TIN TỨC-SỰ KIỆN

Chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 47%: Ngáng trở xuất khẩu

Ngày đăng: 12 | 03 | 2024

Một trong những khó khăn trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) lở mồm long móng (LMLM) để có thể xuất khẩu sang Trung Quốc là tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn khoảng 47%.

Đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ

Một trong những khó khăn trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) lở mồm long móng (LMLM) để có thể xuất khẩu sang Trung Quốc là tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn khoảng 47%, ý thức phòng dịch kém và tình hình buôn bán, vận chuyển qua đường biên diễn biến phức tạp. Do vậy dù lực lượng nòng cốt là các trang trại lớn có đảm bảo ATDB nhưng cũng khó có thể tạo được một vùng lớn ATDB.  

Ông Lê Tân Phong - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết toàn tỉnh hiện có gần 80.000 hộ chăn nuôi trong đó chỉ có 269 trang trại đáp ứng đủ điều kiện. Lào Cai có 182 km đường biên giới với Trung Quốc, hàng năm lượng hàng hóa trung chuyển rất lớn, các sản phẩm động vật vào và đi qua địa bàn thuận tiện, không được kiểm soát triệt để. Đây chính là nguyên nhân dịch bệnh động vật xâm nhập, lây lan vào.  

Mục tiêu cụ thể của tỉnh trong xây dựng vùng ATDB đối với bệnh LMLM là năm 2024-2025 lựa chọn 3 - 5 xã của huyện Bảo Thắng để thực hiện và đề nghị Cục Thú y công nhận vùng an toàn dịch bệnh LMLM cấp xã. Năm 2026 - 2028 xây dựng và đề nghị Cục Thú y xem xét công nhận vùng ATDB LMLM cấp huyện cho huyện Bảo Thắng và một số xã vùng thấp của huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu lợn sống và thịt lợn sang thị trường Trung Quốc.

Mô hình nuôi lợn theo trang trại khép kín. Ảnh: TL.

Mô hình nuôi lợn theo trang trại khép kín. Ảnh: TL.

Để làm được điều đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí mua vacxin và tổ chức tiêm phòng; giám sát dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng, xử lý ổ dịch; hỗ trợ một phần xây dựng, thẩm định hồ sơ công nhận cơ sở, vùng ATDB (hỗ trợ xây dựng mới lần đầu); kiểm soát vận chuyển, giết mổ; giám sát an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật; thông tin tuyên truyền; đào tạo, tập huấn, chỉ đạo, kiểm tra giám sát. Ngân sách cấp huyện bố trí kinh phí thực hiện duy trì các vùng ATDB cấp xã. Các doanh nghiệp, chủ cơ sở chăn nuôi tự đảm bảo kinh phí cho việc giám sát, duy trì cơ sở an toàn dịch bệnh hằng năm theo quy định.  

Lào Cai đề nghị Bộ NN-PTNT sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật; Hỗ trợ tỉnh xây dựng các vùng ATDB trọng điểm, đối với bệnh LMLM trọng tâm là huyện Bảo Thắng và một số xã thuộc huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bát Xát để phục vụ nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu. Giới thiệu các công ty, doanh nghiệp về lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản đầu tư vào tỉnh, nhất là chăn nuôi công nghệ cao, sản xuất hữu cơ.

Bà Đinh Thị Thu - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lạng Sơn chia sẻ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh từ năm 2021 đến nay đều đưa nội dung xây dựng vùng, cơ sở ATDB vào nhiệm vụ trọng tâm, mỗi năm hỗ trợ 2 - 5 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tổ chức xây dựng ATDB. Đến nay tỉnh đã có 12 cơ sở ATDB trong đó có 3 cơ sở ATDB LMLM đối với lợn, 1 cơ sở ATDB LMLM đối với trâu bò. Tồn tại là do đặc điểm địa hình đồi núi, dân cư tại nhiều nơi thưa thớt, chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán nên không đảm bảo an toàn sinh học, chưa chủ động được về con giống.

Thêm vào đó, tỉnh không có cơ sở giết mổ tập trung, riêng giết mổ lợn đã có trên 500 cơ sở nhỏ lẻ, nhiều nơi thương lái mua rồi giết mổ ngay tại hộ, hết nhà này lại sang nhà khác nên công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y rất nan giải. Tuy vậy, với lợi thế là tỉnh biên giới giáp với khu tự trị dân tộc Choang của Quảng Tây, Trung Quốc, Lạng Sơn rất mong xây dựng được vùng ATDB để có thể xuất khẩu nên đề nghị Bộ NN-PTNT, Cục Thú y giúp đỡ, hướng dẫn việc lựa chọn nơi nào cho phù hợp.

