Ngày 23/2/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức Hội thảo "Tập huấn kiến thức về kinh tế tuần hoàn khu vực miền Trung". Hội thảo do Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung chủ trì với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học. Hội thảo là nơi thảo luận, trao đổi ý kiến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp địa phương; hỗ trợ các cơ quan quản lý cấp tỉnh có liên quan chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các ý kiến góp ý sẽ là cơ sở quan trọng để bổ sung cho quá trình triển khai KHHĐ quốc gia thực hiện KTTH cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện KTTH cấp tỉnh trong tương lai.
Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung phát biểu khai mạc Hội thảo
Khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 142) và trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại điểm a khoản 1 Điều 139 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030.
TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An phát biểu tại Hội thảo
Đồng thời, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 139, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn cấp tỉnh phù hợp với các kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, quan điểm của Chính phủ là thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ liên ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, cơ chế, định hướng, cung cấp thông tin, dữ liệu, tạo không gian, động lực và điều kiện cho quá trình chuyển đổi, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; quyền và lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng dân cư, các tổ chức và cá nhân là động lực dẫn dắt thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, đây là công cụ kinh tế nhằm thiết thực đóng góp vào thực hiện thành công các chủ trương, chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường đã được đề ra trong các Văn kiện của Đảng; chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Một trong những nội dung chính của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: (i) Xây dựng, lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn cấp tỉnh theo lộ trình, phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn này và điều kiện thực tiễn của địa phương; (ii) Xây dựng, ban hành hướng dẫn áp dụng, các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá; và tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện kinh tế tuần hoàn trên phạm vi địa bàn được giao quản lý.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:







Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ TN&MT