HỘI THẢO

Mãi mãi làm thuê cho nước ngoài?

Ngày đăng: 06 | 10 | 2011

Đấy là câu chuyện có thật đối với các trang trại chăn nuôi gia công hiện nay, không chỉ ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), mà phổ biến với nhiều trang trại trên toàn quốc.

Với số lượng hơn một trăm ngàn đầu lợn và gấp nhiều lần thế về gia cầm, Tiền Hải được coi là huyện đứng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh lúa Thái Bình. Trao đổi với PV NNVN, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Xuân Chiến cho biết: Lượng lợn và gia cầm đó chủ yếu tập trung ở trên 2.000 trang trại và gia trại, chăn nuôi nhỏ lẻ không đáng bao nhiêu. Để phát huy thế mạnh này, hiện nay chúng tôi đã quy hoạch thêm 3 khu chăn nuôi tập trung, một ở xã Vũ Lăng, có diện tích 59 ha, một ở xã Tây Tiến và một ở xã Nam Hưng, đều có diện tích 30 ha. Hiện khu chăn nuôi tập trung ở Vũ Lăng đã có 7 chủ trang trại đến thuê đất rồi…
Chưa năm nào người chăn nuôi có lãi cao như dịp tháng 5 tháng 6 vừa qua. Thế nhưng tiến hành khảo sát một số trang trại chăn nuôi lớn, công nghệ cao ở Tiền Hải, chúng tôi lại thấy điều ngược lại: Phần lớn đều thu lãi rất ít, hay nói theo ngôn ngữ dân gian là “lấy công làm lãi” mà thôi. Nguyên nhân là do không có vốn, nên chủ các trang trại đó đều phải “liên doanh” với các công ty nước ngoài.
Nói “liên doanh” cho oai, chứ thực ra là làm thuê, là chăn nuôi gia công cho họ. Trong số 20 trang trại chăn nuôi lớn, công nghệ cao ở Tiền Hải, chỉ có 4 trang trại (hai nuôi lợn, hai nuôi gà) là tự chủ được hoàn toàn từ cơ sở đến con giống, thức ăn, tự tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Số còn lại đều làm thuê. Anh Phạm Hiên, chủ một trang trại nuôi gà ở Vũ Lăng, bộc bạch:
- Trang trại của tôi có diện tích 3,2 ha, có thể xây được 4 nhà nuôi gà, và khi đó sức nuôi sẽ đạt 40.000 con/lứa (1 năm nuôi được 5 lứa). Nhưng thiếu vốn, nên mới chỉ xây dựng được 1 nhà nuôi, công suất 10.000 con/lứa. Và cũng vì thiếu vốn, nên đành chấp nhận nuôi gia công cho JAPFA ComFeed Việt Nam theo phương thức tôi xây dựng cơ sở, JAPFA ComFeed Việt Nam đầu tư giống, thức ăn, kỹ thuật và thu sản phẩm. Mỗi kg gà thành phẩm, cộng cả tiền thưởng, tôi chỉ được 4.800 đồng. Trừ điện, nước, tiền thuê nhân công…đi, chẳng còn được mấy tý.
Trang trại chăn nuôi lợn của chị Trần Thị Thuấn Hoa có 2 khu, khu 1 có sức nuôi 2.000 lợn thịt/lứa, mỗi năm đạt sản lượng 500 tấn. Khu 2 nuôi 1.200 lợn nái, mỗi tháng cho ra đời 2.500 lợn con. Số lượng thì lớn vậy, nhưng vì nuôi gia công cho công ty nước ngoài, nên mỗi kg lợn hơi thành phẩm chỉ được 3.000 đồng, mỗi con lợn con được 200.000 đồng.
