TIN TỨC-SỰ KIỆN

Chào năm mới 2024

Ngày đăng: 02 | 01 | 2024

Cánh én mùa Xuân Giáp Thìn 2024 đang bay về bầu trời văn hóa Việt Nam mang theo những tín hiệu thật tốt lành, nhiều triển vọng mới, sức sống mới, niềm tin mới!Ngày mai bắt đầu từ hôm nay. Năm 2023 vững vàng nền móng để 2024 thêm những đỉnh cao mới. Năm qua Đảng, nhân dân ta đã phấn đấu hết sức mình để có những thành công đáng tự hào. Trong bộn bề khó khăn mà hậu đại dịch Covid-19 để lại, tình hình thế giới nhiều biến động, không mấy sáng sủa nhưng chúng ta đã vượt qua những “cơn gió ngược”, tự tin đi lên. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng chung của kinh tế thế giới 2023 chỉ đạt khoảng 2,5% GDP. Ngân hàng Thế giới (WB) bi quan hơn khi nhận định sẽ chỉ ở mức 2,1%. EU dự báo tích cực hơn cũng cho rằng chỉ khoảng 3,2%. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP năm 2023 của nước ta ước đạt trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng so với thế giới ta vẫn cao gần gấp đôi và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Nếu vậy quy mô nền kinh tế nước ta sẽ đạt tới 435 tỷ USD, xếp hàng thứ tư ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Nhìn vào các chỉ số sẽ thấy thế giới có cơ sở để đánh giá Việt Nam sở hữu nền kinh tế năng động với độ mở cao: Chỉ số trí tuệ nhân tạo (AI) xếp hạng 55 toàn cầu; chỉ số hạnh phúc tăng 12 bậc trong xếp hạng của Liên hợp quốc. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp Việt Nam hạng 46/132 quốc gia có Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (công bố ngày 27/9/2023). Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32/100...

nd1aa

Theo Tổng cục thống kê, tính chung 11 tháng năm 2023, cả nước có 201,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán năm; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 619,17 tỷ USD. Báo chí thế giới nhận định Việt Nam đang có sự gia tăng mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng mới của thế giới về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao. Tính đến ngày 20/11/2023, tổng thu hút FDI đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8%. Đang có làn sóng nhà đầu tư từ Anh, Mỹ và châu Âu đến tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam.

Xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế, nông nghiệp có những bước phát triển vượt bậc. Kim ngạch xuất khẩu gạo lập kỷ lục 4 tỷ USD, con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới. Không chỉ ấn tượng về số lượng, chất lượng gạo nước ta đã chinh phục các thị trường khó tính. Truyền thông số, thanh toán số, kinh tế số cũng là một điểm nhấn, với tổng khối lượng hàng hóa (GMV) kinh tế số Việt Nam năm 2023 ước đạt 30 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2022. Về hạ tầng cơ sở, các công trình trọng điểm đường bộ được đẩy mạnh, nâng tổng chiều dài cao tốc đưa vào khai thác lên 1.822km. Bà con nông dân rất phấn khởi vì đường sá thuận tiện tạo điều kiện lưu thông hàng hóa nông sản, thực phẩm. Thế giới đánh giá cao Việt Nam có chính sách giảm nghèo thiết thực, hiệu quả và thực hiện tốt các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 2,93%. Đất lành chim đậu, tính chung 11 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục, nổi bật với nhiều sự kiện tốt đẹp, như việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện. Nhiều chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm mang tính lịch sử của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden... Có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng, như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, Ủy ban Di sản thế giới, Ủy ban Luật pháp quốc tế… Việt Nam đóng góp tích cực vào các vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu, cắt giảm khí thải, cử cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia chịu thiên tai, xung đột... Đối ngoại đã góp phần đưa vị thế, uy tín, hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm với quốc tế.

Để có những thành tựu ấy là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, khoa học, hệ thống của Chính phủ, đúng như lời ông Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vào ngày 5/9/2023 trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản lí kinh tế vĩ mô. Còn là sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị; sự chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tất cả chung sức cùng nhau đưa con tàu kinh tế - xã hội tiến về phía trước. Các số liệu đều cho thấy tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Với đà ấy, năm 2024 đang mở ra những chân trời mới, đầy hứa hẹn, lạc quan.

Hòa trong niềm vui thành công của cả nước, ngành Tài nguyên và Môi trường năm qua đã có những kết quả thật tích cực. Ngoài việc tiếp tục tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW (03/06/2013) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và tiếp tục tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đang được hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2024. Bộ đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Bộ năm 2023 đứng thứ 3/17 bộ, ngành (có dịch vụ công). Với quốc tế, chúng ta tiếp tục tham mưu Chính phủ triển khai thực hiện mạnh mẽ quyết liệt các cam kết quốc tế về môi trường, khí hậu, nhất là mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ là một khối thống nhất, vững mạnh, cùng hướng theo khẩu hiệu Đoàn kết - kỷ cương, chủ động - linh hoạt, kịp thời - hiệu quả, phát triển - bứt phá để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường vì một tương lai bền vững. Một mùa xuân mới sắp về. Vận hội mới trong tư thế Rồng bay đang đến với đất nước Việt Nam yêu quý!

