ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

HTX, làm sao thoát khỏi bóng của chính mình?

Ngày đăng: 18 | 03 | 2016

Đã có một thời, nhắc đến hợp tác xã (HTX) là người ta nghĩ ngay đến sự trì trệ, bảo thủ. Sự bung ra của kinh tế hộ đã khiến mô hình HTX kiểu cũ khép lại vai trò lịch sử của mình. Giờ đây, khi sản xuất hàng hóa trở thành hướng đi tất yếu, vai trò của HTX trong việc thúc đẩy liên kết giữa các thành phần sản xuất lại được nhắc đến. Nhưng làm thế nào để HTX thoát khỏi bóng của chính mình, khẳng định vị thế của mô hình liên kết, hợp tác kiểu mới lại là chặng đường không hề dễ dàng.

Thiếu vốn hoạt động, khó tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ, nguồn nhân lực thiếu và yếu, nhận thức chưa đầy đủ,… là những khó khăn cơ bản các HTX gặp phải, dù đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012.

Cái gì cũng thiếu và yếu

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Lê Hoan, Giám đốc HTX Trấn Ninh (Văn Quan - Lạng Sơn) khi nói về hoạt động của đơn vị mình. Được thành lập năm 2007 với 7 xã viên, đến tháng 7/2015, HTX tiến hành tổ chức đại hội theo Luật HTX năm 2012 với 68 thành viên, ngành nghề hoạt động tập trung làm những việc mà hộ thành viên nông dân không làm được hoặc làm được nhưng không hiệu quả, tham gia quản lý vận hành nhiệm vụ dịch vụ công ích của địa phương như thuỷ lợi, cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.

Xã viên HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh (Lạng Giang - Bắc Giang) phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn tín dụng nội bộ vay của HTX với lãi suất ưu đãi.

Tuy vậy, hoạt động của HTX đang gặp không ít khó khăn do vốn lưu động ít nên không mở rộng được hoạt động dịch vụ, hiệu quả hoạt động thấp, khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho thành viên hạn chế. Việc tiếp cận vốn tín dụng khó như “hái sao trên trời”. “Chúng tôi đã có đủ văn bản và dự án khả thi theo quy định để xin vay 300 triệu đồng với mục đích cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống khoai tây trồng vụ đông xuân 2015 -2016 cho các thành viên HTX. Nhưng đến nay, HTX vẫn chưa nhận được thông tin trả lời của ngân hàng, trong khi thời vụ trồng khoai tây đông xuân sắp hết”, ông Hoan than thở.

Đây cũng là những vướng mắc mà HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Lâm (Nam Sách – Hải Dương) gặp phải. Ngày 19/01/2014, HTX tiến hành Đại hội thành viên và chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 23 thành viên, tổng vốn góp là 187,9 triệu đồng, hoạt động trong một số lĩnh vực như dịch vụ thủy nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu một số nông sản cho nông dân, dịch vụ đánh bắt chuột, tín dụng nội bộ.

Mặc dù được đánh giá hoạt động khá hiệu quả (năm 2014, tổng doanh thu của HTX đạt 746 triệu đồng; tổng lãi 27 triệu đồng) nhưng việc vận động các hộ nông dân tham gia vào HTX gặp rất nhiều khó khăn, đến nay mới chỉ có 23 thành viên, trong khi các dịch vụ của HTX hầu như mang tính phục vụ cộng đồng như: thủy nông, đánh bắt chuột, chuyển giao khoa học kỹ thuật… Luật HTX năm 2012 đề cập đến nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước với HTX như ưu tiên giao đất xây dựng trụ sở, ưu tiên vay vốn ưu đãi,… nhưng việc tiếp cận được các chính sách lại là một câu chuyện dài.

Ông Nguyễn Mạnh Chư, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Trực Chính (Trực Ninh – Nam Định), cho rằng, số lượng xã viên quá đông (HTX Nông nghiệp Trực Chính có quy mô toàn xã, với 3.600 xã viên), đa phần không có ý thức, trách nhiệm xây dựng và phát triển HTX, không có vốn góp; tư tưởng bao cấp, ỷ lại còn lớn; bộ máy quản lý hoạt động bị ràng buộc và lệ thuộc nhiều vào chính quyền địa phương là những rào cản khiến HTX không thể hoạt động theo đúng quy định. Thực tế, hiện nay mỗi xã viên chỉ góp vốn tối thiểu 150.000 đồng để xác định tư cách thành viên mà không bắt buộc góp vốn kinh doanh dẫn tới ý thức, trách nhiệm cùng HĐQT xây dựng, phát triển HTX bền vững còn hạn chế.

Khó tiếp cận chính sách

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện mới chỉ có khoảng 10% HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; 80% hoạt động trung bình và yếu; 9,75% HTX hoạt động kém hoặc ngừng hoạt động.

