ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

DN giống gia cầm: "Đục nước, béo cò"

Ngày đăng: 03 | 11 | 2011

Trong khi người chăn nuôi gia cầm mấy tháng nay lỗ chổng vó vì giá thịt rẻ như bèo thì giá giống hiện vẫn cao ngất ngưởng. Có ông chủ trang trại bức xúc “tố” rằng, DN làm giống đang bắt chẹt người chăn nuôi.

DN SX giống đang ỷ sự độc quyền để thẳng tay bắt chẹt người chăn nuôi?
DN làm giống lãi gần… 250% 
Anh Trần Văn Hùng, một chủ trang trại gia cầm có 7 nghìn con gà thịt tại xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng, Hải Dương) khi nói về tình hình giá giống gà hiện nay đã bức xúc nhận xét: Trong khi người chăn nuôi gia cầm thời gian qua phải vật vã với việc giá thịt tụt dốc thì những DN SX giống gia cầm lại “vớ bở” chưa từng thấy, với mức “siêu lợi nhuận”. Bằng chứng là gần hai tháng qua, trong lúc giá gà thịt công nghiệp (gà trắng) xuất chuồng tụt xuống mức 27 – 29 nghìn đồng/kg và duy trì một thời gian dài, tuy nhiên giá giống thì gần như vẫn không nhúc nhích.
Nửa cuối tháng 10/2011 vừa qua, giá gà giống tuy có giảm, nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, khi mà giá gà thịt trên thị trường có động thái tăng nhẹ lên mức 35 – 36 nghìn đồng/kg thì giá gà giống cũng đua nhau “tăng tốc”. Anh Hùng phân tích, về mặt cân đối giữa chi phí đầu vào so với giá thịt trên thị trường, thì với giá gà thịt ở mức khoảng 35 nghìn đồng/kg như hiện nay, để người chăn nuôi có lãi thì giá gà giống một ngày tuổi chỉ có thể ở dưới mức 16 nghìn đồng/con. Trong khi đó, tính đến ngày hôm qua, giống gà trắng công nghiệp một ngày tuổi đã tiếp tục lao lên tới 23.500 đồng/con.
Còn nếu tính về mặt lợi nhuận của người SX giống, thì với mức giá giống như hiện tại, những nhà làm giống đang thu lãi quá lớn. Cụ thể, theo anh Hùng thì hiện nay, giá thành để làm ra một con gà giống công nghiệp một ngày tuổi cao nhất cũng chỉ đến 9 nghìn đồng/con. Để có lãi hợp lí, thì giá gà giống bán trên thị trường chỉ cần khoảng 11 – 12 nghìn đồng/con là vừa.  
Rõ ràng, với giá giống khoảng 23 – 24 nghìn đồng/con như thời điểm này, DN làm giống có thể lãi ít nhất là gần… 250% giá thành - mức lợi nhuận mà ít có một ngành kinh doanh nào có thể sánh bằng. Đó là chưa nói vào tháng 6 đến tháng 7/2011, có thời điểm giá gà giống một ngày tuổi bán tới tay người chăn nuôi đã thượng lên tới 31 – 32 nghìn đồng/con thì các DNSX giống thu lãi thế nào, khó ai mà tưởng tượng nổi.
Trong một hội nghị về ngành chăn nuôi do Bộ NN-PTNT tổ chức gần đây, ông Lê Bá Lịch (nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi) – một chuyên gia chăn nuôi đã thảng thốt kêu rằng: “Tôi đã ngồi với nhiều nhà chăn nuôi lớn ở miền Nam, cùng nhau nát óc giải thích, nhưng tính mãi thì giá thành con giống một ngày tuổi hiện nay cũng chỉ tới 8 nghìn đồng/con là cùng. Nếu cộng thêm cho DN làm giống mức lãi 30% giá thành, thì ra thị trường giống gà cùng lắm chỉ 11 – 12 nghìn đồng. Vì thế, việc giá giống gia cầm trong năm nay bị đẩy lên tới 31 – 32 nghìn đồng/con rõ ràng là có động thái “làm giá” của các DNSX giống”.  
Trao đổi với NNVN, ông Lịch gay gắt thêm, hiện nay, 80% thị trường giống gia cầm ở nước ta gần như tập trung hết vào tay hai “ông trùm” về chăn nuôi gia cầm đó Cty CP Chăn nuôi C.P (Cty C.P) và Cty Japfa Comfeed. Phải khẳng định, nhờ có kỹ thuật tốt nên chất lượng con giống của các nhà cung cấp này đã hoàn toàn đánh bật các DN SX con giống nhỏ lẻ trong nước. Tuy nhiên ông Lịch cho rằng, chính sự độc quyền của hai nhà cung cấp giống này đã khiến họ gần như nắm quyền điều hành giá giống trên thị trường, thậm chí liên thủ với nhau, tự đặt ra cái gọi là “giá thị trường” để mặc sức chèn ép người chăn nuôi.
Phân tích về chuyện giá giống trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Cổ Đông (TX Sơn Tây, Hà Nội) chán nản bảo, “chiếc bánh” thị trường giống gia cầm hiện nay 45% là thuộc về Cty C.P, 35% thuộc về Cty Japfa Comfeed, chỉ có một mẩu nhỏ 15 - 20% là thuộc về các DNSX giống trong nước. Việc giá giống cao thế nào, hai DN nước ngoài kia lãi ra sao ai cũng rõ, nhưng tai hại là thị trường giống gia cầm hiện nay không ai điều tiết, cơ quan quản lí nhà nước cũng không quản lí điều chỉnh thì biết làm sao được! Trong khi đó, hệ thống SX giống gia cầm trong nước hiện nay chất lượng vừa kém, lại nhỏ lẻ, không đáp ứng được yêu cầu thị trường nên nông dân vẫn buộc phải dùng “giống ngoại”. 
Ông Lê Bá Lịch: “Sai lầm nhất trong ngành giống gia cầm là hiện nay hệ thống nghiên cứu và SX giống trong nước gần như tan nát sạch sành sanh. Hiện chỉ có mỗi Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) thì bé như lỗ mũi, gần đây lại làm thương mại nhiều hơn là nghiên cứu”.
Anh Nguyễn Xuân Tùng, chủ trang trại gà tại xã Cổ Đông giải thích, tại Ba Vì (Hà Nội) và khu vực miền Bắc hiện nay cũng có rất nhiều DN và cơ sở SX giống gia cầm. Tuy nhiên, chất lượng con giống thường rất kém, không đồng đều, thậm chí các DN này còn hay “trà trộn” con giống không đạt chất lượng vào trong đàn, việc giám sát kỹ thuật, phòng dịch trong SX lại không nghiêm ngặt nên rủi ro rất cao. Vì vậy, mặc dù giá giống gia cầm của các DN trong nước thường thấp hơn “giống ngoại” 2 – 3 giá, nhưng người chăn nuôi cũng không mặn mà.  
Hiện tại, có tới 80% người chăn nuôi lớn tại Cổ Đông vẫn phải chọn mua giống gà của Cty C.P hoặc Cty Japfa Comfeed. Cũng theo anh Tùng thì đối với Cty C.P, cái khổ nhất là chỉ những trang trại rất lớn mới có điều kiện ký hợp đồng mua giống trực tiếp với họ và được hưởng giá gốc, còn đại đa số những trang trại bé và vừa vẫn buộc phải mua giống thông qua hệ thống các đại lí cấp 2, cấp 3 của Cty này nên giá giống ngoài thị trường bao giờ cũng đắt hơn rất nhiều giá gốc mà nhà cung cấp bán ra.
Trao đổi với PV hôm qua, một lãnh đạo của Cty C.P cho biết, giá gà giống hiện tại mà Cty này bán ra chỉ là 17.500 đ/con. Việc giá gà giống đến tay người chăn nuôi lên tới 23 – 24 nghìn đồng/con là do tăng giá ở các khâu trung gian. Ông này cho biết thêm, hiện tại lượng gà giống C.P bán ra chỉ bằng ½ so với năm 2010 do các trang trại bỏ trống chuồng rất nhiều hoặc vào giống rất ít.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/85783/DN-giong-gia-cam-Duc-nuoc-beo-co.aspx

NỘI DUNG KHÁC

Đằng sau việc NK muối

3-11-2011

Lâu nay, để được NK muối, nhất là muối công nghiệp phục vụ SX hóa chất, các DN luôn kêu rằng muối công nghiệp SX trong nước không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, và không đủ phục vụ nhu cầu trong nước. Thực tế có phải như vậy không?

Cần lành mạnh hóa thị trường cà phê

31-10-2011

Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.

Doanh nghiệp ĐBSCL liên kết phát triển bền vững

21-10-2011

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long-Cà Mau 2011, sáng 20/10, Diễn đàn doanh nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long với chủ đề “Liên kết, hợp tác, phát triển” đã diễn ra tại thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau).

"Cuộc chiến" với DN cà phê nước ngoài: DN Việt tồn tại được bao lâu?

21-10-2011

Còn khoảng một tuần nữa VN chính thức bước vào niên vụ cà phê 2011 – 2012. Tuy nhiên, “cuộc chiến” giành vùng nguyên liệu cà phê (đặc biệt trên Tây Nguyên) đang nóng hơn bao giờ hết khi DN nước ngoài đang ở thế “bề trên” với tiềm lực kinh tế hùng mạnh. Chỉ trong vòng 2 năm, từ con số 10%, các DN nước ngoài đã giành trên 50% thị phần thu mua cà phê tại VN, đẩy DN trong nước vào đường “tử”!

Việt Nam có thể đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo

21-10-2011

Hội nghị quốc tế thương mại lúa gạo diễn ra sáng nay 20/10 tại TP.HCM đã thu hút đông đảo các thương gia trên thế giới tham dự và tìm kiếm nguồn hàng tại Việt Nam.

Giải pháp giúp DNNVV tiếp cận vốn lãi suất thấp: Phân loại doanh nghiệp theo ngành

20-10-2011

Tại hội thảo Xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2011-2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ chức Lao động Quốc tế tổ chức, nhiều đại biểu cho biết, DNNVV có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ vốn.

Gói hỗ trợ, các doanh nghiệp cần chú ý

20-10-2011

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, hiện có 20% doanh nghiệp bị phá sản, 60% giảm doanh số và phải cắt giảm lao động, số còn lại hoạt động khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay chính là vốn.

Gói hỗ trợ, các doanh nghiệp cần chú ý

20-10-2011

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, hiện có 20% doanh nghiệp bị phá sản, 60% giảm doanh số và phải cắt giảm lao động, số còn lại hoạt động khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay chính là vốn.

Xuất khẩu những tháng cuối năm gặp nhiều thuận lợi về giá và thị trường

20-10-2011

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dự kiến những tháng cuối năm xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều thuận lợi về giá và thị trường, mỗi tháng có thể đạt khoảng 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Đây là những tín hiệu tích cực cho sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong năm 2011.

Xuất khẩu những tháng cuối năm gặp nhiều thuận lợi về giá và thị trường

20-10-2011

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dự kiến những tháng cuối năm xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều thuận lợi về giá và thị trường, mỗi tháng có thể đạt khoảng 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Đây là những tín hiệu tích cực cho sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong năm 2011.

Bao nhiêu doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo là vừa?

19-10-2011

Tuy không thể đưa ra câu trả lời cụ thể về số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia vào xuất khẩu gạo sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng vấn đề không phải là con số bao nhiêu.

Vốn cho doanh nghiệp: Cần sự vào cuộc đồng bộ

19-10-2011

Trong năm 2011, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát, trong đó cùng với cắt giảm đầu tư công, chỉ tiêu tăng tín dụng năm 2011 giảm còn dưới 20%. Giảm tăng trưởng tín dụng, đồng nghĩa với việc vốn đến tay doanh nghiệp ít đi. Giải pháp nào để giải quyết vấn đề về vốn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.