TIN TỨC-SỰ KIỆN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Nỗ lực của ngành TN&MT giúp giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội

Ngày đăng: 03 | 01 | 2024

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành TN&MT sáng 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và những kết quả đạt được của ngành TN&MT trong năm 2023. Đồng thời đề nghị, trong năm 2024, toàn ngành TN&MT cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, minh bạch; tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống quy hoạch đồng bộ để giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội.

ttg pb trung canh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Sáng tạo, kịp thời, bám sát thực tiễn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, trong năm 2023, bám sát chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã rất nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, của ngành được nhịp nhàng, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh Bộ có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo. Nhiều kết quả quan trọng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và Nhân dân đánh giá cao.

Nổi bật là tạo lập hệ thống pháp luật về TN&MT ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống; chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, sản xuất, tài nguyên nước, thông tin, số liệu khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược của đất nước.

Hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ nét qua sự chuyển biến tích cực về thực hiện trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường.

Chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong Ngành TN&MT được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022, Bộ TN&MT xếp hạng 3/17 Bộ, cơ quan ngang Bộ (có dịch vụ công).

Cùng với đó, Bộ đã chủ động dự báo sớm, đủ độ chi tiết, tin cậy cao trong cảnh báo mưa lớn, bão, lũ trên các sông và các hình thái thời tiết cực đoan. Chủ động triển khai các chiến lược, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư ngoài nước cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương chia sẻ những thuận lợi khó khăn trong công tác phối hợp triển khai, đồng thời hiến kế, đóng góp ý kiến về các chủ trương lớn, các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp, sáng kiến, cơ chế phối hợp, hợp tác để giúp Bộ TN&MT xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thành công trong năm 2024.

Vai trò nòng cốt trong việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Phát biểu chỉ đạo tại Hôi nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi và nhiều hơn dự báo, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức chống chịu có hạn nhưng độ mở lớn, song đến ngày cuối cùng của năm 2023, có thể khẳng định chúng ta đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả năm, trong đó quy mô GDP đạt khoảng 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt khoảng gần 4.300 USD, niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư được tăng cường.

Phân tích thêm về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành TN&MT, Thủ tướng nêu rõ, cùng với con người và truyền thống lịch sử - văn hóa, thì thiên nhiên với các nguồn tài nguyên là một trong những nguồn lực bên trong mang ý nghĩa cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định để phát triển đất nước.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu mà ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung khá toàn diện của cả nước trong năm 2023.

Trước hết, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao, tập thể Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ TN&MT đã đoàn kết, đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt để triển khai linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

thu tuong trao doi ben le
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được Bộ quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống, như xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của ngành đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Toàn Ngành đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo luật này với đa dạng phương thức lấy ý kiến, với 12 triệu lượt ý kiến góp ý. Cùng với đó, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.

Bộ TN&MT cũng đã chủ động, khẩn trương triển khai lập, trình phê duyệt toàn bộ các quy hoạch cấp quốc gia (08/08 quy hoạch), đây đều là các quy hoạch quan trọng có tính chất khai mở, dẫn dắt, làm nền tảng cho sự phát triển ngành, lĩnh vực. Trong đó, lập Quy hoạch không gian biển quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng nhưng là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được triển khai thực hiện ở nước ta.

Thứ ba, công tác quản lý tài nguyên với nhiều kết quả quan trọng, toàn ngành đã chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, tài nguyên nước, thông tin, số liệu về khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược của đất nước.

Trong đó, toàn ngành đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 6.922 ha. Hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình trọng điểm quốc gia; cơ bản đáp ứng nguồn cung vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án trọng điểm tại khu vực phía Bắc và Tây Nguyên, ưu tiên bố trí ngay 9,1 triệu m3 cát đắp phục vụ các dự án cao tốc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngành cũng thực hiện điều tra tài nguyên cát biển, bước đầu đã xác định khu vực có diện tích khoảng 32 km2, với trữ lượng 145 triệu m3 có điều kiện khai thác khả thi để đề xuất chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác.

Thứ tư, việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được cải thiện về hiệu quả, hiệu lực; trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường ngày càng được nâng cao.

Đến nay, sau 2 năm kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành, các địa phương đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản triển khai, với nhiều kết quả tích cực như tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt hơn 92%; cơ bản hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đạt 95%...