Hỏi về mức độ đã đầu tư xây dựng trang trại, anh Hiên cho biết, đã đổ vào trang trại trên 5 tỷ rồi mà mới được có thế. Nếu hoàn chỉnh trang trại, anh cần khoảng 7 tỷ nữa, chưa kể tiền mua con giống và thức ăn. Chị Thuấn Hoa đã bỏ ra gần chục tỷ, và chắc chắn phải cần chừng ấy nữa, thì mới tự chủ được hoàn toàn, thoát kiếp làm thuê, nhưng thực sự sức đã kiệt rồi. Nhân đi cùng với Phó Chủ tịch huyện phụ trách nông nghiệp Ngô Xuân Chiến, tôi đặt vấn đề :
- Huyện có cách nào để giúp các chủ trang trại vay vốn của ngân hàng không?
Chủ trang trại gà Phạm Hiên nói ngay:
- Ngân hàng đồng ý cho vay, thế chấp bằng chính cơ sở mà chúng tôi đang có. Nhưng khổ nhất là việc xác định giá trị tài sản thế chấp. Tất cả các khâu từ san lấp mặt bằng đến xây dựng…tất cả đều phải được thể hiện bằng “hóa đơn đỏ” (hóa đơn thuế giá trị gia tăng).
Đây có thể nói là một “bức tường” cao nhất mà các chủ trang trại chăn nuôi không thể nào vượt qua được để có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Hầu hết các chủ trang trại đều đi lên từ “tay trắng”, nên để có được cơ sở như hiện nay, ban đầu họ đã làm việc như một lực điền thật sự.
Ví như để san lấp mặt bằng, họ huy động anh em, và tự mình đào một phần diện tích thuê được làm ao, đất ấy dùng san lấp hay dùng đóng gạch để xây dựng. Thợ xây là người làng, nhiều khi còn chịu cả công xây dựng, rồi thì “lấy ngắn nuôi dài”, được đồng lãi nào lại ném ra đầu tư tiếp. Chẳng mấy chủ trang trại có đủ tiền để thuê một công ty xây dựng nào đó đến làm trang trại cả, thế thì lấy đâu ra hóa đơn đỏ? Một chủ trang trại lợn bảo:
- Hơn 5 năm trời xoay xở, vay cào vay cấu từ người thân cho đến bạn bè, tôi mới gây dựng được thế này, cơ sở của tôi trị giá 6 tỷ. Muốn “hợp lý hóa” toàn bộ bằng hóa đơn đỏ để ngân hàng cho vay khoảng trên 4 tỷ (70% giá trị tài sản thế chấp), thì phải chi phí mất khoảng 400 triệu đồng. Đào đâu ra?
Phó Chủ tịch huyện Ngô Xuân Chiến than thở:
- Hiện tại, hầu hết người chăn nuôi lớn đều vấp phải 2 khó khăn, một là cơ sở hạ tầng (điện, đường, nước, xử lý môi trường…) chưa đảm bảo, và hai là tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cực khó, vì những vướng mắc về thủ tục như trên. Không giải quyết được 2 vấn đề này, người chăn nuôi mãi mãi chỉ là những kẻ làm thuê, để phần lãi cao ngất ngưởng cho doanh nghiệp nước ngoài hưởng.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/84638/Mai-mai-lam-thue-cho-nuoc-ngoai.aspx

NỘI DUNG KHÁC

Đồng Tháp: Duy trì tốc độ phát triển khá về kinh tế

6-10-2011

9 tháng qua, trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tình hình giá cả tăng cao, nhưng tỉnh Đồng Tháp vẫn duy trì tốc độ phát triển khá.

Điểm sáng Mỹ Long Nam

5-10-2011

Hôm nay (5.10), tại Trà Vinh, Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo “Triển khai Chương trình MTQG về xây dựng NTM”.

Hội tìm khách hàng cho nông dân

5-10-2011

Vừa tìm kiếm đối tác vừa mở lớp đào tạo nghề, sau hơn 1 năm, Hội ND Hà Tĩnh đã kéo việc làm mây tre đan xuất khẩu về cho hàng ngàn hộ ND với thu nhập cao và ổn định.

Tiền Giang: Đồng dứa ngập lũ vì dân thiếu tiền điện

5-10-2011

Cả ngàn ha khóm (dứa) ở xã Tân Lập 1 (huyện Tân Phước) đang bị nước lũ đe dọa trong khi ngành điện lại cắt điện khiến không thể bơm nước tiêu thoát.

Xuân Trường gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới

4-10-2011

Huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh là vùng đất văn hiến, giàu truyền thống cách mạng, nơi có nhiều làng nghề nổi tiếng và cũng là địa phương trọng điểm lúa, nhiều năm liên tục là đơn vị dẫn đầu tỉnh và cả nước về năng suất lúa.

Công ty cổ phần cao su Sơn La gắn sản xuất với thực hiện an sinh xã hội

4-10-2011

Trong quy hoạch lại rừng ở Tây Bắc, cây cao su được xem là một lợi thế, giải pháp quan trọng tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Khác với mô hình sản xuất ở các địa phương khác, phát triển cây cao su ở Công ty cổ phần cao su Sơn La được thực hiện theo mô hình người nông dân góp đất và được nhận vào làm công nhân. Theo mô hình này, người nông dân vừa không bị mất đất, vừa có vốn góp vào Công ty, được chia cổ tức khi Công ty có lãi và kết hợp được phát triển chăn nuôi tại chỗ.

Phú Yên: Dân “kêu trời” vì sắn ứ đọng

4-10-2011

Do có quá nhiều nông dân thu hoạch sắn cùng một lúc đã dẫn đến tình trạng Nhà máy không tiêu thụ hết, sắn ứ đọng có nguy cơ phải đổ bỏ.

Hòa Bình nỗ lực cấp nước sạch cho vùng nông thôn

3-10-2011

Với địa hình chủ yếu là đồi, núi, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn, tuy nhiên trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã có các giải pháp để đưa nước hợp vệ sinh đến với nhiều bản, làng vùng sâu, vùng xa và vùng cao. Có nước hợp vệ sinh sử dụng, nhân dân địa phương không còn cảnh phải đi hàng chục km để lấy nước suối, sông về dùng trong sinh hoạt hằng ngày.

Kon Tum tổng kết 10 năm chương trình cơ khí hóa nông nghiệp

3-10-2011

Ngày 28-9, tại TP Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện chương trình phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn (1991-2010). Đồng chí Phạm Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chủ trì Hội nghị.

Sản xuất lúa lai F1: Thành công của Yên Định trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp

3-10-2011

Yên Định là một trong những huyện trọng điểm về canh tác lúa của Thanh Hoá. Trên cơ sở coi trọng việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, nên Yên Định đã trở thành địa phương sản xuất lúa lai F1 lớn nhất của Thanh Hoá. Qua đó, địa phương đã gia tăng được sản lượng trên một đơn vị diện tích, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho nông dân.

Phú Yên: Tạo điều kiện ngư dân phát triển nghề câu cá ngừ đại dương

3-10-2011

Câu cá ngừ đại dương là một trong những thế mạnh của kinh tế biển tỉnh Phú Yên với sản lượng hàng năm từ 4.600 tấn trở lên. Mùa câu cá ngừ đại dương năm nay, ngư dân tỉnh Phú Yên đã khai thác được 5.610 tấn, tăng 13,8% so cùng kỳ năm ngoái.

Bến Tre: Mùa chôm chôm nhiều vị "đắng"

3-10-2011

Hơn nửa tháng nay, nhiều nhà vườn ở các xã Tân Phú, Tiên Thủy, Tiên Long (Châu Thành) và Phú Phụng, Vĩnh Bình, Vĩnh Thành, Sơn Định (Chợ Lách)… vào vụ thu hoạch chôm chôm. Chôm chôm trúng mùa, nhưng mang nhiều vị “đắng”…