Nguồn: Báo TN&MT

NỘI DUNG KHÁC

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Nỗ lực của ngành TN&MT giúp giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội

3-1-2024

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành TN&MT sáng 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và những kết quả đạt được của ngành TN&MT trong năm 2023. Đồng thời đề nghị, trong năm 2024, toàn ngành TN&MT cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, minh bạch; tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống quy hoạch đồng bộ để giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội.

Điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất phải thống nhất, chính xác, sát tình hình thực tiễn

4-1-2024

Sáng 4/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về điều chỉnh phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022. Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, 3 loại chỉ tiêu sử dụng đất nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương là đất khu công nghiệp, đất giao thông, đất đô thị. Tính đến năm 2025, Quốc hội quyết định cả nước có 152.800 ha đất khu công nghiệp (tính cả khu công nghiệp hiện hữu). Các địa phương đề xuất tăng 49.543 ha so với chỉ tiêu được phê duyệt. Đáng chú ý, một số tỉnh có tỉ lệ thực hiện, lấp đầy khu công nghiệp rất thấp, không thuộc vùng trọng điểm phát triển công nghiệp, nhưng vẫn đề xuất bổ sung tăng thêm.

Quản lý tài nguyên nước: “Gieo hạt giống đổi mới”

8-1-2024

Năm 2023, khi tổ chức Tuần lễ nước thế giới tại Stockholm, Thụy Điển, Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh đến yếu tố thay đổi tư duy, tìm kiếm sáng tạo trong quản trị tài nguyên nước. Trong bối cảnh khan hiếm nước gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu, việc hoàn thiện chính sách pháp luật chính là “gieo những hạt giống đổi mới”, xâp đắp nền móng cho một hệ thống quản trị tài nguyên nước bền vững. Luật Tài nguyên nước chính thức được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/11/2023 được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi trong quản lý tài nguyên nước giai đoạn tới - giai đoạn mà chúng ta sẽ phải đối mặt với khủng hoảng nước vô cùng khốc liệt, giai đoạn mà nền tảng công nghệ sẽ hỗ trợ đắc lực cho con người trong quản trị tài nguyên… Những hạt giống đổi mới về quản trị tài nguyên nước đang được gieo trồng từ đây…

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tiếp Đoàn công tác Sở Sinh thái và Môi trường Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc

9-1-2024

Ngày 8/1/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã có buổi tiếp Đoàn công tác Sở Sinh thái và Môi trường Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Viện trưởng , PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cùng một số cán bộ thuộc Viện chủ trì buổi tiếp. Về phía Đoàn công tác Trung Quốc có ông CHEN Liang - Tổng Giám đốc, Sở Sinh thái và Môi trường Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; HUANG Jian - Giám đốc Phòng Công nghệ và Tài chính, Sở Sinh thái và Môi trường Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; CHEN Hexiao - Giám đốc Văn phòng Hợp tác và Trao đổi Quốc tế về Bảo vệ môi trường Quảng Tây; HE Qinghui - Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Công nghiệp Tái chế Quảng Tây… và một số đại diện cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Quảng Tây.

Thị trường tín chỉ carbon cần "đi trước" để bảo đảm lợi ích quốc gia, doanh nghiệp

9-1-2024

Sáng 8/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Đề án thành lập thị trường tín chí carbon tại Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) trên thực tế, bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Mục tiêu là tạo ra thị trường tín chỉ carbon công khai, minh bạch, trên cơ sở xác định tổng lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các địa phương, lĩnh vực, thậm chí đến từng chủ thể phát thải; sử dụng các công cụ kinh tế để thay đổi nhận thức, hành vi trong phát thải khí nhà kính. Theo Phó Thủ tướng, thị trường tín chỉ carbon chỉ có hiệu quả, lợi ích thực sự nếu được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu, nhưng đến nay mới chỉ có một số quốc gia, khu vực bắt đầu áp dụng những công cụ kinh tế để quản lý lượng phát thải khí carbon đối với một số sản phẩm hàng hóa.

Phối hợp, đoàn kết để quản lý tài nguyên nước một cách toàn diện

10-1-2024

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của 04 đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị cần có sự đoàn kết, phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ để đưa công tác quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước ngày càng được chặt chẽ, toàn diện hơn nữa. Chiều ngày 9/1, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Viện Khoa học tài nguyên nước tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của lĩnh vực tài nguyên nước. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã dự và chỉ đạo tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT cùng toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của 4 đơn vị quản lý tài nguyên nước của Bộ TN&MT.

Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi năng lượng công bằng

11-1-2024

Giai đoạn 2024 - 2028, các đối tác quốc tế sẽ hỗ trợ nguồn lực giúp Việt Nam triển khai các dự án cụ thể, nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Điểm đặc biệt, khoản tài chính 15,5 tỷ đô la theo JETP sẽ được phân bổ cho các dự án chưa huy động được vốn, chưa được phê duyệt hoặc đang trong giai đoạn đề xuất ý tưởng. Tại Hội nghị COP28 diễn ra vào đầu tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG). Sự kiện đánh dấu tròn 1 năm Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) thông qua Tuyên bố JETP vào tháng 12/2022.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức nghiệm thu các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2023

12-1-2024

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng giúp Bộ trưởng nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chiến lược, chính sách về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện nghiên cứu khoa học, cung cấp các dịch vụ công, tư vấn, đào tạo về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật. Trong những năm qua, Viện đã thực hiện tốt vai trò là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ để xây dựng, tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản trong lĩnh vực này. Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện hằng năm, nhằm bảo đảm cho hoạt động của tổ chức, duy trì và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực và hiệu quả phục vụ ngành TT&MT trong việc xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường làm việc với Đại sứ quán Thụy Điển về lĩnh vực tái chế

12-1-2024

Ngày 12/1/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã có buổi tiếp Đại diện của Thương vụ Thụy Điển tại Việt Nam. TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng cùng một số cán bộ thuộc Viện chủ trì buổi tiếp. Về phía Thương vụ Thụy Điển tại Việt Nam có ông David Lidén - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đồng thời là Trưởng Đại diện của Thương vụ Thụy Điển tại Việt Nam và bà Đặng Thảo Nguyên, Cán bộ Thương mại, Thương vụ Thụy Điển. Hiện nay, các công ty Thụy Điển rất quan tâm đến chủ đề phát triển bền vững nói chung và nền kinh tế tuần hoàn nói riêng. Mục đích của buổi làm việc là trao đổi thông tin về quy định về Bảo vệ môi trường của Việt Nam trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài; Yêu cầu về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, hai bên trao đổi thêm về những chiến lược, chính sách và ưu đãi của Việt Nam cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi kinh tế tuần hoàn nói chung, và các doanh nghiệp xử lý và tái chế chất thải (cụ thể là chất thải may mặc và nhựa) nói riêng; các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành này.

Số lượng cơ sở phải kiểm kê KNK sẽ tăng

15-1-2024

2 năm 1 lần, Thủ tướng Chính phủ sẽ điều chỉnh danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ TN&MT đã đưa vào dự thảo mới nhất danh mục cập nhật 2.893 cơ sở, tăng thêm 981 cơ sở so với năm 2022, ước tính chiếm tỷ lệ khoảng 34,5% trong tổng phát thải KNK quốc gia.Đây là các cơ sở có mức phát thải KNK cao thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực cần được quản lý chặt chẽ về phát thải KNK, thực hiện các hoạt động giảm phát thải KNK trong giai đoạn từ nay tới 2030 và có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải theo Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam vào năm 2030. Để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK toàn cầu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu yêu cầu các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, chi tiết hóa số liệu kiểm kê các lĩnh vực: Năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp. Các quốc gia dần kiểm soát ít nhất 85% tổng phát thải quốc gia từ các nguồn, cơ sở phát thải KNK trên phạm vi toàn quốc và thuộc các lĩnh vực nêu trên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

16-1-2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/1/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Công điện nêu: Do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết, thiên tai ngày càng bất thường. Hiện tại, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế tăng theo kỳ triều cường. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020-2021, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm 2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông; tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường hưởng ứng Ngày hội Hiến máu nhân đạo Xuân Giáp Thìn 2024

17-1-2024

Ngày 17/1/2024, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cùng hơn 400 cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn của các đơn vị thuộc Bộ TN&MT tham gia Chương trình hiến máu nhân đạo “Giọt hồng – Xuân Giáp Thìn 2024” do Công đoàn, Đoàn Thanh niên phối hợp Bộ TN&MT phối với Viện Huyết học và truyền máu Trung ương tổ chức. Hiến máu cứu người là hành động cao cả, nghĩa cử cao đẹp thể hiện lòng nhân ái, trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta. Nghĩa cử cao đẹp ấy cần được lan tỏa khắp mọi nơi, góp phần giúp cho cuộc sống tươi đẹp tràn đầy tình yêu thương và cũng là thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng. Ngay từ đầu giờ, tại các bàn đăng ký đã kín người đến xác nhận thông tin. Đội ngũ tình nguyện viên tận tình chỉ dẫn từng người đến khu vực lấy máu và tặng quà cho tình nguyện viên. Toàn bộ khu vực tổ chức hiến máu được bao trùm bởi một bầu không khí sôi động, vui vẻ, nghĩa tình.