TIN TỨC-SỰ KIỆN

Tái cơ cấu ngành Lúa gạo: Cơ hội tăng thu nhập cho nhà nông

Ngày đăng: 08 | 06 | 2016

Đề án Tái cơ cấu ngành Lúa gạo đến năm 2020 và 2030 đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo, làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa..

Xung quanh nội dung này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD).

* PV: Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Xin ông cho biết mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của đề án là gì?

- TS. Trần Công Thắng: Thị trường lúa gạo Việt Nam hiện phát triển rất tốt, sản xuất đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu, cũng như góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo thu nhập cho người nông dân, cũng như nâng vị thế lúa gạo của Việt Nam trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, ngành Lúa gạo Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn thách thức như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; công nghệ còn yếu kể cả công nghệ trong sản xuất, sau thu hoạch hay chế biến, nhất là chế biến sâu có giá trị gia tăng cao; liên kết trong chuỗi yếu, thiếu những doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi giá trị. 

Mặc dù xuất khẩu tốt nhưng xưa nay ngành Lúa gạo vẫn dựa vào lợi thế về giá rẻ, mà xu hướng này đang ngày càng thay đổi vì các thị trường đang có nhu cầu về gạo chất lượng cao, gạo thơm. Cùng với đó là thách thức do biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Những vấn đề này đòi hỏi phải nhanh chóng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Đây cũng chính là lý do mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị trong Bộ xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam. 

Giá lúa gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn còn rẻ

* PV: Trong nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành Lúa gạo mà đề án đã nêu, theo ông, những giải pháp nào cần được ưu tiên trong tình hình hiện nay?

- TS. Trần Công Thắng: Để có thể đạt được mục tiêu đặt ra, đề án đã chỉ ra rất nhiều nhóm giải pháp từ rà soát quy hoạch, các giải pháp liên quan đến tái cơ cấu khâu sản xuất lúa, tổ chức sản xuất và đổi mới thể chế… Những giải pháp này đều rất quan trọng và cần triển khai toàn diện. Tuy nhiên, theo tôi cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp ưu tiên. Trước hết là đổi mới khoa học công nghệ (KHCN), tăng đầu tư nghiên cứu phát triển. Trong đó, tập trung hợp tác nghiên cứu phát triển giống lúa chất lượng cao, chống chịu ngoại cảnh, phù hợp với yêu cầu thị trường…; xây dựng các chuỗi giá trị liên kết hộ nông dân, doanh nghiệp (DN), trong đó DN là đầu tàu dẫn dắt cả chuỗi.

Bên cạnh đó là giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng. Giải pháp này sẽ tập trung vào hoàn chỉnh đồng ruộng, củng cố giao thông và thủy lợi nội đồng ở các vùng chuyên canh; nâng cấp hệ thống đường thủy, đường bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường kết nối tới các vùng chuyên canh và cảng Cần Thơ. Đồng thời xây dựng hệ thống đồng bộ về thông tin thị trường, bệnh dịch, thời tiết, kỹ thuật tại một số vùng chuyên canh thí điểm; hỗ trợ DN xây dựng kho lúa khô, đảm bảo lúa lưu kho với tiêu chuẩn tốt tại một số vùng chuyên canh, xây dựng phát triển kho ngoại quan tại một số thị trường trọng điểm. 

Ngoài ra, chúng ta phải đổi mới chính sách và thể chế như chính sách đất đai, thu hút DN đầu tư vào trong ngành, hỗ trợ sản xuất bền vững, chính sách tài chính, phát triển xuất khẩu, thị trường nội địa, hệ thống phân phối…   

* PV:  Việc thu hút DN trong và ngoài nước tham gia vào sản xuất và kinh doanh lúa gạo theo quy mô lớn cũng được đặt ra trong đề án. Theo ông, để thực hiện được điều này chúng ta cần có chính sách hỗ trợ đặc thù như thế nào?

- TS. Trần Công Thắng: Thu hút đầu tư chính là một trong những giải pháp ưu tiên trong đề án. Mục tiêu của chính sách này nhằm mang lại những ưu đãi để kéo DN đầu tư trong ngành Lúa gạo, nhất là các DN có kết nối tốt với hộ nông dân, DN đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao, chế biến sâu cho giá trị gia tăng cao, DN đầu tư vào chế biến phụ phẩm từ gạo.

Theo đó, chính sách ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư trong đề án gồm hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đất đai, thuế đối với các DN liên kết trực tiếp với nông dân, DN chế biến sử dụng công nghệ cao, DN tham gia các dự án liên kết công tư. Đặc biệt, để thu hút DN, Bộ cũng đề xuất ưu đãi tín dụng cho các DN sản xuất máy móc, vật tư đầu vào, cung cấp giống, DN đầu tư vào các dịch vụ sấy, kho tàng, hậu cần phục vụ thương mại và ưu đãi cho người nông dân mua máy móc sản xuất, áp dụng giống mới.

Song song đó, chúng ta cần rà soát lại các chính sách khuyến khích cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch; hỗ trợ thực hiện áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu…Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng khuyến khích DN tham gia xuất khẩu và tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất khẩu nhưng đảm bảo chất lượng và uy tín gạo xuất khẩu Việt Nam.

* PV: Xin cảm ơn ông!  

Theo TBTC

NỘI DUNG KHÁC

Thư mời tham gia chào giá cạnh tranh cung cấp điều hòa

18-4-2016

Thư mời tham gia chào giá cạnh tranh cung cấp điều hòa

Thư mời cung cấp dịch vụ tổ chức hội thảo

15-4-2016

Thư mời cung cấp dịch vụ tổ chức hội thảo

Thư mời cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách và cung cấp vé máy bay

15-12-2015

Thư mời cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách và cung cấp vé máy bay

Tỷ giá gây bất lợi kép cho xuất khẩu nông sản

27-5-2016

Xuất khẩu nông sản sụt giảm thời gian qua một phần do các nước ồ ạt phá giá đồng nội tệ, trong khi tiền đồng vẫn được giữ ở mức khá ổn định. Nhận định này được đưa ra Hội thảo Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2016 sáng nay (27/5).

Hội thảo Triển vọng Ngành nông nghiệp Việt Nam 2016

26-5-2016

Năm 2015 là một năm khó khăn của ngành nông nghiệp Việt Nam khi phải đối mặt cùng lúc với nhiều rủi ro lớn.

Thư mời tham gia chào giá cạnh tranh cung cấp dịch vụ sửa chữa phòng làm việc

15-3-2016

Thư mời tham gia chào giá cạnh tranh cung cấp dịch vụ sửa chữa phòng làm việc

Tiếp đoàn học viên Viện Quản lý hành chính công Indonesia

18-5-2016

Chiều nay, tại Hội trường Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT đã diễn ra buổi đón tiếp giữa Ban lãnh đạo Viện và Đoàn học viên Viện Quản lý hành chính công Indonesia.

Gỡ nút thắt trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao

16-5-2016

Thiên tai, sản xuất nhỏ lẻ manh mún không theo tín hiệu của thị trường đang khiến hàng triệu hộ nông dân rơi vào cảnh đói nghèo. Hơn bao giờ hết, nền nông nghiệp Việt Nam cần một cuộc cách mạng, và khoa học công nghệ, đầu tư công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là lời giải cho bài toán này.Tuy nhiên, để đưa công nghệ cao vào sản xuất thì còn nhiều nút thắt cần phải gỡ.

Chương trình “Địa chỉ Xanh – Nông sản Sạch”

5-5-2016

Sáng nay 5.5 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp &PTNT đã tổ chức họp báo Tuần lễ giới thiệu “Nông sản an toàn” và phối hợp với báo Nông thôn ngày nay công bố Chương trình “Địa chỉ Xanh – Nông sản Sạch”.

Sắp diễn ra tuần lễ giới thiệu “Nông sản an toàn”

4-5-2016

Từ ngày 6-12/5, Tuần lễ giới thiệu “Nông sản an toàn” của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (XTTMNN) chính thức diễn ra với quy mô 70-100 gian hàng tiêu chuẩn.

Nhiều loại phí, lệ phí trong nông nghiệp được cắt giảm

13-4-2016

Luật Phí và Lệ phí sẽ có hiệu lực với kỳ vọng mang lại nhiều sự “cởi trói” cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Để chuẩn bị cho sự đổi mới này, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa phí, lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về định giá nước trong nông nghiệp

7-4-2016

Ngày 6-4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về định giá nước trong nông nghiệp.