TIN TỨC-SỰ KIỆN

GS Đặng Hùng Võ: Nên xóa thời hạn giao đất nông nghiệp

Ngày đăng: 10 | 02 | 2012

Nguyên Thứ trưởng Bộ TM&MT, GS Đặng Hùng Võ, cho rằng, nên xóa thời hạn, giao đất ổn định lâu dài cho nông dân, để họ yên tâm đầu tư, sản xuất trên cánh đồng của mình.

GS Võ nói, nếu không xóa bỏ thời hạn giao đất nông nghiệp, không thể kêu gọi đầu tư lớn từ người dân.
Công nhận đa sở hữu
Quốc hội đang nghiên cứu tổng kết, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng như xem xét sửa đổi Luật Đất đai, trong đó có chế độ sở hữu đất đai. Theo ông, cần làm rõ vấn đề này như thế nào?
Nhiều ý kiến đã thảo luận về sở hữu đất đai, tôi cho rằng chúng ta cần nghiên cứu sâu về chế độ sở hữu, đưa ra một chế độ phù hợp với giai đoạn này - giai đoạn áp dụng cơ chế thị trường định hướng XHCN. Phải thảo luận hết nhẽ, để có quyết định đúng.
Tức là có cách thức tiếp cận đất đai như thế nào cho phù hợp với giai đoạn này (trước đây gọi là giai đoạn quá độ lên CNXH). Hiến pháp 1959 ghi nhận nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH và công nhận đa sở hữu về tư liệu sản xuất (trong đó có đất đai), đó là cách xử lý mềm dẻo.
Thứ hai về lý luận, sở hữu đất đai không giống bất kỳ một loại sở hữu nào khác. Các nước tư bản cũng thừa nhận sở hữu đất đai khác sở hữu tài sản thông thường, trong đó có một phần là người giữ đất được tác động và có một phần cái chung được tác động. Cái chung được hiểu là cơ quan quản lý, cộng đồng.
Pháp luật của Việt Nam có thuật ngữ “quyền địa dịch” - quyền được sử dụng chung ở một phạm vi nhất định. Ví dụ, với đất nông nghiệp thì được quyền tát nước đi qua, nhà ở trong nếu không có lối đi, được mở ngõ qua thửa đất bên ngoài. Đây là quyền mà cộng đồng có thể tác động vào, tất nhiên trong phạm vi nhất định.
Thứ hai, nhà nước cũng có quyền chiếm cứ đất đó vì mục đích công cộng, an ninh, quốc phòng (theo điều 23 Luật Đất đai).
Vì vậy, nói sở hữu toàn dân hay sở hữu tư nhân cũng chỉ là tương đối. Điều quan trọng, đó là quyền của nhà nước, quyền của cộng đồng và quyền của người đang giữ đất đến đâu, phải làm rõ. Khi đó, quy định là sở hữu toàn dân, hay đa sở hữu đều được.
Để tăng trách nhiệm của những người đang giữ đất thì nên tiếp nhận một chế độ về đa sở hữu sẽ thuận tiện hơn trong khung cảnh phát triển quá độ. Đó là một hình thức sở hữu phù hợp, còn nội dung, thì như tôi đã nói - nội dung chính là quyền của ai đến đâu, phải rõ.
Chấp nhận đa sở hữu thì quyền nhà nước vẫn nguyên như vậy, chứ không phải đa sở hữu thì quyền nhà nước không còn. Chỉ có điều, chấp nhận như vậy, sẽ mềm hóa được cơ chế, trong giai đoạn quá độ. Hiện chúng ta vẫn có phần cứng nhắc khi giữ sở hữu toàn dân trong khi nội dung của nó dễ bị lợi dụng, làm méo mó.
Vậy đa sở hữu về đất đai nên hiểu như thế nào và cần được quy định ra sao?
Hiến pháp năm 1959 đã nói rõ về các hình thức sở hữu đó là sở hữu nhà nước, tập thể, cá nhân và tư bản tư nhân (tư sản dân tộc). Giai đoạn hiện nay có thể công nhận đa sở hữu theo các thành phần kinh tế, vì mỗi thành phần đại diện cho một khu vực kinh tế khác nhau.
Ngoài ra, phải có sở hữu cộng đồng bởi ở nước ta, sở hữu cộng đồng về ruộng đất là một đặc trưng rất lớn, ví dụ đất 5%, đất cơ sở tín ngưỡng (nhà thờ họ, đền, đình, rừng gắn với phong tục của đồng bào)…
GS Đặng Hùng Võ
Động lực mới cho nông nghiệp
Năm 2013 là thời điểm hết thời hạn giao đất 20 năm theo Luật Đất đai 1993, theo ông nên điều chỉnh vấn đề này ra sao?
Luật Đất đai 1993 đưa ra cơ chế sử dụng đất nông nghiệp có thời hạn 20 năm (đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản làm muối) và 50 năm (đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất). Và cũng theo tinh thần là hết thời hạn mà sử dụng đất có hiệu quả, không vi phạm pháp luật thì được tiếp tục sử dụng.
Đấy là tư duy pháp luật đúng, nhưng lại rất lý thuyết. Vì ở chỗ, ai là người xác định ông này sử dụng đất có hiệu quả để cho kéo dài, ông sử dụng không hiệu quả phải đổi người khác.
Với cơ chế này, người dân luôn lệ thuộc vào chính quyền, phải “nịnh” chính quyền để họ xác nhận cho - đấy là cơ chế dễ phát sinh, tạo ra rủi ro và các nguy cơ về tham nhũng. Một việc gì người dân cứ phải đến cầu chính quyền mới được thì sẽ phát sinh tham nhũng.
Theo quan điểm của tôi, nên xóa thời hạn đó đi. Bởi vì đặt ra thời hạn có dài đến đâu thì người muốn đầu tư lâu dài, đầu tư lớn cũng không dám. Trường hợp ở Tiên Lãng, những nông dân như anh Vươn đã bỏ công quai đê lấn biển, vay tiền lớn để đầu tư cải tạo đất nhưng lại bị rủi ro rất lớn.
Nếu không xóa bỏ thời hạn, khó có thể kêu gọi người nông dân, những người ham làm ruộng, sản xuất nông nghiệp đầu tư vào đồng ruộng. Vấn đề là động lực gì mới để có thể phát triển nông nghiệp?
Trước đây chúng ta dựa vào động lực giao đất cho hộ gia đình cá nhân để đưa nông nghiệp phát triển, bây giờ động lực này cạn rồi.
Muốn phát triển tiếp, phải đầu tư dài hơi, từ giống phân bón, thức ăn, thủy lợi, cơ khí, cải tạo đất để tạo năng suất cao. Nếu không xóa bỏ thời hạn, không thể kêu gọi đầu tư lớn từ phía người dân.
Tức là nên quy định cho người nông dân được sử dụng đất lâu dài?
"Nói sở hữu toàn dân hay sở hữu tư nhân cũng chỉ là tương đối.Điều quan trọng, đó là quyền của nhà nước, quyền của cộng đồng và quyền của người đang giữ đất đến đâu, phải làm rõ. Khi đó, quy định là sở hữu toàn dân, hay đa sở hữu đều được” - GS Đặng Hùng Võ
Tôi cho rằng đất đai của hộ gia đình cá nhân thì nên tạo điều kiện sử dụng vĩnh viễn, giống như chúng ta đã công nhận đất ở. Nhưng với tổ chức thì chúng ta lại hơi quá đà, để vĩnh viễn là không đúng. Đây là cái tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức bất động sản đầu cơ đất đai.
Vì anh được sử dụng lâu dài anh bôi dự án đến bao giờ cũng được, nói là bán hết cũng được chưa bán hết cũng được.
Nếu quy định thời hạn, hết thời hạn anh buộc phải bán, tức là sẽ không thể đầu cơ nữa. Như vậy, có những cái chúng ta hơi chật hẹp với hộ gia đình nhưng lại có cái quá rộng rãi với tổ chức trong hệ thống pháp luật hiện nay.
Theo Tiền phong
 

NỘI DUNG KHÁC

Ưu tiên phát triển việc làm nông nghiệp có năng suất

10-2-2012

Bộ Lao động, thương binh và xã hội vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan dự thảo Chiến lược việc làm giai đoạn 2011 – 2020 trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, ưu tiên cơ hội việc làm có năng suất tại khu vực nông thôn là mục tiêu quan trọng hàng đầu của chiến lược này.

Không để giá lúa đông xuân rớt dưới 5.000 đồng/kg

10-2-2012

Theo dự tính, vụ đông xuân sẽ dôi ra khoảng 3,5 triệu tấn gạo hàng hoá cần được tiêu thụ, nhưng theo ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tiêu thụ hết lúa gạo trong vụ này là rất khó. Ngay từ bây giờ VFA đã tính đến phương án mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm giúp nông dân bán hết lúa, giữ cho giá không giảm.

Thí điểm bảo hiểm cây lúa ở Thái Bình

10-2-2012

Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp (SXNN), chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển SXNN.

Tiên Lãng và cơ hội sửa sai

10-2-2012

Tiên Lãng là giọt nước làm tràn ly, cảnh báo những bất cập hiện nay về cơ chế sở hữu đất đai. Đây là ý kiến chung được ghi nhận tại buổi tọa đàm chiều 9/2 do Tuần Việt Nam tổ chức. Tham gia tọa đàm có ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường và ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn.

Các chính phủ “đua” can thiệp thị trường để đẩy tăng giá cao su và gạo

10-2-2012

Thị trường nông sản thế giới đang chứng kiến một loạt các biện pháp can thiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân của các chính phủ Thái Lan, Trung Quốc và Myanmar.

FAO: Sản lượng gạo trên toàn cầu sẽ đạt kỷ lục

10-2-2012

Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ngày 1/2 cho biết vụ thu hoạch lúa 2011-2012 trên toàn thế giới dự đoán đạt mức kỷ lục mới là 721 triệu tấn, khiến giá lương thực có thể tiếp tục giảm.

Cần giải quyết khó khăn về vốn trong sản xuất, tiêu thụ cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long

10-2-2012

Mặc dù đạt được kết quả cao trong năm 2011, song việc sản xuất và tiêu thụ cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều thách thức, cần tháo gỡ trong năm 2012, nhất là vấn về vốn. Đó là những ý kiến được các nhà doanh nghiệp, người nuôi cá tra đề cập đến tại hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 mới được tổ chức tại Cần Thơ…

Để nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn

10-2-2012

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng. Trong những năm qua, với sự nỗ lực không ngừng, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Tuy nhiên, để thoát khỏi những tồn tại như sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng khoa học kỹ thuật còn thấp, đòi hỏi phải có sự quy hoạch bài bản để nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn.

Chính sách dân tộc vẫn thiếu đồng bộ

10-2-2012

“Chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng dân tộc và miền núi còn thiếu đồng bộ, phân tán” - đó là ý kiến khẳng định của nhiều đại biểu tại Hội nghị công tác dân tộc năm 2012, do Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 9.2 tại TP.Huế.

"Xây nông thôn mới không phải là để tham quan"

9-2-2012

Chiều 3/2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để bàn kế hoạch triển khai trong năm 2012.

Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Ý tưởng tốt, thực thi khó?

9-2-2012

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ phương án thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Quỹ sẽ tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính trong và ngoài nước, tạo lập nguồn vốn để hỗ trợ các DNNVV phát triển.

TS Đặng Kim Sơn: Chúng ta đều mắc nợ nông dân

9-2-2012

TS Đặng Kim Sơn là người sắc sảo, cá tính. Ông từng nói ông có “50% người ưa, 50% kẻ ghét”. Nhưng những quan điểm của ông trong cuộc trò chuyện này, tin rằng sẽ có nhiều hơn “50% người ưa” ông, bởi đơn giản ông đã thật sự trăn trở với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.