TIN TỨC-SỰ KIỆN

Lợi nhuận xuất khẩu gạo còn quá thấp

Ngày đăng: 24 | 06 | 2011

Chi phí sản xuất gạo của VN và Thái Lan chênh nhau không nhiều nhưng lợi nhuận thu được của gạo VN chỉ bằng 65,1% so với Thái Lan.

Tại hội thảo phát triển thị trường ngành hàng nông nghiệp VN 2011 diễn ra mới đây, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước dự báo năm 2019, VN sẽ vượt Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo số một thế giới. Thế nhưng trong khi Thái Lan có xu hướng giảm sản lượng, tăng chất lượng và hình thành sản phẩm gạo chất lượng cao thì VN lại đang tập trung tăng lượng xuất khẩu.
Mới chỉ đạt về số lượng
TS Hoàng Thị Vân Anh, chuyên gia kinh tế về lúa gạo thuộc Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), cho biết khi so sánh lợi nhuận bình quân thu được trên một tấn gạo cho thấy hiệu quả sản xuất lúa gạo của VN đạt được còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, điển hình là Thái Lan. Tổng chi phí sản xuất một tấn gạo từ các khâu sản xuất, thu gom, chế biến đến tiêu thụ gạo của VN bình quân khoảng 921 USD/tấn, lợi nhuận là 145 USD/tấn. Trong khi Thái Lan chi phí là 915 USD/tấn, lợi nhuận là 222 USD/tấn.
“Chi phí sản xuất gạo của VN và Thái Lan chênh nhau không nhiều nhưng lợi nhuận thu được của ngành gạo VN chỉ bằng 65,1% so với Thái Lan bởi gạo của họ chất lượng và giá bán cao hơn. Như vậy, cứ một tấn gạo, ngành lúa gạo Thái Lan thu được lợi nhuận cao hơn VN khoảng 78 USD” - TS Vân Anh phân tích.
Theo bà Vân Anh, nguyên nhân khiến cho lúa gạo VN lâu nay vẫn thua kém Thái Lan về chất lượng là do VN chưa tạo ra được vùng nguyên liệu đủ lớn để có thể chủ động về sản lượng xuất khẩu. Có thể thấy rằng sản xuất lúa gạo của VN chủ yếu dưới hình thức nông hộ quy mô nhỏ nên ruộng đất manh mún, phân tán phổ biến ở nhiều vùng, đặc biệt là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Tình trạng này đã làm cản trở rất nhiều đến quá trình cơ giới hóa, phát triển sản xuất lúa tập trung gắn với chế biến. Ngoài ra, với diện tích manh mún sẽ rất khó để áp dụng công nghệ nhằm tăng năng suất và kiểm soát nguồn gốc và chất lượng.
Đóng gói gạo xuất khẩu tại tỉnh Long An.
 
Bên cạnh đó, các giống lúa tốt còn thiếu, do vậy hằng năm VN phải nhập gần 70% các giống lúa cho sản xuất. Công nghiệp chế biến gạo trong những năm gần đây phát triển khá nhanh về quy mô. Tuy nhiên, phần lớn chế biến gạo trong nước mới chỉ dừng lại ở quy trình xay xát, sàng tuyển và đóng bao, ít thực hiện các quy trình hoàn chỉnh bao gồm phân loại kích thước, đánh bóng hạt và sấy khô hạt. Chất lượng gạo qua chế biến còn thấp, giá trị gia tăng ở khâu chế biến chưa nhiều, mới chỉ đóng góp khoảng 20% cho giá trị gia tăng/tấn gạo, trong khi Thái Lan là 26%.
90% hàng xuất khẩu là dạng sơ chế
Chuyên gia kinh tế - GS-TS Đỗ Đức Bình, giảng viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, cho rằng đến nay chúng ta chưa có những mặt hàng nông sản chủ lực tạo ra giá trị tăng cao trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến và sử dụng lao động có trình độ. 90% hàng nông sản VN xuất khẩu dưới dạng sơ chế, mẫu mã bao bì chưa phù hợp, chưa có thương hiệu nên giá trị gia tăng thấp, rất dễ bị rủi ro bởi sự biến động của giá cả trên thị trường thế giới. Sở dĩ có tình trạng trên là do sản xuất phân tán, không phù hợp với nền sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, tập trung.
Mặt khác, theo ông Bình, do chúng ta chưa quy hoạch các vùng chuyên canh theo nhu cầu thị trường bởi nhu cầu về gạo trên thế giới rất lớn và đa dạng, mỗi thị trường có nhu cầu riêng về từng loại gạo. Ví như thị trường châu Phi thì chủ yếu tiêu thụ các loại gạo cứng và gạo đồ, thị trường Philippines và Indonesia tiêu thụ gạo dài thường, thị trường EU lại ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao và đặc sản.
“Thời gian qua, VN sản xuất chủ yếu các loại gạo có phẩm cấp thấp và trung bình, còn loại chất lượng cao, đặc sản cũng có sản xuất nhưng sản lượng ít và khó cạnh tranh hơn so với gạo Thái Lan và Ấn Độ. Vì thế, mặc dù xuất khẩu gạo của VN đứng thứ hai thế giới về sản lượng nhưng lại đứng thứ tư về giá trị do giá thấp và không ổn định” - TS Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Vân Anh cho rằng quy chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, cơ chế phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cũng còn nhiều bất cập. Tuy ở ngay tại vùng nguyên liệu dành cho xuất khẩu nhưng doanh nghiệp kinh doanh lương thực của đồng bằng sông Cửu Long được phân bổ chỉ tiêu quá khiêm tốn nên khả năng thu mua gạo bị hạn chế, không đảm bảo việc tiêu thụ hết lúa cho nông dân. Do đó, tiến độ tiêu thụ, đặc biệt là giá lúa gạo tại đây phụ thuộc rất lớn vào mức giá tại thời điểm quyết định triển khai thu mua của các đơn vị và thương lái. Đây là một trong những nguyên nhân làm giá cả, đầu ra lúa gạo thường không ổn định.
Cần hỗ trợ ngay để nâng giá trị gạo
Năm nay dự báo xuất khẩu gạo năm ước đạt 7,1-7,4 triệu tấn. Chỉ tính riêng tháng 5-2011, sản lượng lúa gạo xuất khẩu đạt gần 704.000 tấn, trị giá hơn 326 triệu USD… Với những thành tựu này, thời gian qua Chính phủ luôn xem lúa gạo là nhiệm vụ trung tâm của phát triển nông nghiệp nông thôn, từ đó có những chính sách đầu tư đáng kể cho lúa gạo.
Thành công về lúa gạo của VN là niềm mơ ước của nhiều nước nhưng trước giai đoạn mới, sản xuất lúa gạo và xuất khẩu phải thay đổi. Trong đó, chính sách hỗ trợ ngành lúa gạo, nâng cao chuỗi giá trị… là những việc cần làm ngay.
TS BÙI BÁ BỔNG, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Thái Lan: Đảm bảo cho nông dân có lãi
Theo kinh nghiệm của Thái Lan, họ cho công bố rộng rãi lượng gạo xuất khẩu trong năm, rồi thu mua lúa dự trữ sẵn với mức giá đảm bảo cho nông dân có lãi. Lượng gạo này được kiểm tra đánh giá chất lượng từng loại, đảm bảo tính đồng nhất, sau đó bán cho DN có nhu cầu xuất khẩu. DN nào cần số lượng bao nhiêu, chủng loại nào thì liên hệ với bộ phận phân phối của Bộ Thương mại.
TS HOÀNG THỊ VÂN ANH, Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công Thương
 
Theo Báo Pháp luật TP.HCM

NỘI DUNG KHÁC

Chung niềm vui xây dựng nông thôn mới

24-6-2011

Ngày 24.6, một sự kiện đặc biệt đối với các xã nông thôn mới (NTM) cả nước sẽ diễn ra tại xã Tam Phước (Phú Ninh, Quảng Nam).

Xuất khẩu gạo: Hướng tới thị trường mới

24-6-2011

Hiệp hội Lương thực VN (VFA) vừa khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu (XK) gạo cần chủ động phương án mua tạm trữ, đề phòng giá gạo có thể giảm ngoài dự kiến; đồng thời hướng đến các thị trường mới để đạt mục tiêu XK gạo trong tháng tới.

Nông dân bán... khí trời

24-6-2011

Trồng rừng nhưng không chỉ bán gỗ, củi... mà nông dân còn có thể bán “tín chỉ cacbon” (khí trời). Đây là khái niệm khá lạ lẫm với nông dân, nhưng trong tương lai, tín chỉ này sẽ là một “mặt hàng” được mua bán nhiều nhất.

Ngành nông nghiệp điều chuyển gần 105 tỷ đồng vốn bổ sung cho các dự án cấp bách

24-6-2011

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP, toàn ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các chủ đầu tư rà soát kế hoạch vốn phân bổ năm 2011 và đã cắt, giảm gần 105 tỷ đồng để điều chuyển, bổ sung cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hoàn thành trong năm 2011 theo cơ cấu vốn từng ngành, lĩnh vực.

Tập trung phát triển chăn nuôi, thủy sản vùng Tây Bắc

24-6-2011

Ngày 23-6, tại Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức hội nghị đánh giá việc chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản vùng Tây Bắc. Ðồng chí Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị.

Hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản Việt Nam

24-6-2011

Hội chợ năm nay thu hút hơn 190 doanh nghiệp từ 15 nước tham gia, tăng gần 6% so với năm 2010 .

Đề xuất miễn giảm gần 30.000 tỉ đồng tiền thuế thu nhập

24-6-2011

Ngày 23.6, trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, bộ trưởng bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, chính sách miễn, giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân trong hai năm 2011 và 2012 với tổng số tiền gần 30.000 tỉ đồng vừa được bộ trình Thủ tướng để báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Nếu được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ nhất, chính sách này sẽ áp dụng ngay từ tháng 8 năm nay.

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp, thủy sản

24-6-2011

Tổng cục Thống kê cho biết, từ ngày 1-30/7, sẽ tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Kịch bản nào cho an ninh lương thực quốc gia?

23-6-2011

An ninh lương thực (ANLT) đang trở thành nỗi lo chung của toàn thế giới khi những diễn biến về biến đổi khí hậu, chính sách thương mại của các quốc gia ngày càng gây khó khăn cho việc cung cấp nguồn lương thực. Việt Nam là một trong 5 quốc gia được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo ANLT ngày càng cấp bách.

Long đong phận sắn: Hai bộ cùng quản lý

23-6-2011

Sắn đang được Bộ Công Thương chọn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cần phải đẩy mạnh mở rộng diện tích. Trong khi đó, với việc nông dân nhiều địa phương ồ ạt phá rừng trồng sắn, Bộ Nông nghiệp và PTNT lại đưa loại cây này vào "diện" cần phải hạn chế mở rộng diện tích. Sự thiếu phối hợp giữa hai bộ đang khiến người dân không biết đâu mà lần...

Chỉ số giá tiêu dùng hạ nhiệt: Hiệu ứng tích cực

23-6-2011

Sau tám tháng có xu hướng tăng cao (từ tháng 10-2010), tháng 6-2011 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã giảm mạnh. Dự kiến, CPI sáu tháng của cả nước chỉ tăng khoảng 1%, giảm đáng kể so với mức tăng 3,32% trong tháng 4 và 2,21% tháng 5.

Mỹ lùi thời hạn công bố kết quả cuối cùng về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam

23-6-2011

DOC cần thêm thời gian để xem xét hồ sơ do các bên liên quan gửi tới, vì vậy cơ quan này quyết định lùi thời hạn công bố thêm 45 ngày.