ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Tín dụng nông nghiệp: Chính sách hay, vay được khó lắm!

Ngày đăng: 24 | 07 | 2017

Song song với thông báo hạ lãi suất từ phía Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH-ĐT cũng đang trong quá trình xin ý kiến cho Dự thảo Nghị định Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với một loạt ưu đãi lớn, đặc biệt là ngành chăn nuôi. Tuy nhiên...

Các chính sách tín dụng cho nông nghiệp hiện rất nhiều nhưng cũng rất khó tiếp cận

Tuy nhiên, thực tế trước đây nhiều chính sách từng được kỳ vọng, song khi áp dụng lại gây thất vọng.  

“Hàng rào" trước cửa ngân hàng

Phải ghi nhận một điều, đa phần các chính sách hỗ trợ hướng tới khu vực nông nghiệp, nông thôn được xây dựng lên ban đầu với mục đích, ý nghĩa thiết thực, hữu dụng cho doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực tam nông. Nhưng có một điểm chung, khi các chính sách được triển khai vào thực tế cuộc sống thông qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng đều gặp phải những “hàng rào kỹ thuật” vô hình, khiến đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận.

Không nói đâu xa, chính dự thảo chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mà Bộ KH-ĐT đang xin ý kiến trước khi trình Chính phủ hiện nay chính là tiếp nối của Nghị định 210/2013/NĐ-CP ban hành tháng 12/2013. Tuy nhiên, Nghị định 210, trong quá trình triển khai, gặp rất nhiều rào cản, vướng mắc, chồng chéo với các luật, nghị định khác nên đối tượng khu vực nông nghiệp bao nhiêu năm qua gần như không "bén mảng" được tới chính sách này.

Song song với các chính sách của Chính phủ, một số địa phương đặc biệt là những tỉnh, thành tự cân đối được ngân sách cũng ban hành các chính sách tín dụng hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, chăn nuôi công nghệ cao, nhưng có một điểm chung là những chính sách được xây dựng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền hay bằng lãi suất đều khó áp dụng triệt để khi đến cửa ngân hàng.

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh giống gia cầm lớn tại tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, theo quy định về chính sách hỗ trợ khi nhập giống vật nuôi cụ kỵ, ông bà thì doanh nghiệp được hỗ trợ 1 triệu đồng/con. Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp nhập giống ông bà về chỉ hết có mấy trăm nghìn đồng nên đang lúng túng chưa biết làm hồ sơ xin hỗ trợ thế nào.

Đi hỏi một số đơn vị được giao tiếp nhận, thậm định và xử lí hồ sơ, doanh nghiệp càng ngày càng nản dần vì thủ tục quá rườm rà, mất thời gian mà cuối cùng vẫn không được việc.  

DN vừa và nhỏ càng khó vay

Có một thực tế là trong các chính sách tín dụng hỗ trợ cho chăn nuôi công nghệ cao hiện nay, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn dễ tiếp cận hơn các doanh nghiệp, HTX vừa và nhỏ rất nhiều. Điển hình nhất của chính sách doanh nghiệp lớn đến được, doanh nghiệp nhỏ mon men đứng ngoài là gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo Quyết định 813 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, đã có một vài tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp lớn khi nhập giống cụ kỵ, ông bà, phát triển chăn nuôi công nghệ cao trong nửa đầu năm 2017 được hưởng ưu đãi từ chính sách tín dụng này, trong khi đó các trang trại, HTX chăn nuôi công nghệ cao quy mô vừa và nhỏ mới chỉ dừng lại ở mức… có biết đến chính sách. Mà con đường từ biết đến khi rút được đồng tiền ra khỏi ngân hàng không hề ngắn.

Phát biểu trên diễn đàn của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, đoàn Quốc hội Bình Phước từng đề cập đến vấn đề này. Ông cho biết, Chính phủ đưa ra gói tín dụng 100.000 tỉ là rất kịp thời. Nhưng muốn vay tiền, doanh nghiệp phải có 3 năm sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực, phải chứng minh có hoạt động nông nghiệp công nghệ cao, phải nằm trong vùng quy hoạch… Vì vậy, ông đề nghị mở rộng và nới các tiêu chuẩn để có nhiều hơn nữa doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.

Một minh chứng rõ nét nhất về sự thất thế của các doanh nghiệp, HTX, trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ khi phải “gõ cửa” các tổ chức tín dụng là trong chăn nuôi lợn. Theo đó, với một trang trại chuồng lạnh khép kín nuôi được 1.000 con lợn, nếu trang trại đó tự làm thủ tục vay ngân hàng, bắt buộc phải có thế chấp bằng sổ đỏ đất ở, thậm chí nhiều sổ đỏ thổ cư mới được giải ngân số tiền tương ứng.

Tuy nhiên, vẫn hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn đó, nếu ký kết hợp đồng gia công với các doanh nghiệp FDI hay tập đoàn lớn nào đó, chủ trang trại ngay lập tức được phía ngân hàng giải ngân mà không cần phải thế chấp bất cứ một cuốn sổ đỏ nào.

+ Được nhiều địa phương coi là nơi “không thiếu tiền mà chỉ thiếu cơ chế”, TP Hà Nội cũng tự ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng, lãi vay cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2016. Nhưng qua trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, ông Tạ Văn Tường cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, ngành chăn nuôi Hà Nội chưa tư vấn được cho doanh nghiệp, trang trại hay HTX nào tiếp cận được chính sách này bởi các điều kiện đưa ra rất ít đơn vị đáp ứng đủ.

+ Quá trình tìm hiểu thực tế trong lĩnh vực chăn nuôi nhận thấy, những chính sách hỗ trợ thông qua lãi suất hay trực tiếp bằng tiền khi áp dụng vào thực tế luôn gặp khó khăn, đặc biệt ở khâu giải ngân với ngân hàng.

Ngược lại, những chính sách hỗ trợ về đất đai, các loại thuế, phí ngay lập tức phát huy hiệu quả to lớn. Điển hình là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp KH-CN mà Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN đang triển khai có thể giúp doanh nghiệp mỗi năm tiết kiệm nhiều tỉ đồng mà không phải “lụy” bất cứ ai.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

NỘI DUNG KHÁC

Nghịch lý 'tài sản nhỏ bảo lãnh tài sản lớn' khi vay vốn phát triển nông nghiệp

25-7-2017

Có một thực trạng tồn tại trong hoạt động tín dụng nông nghiệp nhiều năm qua là các tài sản trên đất dù có giá trị lớn đến đâu cũng chỉ mang tính chất tham khảo, còn muốn vay vốn ngân hàng bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải thế chấp bằng sổ đỏ nhà đất.

Nhiều bất cập trong chương trình tín dụng tái canh cà phê

20-7-2017

VOV.VN - Tái canh cây cà phê là giải pháp quan trọng giúp phát triển bền vững ngành cà phê, nguồn lực kinh tế lớn nhất cho khu vực Tây Nguyên.

Những chính sách có hiệu lực trong tháng 7.2017

30-6-2017

Mức lương cơ sở sẽ tăng 90.000 đồng/tháng so với hiện nay; Chính thức có bảng lương, phụ cấp trong quân đội; Tăng tiền lưu trú công tác của công chức, viên chức;...là những chính sách sẽ có hiệu lực trong tháng 7.2017

Doanh nghiệp bảo trái luật, Bộ Y tế bảo không

22-6-2017

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, các doanh nghiệp ngành thủy sản gặp rất nhiều khó khăn do cách hiểu và diễn giải sai Luật an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.

Bảo lãnh tín dụng sau đầu tư của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX

27-6-2017

Về phạm vi bảo lãnh tín dụng, Quỹ có thể cấp bảo lãnh tối đa 100% giá trị khoản vay của bên được bảo lãnh tại tổ chức tín dụng nhưng không vượt quá 80% tổng vốn đầu tư của dự án, không bao gồm vốn lưu động...

Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng số tiền 560 tỷ đồng

12-5-2017

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa mới ban hành chương trình hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng hạn mức hỗ trợ là 560 tỷ đồng.

Dự thảo nghị định khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp bị chê

21-4-2017

Một dự thảo nghị định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo đã bị “chê” có những bất cập, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Phát triển NNHC: Thiếu hành lang pháp lý

11-4-2017

Dù được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng đến nay, sản xuất nông nghiệp theo phương thức hữu cơ của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu quy hoạch và quy chuẩn rõ ràng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đến nay chưa có bất cứ một văn bản nào liên quan đến nông nghiệp hữu cơ. Hoàn thiện hành lang pháp lý, quy chuẩn là một đòi hỏi tất yếu để nông nghiệp hữu cơ phát triển.

Khi hợp tác xã thực sự là “nhà”

28-3-2016

Trong quá trình “vật lộn” tìm hướng hoạt động mới, nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đã thực sự trở thành chỗ dựa của xã viên, tổ viên trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bí quyết thành công chung của những đơn vị này là đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của các thành viên.

HTX, làm sao thoát khỏi bóng của chính mình?

18-3-2016

Đã có một thời, nhắc đến hợp tác xã (HTX) là người ta nghĩ ngay đến sự trì trệ, bảo thủ. Sự bung ra của kinh tế hộ đã khiến mô hình HTX kiểu cũ khép lại vai trò lịch sử của mình. Giờ đây, khi sản xuất hàng hóa trở thành hướng đi tất yếu, vai trò của HTX trong việc thúc đẩy liên kết giữa các thành phần sản xuất lại được nhắc đến. Nhưng làm thế nào để HTX thoát khỏi bóng của chính mình, khẳng định vị thế của mô hình liên kết, hợp tác kiểu mới lại là chặng đường không hề dễ dàng.

Hơn 20.000 doanh nghiệp “chết lâm sàng”

28-3-2016

Quý đầu năm 2016, số doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động đã lên tới 20.044, tăng 23,9% so với cùng kỳ.

Khi những ông lớn 'xắn tay' vào nông nghiệp

11-2-2016

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ngành nông nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ chịu nhiều tổn thương nhất, nhưng một tín hiệu đáng mừng cho ngành này khi ngày càng nhiều “ông lớn” cũng “xắn quần” trồng rau, nuôi bò.