TIN TỨC-SỰ KIỆN

Đồng bằng sông Cửu Long: Nông dân đi thuê ruộng

Ngày đăng: 23 | 02 | 2012

Nông dân ở ĐBSCL thuê đất để canh tác đã nhiều năm nay, tạo nên một thị trường thuê mướn đất khá sôi động, từ đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập liên quan tới Luật Đất đai cũng như các chính sách khác.

“Vua khoai lang” Ba Hạo trên đồng đất thuê.
Nghèo thuê ruộng vùng sâu
Anh Nguyễn Văn Sơn (ở ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, Tân Hiệp, Kiên Giang) cho biết, nhà đông anh em nhưng chỉ có đất ở, không có nghề ngỗng gì, muốn làm ruộng thì phải thuê đất. Giá lúa thời gian qua khá cao và ổn định, sản xuất có lãi, vì thế giá đất ncho thuê tăng chóng mặt. Năm 2008 chỉ 28 triệu đồng/ha, năm 2010 lên 35 triệu đồng và hiện 45-50 triệu đồng.
Theo anh, với giá thuê đất như vậy, người trực tiếp làm ruộng chỉ lãi khoảng 400 giạ/ha mỗi năm, tương đương 32 triệu đồng.
Dù giá cho thuê đất ruộng ở Tân Hiệp cao như thế, nhưng anh Sơn không tìm ra đất để thuê. Vì thế, năm nay, hai vợ chồng anh phải đi làm thuê. Nhiều người ở Tân Hiệp không có đất sản xuất, phải tìm đến những vùng đất mới ở vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, chấp nhận thuê đất ruộng xấu để làm, thậm chí khai hoang cho chủ đất.
Ông Nguyễn Đào Cảnh (ở phường An Hòa, TP Rạch Giá) xuống xã Bình An, huyện Kiên Lương thuê 5 ha đất với giá 20 triệu đồng/năm. Ông Cảnh nói: “Sở dĩ thuê được đất giá thấp như vậy vì đất cấp cho cán bộ”. Tỉnh Kiên Giang đang có chủ trương những ai được giao, cấp đất nhưng bỏ hoang thì sẽ bị thu hồi. Vì thế, cán bộ cho thuê đất lợi đôi đàng, vừa không bị nhà nước thu hồi đất, vừa được tiền cho thuê, lại được người khác cải tạo, trông giữ đất dùm.
Theo hồ sơ điều tra riêng của Tiền Phong, có hàng ngàn ha đất vùng Tứ giác Long Xuyên đã được cấp cho cán bộ -CNV của tỉnh Kiên Giang. Đối tượng cấp là từ cán bộ tỉnh, huyện, đến các ngành. Thực tế tại vùng Tứ giác Long Xuyên, “đất quan chức” mênh mông. Việc cấp đất cho cán bộ là một chủ trương của tỉnh Kiên Giang thực hiện trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, nhiều người sau khi được cấp đất đã bỏ hoang, người dân thì không có đất sản xuất. Hiện có nhiều người từ Đồng Tháp, An Giang đến Tứ giác Long Xuyên để thuê đất sản xuất, chủ yếu trồng lúa. Vì không phải đất của họ, không có sổ đỏ nên người thuê đất không có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng, thường phải vay ngoài lãi suất cao, nên mãi không thoát được nghèo.
Vua khoai lang đi thuê đất, khó vay vốn ngân hàng
Vua khoai lang Ba Hạo (Đỗ Quí Hạo) ở ấp Hiệp Lợi, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất đang canh tác 52 ha đất, đều là đất thuê của nông dân, mỗi năm thu hoạch 2.500 tấn khoai. Gia đình ông có 8 ha nhưng manh mún, không đủ để sản xuất hàng hóa lớn, nên ông thuê 52 ha đất liền thửa của 17 hộ cùng ấp, với giá một năm 400 giạ/ha.
Mỗi năm, ông Ba Hạo chi 1,7 tỷ đồng cho tiền thuê đất, và bị coi là phá giá ở xã Mỹ Hiệp Sơn, vì ông trả cao hơn khoảng 100 giạ/ha so với giá thị trường.
Anh Lê Văn Sa, một người cho ông Ba Hạo thuê 1 ha đất, nói: “Tiền thuê đất mỗi năm được 30 triệu đồng để dành dụm. Vợ chồng chúng tôi còn trẻ, khỏe nên đi thuê ruộng ngoài làm thêm với giá thấp hơn, lại không phải trả tiền trước. Năm nào không thuê được ruộng thì đi làm mướn cũng đủ sống”.
Ông Ba Hạo đang bì bõm giữa ruộng khoai, dừng lại khoe: “Năm rồi thắng lợi lớn nhất từ trước tới nay. Khoai lang được mùa, trúng giá, trừ chi phí, tôi lời được 1,8 tỷ đồng. Khoai đỏ xuất sang Trung Quốc, khoai tím bán cho các nhà máy chế biến ở Bình Dương, Vĩnh Long”.
Nhưng vua Ba Hạo buồn rầu khi nghe phóng viên hỏi về vay vốn ưu đãi theo chủ trương của Nhà nước. Ông nói: “Tôi sản xuất có làm dự án đàng hoàng. Dự án tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương mà tôi đang thực hiện có vốn đầu tư lớn. Với 52 ha đất thuê dài hạn của dân, giá 1,7 tỷ đồng/năm; 5 máy cày trị giá khoảng 2 tỷ đồng; nhà xưởng, nhà ở cho người lao động 1,5 tỷ đồng. Tổng cộng gần 6 tỷ đồng vậy mà ngân hàng chỉ cho vay có 100 triệu đồng, chẳng thấm vào đâu”.
Cánh đồng khoai lang xuất khẩu của ông Ba Hạo, không chỉ sản xuất hàng hóa lớn mà còn ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ, từ việc canh tác cho đến vận dụng thời tiết để xuống giống và thu hoạch có hiệu quả kinh tế cao. Những ứng dụng của ông được phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân trong vùng nên có hiệu ứng xã hội tốt. Thế nhưng, ông Ba Hạo nói, các chính sách hỗ trợ với ưu đãi vốn đều quá xa vời.
Ông Phạm Văn Quang – Phó GĐ Chi nhánh ngân hàng NN&PTNT tỉnh Kiên Giang nói với phóng viên: Ông Ba Hạo vẫn có thể vay được vài tỷ theo Nghị định 41/CP hoặc 63/CP về tổn thất sau thu hoạch của Chính phủ. Tuy nhiên theo tìm hiểu của Tiền Phong, người dân rất khó có thể tiếp cận các nguồn vốn này bởi rườm rà nhiều thủ tục, nguyên tắc tài chính.
Theo Tiền phong

