cao, cần được đánh giá lại và đề xuất lộ trình phù hợp. Một số chỉ tiêu đưa vào lộ trình nhưng không có số liệu để theo dõi, đánh giá.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 thay thế Quyết định số 681/QĐ-TTg. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao 19 mục tiêu trên tổng số 117 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 trong Lộ trình, bao gồm một số mục tiêu quan trọng như: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định; Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; Tỷ lệ diện tích các khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng được xử lý, cải tạo và phục hồi; Tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường; Tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền so với diện tích lãnh thổ đất liền…
Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường