HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU

Điều tra khả năng tích lũy và đầu tư phát triển sản xuất của nông hộ Việt Nam

Ngày đăng: 01 | 01 | 2007

Nguyễn Ngọc Quế

Tên đề tài: Điều tra khả năng tích lũy và đầu tư phát triển sản xuất của nông hộ Việt Nam
CNĐT: Ths. Nguyễn Ngọc Quế
1. Mục tiêu nghiên cứu
Điều tra cơ bản tình hình tích luỹ và đầu tư của hộ gia đình nông thôn Việt Nam, hình thành bộ số liệu cập nhật phục vụ nghiên cứu, làm cơ sở đề xuất chính sách thúc đẩy đầu tư hộ.
Mục tiêu cụ thể
- Nắm thông tin về thu nhập, tích luỹ của hộ nông thôn trong năm 2006, 2007;
- Nắm thông tin về đầu tư phát triển sản xuất hộ nông thôn theo nguồn vốn, ngành nghề, loại hình đầu tư trong năm 2006-2007;
- Rút ra kết luận về các nhân tố tác động đến thu nhập, huy động vốn đầu tư trong hộ nông thôn, đề xuất chính sách thúc đẩy đầu tư hộ.
2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp chọn mẫu: chọn 08 tỉnh nghiên cứu là Lào Cai, Sơn La, Hà Tây, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắc Lắc, Đồng Nai, Kiên Giang.
Phân tích các chỉ số
Dự án sẽ sử dụng biện pháp phân tích thống kê để mô tả tình hình tích lũy và đầu tư của hộ nông thôn từ bộ số liệu điều tra, bao gồm:
- Đặc điểm chung của hộ điều tra;
- Việc làm và thu nhập;
- Chi tiêu cho sinh hoạt và đời sống của hộ;
- Tiết kiệm và hình thức tiết kiệm; và,
- Đầu tư, các hình thức đầu tư và tái sản xuất.
3. Nội dung nghiên cứu
- Phân tích, điều tra khả năng tích lũy và đầu tư phát triển sản xuất của hộ nông thôn VIệt Nam
- Đánh giá tác động của các yếu tố tới tích lũy và đầu tư của hộ nông thôn
- Đề xuất chính sách thúc đẩy đầu tư của hộ nông thôn
4. Kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu điển hình:
- Theo kết quả điều tra 1800 hộ ở khu vực nông thôn của 8 tỉnh thu nhập bình quân đầu người của hộ nông thôn là 679 nghìn đồng/tháng. Trồng trọt vẫn là nguồn thu nhập lớn nhất của hộ nông thôn (43%). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của chính phủ là 6,1%. Hộ nông nghiệp có tỷ lệ nghèo cao hơn hộ phi nông nghiệp. Chỉ số bất bình đẳng thu nhập ở nông thôn là 0,39, đạt mức trung bình. Các tỉnh miền núi có tỷ lệ người tham gia hoạt động nông nghiệp cao nhất, trong khi thu nhập của hộ nông nghiệp thấp hơn ngành nghề khác, góp phần khiến tỷ lệ nghèo ở các tỉnh này cao hơn các tỉnh đồng bằng. Với nông dân, việc giao quyền sử dụng đất lâu dài có ý nghĩa quan trọng để họ yên tâm đầu tư sản xuất. Lý do vay vốn chủ yếu là để đầu tư cho sản xuất.
- Hầu hết các hộ nông thôn trong mẫu điều tra đều có tích lũy, 90% hộ trong mẫu điều tra có hoạt động đầu tư trong vòng một năm trước thời điểm phỏng vấn.
- Các yếu tố tác động tích cực đến tổng tích lũy của hộ bao gồm thu nhập của hộ, diện tích đất/mặt nước có quyền sử dụng lâu dài lớn, số giờ lao động bình quân lớn, tỷ lệ người biết chữ cao, có thành viên trên 60 tuổi. Các yếu tố tác động tiêu cực bao gồm hộ thuộc diện nghèo, có thành viên dưới 14 tuổi, chủ hộ là lao động giản đơn trong nông lâm thủy sản hoặc có trình độ thấp. Thu nhập từ chăn nuôi có tác động tích cực đến tích lũy nhiều hơn so với thu nhập từ trồng trọt (hệ số gấp gần 6 lần), lãi suất cho vay cao cũng là động lực để hộ tích lũy tạo nguồn cho vay.
- Lý do chính để hộ đầu tư là do thấy người khác làm rồi làm theo, nhất là đầu tư trong nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, trồng cây lâu năm và chăn nuôi. Cản trở đầu tư là không đủ vốn tự có (cản trở lớn nhất), không đủ trình độ, sợ rủi ro
- Các yếu tố tác động tích cực đến tổng đầu tư của hộ bao gồm thu nhập, diện tích đất/mặt nước có quyền sử dụng lâu dài (trừ diện tích rừng), lượng tích lũy tiền mặt, trình độ giáo dục của thành viên hộ, số người trong độ tuổi lao động. Các yếu tố tác động tiêu cực gồm chủ hộ là dân tộc thiểu số và tỷ trọng thu nhập từ tiền lương, tiền công.
- Trong các nguồn thu nhập thì tác động của thu nhập từ dịch vụ nông nghiệp có tác động lớn hơn cả đến đầu tư của hộ.
Đề xuất chính sách
- Để thúc đẩy đầu tư của hộ nông thôn, cơ sở đầu tiên là tăng tích lũy do hiện tại các hộ nông thôn vẫn dựa chủ yếu vào vốn tự có để đầu tư. Để tăng tích lũy của hộ nông thôn, ưu tiên tập trung vào các chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng trọt sang chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp, từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Chính sách đất cho sản xuất nông nghiệp cần tập trung vào việc đảm bảo quyền sử dụng đất, mặt nước lâu dài cho hộ.
- Bước tiếp theo để thúc đẩy đầu tư là tạo điều kiện cho hộ vay vốn, bằng cách phát triển hệ thống tín dụng nông thôn ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội vì đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cả về thu hút tiết kiệm và cho vay.
- Biện pháp thúc đẩy đầu tư nữa là giúp cung cấp thông tin càng rộng rãi càng tốt về các điển hình thành công, nhất là trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn. Đây nên là trọng tâm của khuyến nông. Đồng thời cải cách công tác khuyến nông cần tập trung cho chăn nuôi và thủy sản.
- Các biện pháp hỗ trợ có thể kể đến là tạo điều kiện cho thành viên của hộ học nghề, tạo việc làm, cung cấp thông tin thị trường và cơ hội đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng.

NỘI DUNG KHÁC

Nghiên cứu xây dựng tổ chức điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam

4-12-2009

AGROINFO – Nghiên cứu về xây dựng tổ chức điều phôi ngành hàng cà phê Việt Nam được thực hiện bởi nhóm chuyên gia IPSARD, do thạc sĩ Trần Quỳnh Chi chủ nhiệm đề tài…

Nghiên cứu tổng kết và thể chế hóa hoạt động phát triển nông thôn

4-12-2009

AGROINFO – Đề tài khoa học “Tổng kết cơ chế hoạt động phát triển nông thôn chính đã được áp dụng tại Tây Nguyên và miền núi phía Bắc nhằm đề xuất nhân rộng và thể chế hoá trong phát triển nông thôn” do TS Vũ Trọng Bình chủ nhiệm…

Nghiên cứu tác động của di dân tự do

4-12-2009

AGROINFO - Tây Nguyên là vùng lãnh thổ nằm ở phía tây của nam Trung Bộ Việt Nam, diện tích tự nhiên trên 5,5 triệu km, Tây Nguyên được coi là vùng lãnh thổ có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng của cả nước…

Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn Việt Nam 2008

20-11-2009

AGROINFO – Sáng ngày 20-11-2009, Báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2008 tại 12 tỉnh” đã được công bố...

An toàn vệ sinh nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc - bài toán chưa có hồi kết

3-11-2009

AGROINFO – ATVSTP với hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc đang là vấn đề đáng lo ngại, là mối quan tâm hàng đầu của đông đảo người tiêu dùng trong thời gian gần đây. Đề tài khoa học “Nghiên cứu thực trạng về quản lý chất lượng, công tác vệ sinh an toàn một số nông sản nhập khẩu chính từ Trung Quốc” nhằm đưa ra cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng quản lý chất lượng và VSAT với mặt hàng này.