Đơn cử như tại Quảng Ngãi, trong 181 HTX đang hoạt động, có 50 HTX (chiếm 26,6%) được đánh giá thuộc loại khá; 89 HTX trung bình (chiếm 47,3%) và 49 HTX yếu kém (chiếm 26,1%). Các HTX  khá là những đơn vị tổ chức được 4 - 5 dịch vụ như: Dịch vụ thủy lợi, khuyến nông, bảo vệ thực vật, cung ứng giống … và hầu hết các HTX này đều tổ chức dịch vụ tín dụng nội bộ. Các HTX trung bình chủ yếu làm các dịch vụ truyền thống như: Thủy lợi, làm đất, thú y, bảo vệ thực vật … Hầu hết các HTX này chưa mạnh dạn mở thêm dịch vụ để phát triển sản xuất kinh doanh, có HTX hình thành ý tưởng thì lại không có vốn để hoạt động, hoặc có vốn nhưng lại không xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Các HTX được đánh giá yếu kém là những HTX gần như không có hoạt động kinh doanh dịch vụ gì ngoài dịch vụ thủy lợi, nguồn thu chính từ nguồn cấp bù thủy lợi phí, nợ khê đọng trong HTX nhiều năm không thu được nên không có vốn để tổ chức kinh doanh hoặc vốn quá ít, kinh doanh không hiệu quả, các thành viên không tin tưởng nên không gắn bó với HTX.

Ngoài những lý do về thiếu vốn, nguồn nhân lực, các thành viên chưa mặn mà,… thì việc triển khai các chính sách hỗ trợ HTX chưa đến đầu đến đũa cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Dù đã có nhiều chính sách tạo động lực cho HTX phát triển nhưng số lượng và tỷ lệ các HTX tiếp cận được chính sách rất thấp. Trong 12 nhóm chính sách hỗ trợ được thống kê mỗi năm, cao nhất mới có khoảng 3%, thấp nhất chỉ 0,13% số HTX tiếp cận được. “Những nhóm chính sách quan trọng để hỗ trợ các HTX thực hiện tốt vai trò trong việc giúp nông dân liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, an toàn và có giá trị cao như hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ khoa học công nghệ, sơ chế và chế biến sản phẩm hay tiếp thị sản phẩm… đều đạt tỷ lệ rất thấp.

Tiếp cận tín dụng vẫn là nội dung khó khăn nhất của HTX nông nghiệp. Đến nay, mới có 26,6% số HTX có đất làm trụ sở, còn lại phải đi thuê, mượn và mới chỉ có khoảng 2% HTX nông nghiệp được thuê đất sản xuất kinh doanh”, TS.Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT nêu một thực tế.

Còn theo nghiên cứu của Oxfam, tính từ thời điểm Luật HTX 2003 đến nay, nhà nước đã ban hành 143 chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế tập thể. Tuy vậy, cách hiểu về phát triển kinh tế hợp tác còn chưa chính xác, chưa bắt kịp với thực tiễn phát triển. Nhiều chính sách ban hành chưa giúp thúc đẩy đúng bản chất, vai trò của tổ chức nông dân như đối tác độc lập trong phát triển, mà có xu hướng thiên lệch trong phát triển HTX hơn so với tổ hợp tác. Các chính sách còn chồng chéo và kém hiệu quả trong thực thi; thiếu chính sách “đòn bẩy” để tạo đột phá.

Báo cáo cũng cho thấy, xu hướng liên kết qua tổ chức của nông dân ngày càng phổ biến hơn so với hình thức liên kết trực tiếp giữa nông dân với doanh nghiệp qua các hợp đồng kinh tế, và là lựa chọn tốt hơn trong việc đảm bảo quyền lợi và tiếng nói của nông dân. Mô hình tổ hợp tác đang tăng mạnh do nông dân mong muốn liên kết trong điều kiện phù hợp với năng lực và nhu cầu của mình, có các giá trị chung được chia sẻ, các nguyên tắc căn bản về tự nguyện, tự chủ, tự quản, minh bạch được đảm bảo. Gần 75% nông dân thể hiện mối quan tâm tới các nguyên tắc dân chủ và minh bạch trong hợp tác liên kết để họ được quyền có tiếng nói trong quá trình ra quyết định.

Có một thực tế đáng buồn là, đến nay, chỉ có khoảng 10% số HTX tham gia vào việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân, dù đây là mục tiêu cao nhất của công cuộc chuyển đổi. Hiện, nhiều nông dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất khi có tới 80,9% nông dân được hỏi cho biết liên kết làm tăng doanh thu cho hộ, 77,8% khẳng định tăng lợi nhuận, 85,6% người dân được hỏi khẳng định các mô hình hợp tác liên kết giúp nâng cao tính tương trợ, gắn kết trong cộng đồng, giảm bớt những nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh như tự hạ giá, phá giá lẫn nhau, giúp tăng năng lực đàm phán (theo nghiên cứu của Oxfam). Nhưng làm thế nào để HTX liên kết được các nông hộ nhỏ lẻ thành một vùng sản xuất lớn, cho ra những sản phẩm cùng chất lượng lại không phải là việc đơn giản.

Từ thực tế phát triển ở các địa phương, TS.Lê Đức Thịnh cho rằng, mỗi vùng miền, địa phương phát triển mô hình HTX theo cách khác nhau vì phải dựa vào trình độ sản xuất, thâm canh. Ví như ở miền Nam, mô hình THT, HTX liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín đang phát triển mạnh thì ở miền Bắc, mô hình HTX toàn dân, hỗ trợ các dịch vụ đầu vào của quá trình sản xuất là phù hợp. “Hội nhập là tất yếu và không thể cưỡng lại được. Do đó, vai trò của kinh tế tập thể, vai trò của HTX phải phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Muốn vậy, sự quan tâm hỗ trợ chính sách đúng và trúng là một vấn đề. Mặt khác, các HTX phải chủ động trong phát triển nội lực để người dân có thể đặt niềm tin, coi tổ chức này là điểm tựa để tìm đến khi khó khăn, giải quyết những vướng mắc khi cần”, ông Thịnh nói.

Theo Kinh tế nông thôn

NỘI DUNG KHÁC

Hơn 20.000 doanh nghiệp “chết lâm sàng”

28-3-2016

Quý đầu năm 2016, số doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động đã lên tới 20.044, tăng 23,9% so với cùng kỳ.

Khi những ông lớn 'xắn tay' vào nông nghiệp

11-2-2016

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ngành nông nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ chịu nhiều tổn thương nhất, nhưng một tín hiệu đáng mừng cho ngành này khi ngày càng nhiều “ông lớn” cũng “xắn quần” trồng rau, nuôi bò.

DN nông nghiệp “đi trên cầu khỉ” khi hội nhập

28-2-2016

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung đã ví von như vậy khi nói về những lực cản của doanh nghiệp nông nghiệp trong quá trình hội nhập. Quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực hạn chế, những rào cản từ cơ chế, chính sách đang khiến nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn ngại ngần.

Agribank chủ lực đầu tư nguồn vốn tái canh cây cà phê

1-12-2015

Là Ngân hàng Thương mại Nhà nước giữ vai trò chủ lực trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn với dư nợ cho vay lĩnh vực này hiện chiếm 73%/tổng dư nợ, đạt 487.453 tỷ đồng, nguồn vốn của Agribank thực sự góp phần quan trọng vào thành công chung các Chương trình trọng điểm của Chính phủ, trong đó có Chương trình tái canh cà phê.

Doanh nghiệp kiến nghị bỏ quota xuất khẩu gạo: Lúc lỏng lẻo, lúc lại hà khắc quá!

3-11-2015

"Lúc đầu vì lỏng lẻo quá mà không kiểm soát được về sau lại hà khắc quá mà không xuất được hàng, đó chính là hai thái cực của chuyện xuất khẩu gạo Việt Nam" - ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục Trồng trọt chia sẻ cùng NNVN.

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Đất đai là điểm nghẽn lớn nhất

3-11-2015

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp”. Góp ý về nội dung này, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, cần có giải pháp mạnh hơn để đẩy nhanh tích tụ đất đai, nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Vì sao phải tái cơ cấu nông nghiệp?

7-10-2015

Tái cơ cấu (TCC) nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là mục tiêu chính của Đề án TCC nông nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10.6.2013.

“Dàn trận” hút vốn đầu tư vào nông nghiệp

30-6-2015

Chớp thời cơ vàng khi một loạt tập đoàn lớn muốn đổ vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất lập “nhóm tác chiến” để thu hút và hỗ trợ kết nối đầu tư vào nông nghiệp, nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp đóng vai trò chính trong liên kết “4 nhà”

15-6-2015

Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Cà Mau) về vấn đề liên kết "bốn nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) chưa phát huy được tác dụng, tình trạng "được mùa mất giá" ngày một lan rộng ở nhiều sản phẩm nông sản?

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Khó tìm được “đất sạch”!

7-4-2015

Khi đầu tư vào nông nghiệp, đối với các doanh nghiệp (DN) thì vốn và công nghệ không phải là trở ngại lớn, mà vấn đề nằm ở chỗ, họ rất khó tìm được đất để sản xuất trên quy mô lớn, nhất là “đất sạch”. Một số chuyên gia cho rằng, DN chỉ cần gom một phần “đất lõi”, còn lại là liên kết với nông dân, song xem ra việc này cũng không hề dễ dàng…

Tìm giải pháp xuất khẩu nông sản

31-3-2015

Kim ngạch xuất khẩu nông sản trong quý 1 năm 2015 đang giảm mạnh, hầu hết các sản phẩm mũi nhọn như cà phê, tiêu, cao su, gạo, tôm, cá tra… đều gặp khó khăn.

XK nông, lâm, thủy sản sụt giảm: Nhiều bất cập cần tháo gỡ ngay

31-3-2015

Trước thực trạng xuất khẩu nông lâm thủy sản trong quý I/2015 chỉ đạt hơn 6,1 tỷ USD (giảm hơn 13% so với cùng kỳ), ngày 30.3, Bộ NNPTNT đã tổ chức cuộc họp với đại diện các bộ, ngành, và hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu.