TIN TỨC-SỰ KIỆN

Thị trường tín chỉ carbon cần "đi trước" để bảo đảm lợi ích quốc gia, doanh nghiệp

Ngày đăng: 09 | 01 | 2024

Sáng 8/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Đề án thành lập thị trường tín chí carbon tại Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) trên thực tế, bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Mục tiêu là tạo ra thị trường tín chỉ carbon công khai, minh bạch, trên cơ sở xác định tổng lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các địa phương, lĩnh vực, thậm chí đến từng chủ thể phát thải; sử dụng các công cụ kinh tế để thay đổi nhận thức, hành vi trong phát thải khí nhà kính. Theo Phó Thủ tướng, thị trường tín chỉ carbon chỉ có hiệu quả, lợi ích thực sự nếu được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu, nhưng đến nay mới chỉ có một số quốc gia, khu vực bắt đầu áp dụng những công cụ kinh tế để quản lý lượng phát thải khí carbon đối với một số sản phẩm hàng hóa.

bcp cdnchinhphu vn 334894974524682240 2024 1 8 cac bon 4 17047021229131746603575
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các cam kết về cắt giảm phát thải khí nhà kính là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước; đồng thời là cơ hội để Việt Nam chuyển sang mô hình phát triển phù hợp trong tương lai - Ảnh: VGP/Minh Khôi

"Tuy nhiên, chúng ta phải chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành tập trung thảo luận về mục đích, mục tiêu của chính sách giảm phát thải khí carbon ở Việt Nam trong mối liên hệ với khu vực, toàn cầu; mô hình thị trường (doanh nghiệp tự nguyện tham gia hay Chính phủ dẫn dắt, bước đầu vận hành trong nước hay tham gia ngay vào thị trường quốc tế); lộ trình thực hiện, trong đó có những việc cần làm ngay: Cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải đến từng chủ thể phát thải.

Đề xuất lập sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển của quốc gia, cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với quốc tế và xu hướng phát triển thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, góp phần tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước trong việc tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Bảo đảm thị trường tín chỉ carbon trong nước hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế; hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường tín chỉ carbon, tăng sức cạnh tranh của quốc gia theo hướng phát triển kinh tế phát thải ít carbon và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững.

Hàng hóa trên thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam gồm 2 loại: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính; Tín chỉ carbon do Bộ TN&MT xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường tín chỉ carbon trong nước.

Chủ thể tham gia thị trường bao gồm: Các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; các tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon; các tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon theo quy định của pháp luật; các tổ chức hỗ trợ giao dịch.

Từ thực tế, nhiều nước đã thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện mô hình này tại Việt Nam.

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhanh chóng tạo lập khuôn khổ, hành lang pháp lý

Một số khó khăn vướng mắc được đại diện các bộ, ngành tập trung phân tích như: Hệ thống cơ chế chính sách quản lý tín chỉ carbon nông nghiệp, lâm nghiệp còn thiếu đồng bộ, tản mạn ở nhiều văn bản; phần lớn vùng sản xuất nông nghiệp và diện tích rừng chưa được phát triển tín chỉ carbon; thiếu sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; hạn chế trong đo đạc, kiểm đếm, thẩm định, chứng nhận tín chỉ carbon; xác định hàm lượng carbon trong hàng hóa;…

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, một số điểm mấu chốt trong hình thành thị trường tín chỉ carbon là: Quản lý hoạt động hình thành/tạo tín chỉ carbon; xây dựng kế hoạch giảm phát thải theo từng lĩnh vực; cơ chế trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế…

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng cần có cơ sở phân bổ hạn ngạch phát thải để làm căn cứ xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quản lý hoạt động phát thải. Bên cạnh đó, thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam phải kết nối với thế giới để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

"Đề án cần xác định rõ hơn mô hình thị thường với lộ trình triển khai nhất là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đánh giá tác động toàn diện với các ngành sản xuất, các hiệp định, cam kết quốc tế,…", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc trao đổi.

Thành lập và phát triển thị trường tín chỉ carbon đồng bộ, toàn diện

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh các cam kết về cắt giảm phát thải khí nhà kính là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước khi luôn coi biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất và cần tiếp cận toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển sang mô hình phát triển phù hợp trong tương lai.

"Đề án cần cập nhật những chính sách, thỏa thuận toàn cầu, cũng như các chiến lược, quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được ban hành với định hướng ứng phó biến đổi khi hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, giảm phát thải khí nhà kính… Thành lập thị trường tín chỉ carbon là bước cụ thể hóa để chuẩn bị cho những chính sách lớn trên phạm vi toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải, trao đổi tín chỉ carbon, tạo nguồn lực tài chính xanh để doanh nghiệp đổi mới công nghệ", Phó Thủ tướng gợi mở.

Trước tính phức tạp của Đề án, Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại COP26, sau khi lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành. Đề án nhằm thể chế hóa các chính sách về trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon, thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi nền kinh tế, tạo ra những nguồn lực xanh mới.

Đề án trả lời được những câu hỏi về phạm vi triển khai, sản phẩm, mô hình hoạt động nhằm tạo ra khuôn khổ, môi trường pháp lý, năng lực tổ chức, cơ chế vận hành, yêu cầu năng lực kỹ thuật để thành lập và phát triển đồng bộ thị trường tín chỉ carbon, từ khâu đánh giá, phân bổ hạn ngạch phát thải, đến hình thành, chứng nhận tín chỉ carbon, phương thức giao dịch…; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể tham gia (doanh nghiệp, nhà nước, người dân).

"Chúng ta thực hiện trách nhiệm cam kết toàn cầu trong giảm phát thải khí nhà kính nhưng phải bảo vệ lợi ích quốc gia một cách công bằng, công khai, minh bạch", Phó Thủ tướng lưu ý.

Nhấn mạnh vai trò dẫn dắt, kiến tạo của Nhà nước, Phó Thủ tướng cho rằng cần có đánh giá tác động của các công cụ kinh tế, tài chính, thuế, bảo đảm sự hài hòa trong nước với quốc tế, tính minh bạch trong trách nhiệm, quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT nâng cao năng lực xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải cho các ngành, lĩnh vực theo kế hoạch cụ thể, rõ ràng; thực thi được các quy định, tiêu chuẩn về cơ chế thống kê, đo đếm, chứng nhận về hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong lĩnh vực vận tải, điện tử, nông nghiệp…

Bộ Tài chính cần huy động sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, đội ngũ chuyên gia về cắt giảm khí nhà kính, kinh tế, tài chính, luật pháp quốc tế về biến đổi khí hậu, để nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng việc hình thành các chính sách liên quan đến thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia khác như: Phân bổ hạn ngạch phát thải, mô hình vận hành, các công cụ kinh tế, tài chính,… từ đó đề xuất cách tiếp cận, quan điểm, mục đích, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện cụ thể trong Đề án.

Theo chinhphu.vn

NỘI DUNG KHÁC

Phối hợp, đoàn kết để quản lý tài nguyên nước một cách toàn diện

10-1-2024

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của 04 đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị cần có sự đoàn kết, phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ để đưa công tác quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước ngày càng được chặt chẽ, toàn diện hơn nữa. Chiều ngày 9/1, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Viện Khoa học tài nguyên nước tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của lĩnh vực tài nguyên nước. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã dự và chỉ đạo tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT cùng toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của 4 đơn vị quản lý tài nguyên nước của Bộ TN&MT.

Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi năng lượng công bằng

11-1-2024

Giai đoạn 2024 - 2028, các đối tác quốc tế sẽ hỗ trợ nguồn lực giúp Việt Nam triển khai các dự án cụ thể, nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Điểm đặc biệt, khoản tài chính 15,5 tỷ đô la theo JETP sẽ được phân bổ cho các dự án chưa huy động được vốn, chưa được phê duyệt hoặc đang trong giai đoạn đề xuất ý tưởng. Tại Hội nghị COP28 diễn ra vào đầu tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG). Sự kiện đánh dấu tròn 1 năm Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) thông qua Tuyên bố JETP vào tháng 12/2022.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức nghiệm thu các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2023