Chăn nuôi công nghiệp sẽ dễ đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chăn nuôi công nghiệp sẽ dễ đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Trịnh Xuân Bình - Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Giang đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí xây dựng vùng ATDB; kinh phí chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh, đánh giá sau tiêm phòng vắc xin; giám sát an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật...

Bộ giới thiệu, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ tỉnh tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang trung Quốc. Đề nghị Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng II tổ chức tập huấn hướng dẫn cán bộ Chi cục các thủ tục xây dựng các vùng chăn nuôi ATDB theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới để xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật; tổ chức tập huấn về công tác kiểm tra, đánh giá cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 24 ngày 30/12/2022 của Bộ NN-PTNT.

Tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi nông hộ

Để tháo gỡ thế bế tắc của chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chăn nuôi Thú y Nghệ An đề nghị Bộ NN-PTNT, Cục Thú y sớm tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ vì Quyết định số 50 ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực. Để xây dựng vùng chăn nuôi ATDB thì chăn nuôi nông hộ tại các vùng an toàn dịch là điều rất quan trọng, không thể không lưu tâm. Hướng dẫn tỉnh xây dựng vùng ATDB theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu như: vùng ATDB LMLM tại các huyện chăn nuôi bò sữa trọng điểm Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa; vùng chăn nuôi lợn ATDB tại huyện Quỳ Hợp (Masan); Có chính sách hỗ trợ tỉnh thu hút dự án, doanh nghiệp đầu tư giết mổ, chế biến công nghiệp, hiện đại tại thành phố Vinh, khu kinh tế Đông Nam... để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Cần kiểm soát ngay từ khâu giống. Ảnh: NNVN.

Cần kiểm soát ngay từ khâu giống. Ảnh: NNVN.

Tại Bắc Giang, ngày 18/10/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê Kế hoạch số 56 về việc “Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn. Tỉnh đặt ra mục tiêu xây dựng vùng ATDB LMLM và dịch tả lợn cổ điển đối với lợn trên địa bàn huyện Tân Yên giai đoạn 2025-2030. Để thực hiện thành công việc xây dựng vùng ATDB LMLM trên đàn lợn, theo Bắc Giang cần phải thực hiện các giải pháp sau:

Duy trì các cơ sở ATDB đã xây dựng, song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các trang trại chăn nuôi gia súc xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB đối với bệnh LMLM làm tiền đề xây dựng vùng ATDB LMLM trên đàn lợn. Phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng chương trình truyền thông về công tác phòng, chống bệnh LMLM. Tranh thủ nguồn lực của các doanh nghiệp, các tổ chức liên quan đến chăn nuôi thú y tăng cường tập huấn, hội thảo tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM. Thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường và tiêm phòng vacxin phòng bệnh LMLM cho đàn vật nuôi. Nâng cao kết quả công tác tiêm phòng vắc xin LMLM, phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng đạt ít nhất 80% tổng đàn trâu, bò, dê, lợn.

Chăn nuôi lợn đã vượt quá nhu cầu thịt trong nước. Ảnh: NNVN.

Chăn nuôi lợn đã vượt quá nhu cầu thịt trong nước. Ảnh: NNVN.

Tăng cường hệ thống giám sát và thông tin tình hình dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo phát hiện dịch bệnh sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Bố trí kinh phí thực hiện giám sát lưu hành vi rút nhằm cảnh báo sớm dịch bệnh và giám sát sau tiêm phòng để đánh giá hiệu quả sử dụng vắc xin. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý thị trường, công an, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, bảo đảm an toàn thực phẩm. Chủ động bố trí kinh phí đầy đủ cho công tác phòng chống bệnh LMLM. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc thực hiện phòng chống dịch bệnh LMLM trên địa bàn.

Vùng ATDB dễ dàng nhất là những vùng đất khá biệt lập, ngăn cách với các vùng khác bằng đường giao thông, đồi núi, sông hồ để dễ quản lý về hành chính, dễ kiểm soát động vật, sản phẩm động vật ra vào. Thứ hai là tất cả các cơ sở chăn nuôi trong vùng phải tuân thủ theo chung một quy trình. Thứ ba là vật nuôi trong đó phải tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo hướng dẫn, cùng một thời điểm để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Thứ tư là giám sát xem có mầm bệnh lưu hành bên trong hay không. Thứ năm là giám sát xem vắc xin có hiệu quả không. Thứ sáu là kiểm soát động vật, sản phẩm động vật ra vào. Thứ bảy là nắm thông tin để truy xuất được nguồn gốc…

https://nongnghiep.vn/chan-nuoi-nho-le-chiem-47-ngang-tro-xuat-khau-d377591.html

NỘI DUNG KHÁC

Bàn chuyện hậu xây dựng nông thôn mới

12-3-2024

Xây dựng nông thôn mới là chương trình nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ nhất của hệ thống chính trị và tạo chuyển biến toàn diện nhất ở khu vực nông thôn. Chương trình nào rồi cũng sẽ kết thúc nhưng phát triển nông thôn bền vững không có điểm dừng. Vì vậy, hậu xây dựng nông thôn mới là câu chuyện đáng bàn.

Nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai

12-3-2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 171/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030

Tiếp tục chú trọng đẩy mạnh mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông lâm thuỷ sản xuất khẩu trong năm 2024

24-1-2024

Theo báo cáo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thuỷ sản, đã bổ sung 38 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc, 13 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào Liên minh châu Âu, 45 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm sống, cua xuất khẩu vào Trung Quốc, 01 cơ sở vào Hoa Kỳ, 02 cơ sở vào Liên bang Nga; đã cấp 6.997 mã số vùng trồng, 1.613 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…; bổ sung sản phẩm xuất khẩu (dưa hấu sang Trung Quốc; dừa tươi sang Hoa Kỳ,…); đặc biệt một số mặt hàng nông sản lần đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Trung Quốc (sầu riêng, tổ yến, bưởi...), thực hiện tốt công tác dự báo, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu.

Nhiều hơn từ một trái thanh long

23-1-2024

Khi nhắc đến Bình Thuận, chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến trái thanh long với 90% sản lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa việc, nếu thị trường Trung Quốc “đóng cửa” với mặt hàng này của Việt Nam, nông dân chỉ biết “khóc ròng”. Vì vậy, không thể trông chờ vào một thị trường và thúc đẩy chế biến sâu là cách giải “bài toán” cho trái thanh long và Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) là một mô hình Hợp tác xã điển hình không chỉ giải được bài toán giải cứu thanh long mà còn làm giàu được từ trái thanh long.

Tín chỉ Carbon: Cơ hội để người dân phát triển kinh tế bằng giữ rừng

22-1-2024

(Chinhphu.vn) - Thị trường carbon được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và đang phát triển nhanh chóng về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia.

6 điểm mới, nổi bật trong Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua

22-1-2024

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với sáu điểm mới, nổi bật được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Tình hình xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam năm 2023

22-1-2024

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 12 ước đạt 5,2 tỷ đô la Mỹ, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2023 đạt 53,0 tỷ đô la Mỹ, giảm 1,2% so với năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 27,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,8%; Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 515 triệu đô la Mỹ, tăng 26,2%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt 9,0 tỷ đô la Mỹ, giảm 17,8%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đạt 14,4 tỷ đô la Mỹ, giảm 15,8%; Giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 2,0 tỷ đô la Mỹ, giảm 17,6%; Giá trị xuất khẩu muối đạt 5,9 triệu đô la Mỹ, tăng 22,1%.

Mô hình cánh đồng lớn trong ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long

22-1-2024

Cánh đồng mẫu lớn là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Cánh đồng lớn là cánh đồng lúa được nông dân trồng một loại giống lúa được doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và đồng thời tiêu sản phẩm. Đây được xem là mối liên kết bốn nhà (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học) trong sản xuất - tiêu thụ lúa gạo. Mối liên kết này đã tạo điều kiện cho các bên tham gia đều thụ hưởng lợi ích cao hơn. Nhà nông hưởng lợi từ những dịch vụ phục vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp, gia tăng giá trị, doanh nghiệp yên tâm về chất lượng đầu ra, ổn định vùng nguyên liệu.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025

18-1-2024

Xuất phát từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV (ngày 15-18/01/2024), Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong hai năm còn lại của giai đoạn 2021-2025.

Nhiều hợp tác xã xin tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

18-1-2024

Vụ đông xuân 2023 - 2024, An Giang có 19 hợp tác xã đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích 40 nghìn ha, có liên kết.

Mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cà phê ở Sơn La

5-1-2024

Từ khoảng những năm 1945, nhận thấy điều kiện đất đai và khí hậu thích hợp, người Pháp đã đưa cây cà phê arabica đến trồng tại tỉnh Sơn La. Sau hơn 70 năm, cây cà phê arabica đã trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh này. Năm 2020, diện tích cà phê tỉnh Sơn La đạt 17.804 ha, sản lượng ước đạt 25.581 tấn (cà phê nhân). Với diện tích trồng lớn, Sơn La là địa phương trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau tỉnh Lâm Đồng. Năm 2017, tỉnh đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân sống, cà phê hạt rang và cà phê bột.