TIN TỨC-SỰ KIỆN

Xuân với đổi mới sáng tạo

Ngày đăng: 19 | 02 | 2024

Như có nhân duyên giữa đất trời với con người và dân tộc Việt Nam, 21 tuổi - tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người, Nguyễn Tất Thành đã quyết định lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin làm việc để xuất dương tìm đường cứu nước.Mùa Xuân 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng xã hội Pháp, tiếp đó năm 1920, Nguyễn Ái Quốc là người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, là chiến sĩ cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Mười năm sau, vào mùa Xuân năm 1930 (ngày 3/2/1930), Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng với đường lối sáng tạo và đúng đắn, cách mạng Việt Nam đã đi cùng mùa Xuân, ghi những mốc son lịch sử chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh: Mùa Xuân năm 1954 với chiến thắng Điện Biên Phủ “vang dội địa cầu” buộc thực dân Pháp đầu hàng, rút quân khỏi Việt Nam sau gần 100 năm đô hộ, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam và là ngọn cờ vẫy gọi các dân tộc bị nô lệ vùng lên giải phóng khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân.

screenshot 1704790719

Sau Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 ở Hà Nội, buộc Mỹ phải ký hiệp định rút hết quân xâm lược khỏi miền Nam Việt Nam vào mùa Xuân năm 1973. Đầu Xuân năm 1975 Bộ Chính trị họp ngày 6/1, nêu quyết tâm giải phóng miền Nam. Trận thắng ngày 10/3/1975 ở Buôn Ma Thuột mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào mùa Xuân năm 1975, đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. “Mùa Xuân đầu tiên” Việt Nam giành độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; “Mùa Xuân theo én về” báo hiệu sự suy vong của chế độ thực dân mới.

Sau chiến thắng “hai đế quốc to” và cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam kết thúc thắng lợi, Việt Nam phải đương đầu với “trận chiến mới”. Thực hiện ý nguyện tha thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu dân tộc độc lập mà dân không được hưởng tự do thì độc lập không có ý nghĩa gì”, Đảng đã nhìn thẳng vào khó khăn, chỉ ra con đường vượt qua nghèo nàn, lạc hậu và trì trệ. Mùa Xuân năm 1986, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 31-NQ/TW (ngày 24/2/1986) về việc xử lý kiên quyết, nhanh chóng tình thế, đưa hoạt động kinh tế - xã hội vượt qua khó khăn. Cùng với các Nghị quyết 6, 7, 8 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa V) trước đó, Nghị quyết số 31 ghi dấu mốc lịch sử với việc hình thành tư tưởng đổi mới, làm cơ cở để Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới với tư duy: “Phải nhìn thẳng vào sự thật”; “Dám thay đổi lối mòn tìm ra cái mới”, từng bước thực hiện cơ chế thị trường thay cho cơ chế quan liêu bao cấp không còn phù hợp. Quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từng bước vừa thử nghiệm, sửa đổi, bổ sung; vừa sáng tạo để định hình và hoàn thiện dần cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó, mùa Xuân năm 1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (còn gọi là Khoán 10) đã tạo nên “một cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp. Từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989, sản lượng lúa cả nước đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn gạo. Đây là “thành tựu như trong mơ” có được nhờ cơ chế mới - cơ chế ra đời vào đúng mùa Xuân!

sd xuan doi moi 1

Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới khởi nguồn từ mùa Xuân 1986 với những chủ trương, chính sách và cơ chế có tính đột phá mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đất nước đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn để có được cơ đồ như ngày nay. Quy mô, trình độ nền kinh tế tăng gấp 13 lần, GDP đạt 433 tỷ USD, bình quân đầu người 4.340 USD, kim ngạch xuất khẩu tăng 295 lần. Có 143 nước và vùng lãnh thổ trực tiếp đầu tư vào Việt Nam (FDI) với số vốn tăng 22 lần. Hộ nghèo giảm từ 58% xuống dưới 4% theo chuẩn mới. Từ một nước nghèo và lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã thoát ra, đã vươn lên vào tốp các nước có thu nhập bình quân trung bình. Hiện là nước xuất khẩu nông sản đứng ở tốp đầu; có đối tác thương mại với 220 quốc gia, vùng lãnh thổ, là bạn hàng đứng thứ 7 của Hoa Kỳ. Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 31 nước, thành viên của 16 Hiệp ước Quốc tế về thương mại tự do. Nền kinh tế có độ mở hàng đầu thế giới.

Mùa Xuân năm 2023 diễn ra cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Joe Biden. Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là sự kiện lịch sử quan trọng đối với mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Việc Tổng thống Hoa Kỳ nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm và tiến hành hội đàm tại Văn phòng của Trung ương Đảng chứng tỏ Hoa Kỳ thừa nhận vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam và uy tín của Tổng Bí thư Đảng ta. Tại cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ nhất trí nâng quan hệ hai nước Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Hai nước tôn trọng độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

 

sd xuan doi moi 2

Lịch sử đất nước ở thời đại Hồ Chí Minh phát triển cùng mùa Xuân, nảy lộc, đâm chồi, ra hoa kết trái không ngơi nghỉ với thời gian. Đường lối cách mạng cùng với mục tiêu phấn đấu theo con đường đã chọn luôn được sáng tạo, bổ sung và hoàn thiện, với những cơ chế, chính sách ứng phó linh hoạt để phù hợp với tình hình, cũng như mùa Xuân luôn ứng biến với đất trời để phát triển xanh tươi.

Bước vào Xuân năm 2024, đất nước vững tin với những thành quả đã gặt hái được cũng như những hứa hẹn đang chờ đón: Việt Nam phấn đấu gia nhập hàng ngũ các cường quốc nằm trong chuỗi công nghệ bán dẫn toàn cầu; nghiên cứu, sản xuất sản phẩm chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển kinh tế kỹ thuật số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo… Việt Nam là địa chỉ tin cậy, là điểm đến đầy tiềm năng với những nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ tái tạo tầm cỡ thế giới.

Tháng 5/2023, Đảng ta đã tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ, với những kết quả và bài học rút ra được, ta càng tự hào và vững tin mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII (diễn ra vào mùa Xuân năm 2021) đã đề ra: Phấn đấu năm 2024, kinh tế tăng trưởng khoảng 6,0%; năm 2025, thu nhập bình quân đầu người 4.700 - 5.000 USD; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần tập trung vào các mũi đột phá chiến lược, trong đó, quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ; tăng cường sức mạnh tổng hợp và nguồn nhân lực con người Việt Nam kết hợp với vai trò của khoa học công nghệ; phát huy dân chủ, khối đại đoàn kết, giá trị văn hóa dân tộc với khát vọng thời đại, đưa đất nước phát triển thịnh vượng, bừng dậy sức Xuân, “sánh vai cùng cường quốc năm châu”.

Theo baotainguyenmoitruong

 

NỘI DUNG KHÁC

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường gặp mặt triển khai công tác đầu năm 2024

19-2-2024

Trong không khí mừng Xuân của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, ngày 15/02/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức buổi gặp mặt triển khai công tác năm 2024. Tham dự buổi gặp mặt có Lãnh đạo Viện, Công đoàn và toàn thể các cán bộ, viên chức và người lao động của Viện. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Viện trưởng – PGS.TS Nguyễn Đình Thọ gửi lời chúc mừng năm mới mạnh khỏe, an khang, hạnh phúc và thành công tới toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động và gia đình, chúc cho Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường trong năm Giáp Thìn 2024 phát triển mạnh mẽ hơn nũa, đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong năm 2024. Điểm lại một số thành tựu nổi bật Viện đã đạt được trong năm vừa qua, Viện trưởng biểu dương và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của toàn bộ cán bộ, viên chức và người lao động trong toàn Viện.

Quản lý khoáng sản theo nhóm

19-2-2024

Theo Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam – các đơn vị tổng hợp xây dựng dự thảo, một trong những điểm mới của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cập nhật là phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm. Dự thảo mới nhất có nhiều điểm bổ sung cho với các dự thảo trước. Đó là quy định phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cụ thể: Thẩm quyền UBND cấp tỉnh về điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép sử dụng vốn ngân sách địa phương; UBND cấp huyện đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV “khoáng sản làm vật liệu san lấp”. Một số điểm mới của Dự thảo này là: quy định về cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II thuộc khu vực dự trữ; xác nhận bản đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV…; cải cách hành chính; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có quy hoạch khoáng sản (phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu); bổ sung hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác.

Công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai 2024

19-2-2024

Sáng 19/2, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần chủ trì buổi họp báo. Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều.

Thống nhất đầu mối quản lý trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản

21-2-2024

Chiều 19/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan làm rõ mức độ thể chế hoá các nội dung của Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 10) trong dự án Luật; khả năng giải quyết triệt để những vấn đề thực tiễn đặt ra theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng "chia tách giữa quản lý quy hoạch điều tra, đánh giá địa chất cơ bản với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản". Một số nhóm vấn đề được Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến là: Phân nhóm khoáng sản để có giải pháp quản lý phù hợp theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương, cắt giảm thủ tục hành chính; ngân sách Nhà nước đầu tư điều tra cơ bản, thăm dò các loại khoáng sản quan trọng, chiến lược, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn sau đó đấu giá quyền khai thác; phạm vi điều chỉnh của Luật trong hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản; quy định căn cứ, thẩm quyền cấp phép đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phương pháp tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên sản lượng khai thác hàng năm; thẩm quyền đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia…

Bộ TNMT công bố danh sách 24 đơn vị tái chế

26-2-2024

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông báo công bố danh sách đợt đầu các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì đợt đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về năng lực, công suất, bảo vệ môi trường…Trên cơ sở đơn đề nghị, hồ sơ cung cấp của các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì và ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan; thực hiện quy định của Nghị định số 08/2022/NĐCP, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần theo quy định của pháp luật. Theo danh sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những đơn vị tái chế đầu tiên được công bố 24 đơn vị. Một số đơn vị có đủ năng lực để thực hiện tái chế cho nhiều loại sản phẩm.

Hội thảo Tập huấn kiến thức về kinh tế tuần hoàn khu vực miền Trung

26-2-2024

Ngày 23/2/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức Hội thảo "Tập huấn kiến thức về kinh tế tuần hoàn khu vực miền Trung". Hội thảo do Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung chủ trì với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học. Hội thảo là nơi thảo luận, trao đổi ý kiến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp địa phương; hỗ trợ các cơ quan quản lý cấp tỉnh có liên quan chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.  Các ý kiến góp ý sẽ là cơ sở quan trọng để bổ sung cho quá trình triển khai KHHĐ quốc gia thực hiện KTTH cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện KTTH cấp tỉnh trong tương lai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định về chế biến khoáng sản

26-2-2024

Trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động chế biến khoáng sản.Theo quy định tại Điều 53 của Hiến pháp năm 2013, “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Như vậy, khoáng sản sau khi khai thác (khoáng sản nguyên khai) đã chuyển từ sở hữu toàn dân (Nhà nước đại diện) sang sở hữu của tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản và trở thành hàng hoá. Theo đó, các chế định pháp lý liên quan để sử dụng khoáng sản nguyên khai để chế biến, hoặc tiêu thụ, kinh doanh khoáng sản được điều chỉnh bởi quy định của pháp luật về thương mại, pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, để bảo đảm việc sử dụng khoáng sản đúng mục đích và khuyến khích các dự án khai thác khoáng sản gắn với việc sử dụng công nghệ để chế biến ra các sản phẩm có giá trị cao, dự thảo Luật đã quy định chế biến là hoạt động phân loại, làm giàu khoáng sản, hoạt động khác nhằm làm tăng giá trị khoáng sản nguyên khai đã được khai thác và chế biến là một khâu trong hoạt động khai thác khoáng sản (khoản 19 và khoản 20 Điều 3).

Chi bộ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tham gia Hội nghị quán triệt nội dung 2 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

1-3-2024

Chiều 28/2, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung 2 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” và Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 416 điểm cầu, tổng số 18.319 đại biểu tham dự. Dự Hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương có đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Lại Xuân Môn, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Đỗ Việt Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương... Báo cáo viên tại Hội nghị là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và đồng chí Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao). Tham dự tại điểm cầu của Đảng ủy Bộ tài nguyên và Môi trường có đồng chí Lê Công Thành, Bí thư Đảng uỷ, Thứ trưởng Bộ TN&MT; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ Bộ, Bí thư các cấp ủy trực thuộc, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và cán bộ chuyên trách công tác Đảng của các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ TN&MT.

Khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện tái chế, xử lý chất thải

1-3-2024

Sáng 1/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì; chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, xuất khẩu. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết việc ban hành Quyết định là cần thiết, thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuy nhiên, kể từ khi Luật có hiệu lực đến nay, hầu hết doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về tái chế, và thường lựa chọn đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của nhà nước, thay vì tự thực hiện tái chế hoặc ký hợp đồng với doanh nghiệp tái chế. Trong quá trình xác định định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ (Fs), Bộ TN&MT đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế chi phí tái chế tại gần 70 cơ sở tái chế lớn trên toán quốc; đồng thời tham khảo, đối chiếu với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của nhà nước.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tham gia “Giải thể thao VIDS mở rộng năm 2024” chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

7-3-2024

Diễn ra trong hai ngày 4-5/3/2024, Giải thể thao VIDS 2024 chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Chiến lược phát triển đã kết thúc thành công rực rỡ. Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Chiến lược phát triển (VIDS), Công đoàn Viện Chiến lược phát triển phối hợp với Đoàn Thanh niên Viện tổ chức “Giải thể thao VIDS mở rộng năm 2024”.Tham gia Giải thể thao VIDS mở rộng năm 2024, ngoài cán bộ, công chức, viên chức của Viện Chiến lược phát triển, còn có các đội khách mời đến từ các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường – Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp; Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương; Tập đoàn Đất Việt. Đây là cơ hội để các cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, tạo thuận lợi cho việc phối hợp công tác chuyên môn, cũng như tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao thể chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị có mối quan hệ với Viện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024

7-3-2024

Chiều 6/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Bộ TN&MT và kết nối trực tuyến tới 500 điểm cầu tại các 63 tỉnh, thành phố và cả cấp huyện trên cả nước. Tham dự tại Hội trường Bộ TN&MT có đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện các Bộ ngành Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; lãnh đạo UBND, Sở TN&MT các tỉnh, thành: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ. Tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy; Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố; các Sở ban ngành và UBND cấp huyện.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thi nấu ăn “Quý ông vào bếp” chào mừng Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2024

8-3-2024

Nhân ngày kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910- 8/3/2024), được sự đồng ý của Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức Hội thi nấu ăn với chủ đề “Quý ông vào bếp”. Mục tiêu của chương trình là tạo sân chơi thiết thực, bổ ích, trong sáng, lành mạnh cho cán bộ, đoàn viên, lao động. Thông qua Hội thi giúp cho đoàn viên, lao động có cơ hội giao lưu, học tập, chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống để luôn giữ ấm ngọn lửa hạnh phúc của gia đình. Trước Hội thi, Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ đã có những chia sẻ, động viên hết sức chân thành gửi tới chị em trong ngày của mình và ghi nhận sự cố gắng nỗ lực, những đóng góp của chị em đối với thành tích của Viện trong những thời gian qua. Viện trưởng cũng đã có những chia sẻ về vị trí quan trọng và luôn xứng đáng nhận được sự tôn trọng, thấu hiểu trong công việc cũng như trong cuộc sống. Viện trưởng thay mặt Lãnh đạo Viện gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Viện và mong muốn các nữ cán bộ phát huy hơn nữa vai trò của mình, phấn đấu hoàn thành tốt công việc được giao.