12-1-2024

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng giúp Bộ trưởng nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chiến lược, chính sách về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện nghiên cứu khoa học, cung cấp các dịch vụ công, tư vấn, đào tạo về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật. Trong những năm qua, Viện đã thực hiện tốt vai trò là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ để xây dựng, tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản trong lĩnh vực này. Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện hằng năm, nhằm bảo đảm cho hoạt động của tổ chức, duy trì và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực và hiệu quả phục vụ ngành TT&MT trong việc xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường làm việc với Đại sứ quán Thụy Điển về lĩnh vực tái chế

12-1-2024

Ngày 12/1/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã có buổi tiếp Đại diện của Thương vụ Thụy Điển tại Việt Nam. TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng cùng một số cán bộ thuộc Viện chủ trì buổi tiếp. Về phía Thương vụ Thụy Điển tại Việt Nam có ông David Lidén - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đồng thời là Trưởng Đại diện của Thương vụ Thụy Điển tại Việt Nam và bà Đặng Thảo Nguyên, Cán bộ Thương mại, Thương vụ Thụy Điển. Hiện nay, các công ty Thụy Điển rất quan tâm đến chủ đề phát triển bền vững nói chung và nền kinh tế tuần hoàn nói riêng. Mục đích của buổi làm việc là trao đổi thông tin về quy định về Bảo vệ môi trường của Việt Nam trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài; Yêu cầu về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, hai bên trao đổi thêm về những chiến lược, chính sách và ưu đãi của Việt Nam cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi kinh tế tuần hoàn nói chung, và các doanh nghiệp xử lý và tái chế chất thải (cụ thể là chất thải may mặc và nhựa) nói riêng; các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành này.

Số lượng cơ sở phải kiểm kê KNK sẽ tăng

15-1-2024

2 năm 1 lần, Thủ tướng Chính phủ sẽ điều chỉnh danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ TN&MT đã đưa vào dự thảo mới nhất danh mục cập nhật 2.893 cơ sở, tăng thêm 981 cơ sở so với năm 2022, ước tính chiếm tỷ lệ khoảng 34,5% trong tổng phát thải KNK quốc gia.Đây là các cơ sở có mức phát thải KNK cao thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực cần được quản lý chặt chẽ về phát thải KNK, thực hiện các hoạt động giảm phát thải KNK trong giai đoạn từ nay tới 2030 và có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải theo Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam vào năm 2030. Để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK toàn cầu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu yêu cầu các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, chi tiết hóa số liệu kiểm kê các lĩnh vực: Năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp. Các quốc gia dần kiểm soát ít nhất 85% tổng phát thải quốc gia từ các nguồn, cơ sở phát thải KNK trên phạm vi toàn quốc và thuộc các lĩnh vực nêu trên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

16-1-2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/1/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Công điện nêu: Do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết, thiên tai ngày càng bất thường. Hiện tại, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế tăng theo kỳ triều cường. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020-2021, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm 2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông; tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường hưởng ứng Ngày hội Hiến máu nhân đạo Xuân Giáp Thìn 2024

17-1-2024

Ngày 17/1/2024, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cùng hơn 400 cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn của các đơn vị thuộc Bộ TN&MT tham gia Chương trình hiến máu nhân đạo “Giọt hồng – Xuân Giáp Thìn 2024” do Công đoàn, Đoàn Thanh niên phối hợp Bộ TN&MT phối với Viện Huyết học và truyền máu Trung ương tổ chức. Hiến máu cứu người là hành động cao cả, nghĩa cử cao đẹp thể hiện lòng nhân ái, trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta. Nghĩa cử cao đẹp ấy cần được lan tỏa khắp mọi nơi, góp phần giúp cho cuộc sống tươi đẹp tràn đầy tình yêu thương và cũng là thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng. Ngay từ đầu giờ, tại các bàn đăng ký đã kín người đến xác nhận thông tin. Đội ngũ tình nguyện viên tận tình chỉ dẫn từng người đến khu vực lấy máu và tặng quà cho tình nguyện viên. Toàn bộ khu vực tổ chức hiến máu được bao trùm bởi một bầu không khí sôi động, vui vẻ, nghĩa tình.

Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao

18-1-2024

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 432/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%), nếu tính so với số đại biểu Quốc hội có mặt bấm nút biểu quyết thì đạt tỷ lệ 90,56% tán thành; như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 18/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên bế mạc. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên phát thanh truyền hình quốc gia và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhiều vườn quốc gia tham gia Chương trình Danh lục xanh

22-1-2024

Việt Nam hiện có 10 khu bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên tham gia Chương trình Danh lục xanh của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nhằm đạt được tiêu chuẩn toàn cầu bảo tồn thành công đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm "Chương trình Danh lục xanh tại Việt Nam", do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) vừa tổ chức tại Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). IUCN đánh giá, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong bảo tồn đa dạng sinh học và việc tham gia Danh lục Xanh IUCN thể hiện cam kết đối với sự bền vững môi trường toàn cầu. Đến nay, Vân Long là Khu bảo tồn đầu tiên ở Đông Nam Á được chứng nhận Danh lục Xanh. 10 khu bảo vệ và bảo tồn ở Việt Nam đang tiến hành các hoạt động nhằm đạt được chứng nhận gồm: Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, VQG Bidoup - Núi Bà, VQG Cát Tiên, VQG Pù Mát và VQG Côn Đảo.

Hội thảo thúc đẩy quản lý chất thải hướng tới Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

23-1-2024

Ngày 23/01/2024, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam,  Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức “Hội thảo thúc đẩy quản lý chất thải hướng tới Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”. Mục tiêu của Hội thảo là tham vấn ý kiến về kết quả nghiên cứu thúc đẩy quản lý chất thải hướng tới KTTH tại Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản xác định phương thức áp dụng KTTH phù hợp với điều kiện, bối cảnh quốc gia. Đồng thời, mong muốn cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia tích cực và có trách nhiệm trong việc hiện thực hóa các sáng kiến KTTH để góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 thông qua việc thúc đẩy quản lý chất thải hướng tới KTTH. Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung chủ trì Hội thảo. Về phía JICA có ông Kubo Yoshimoto - Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam. Hội thảo thu hút sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học. Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang được xem là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Đến nay, trên thế giới có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã, đang và dự kiến sẽ xây dựng các lộ trình thực hiện KTTH.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Chiến dịch “Tiêu dùng văn minh - Giảm sinh rác nhựa”

28-1-2024

Trong hai ngày 24 – 25 tháng 01 năm 2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), các đối tác đồng hành (AEON Việt Nam, Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Công ty TNHH Botol Việt Nam và Công ty Truyền thông DG) tổ chức Chiến dịch “Tiêu dùng văn minh - Giảm sinh rác nhựa”. Chiến dịch nhằm huy động sự tham gia rộng rãi của người tiêu dùng trong việc thực hành các biện pháp giảm phát sinh rác thải nhựa trong quá trình mua sắm. Ô nhiễm nhựa trên diện rộng toàn cầu hiện đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng với môi trường và sinh vật biển, cũng như ảnh hưởng đến nhiều vấn đề kinh tế, xã hội. Theo báo cáo năm 2022 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong năm 2019 có 79 triệu tấn chất thải nhựa (CTN) phát sinh trên phạm vi toàn cầu; trong đó, khoảng 34 triệu tấn CTN được chôn vùi tại các bãi chôn lấp chất thải, 26 triệu tấn bị đốt ở các bãi lộ thiên (bao gồm các hoạt động đốt rác của hộ gia đình và đốt tại các bãi thải) và khoảng 7 triệu tấn được cho là thất thoát vào môi trường1. Tại Việt Nam, theo Bộ Công Thương, lượng hàng hóa sử dụng vào các dịp lễ Tết đầu năm thường có xu hướng tăng 15 - 30%2, song song với việc gia tăng số lượng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Hội thảo Tập huấn kiến thức về kinh tế tuần hoàn khu vực phía Nam

29-1-2024

Ngày 24/1/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức hội thảo "Tập huấn kiến thức về kinh tế tuần hoàn khu vực phía Nam". Hội thảo là cơ hội để thảo luận, trao đổi ý kiến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp tỉnh phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đến năm 2030; hỗ trợ các cơ quan quản lý cấp tỉnh có liên quan chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Kết quả buổi Hội thảo ngày hôm nay, sẽ đóng góp hiệu quả cho quá trình xây dựng và hoàn thiện kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn cấp tỉnh phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong thời gian tới. Hội thảo do Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung chủ trì.