Bộ đã rất tích cực triển khai định hướng của Đảng đối với mục tiêu “xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” thông qua việc triển khai xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn, phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Thứ năm, việc triển khai các chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu rất tích cực, đạt những kết quả quan trọng, đặc biệt là trong thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, Việt Nam là nước đầu tiên công bố kế hoạch Huy động nguồn lực, đánh dấu một cột mốc quan trọng hướng tới việc thực hiện cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) được thống nhất giữa Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG).

Thứ sáu, kết quả chuyển đổi số xây dựng Chính phủ điện tử. Công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành tài nguyên và môi trường đã được Bộ và các địa phương quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp hạng 3/17 Bộ, cơ quan ngang Bộ về mức độ chuyển đổi số; 63/63 tỉnh, thành phố đã và đang khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu ngành TN&MT tuyệt đối không chủ quan, say sưa, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Bên cạnh đó, cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, thách thức trong giải quyết những vấn đề phát sinh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu.

Theo đó, công tác xây dựng thể chế, chính sách đã được quan tâm, cố gắng, tuy nhiên, việc tham mưu sửa đổi một số văn bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh còn chưa được kịp thời, chậm so với yêu cầu. Việc triển khai, thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bộc lộ một số vướng mắc. Kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ ở nhiều địa phương còn thấp. Tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên còn phổ biến như đất đai nhiều dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa. Tiềm năng về kinh tế biển chưa được phát huy đầy đủ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi xanh cần tiếp tục được ban hành. Biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến nhanh…

Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy nguồn lực TN&MT vì một tương lai bền vững

Cơ bản đồng thống nhất với các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 mà ngành TN&MT đã xác định, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trước hết, cần quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KTXH năm 2024.

Coi trọng, làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, đặc biệt là xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên…, xem đây là yếu tố quyết định để phát triển ngành, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, khả thi để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội; bảo vệ môi trường sống, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất; tổ chức triển khai thi hành Luật ngay sau khi được thông qua, cùng với Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đồng thời, tổ chức xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội trong năm 2024; tiếp tục rà soát tháo gỡ các vướng mắc ở các văn bản dưới Luật để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cắt giảm tối đa những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; đồng thời phân cấp, ủy quyền tối đa, những gì địa phương có thể làm được, làm tốt thì để địa phương làm. Tuy nhiên, phải bảo đảm phân cấp đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát việc thực thi, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thủ tướng lấy ví dụ, thủ tục phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng hiện nay còn rất rườm rà, 10 ha lúa, 20 ha rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội, cản trở sự phát triển. Thủ tướng cho rằng cần phân cấp cho địa phương quyết định vấn đề này.

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên của đất nước. Tiếp tục tổ chức hiệu quả việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, xử lý, tái chế chất thải, nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Triển khai tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Nghiên cứu thí điểm mô hình tuần hoàn, ít phát thải để tiến tới nhân rộng cho cả nước.

Triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết chính trị với các đối tác về hỗ trợ cho chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển các ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái và triển khai các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Trong đó cần có các dự án, chương trình cụ thể, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ này.

Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục hiện đại hóa, tăng dày mạng lưới khí tượng thủy văn, trạm ra đa, mạng lưới quan trắc, nâng cao chất lượng dự báo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành TN&MT phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ ngành, địa phương, cơ quan, cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhau và ý kiến người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thông qua việc tiếp tục xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực TN&MT vì một tương lai bền vững, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thủ tướng tin tưởng rằng với truyền thống đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao ở Trung ương cũng như ở địa phương, ngành tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục phát triển tốt, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.

small bt phat bieu can canh
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian quý báu tới dự và chỉ đạo tại Hội nghị. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng rằng, sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ngành tài nguyên và môi trường, để Ngành tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao phó.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động toàn Ngành TN&MT, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh xin tiếp thu toàn bộ những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong Chương trình, kế hoạch công tác năm 2024 để tổ chức thực hiện có hiệu quả như Thủ tướng mong muốn.

Theo Báo TN&MT

NỘI DUNG KHÁC

Điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất phải thống nhất, chính xác, sát tình hình thực tiễn

4-1-2024

Sáng 4/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về điều chỉnh phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022. Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, 3 loại chỉ tiêu sử dụng đất nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương là đất khu công nghiệp, đất giao thông, đất đô thị. Tính đến năm 2025, Quốc hội quyết định cả nước có 152.800 ha đất khu công nghiệp (tính cả khu công nghiệp hiện hữu). Các địa phương đề xuất tăng 49.543 ha so với chỉ tiêu được phê duyệt. Đáng chú ý, một số tỉnh có tỉ lệ thực hiện, lấp đầy khu công nghiệp rất thấp, không thuộc vùng trọng điểm phát triển công nghiệp, nhưng vẫn đề xuất bổ sung tăng thêm.

Quản lý tài nguyên nước: “Gieo hạt giống đổi mới”

8-1-2024

Năm 2023, khi tổ chức Tuần lễ nước thế giới tại Stockholm, Thụy Điển, Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh đến yếu tố thay đổi tư duy, tìm kiếm sáng tạo trong quản trị tài nguyên nước. Trong bối cảnh khan hiếm nước gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu, việc hoàn thiện chính sách pháp luật chính là “gieo những hạt giống đổi mới”, xâp đắp nền móng cho một hệ thống quản trị tài nguyên nước bền vững. Luật Tài nguyên nước chính thức được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/11/2023 được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi trong quản lý tài nguyên nước giai đoạn tới - giai đoạn mà chúng ta sẽ phải đối mặt với khủng hoảng nước vô cùng khốc liệt, giai đoạn mà nền tảng công nghệ sẽ hỗ trợ đắc lực cho con người trong quản trị tài nguyên… Những hạt giống đổi mới về quản trị tài nguyên nước đang được gieo trồng từ đây…

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tiếp Đoàn công tác Sở Sinh thái và Môi trường Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc

9-1-2024

Ngày 8/1/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã có buổi tiếp Đoàn công tác Sở Sinh thái và Môi trường Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Viện trưởng , PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cùng một số cán bộ thuộc Viện chủ trì buổi tiếp. Về phía Đoàn công tác Trung Quốc có ông CHEN Liang - Tổng Giám đốc, Sở Sinh thái và Môi trường Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; HUANG Jian - Giám đốc Phòng Công nghệ và Tài chính, Sở Sinh thái và Môi trường Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; CHEN Hexiao - Giám đốc Văn phòng Hợp tác và Trao đổi Quốc tế về Bảo vệ môi trường Quảng Tây; HE Qinghui - Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Công nghiệp Tái chế Quảng Tây… và một số đại diện cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Quảng Tây.

Thị trường tín chỉ carbon cần "đi trước" để bảo đảm lợi ích quốc gia, doanh nghiệp

9-1-2024

Sáng 8/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Đề án thành lập thị trường tín chí carbon tại Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) trên thực tế, bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Mục tiêu là tạo ra thị trường tín chỉ carbon công khai, minh bạch, trên cơ sở xác định tổng lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các địa phương, lĩnh vực, thậm chí đến từng chủ thể phát thải; sử dụng các công cụ kinh tế để thay đổi nhận thức, hành vi trong phát thải khí nhà kính. Theo Phó Thủ tướng, thị trường tín chỉ carbon chỉ có hiệu quả, lợi ích thực sự nếu được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu, nhưng đến nay mới chỉ có một số quốc gia, khu vực bắt đầu áp dụng những công cụ kinh tế để quản lý lượng phát thải khí carbon đối với một số sản phẩm hàng hóa.

Phối hợp, đoàn kết để quản lý tài nguyên nước một cách toàn diện

10-1-2024

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của 04 đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị cần có sự đoàn kết, phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ để đưa công tác quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước ngày càng được chặt chẽ, toàn diện hơn nữa. Chiều ngày 9/1, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Viện Khoa học tài nguyên nước tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của lĩnh vực tài nguyên nước. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã dự và chỉ đạo tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT cùng toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của 4 đơn vị quản lý tài nguyên nước của Bộ TN&MT.

Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi năng lượng công bằng

11-1-2024

Giai đoạn 2024 - 2028, các đối tác quốc tế sẽ hỗ trợ nguồn lực giúp Việt Nam triển khai các dự án cụ thể, nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Điểm đặc biệt, khoản tài chính 15,5 tỷ đô la theo JETP sẽ được phân bổ cho các dự án chưa huy động được vốn, chưa được phê duyệt hoặc đang trong giai đoạn đề xuất ý tưởng. Tại Hội nghị COP28 diễn ra vào đầu tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG). Sự kiện đánh dấu tròn 1 năm Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) thông qua Tuyên bố JETP vào tháng 12/2022.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức nghiệm thu các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2023

