TIN TỨC-SỰ KIỆN

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường gặp mặt triển khai công tác đầu năm 2024

Ngày đăng: 19 | 02 | 2024

Trong không khí mừng Xuân của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, ngày 15/02/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức buổi gặp mặt triển khai công tác năm 2024. Tham dự buổi gặp mặt có Lãnh đạo Viện, Công đoàn và toàn thể các cán bộ, viên chức và người lao động của Viện. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Viện trưởng – PGS.TS Nguyễn Đình Thọ gửi lời chúc mừng năm mới mạnh khỏe, an khang, hạnh phúc và thành công tới toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động và gia đình, chúc cho Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường trong năm Giáp Thìn 2024 phát triển mạnh mẽ hơn nũa, đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong năm 2024. Điểm lại một số thành tựu nổi bật Viện đã đạt được trong năm vừa qua, Viện trưởng biểu dương và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của toàn bộ cán bộ, viên chức và người lao động trong toàn Viện.

IMG 9454f
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường sẽ bước vào năm 2024 với nhiều thắng lợi mới.

Thay mặt Lãnh đạo Viện, Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ cũng bày tỏ mong muốn trong năm 2024, mỗi cán bộ, viên chức, người lao động công tác tại Viện tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, kiên trì phấn đấu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động để hoàn thành các nhiệm vụ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, xây dựng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn trong thời kỳ đổi mới đất nước. Đây cũng là dịp để mọi người gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và sẵn sàng bước vào công việc một cách tự tin, chủ động. Cũng tại buổi gặp mặt, Lãnh đạo Viện đã trao quà mừng tuổi đầu năm đến từng cán bộ, viên chức, người lao động như một lời động viên tinh thần nhân ngày đầu năm mới, bằng phong tục này, hi vọng toàn thể cán bộ, viên chức người lao động sẽ luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, đạt được những mục tiêu trong cuộc sống và sự nghiệp.

Buổi gặp mặt đầu năm đã diễn ra trong không khí thân mật, ấm cúng, tạo tiền đề, động lực, niềm tin và hi vọng cho toàn thể cán bộ của Viện bước vào năm 2024 với những công việc mới và thắng lợi mới.

Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ TN&MT

 

NỘI DUNG KHÁC

Quản lý khoáng sản theo nhóm

19-2-2024

Theo Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam – các đơn vị tổng hợp xây dựng dự thảo, một trong những điểm mới của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cập nhật là phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm. Dự thảo mới nhất có nhiều điểm bổ sung cho với các dự thảo trước. Đó là quy định phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cụ thể: Thẩm quyền UBND cấp tỉnh về điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép sử dụng vốn ngân sách địa phương; UBND cấp huyện đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV “khoáng sản làm vật liệu san lấp”. Một số điểm mới của Dự thảo này là: quy định về cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II thuộc khu vực dự trữ; xác nhận bản đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV…; cải cách hành chính; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có quy hoạch khoáng sản (phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu); bổ sung hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác.

Công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai 2024

19-2-2024

Sáng 19/2, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần chủ trì buổi họp báo. Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều.

Thống nhất đầu mối quản lý trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản

21-2-2024

Chiều 19/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan làm rõ mức độ thể chế hoá các nội dung của Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 10) trong dự án Luật; khả năng giải quyết triệt để những vấn đề thực tiễn đặt ra theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng "chia tách giữa quản lý quy hoạch điều tra, đánh giá địa chất cơ bản với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản". Một số nhóm vấn đề được Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến là: Phân nhóm khoáng sản để có giải pháp quản lý phù hợp theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương, cắt giảm thủ tục hành chính; ngân sách Nhà nước đầu tư điều tra cơ bản, thăm dò các loại khoáng sản quan trọng, chiến lược, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn sau đó đấu giá quyền khai thác; phạm vi điều chỉnh của Luật trong hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản; quy định căn cứ, thẩm quyền cấp phép đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phương pháp tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên sản lượng khai thác hàng năm; thẩm quyền đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia…

Bộ TNMT công bố danh sách 24 đơn vị tái chế

26-2-2024

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông báo công bố danh sách đợt đầu các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì đợt đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về năng lực, công suất, bảo vệ môi trường…Trên cơ sở đơn đề nghị, hồ sơ cung cấp của các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì và ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan; thực hiện quy định của Nghị định số 08/2022/NĐCP, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần theo quy định của pháp luật. Theo danh sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những đơn vị tái chế đầu tiên được công bố 24 đơn vị. Một số đơn vị có đủ năng lực để thực hiện tái chế cho nhiều loại sản phẩm.

Hội thảo Tập huấn kiến thức về kinh tế tuần hoàn khu vực miền Trung

26-2-2024

Ngày 23/2/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức Hội thảo "Tập huấn kiến thức về kinh tế tuần hoàn khu vực miền Trung". Hội thảo do Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung chủ trì với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học. Hội thảo là nơi thảo luận, trao đổi ý kiến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp địa phương; hỗ trợ các cơ quan quản lý cấp tỉnh có liên quan chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.  Các ý kiến góp ý sẽ là cơ sở quan trọng để bổ sung cho quá trình triển khai KHHĐ quốc gia thực hiện KTTH cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện KTTH cấp tỉnh trong tương lai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định về chế biến khoáng sản

26-2-2024

Trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động chế biến khoáng sản.Theo quy định tại Điều 53 của Hiến pháp năm 2013, “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Như vậy, khoáng sản sau khi khai thác (khoáng sản nguyên khai) đã chuyển từ sở hữu toàn dân (Nhà nước đại diện) sang sở hữu của tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản và trở thành hàng hoá. Theo đó, các chế định pháp lý liên quan để sử dụng khoáng sản nguyên khai để chế biến, hoặc tiêu thụ, kinh doanh khoáng sản được điều chỉnh bởi quy định của pháp luật về thương mại, pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, để bảo đảm việc sử dụng khoáng sản đúng mục đích và khuyến khích các dự án khai thác khoáng sản gắn với việc sử dụng công nghệ để chế biến ra các sản phẩm có giá trị cao, dự thảo Luật đã quy định chế biến là hoạt động phân loại, làm giàu khoáng sản, hoạt động khác nhằm làm tăng giá trị khoáng sản nguyên khai đã được khai thác và chế biến là một khâu trong hoạt động khai thác khoáng sản (khoản 19 và khoản 20 Điều 3).

Chi bộ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tham gia Hội nghị quán triệt nội dung 2 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

1-3-2024

Chiều 28/2, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung 2 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” và Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 416 điểm cầu, tổng số 18.319 đại biểu tham dự. Dự Hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương có đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Lại Xuân Môn, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Đỗ Việt Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương... Báo cáo viên tại Hội nghị là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và đồng chí Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao). Tham dự tại điểm cầu của Đảng ủy Bộ tài nguyên và Môi trường có đồng chí Lê Công Thành, Bí thư Đảng uỷ, Thứ trưởng Bộ TN&MT; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ Bộ, Bí thư các cấp ủy trực thuộc, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và cán bộ chuyên trách công tác Đảng của các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ TN&MT.

Khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện tái chế, xử lý chất thải

1-3-2024

Sáng 1/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì; chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, xuất khẩu. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết việc ban hành Quyết định là cần thiết, thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuy nhiên, kể từ khi Luật có hiệu lực đến nay, hầu hết doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về tái chế, và thường lựa chọn đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của nhà nước, thay vì tự thực hiện tái chế hoặc ký hợp đồng với doanh nghiệp tái chế. Trong quá trình xác định định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ (Fs), Bộ TN&MT đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế chi phí tái chế tại gần 70 cơ sở tái chế lớn trên toán quốc; đồng thời tham khảo, đối chiếu với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của nhà nước.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tham gia “Giải thể thao VIDS mở rộng năm 2024” chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

7-3-2024

Diễn ra trong hai ngày 4-5/3/2024, Giải thể thao VIDS 2024 chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Chiến lược phát triển đã kết thúc thành công rực rỡ. Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Chiến lược phát triển (VIDS), Công đoàn Viện Chiến lược phát triển phối hợp với Đoàn Thanh niên Viện tổ chức “Giải thể thao VIDS mở rộng năm 2024”.Tham gia Giải thể thao VIDS mở rộng năm 2024, ngoài cán bộ, công chức, viên chức của Viện Chiến lược phát triển, còn có các đội khách mời đến từ các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường – Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp; Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương; Tập đoàn Đất Việt. Đây là cơ hội để các cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, tạo thuận lợi cho việc phối hợp công tác chuyên môn, cũng như tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao thể chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị có mối quan hệ với Viện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024

7-3-2024

Chiều 6/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Bộ TN&MT và kết nối trực tuyến tới 500 điểm cầu tại các 63 tỉnh, thành phố và cả cấp huyện trên cả nước. Tham dự tại Hội trường Bộ TN&MT có đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện các Bộ ngành Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; lãnh đạo UBND, Sở TN&MT các tỉnh, thành: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ. Tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy; Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố; các Sở ban ngành và UBND cấp huyện.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thi nấu ăn “Quý ông vào bếp” chào mừng Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2024

8-3-2024

Nhân ngày kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910- 8/3/2024), được sự đồng ý của Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức Hội thi nấu ăn với chủ đề “Quý ông vào bếp”. Mục tiêu của chương trình là tạo sân chơi thiết thực, bổ ích, trong sáng, lành mạnh cho cán bộ, đoàn viên, lao động. Thông qua Hội thi giúp cho đoàn viên, lao động có cơ hội giao lưu, học tập, chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống để luôn giữ ấm ngọn lửa hạnh phúc của gia đình. Trước Hội thi, Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ đã có những chia sẻ, động viên hết sức chân thành gửi tới chị em trong ngày của mình và ghi nhận sự cố gắng nỗ lực, những đóng góp của chị em đối với thành tích của Viện trong những thời gian qua. Viện trưởng cũng đã có những chia sẻ về vị trí quan trọng và luôn xứng đáng nhận được sự tôn trọng, thấu hiểu trong công việc cũng như trong cuộc sống. Viện trưởng thay mặt Lãnh đạo Viện gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Viện và mong muốn các nữ cán bộ phát huy hơn nữa vai trò của mình, phấn đấu hoàn thành tốt công việc được giao.

Biến đổi khí hậu: Việt Nam chủ trì phiên trù bị xin ý kiến ICJ về nghĩa vụ quốc gia

11-3-2024

Sáng 9/3 (giờ địa phương), Phái đoàn thường trực hai nước Việt Nam và Vanuatu tại Liên hợp quốc (LHQ) đã phối hợp tổ chức Phiên họp trù bị trực tuyến liên quan đến thủ tục xin ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về nghĩa vụ quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu. Theo phóng viên TTXVN tại New York, tham dự phiên họp có các chuyên gia pháp lý, học giả và luật sư quốc tế từ hơn 20 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, đại diện Phái đoàn các nước tại LHQ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam. Tại phiên họp, trên cơ sở nhìn lại tiến trình xây dựng, thông qua Nghị quyết A/RES/77/276 ngày 29/3/2023 của Đại hội đồng LHQ đề nghị ICJ cung cấp ý kiến tư vấn về trách nhiệm quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu và các bước tố tụng đã tiến hành cho đến nay, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nhiều khía cạnh liên quan đến biến đổi khí hậu, một số án lệ liên quan và các nguyên tắc pháp lý mà ICJ có thể sẽ áp dụng trong vụ việc. Các diễn giả và đại biểu cũng trao đổi về nội dung và thực tiễn quốc gia mà các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương có thể cung cấp nhằm giúp ICJ có thêm cơ sở xem xét trong quá trình thụ lý yêu cầu nêu trên của Đại hội đồng LHQ. Đại biểu nhiều nước đã chia sẻ kinh nghiệm và một số lưu ý trong quá trình xây dựng đệ trình quốc gia để gửi lên ICJ trong khuôn khổ thủ tục xin ý kiến tư vấn này.