NỘI DUNG KHÁC

Triển khai thí điểm xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn" ở các tỉnh phía Bắc

23-2-2012

Nhằm nhân rộng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương triển khai thí điểm xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn".

Hỗ trợ 100% kinh phí cho 3 công trình cứng

23-2-2012

Bộ NNPTNT vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi điều 1 của Quyết định 800 về nguyên tắc và cơ chế hỗ trợ vốn Chương trình xây dựng NTM.

Tái cấu trúc mạnh mẽ: Lối thoát hẹp trong gian khó

23-2-2012

Năm 2011 khép lại với những “dư âm” khó khăn, gánh nặng nợ nần và tín dụng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tình hình khó khăn sẽ chưa thể chấm dứt trong ngày một ngày hai và quyết sách hàng đầu hiện nay là chúng ta phải tìm được lối thoát hẹp trong gian khó. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới).

Sản xuất lúa VietGAP - hướng mở cho cánh đồng mẫu lớn

22-2-2012

Vụ mùa năm 2011, việc sản xuất lúa của nông dân Cà Mau đã làm thay đổi lớn từ cách nghĩ đến cách làm của những hộ sản xuất lúa theo VietGAP.

Cơ chế khuyến nông có “chiêu hiền đãi sĩ”?

22-2-2012

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, hệ thống khuyến nông; đặc biệt là khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) có vai trò hết sức quan trọng. Đội ngũ này làm việc khá vất vả, nhưng phụ cấp rất thấp, nếu không nói là bèo bọt.

Thị trường nông sản Việt Nam 2012 sẽ ra sao?

22-2-2012

Kinh tế Việt Nam trong năm qua tăng trưởng chậm lại với nhiều bất ổn, lạm phát cao, khả năng thanh khoản kém của hệ thống ngân hàng, cán cân thương mại thâm hụt, nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Nông nghiệp được coi như cứu cánh của cả nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 4%, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân, tạo giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ USD (chiếm 22% kim ngạch XK cả nước) và là ngành duy nhất có thặng dư XK ròng đạt 18 tỷ USD năm 2011.

Bảo quản sau thu hoạch hải sản kém: Mất 8.000 tỷ đồng/năm

22-2-2012

Ước tính, mỗi chuyến biển của ngư dân có khoảng 20 - 30% sản lượng khai thác (tàu lưới kéo bảo quản bằng ướp muối) bị tổn thất. Như vậy, mỗi năm cả nước mất trên dưới 400.000 tấn hải sản, tương đương 8.000 tỷ đồng.

Agribank hạ lãi suất cho vay tam nông

22-2-2012

Từ 22.2, Ngân hàng Agribank chính thức đồng loạt hạ lãi suất cho vay bằng VND với mức giảm bình quân từ 1,0 - 1,5%/năm đối với mọi đối tượng khách hàng.

Công tác khuyến nông đang “manh mún”

21-2-2012

Chế độ cho cán bộ khuyến nông vẫn thấp, tổ chức triển khai cơ chế chính sách và phương thức quản lý khuyến nông ở địa phương còn nhiều khó khăn, lúng túng... là thực tế mà ngành này đang phải đối mặt.

Xây dựng thương hiệu: Chìa khóa để tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm làng nghề

21-2-2012

Xây dựng và phát triển thương hiệu của các làng nghề trong bối cảnh tự do hóa thương mại, hội nhập toàn cầu trở thành yếu tố cạnh tranh cơ bản của làng nghề để tồn tại và phát triển một cách bền vững. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm làng nghề vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn khi tìm cho mình một chỗ đứng trên thị trường, do chưa thực sự chú trọng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu.

Dồn điền đổi thửa ở Sóc Sơn: Khâu đột phá xây dựng nông thôn mới

21-2-2012

Sóc Sơn là huyện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất Thành phố Hà Nội với hơn 13.200ha (chiếm 43,8% tổng diện tích tự nhiên), nhưng tình trạng đồng đất cao thấp xen kẽ, ruộng đất manh mún, bình quân mỗi hộ từ 10-18 ô thửa... Trước thực tế trên, năm 2010, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo 2 xã Tân Hưng và Minh Trí làm điểm dồn điền đổi thửa, tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới.

Ngành mía đường và bài toán cung - cầu năm 2012

21-2-2012

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ cho tạm trữ 200 nghìn tấn đường trong thời gian 6 tháng, đồng thời cho xuất khẩu 100-150 nghìn tấn để tránh tình trạng dư thừa đường trong nước. Thêm một lần nữa, vấn đề về cân đối cung - cầu đường lại trở thành bài toán khó đối với ngành mía đường trong nước.