12-1-2024

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng giúp Bộ trưởng nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chiến lược, chính sách về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện nghiên cứu khoa học, cung cấp các dịch vụ công, tư vấn, đào tạo về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật. Trong những năm qua, Viện đã thực hiện tốt vai trò là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ để xây dựng, tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản trong lĩnh vực này. Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện hằng năm, nhằm bảo đảm cho hoạt động của tổ chức, duy trì và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực và hiệu quả phục vụ ngành TT&MT trong việc xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường làm việc với Đại sứ quán Thụy Điển về lĩnh vực tái chế

12-1-2024

Ngày 12/1/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã có buổi tiếp Đại diện của Thương vụ Thụy Điển tại Việt Nam. TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng cùng một số cán bộ thuộc Viện chủ trì buổi tiếp. Về phía Thương vụ Thụy Điển tại Việt Nam có ông David Lidén - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đồng thời là Trưởng Đại diện của Thương vụ Thụy Điển tại Việt Nam và bà Đặng Thảo Nguyên, Cán bộ Thương mại, Thương vụ Thụy Điển. Hiện nay, các công ty Thụy Điển rất quan tâm đến chủ đề phát triển bền vững nói chung và nền kinh tế tuần hoàn nói riêng. Mục đích của buổi làm việc là trao đổi thông tin về quy định về Bảo vệ môi trường của Việt Nam trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài; Yêu cầu về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, hai bên trao đổi thêm về những chiến lược, chính sách và ưu đãi của Việt Nam cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi kinh tế tuần hoàn nói chung, và các doanh nghiệp xử lý và tái chế chất thải (cụ thể là chất thải may mặc và nhựa) nói riêng; các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành này.

Số lượng cơ sở phải kiểm kê KNK sẽ tăng

15-1-2024

2 năm 1 lần, Thủ tướng Chính phủ sẽ điều chỉnh danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ TN&MT đã đưa vào dự thảo mới nhất danh mục cập nhật 2.893 cơ sở, tăng thêm 981 cơ sở so với năm 2022, ước tính chiếm tỷ lệ khoảng 34,5% trong tổng phát thải KNK quốc gia.Đây là các cơ sở có mức phát thải KNK cao thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực cần được quản lý chặt chẽ về phát thải KNK, thực hiện các hoạt động giảm phát thải KNK trong giai đoạn từ nay tới 2030 và có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải theo Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam vào năm 2030. Để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK toàn cầu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu yêu cầu các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, chi tiết hóa số liệu kiểm kê các lĩnh vực: Năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp. Các quốc gia dần kiểm soát ít nhất 85% tổng phát thải quốc gia từ các nguồn, cơ sở phát thải KNK trên phạm vi toàn quốc và thuộc các lĩnh vực nêu trên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

16-1-2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/1/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Công điện nêu: Do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết, thiên tai ngày càng bất thường. Hiện tại, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế tăng theo kỳ triều cường. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020-2021, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm 2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông; tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường hưởng ứng Ngày hội Hiến máu nhân đạo Xuân Giáp Thìn 2024

17-1-2024

Ngày 17/1/2024, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cùng hơn 400 cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn của các đơn vị thuộc Bộ TN&MT tham gia Chương trình hiến máu nhân đạo “Giọt hồng – Xuân Giáp Thìn 2024” do Công đoàn, Đoàn Thanh niên phối hợp Bộ TN&MT phối với Viện Huyết học và truyền máu Trung ương tổ chức. Hiến máu cứu người là hành động cao cả, nghĩa cử cao đẹp thể hiện lòng nhân ái, trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta. Nghĩa cử cao đẹp ấy cần được lan tỏa khắp mọi nơi, góp phần giúp cho cuộc sống tươi đẹp tràn đầy tình yêu thương và cũng là thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng. Ngay từ đầu giờ, tại các bàn đăng ký đã kín người đến xác nhận thông tin. Đội ngũ tình nguyện viên tận tình chỉ dẫn từng người đến khu vực lấy máu và tặng quà cho tình nguyện viên. Toàn bộ khu vực tổ chức hiến máu được bao trùm bởi một bầu không khí sôi động, vui vẻ, nghĩa tình.

Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao

18-1-2024

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 432/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%), nếu tính so với số đại biểu Quốc hội có mặt bấm nút biểu quyết thì đạt tỷ lệ 90,56% tán thành; như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 18/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên bế mạc. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên phát thanh truyền hình quốc gia và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).