THỊ TRƯỜNG

Phía sau "cơn lốc" chè vàng

Ngày đăng: 31 | 08 | 2011

Thời gian qua, nhiều nông trường chè ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang điêu đứng trước "cơn lốc" chè vàng, chè bẩn. Những nông trường chè trở nên xơ xác vì bị người dân tận thu tối đa khi thương nhân Trung Quốc thu mua chè búp tươi với giá cao, đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng và hệ lụy nó để lại thì không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

 
"Thăng hoa" do chè, lao đao cũng... vì chè
Nguyên nhân trực tiếp của "cơn lốc" này là do nhu cầu về chè từ phía Trung Quốc quá lớn, nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng cho sản xuất nên các thương nhân Trung Quốc đã tìm kiếm "mối hàng" tại Việt Nam. Một công nhân của Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng - Lào Cai) cho biết: "Lâu nay, người dân chúng tôi sống nhờ cây chè nhưng giá cả thu mua rất bấp bênh nên chẳng ai giàu được nhờ nghề này. Quần quật vất vả với đồi chè nhưng giá cũng chỉ được 2.300 - 2.500 đồng/kg chè búp tươi, nay bỗng nhiên thương nhân Trung Quốc nâng giá thu mua lên 5.000 đồng/kg, rồi 8.000 đồng, thậm chí có lúc lên tới 12.000 đồng/kg, làm người dân dao động, đua nhau đi thu mua chè. Hám lợi, nhiều người đã hái cả búp già lẫn búp non, hái trước thời hạn, thậm chí còn hái bằng liềm, không để lại búp dài cho lần sau, không cần biết cây chè sống chết ra sao. Một số tư thương còn trộn lẫn chè với búp cây cúc tần, đất, đá để tăng trọng lượng".
Thu hoạch chè ở Nông trường Phong Hải
 
Nhưng cách làm ăn nhất thời, được chăng hay chớ ấy rốt cục đã phải trả giá đắt. Khi giá đang cao chót vót thì phía Trung Quốc đột ngột tạm ngừng thu mua và hạ giá thấp xuống chỉ còn một nửa. Hậu quả là các thương nhân, đầu nậu trong nước bị lỗ nặng. Nông dân thì ngã ngửa vì lúc này các vườn chè đều xác xơ, héo rũ và không biết đến bao giờ mới trở lại xanh tươi.
Theo tính toán, năng suất chè bình quân đạt 6 tấn/ha, nhưng khi bị tận thu như trên thì năng suất lứa sau sẽ giảm 20-30%. Thời điểm cơn lốc "chè vàng" đi qua, đã có hơn 70 doanh nghiệp lớn, nhỏ ở Lào Cai rơi vào khủng hoảng thiếu nguyên liệu. Riêng tại Nông trường Phong Hải, chỉ trong hơn 1 tháng, đơn vị đã mất khoảng 250 tấn chè búp tươi, làm hàng chục hecta chè kiệt quệ. Cơn lốc "chè vàng" vừa tạm lắng thì nạn "chè bẩn" vừa qua cũng đã khiến không ít vùng nguyên liệu chè lao đao.
Vì sao tư thương Trung Quốc lại đẩy giá thu mua chè lên cao như vậy? Tìm hiểu vấn đề này, ông Vũ Quốc Thanh, Giám đốc Nông trường chè Phong Hải cho biết: Quy trình sản xuất chè phơi nắng theo kiểu Trung Quốc đơn giản và không đòi hỏi kỹ thuật cao. Chỉ cần thu gom chè tươi về phơi, vò giập 3-5 phút (bằng máy) hoặc bằng tay (5-7 phút). Sau đó ủ nóng 1-2 giờ rồi phơi. Khi chè héo vàng, thuỷ phần còn 13-18% là bán được. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Việt Nam, chè phải được vò, ủ, sao sấy khô, sàng lọc, đảm bảo vệ sinh và tỷ lệ thuỷ phần chỉ còn 5-7%.
Cách chế biến của Trung Quốc đã giảm chi phí đến mức thấp nhất, chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg, trong khi chi phí cho việc chế biến chè truyền thống của nước ta (theo đúng quy trình) từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Chi phí thấp là nguyên nhân khiến thương nhân Trung Quốc đẩy giá mua chè lên cao mà vẫn có lãi, tạo thành "cơn lốc" chè vàng, gây tác hại lớn đến vùng chè các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nỗ lực hồi sinh
Chúng tôi về Phong Hải khi "cơn lốc" chè vàng đã đi qua một thời gian. Vườn chè sau những ngày xơ xác đã phục hồi trở lại, song có lẽ, dư âm của "cơn lốc" này sẽ còn mãi và trở thành bài học đắt giá đối với người làm chè.
Ông Thanh tâm sự: "Xót xa cho cây chè trước sự tàn phá của "cơn lốc" chè vàng, tôi đã cùng cán bộ của Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân xã đến từng hộ tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu tác hại của việc tận thu cây chè; theo dõi sát sao diễn biến thị trường, điều chỉnh kịp thời giá thu mua để thu hút nguồn nguyên liệu, chấp nhận "lỗ tình thế". Nông trường tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cách thu hái cho 747 hộ trồng chè ở vùng trọng điểm, kiểm tra và hướng dẫn phòng, trừ sâu bệnh cho 1.800 lượt hộ nông dân. Ngoài ra, còn mở thêm 32 đại lý thu mua chè ở gần vùng sản xuất, ứng trước cho dân gần 1 tỷ đồng vật tư. Ban giám đốc tích cực đàm phán với bạn hàng truyền thống và tìm kiếm thị trường mới, nhờ vậy đã nâng giá bán từ 1,37 USD/kg lên 1,6 USD/kg chè xuất khẩu sang Trung Đông. Do đó, huyện Bảo Thắng đã hạn chế tới mức thấp nhất tác động tiêu cực của "cơn lốc" chè vàng.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, tình trạng thu mua chè vàng, chè bẩn có thể tái phát bất cứ lúc nào vì các nhà máy ở Vân Nam (Trung Quốc) sản xuất chè Phổ Nhĩ dạng đóng bánh rất cần nguyên liệu chè tươi. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chiến lược phát triển cây chè cụ thể, tạo nguồn thu ổn định cho nông dân thì ngành chè mới thực sự phát triển bền vững.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Yên Bái vừa kiểm tra 20 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh chè, phát hiện và xử lý 15 cơ sở, như doanh nghiệp Sơn Tim bị phạt 1.950.000 đồng, doanh nghiệp Thành Tân 4 triệu đồng, Hợp tác xã Xuân Anh 16.950.000 đồng, buộc tiêu huỷ 7,4 tấn chè. Qua quá trình kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở chế biến, kinh doanh chè vi phạm không công bố tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè; sản xuất chè có nhiễm bẩn và có vi sinh vật gây bệnh vượt quá giới hạn cho phép; sản xuất chè ở môi trường không đảm bảo vệ sinh.
Thời gian tới, Yên Bái sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra phát hiện doanh nghiệp, cá nhân vi phạm xử lý nghiêm minh, kiên quyết không để chè bẩn có đất sống.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/xahoi/2011/8/29926.html

NỘI DUNG KHÁC

Nâng cao giá trị xuất khẩu cho sản phẩm chè Việt Nam

30-8-2011

Hiệp Hội chè Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới với thị trường xuất khẩu lên tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng giá chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng một nửa so với giá chè bình quân trên thế giới. Do vậy, ngành chè đang nỗ lực tìm các giải pháp để có thể nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm chè trong thời gian tới.

"Từ nay đến đầu năm 2012 không lo thiếu gạo"

30-8-2011

Đó là khẳng định của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa những tháng cuối năm 2011. Ông Phong cho biết:

“Chè bẩn” – tác động xấu đến thương hiệu chè Việt Nam

17-8-2011

Theo ông Đoàn Anh Tuân, nguyên nhân chính của tình trạng “chè bẩn” là do các nhà quản lý chưa nhận thức đúng về ngành sản xuất, kinh doanh chè hiện nay.

Xuất khẩu gạo: Nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức

17-8-2011

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nếu không có đột biến về thời tiết, sản lượng lúa năm 2011 ước đạt 41,017 triệu tấn, tăng khoảng 2,6% so với năm 2010, đảm bảo được an ninh lương thực trong nước và thực hiện được chỉ tiêu xuất khẩu gạo. Giá cả tăng cao, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo nhiều đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đó, trong thời gian tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng sẽ còn không ít thách thức.

Xuất khẩu rau quả không đạt chỉ tiêu

17-8-2011

Tin từ Bộ Công Thương ngày 16.8, dự kiến năm 2011, kim ngạch xuất khẩu rau quả của VN sẽ không đạt chỉ tiêu 600-700 triệu USD mặc dù nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của thế giới đối với rau quả VN không giảm...

Giá phân bón cao do đâu?

15-8-2011

Từ nhiều năm nay, cứ vào mùa vụ giá phân bón lại "nhảy múa", tăng cao, khiến người nông dân phải móc thêm hầu bao vốn đã cạn kiệt để chăm lo cây trồng.

Nghịch lý ngành muối

8-8-2011

Mặc dù công suất sản xuất muối trong nước dư thừa nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu trầm trọng nguyên liệu sản xuất muối chất lượng cao để sản xuất xút-clor. Thực hư câu chuyện này?

Giá gạo xuất khẩu sẽ “nóng” tới cuối năm

8-8-2011

Dựa vào những diễn biến gần đây nhất trên thị trường thế giới, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước dự báo, từ nay tới quý I/2012, giá gạo xuất khẩu sẽ vẫn đứng ở mức cao với nhu cầu thực tế khá lớn.

Câu chuyện giá lúa và bài học thị trường

8-8-2011

Các chuyên gia cho rằng, nếu nông dân không đủ điều kiện dự trữ lúa khi thu hoạch xong, gặp thời điểm thuận lợi về giá nên bán để giảm tổn thất.

Giá gạo trong nước sẽ không tăng đột biến

8-8-2011

Những ngày gần đây, giá gạo trên thị trường TP. HCM có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thì lượng gạo dự trữ từ các doanh nghiệp thành viên luôn ở mức trên 1 triệu tấn hơn nữa các vụ lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn kế tiếp nhau do đó sẽ không có chuyện sốt giá gạo trong nước.

“Cần cơ cấu lại ngành công nghiệp gỗ”

8-8-2011

Trong 10 năm qua kim ngạch xuất khẩu gỗ của nước ta từ 219 triệu USD tăng lên 3,4 tỉ USD, gấp 15,5 lần. Sản phẩm gỗ của Việt Nam, tới nay đã có mặt tại 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, vươn lên trở thành nước có giá trị xuất khẩu gỗ đứng thứ hai trong ASEAN.

Việt Nam có tiếp tục giữ vị trí số 1 về xuất khẩu điều?

5-8-2011

Năm 2010 - năm thứ 5 Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới. Song để giữ được vị trí này trong thời gian tới ngành điều sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn.